Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCCHÍNH TRỊTHAM LUẬN "BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN...

THAM LUẬN “BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM” – BÀI 2: BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG BẰNG CÁCH NÀO? (Tiếp theo)

ISSTH – Viện Nghiên cứu Khoa học Nhân tài – Nhân lực xin trân trọng giới thiệu bản tham luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam” của Tiến sĩ Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang).

BÀI 2: BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG BẰNG CÁCH NÀO?

1. VỀ LÝ LUẬN (mặt trận mềm)

Các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều luận điệu xuyên tạc về nhân quyền, dân chủ và sự phát triển của Việt Nam nhằm thay đổi nhận thức và phá vỡ niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Để trang bị cho mình một “lá chắn thép” trước những âm mưu phá hoại của giặc, ai cũng phải tìm hiểu NTTTĐ để xây dựng niềm tin vững vàng nơi sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời có trách nhiệm truyền bá NTTTĐ cho cộng đồng và giải thích thuyết phục đấu tranh đến cùng đối với những người có suy nghĩ sai lệch bất mãn để xây dựng lại cho họ niềm tin đối với Đảng.

· Luận điệu 1: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất nên độc đoán chuyên quyền bóp nghẹt tự do dân chủ và làm cho đất nước nghèo nàn. Việt Nam cần phải đa nguyên đa đảng đối lập chính trị để có sự cạnh tranh và kiểm soát lẫn nhau. Chỉ có đa nguyên đa đảng thì đất nước mới giàu mạnh.

Phản biện:

Thứ nhất, Việt Nam không cần và không chấp nhận thực hiện chế độ đa nguyên chính trị đa đảng đối lập. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh một cách sinh động nhất.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam gắn liền với quá trình lịch sử của đất nước. Vai trò của Đảng càng được khẳng định qua những đường lối chính trị đúng đắn khi đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh đuổi các thế lực ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Trong quá trình xây dựng, đổi mới và hội nhập thế giới, Đảng tiếp tục dẫn dắt tài tình giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu vẻ vang và ngày có vị thế cao trên trường quốc tế. Với những gì Đảng đã làm và cống hiến cho dân tộc Việt Nam, Đảng xứng đáng ở vai trò lãnh đạo và xứng đáng là sự chọn lựa duy nhất của nhân dân Việt Nam.

Ta cũng cần xác định lại rằng, mục tiêu hướng đến của một nhà nước chân chính là toàn tâm toàn lực xây dựng đất nước phát triển, thiết lập một xã hội ổn định để đảm bảo cho đời sống nhân dân được no ấm. Đất nước Việt Nam bao năm qua, dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng, chúng ta đã xây dựng lại một đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, ngân sách kiệt quệ trống rỗng, kinh tế bị bao vây cấm vận trở thành một đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, một đất nước hòa bình thịnh vượng và chỉ có bạn. Những gì Đảng đã làm cho dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng Đảng là một tổ chức chính trị chân chính, chỉ ra đời và hoạt động vì lợi ích của nhân dân theo đúng lời dạy của Bác Hồ khi xưa: “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác” 10.

Để thực hiện được lời dạy đó của Bác là một sự nỗ lực hết mình của Đảng và bộ chính trị Việt Nam và như vậy một đảng hay đa đảng không quan trọng mà điều quan trọng là lực lượng lãnh đạo đó có làm cho đất nước phát triển không, có đảm bảo dân chủ, có nâng cao chất lượng đời sống của người dân hay không. Nếu làm được những điều như vậy thì một đảng vẫn hơn là đa đảng. Trong suốt 90 năm qua, Việt Nam chỉ do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng Đảng đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đã đạt được mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất nên Việt Nam không cần phải đặt ra vấn đề đa đảng.

Với ưu điểm do một đảng lãnh đạo, các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành sẽ luôn đạt được tính nhất quán triệt để từ trung ương đến địa phương, phát huy hiệu quả tối cao trong công tác quản lý. Đây là một điều cần thiết và hết sức quan trọng trong hoạt động điều hành của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bởi tính thống nhất về đường lối chính trị sẽ tạo nên một nền chính trị ổn định, quyền lực nhà nước không bị phân chia. Với tính ưu việt của hệ thống chính trị nhất nguyên một đảng lãnh đạo ổn định như vậy thì Việt Nam lại càng kiên quyết trung thành với đường lối này và cũng không cần phải đa đảng để tránh hiện tượng phân chia quyền lực, đấu đá giữa các đảng phái gây bất ổn xã hội.

Thứ hai, dân chủ và phát triển đất nước không lệ thuộc vào chế độ đa nguyên, đa đảng mà phụ thuộc vào bản chất của Đảng cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào, tầng lớp nào trong xã hội.

Dân chủ là phạm trù lịch sử, xuất hiện khi nhà nước xuất hiện và mỗi nền dân chủ gắn với một nhà nước nhất định, được pháp luật quy định, tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa trong từng giai đoạn. Mỗi nước có những đặc thù về trình độ phát triển về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa khác nhau, do đó có nền dân chủ khác nhau. Chính những điều kiện đó sẽ quy định dân chủ chứ không phải do đa đảng hay một đảng quy định và như vậy không phải nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn. Ta cần hiểu đúng về điều này cũng như hiểu về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng tư tưởng dân chủ nhân quyền để chống phá Đảng và nhà nước ta.

Qua thực tiễn các nước đa nguyên đa đảng trên thế giới, ta sẽ thấy rõ việc thực hiện đa nguyên đa đảng không đồng nghĩa với việc sẽ đảm bảo được dân chủ và đất nước sẽ phát triển.

Có nhiều quốc gia hiện nay theo thể chế đa đảng nhưng nền dân chủ đang bị vi phạm nghiêm trọng như Hoa Kỳ, Belarus, Algeria, Sudan, Hàn Quốc…Ở các quốc gia đa đảng này, quyền được biểu tình một cách ôn hòa để người dân thể hiện ý chí nguyện vọng của mình được xem là dân chủ, được pháp luật bảo đảm. Nhưng thực tế các phe chính trị đối lập đã lợi dụng quyền biểu tình này kích động người dân gây bạo loạn để thực hiện mưu đồ chính trị, lật đổ chính phủ hợp hiến hợp pháp với lý do chính phủ không còn phù hợp nữa hoặc do bầu cử gian lận. Các cuộc biểu tình kéo dài đã khiến cho nền chính trị các quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn, xã hội rối loạn và nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, trong đó người dân là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Khái niệm dân chủ mà người dân thực sự cần đến là một đất nước thanh bình với nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển, làm việc, học tập và vui chơi trong tâm trạng thoải mái chứ không phải luôn nơm nớp lo sợ vì những cuộc biểu tình bạo loạn nổi lên khắp nơi.

Có những quốc gia đa đảng nhưng nền kinh tế lại kém phát triển nhất thế giới và người dân luôn sống trong tình trạng đói khát, không có thực phẩm và nước sạch cho ăn uống sinh hoạt do sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái và nội chiến kéo dài, điển hình như Burundi, Cộng hòa dân chủ Congo, Mozambique, Liberia…

Thêm vào đó, các quốc gia đa đảng như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ… đều là những nước có số lượng người vô gia cư cao nhất thế giới11. Tại các quốc gia này, vấn đề vô gia cư không phải là mối quan tâm của nhiều chính trị gia, thậm chí còn bị đối xử bằng sự ác cảm và bỏ mặc. Nghiên cứu mới thăm dò ý kiến bởi Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia (NORC) vào tháng 10/2020 cho thấy 80.2% người Mỹ nghĩ rằng chính phủ đã không làm đủ trách nhiệm để giúp đỡ người vô gia cư12. Dưới tác động của đại dịch Covid, số lượng người vô gia cư ngày một tăng mạnh. Người vô gia cư có nguy cơ mắc Covid cao hơn do họ không có nhà ở và điều kiện phòng tránh dịch bệnh tốt nhất. Như tại Mỹ, trong số 408 người vô gia cư đang ở trong các trại tạm trú ở Boston, Massachusetts, 36% có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, tỷ lệ tử vong do COVID-19 dự báo ở những người vô gia cư nằm trong ngại hơn khi số lượng người vô cư là trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng tăng cao. Nhiều thanh thiếu niên đã trở thành người vô gia cư trong trận đại dịch sau khi phải lựa chọn giữa việc trả tiền cho các lớp học và tiền thuê nhà14.

Ở các nước đa đảng này, ngay cả nhu cầu tối thiểu nhất để cuộc sống con người có phẩm giá là có nhà ở, có cơm ăn áo mặc đàng hoàng nhưng cũng không được chu toàn thì khó dám nghĩ đến tiêu chuẩn dân chủ nào cao hơn. Những kẻ xấu luôn hô hào rằng chính phủ các quốc gia đa đảng sẽ đảm bảo dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân tuyệt đối. Nhưng khi chứng kiến số phận thực tế của những người vô gia cư, ta hiểu một điều rằng chính phủ của các nhà nước tư bản ưu tiên bảo vệ lợi ích và quyền tư hữu của giới tư nhân giàu có hơn là lợi ích của những người nghèo khổ. Như vậy rõ ràng không phải đa đảng sẽ có dân chủ hơn mà dân chủ hay không phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền bảo vệ lợi ích cho ai. Ở quốc gia nhất nguyên một đảng, nhưng nếu đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của đa số người dân, phục vụ và bảo vệ cho số đông thì quốc gia đó vẫn dân chủ hơn các quốc gia đa nguyên đa đảng.

Một số nước hiện nay tuy chỉ với nền chính trị nhất nguyên nhưng tình hình chính trị xã hội vẫn rất ổn định, kinh tế phát triển không ngừng. Singapore tuy có nhiều đảng nhưng các đảng đối lập chỉ dành được không quá 06 ghế trong các kỳ bầu cử thành viên nghị viện vào quốc hội. Như vậy trên thực tế, Singapore vẫn chỉ do Đảng hành động nhân dân (PAP) cầm quyền trong suốt 60 năm qua từ khi lập quốc. Hay chế độ chính trị của Trung Quốc theo mô hình nhất nguyên, đa đảng nhưng trên thực tế chỉ do Đảng Cộng sản Trung Quốc duy nhất cầm quyền.

Tính chất nguy hiểm, thâm độc của luận điệu “Không thể có dân chủ trong chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam” không chỉ dừng lại ở vấn đề đa nguyên đa đảng, mà còn cổ súy cho sự ra đời và công khai hoá, hợp pháp hoá các tổ chức chính trị đối lập bên cạnh Đảng Cộng sản, từ đó tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài học lịch sử khi xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ đã thể hiện rõ âm mưu thâm độc này thông qua chiêu bài diễn biến hòa bình, tự do dân chủ nhân quyền. Tháng 3/1990, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô đã hủy bỏ vị trí vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và tuyên bố tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các chính đảng tham gia xây dựng và quản lý nhà nước xã hội15. Sau đó gần 1 năm, đã có tới 153 tổ chức đảng phái ra đời, cạnh tranh công khai và hợp pháp với Đảng Cộng sản Liên Xô. Hệ quả cuối cùng là Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị tước mất quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội dẫn đến việc Liên bang Xô Viết chính thức tan rã sau hơn 70 năm xây dựng và phát triển.

Thứ ba, Việt Nam tuy với chế độ nhất nguyên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng lại đảm bảo được tiêu chí cơ bản nhất về dân chủ là chăm lo cho người dân được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc, học tập, làm việc và vui chơi trong một xã hội ổn định và thực hành dân chủ ở nước ta ngày càng tốt hơn.

– Trong lĩnh vực kinh tế: Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Tiến trình đổi mới đã làm cho quyền tự do tự chủ trong sản xuất kinh doanh của cá nhân, tập thể lao động, các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp được thực hiện ngày càng tốt hơn. Phát huy được quyền làm chủ và tính năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, trong hội nhập kinh tế quốc tế. Người dân được tạo điều kiện nhiều hơn trong tìm kiếm việc làm, được có cơ hội nhiều hơn trong việc học tập nghiên cứu.

– Trong lĩnh vực chính trị: dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước, đoàn thể xã hội trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử được mở rộng. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được đảm bảo hơn, việc xử lý các hành vi vi phạm quyền dân chủ được chú trọng hơn. Hệ thống chính trị có những đổi mới theo hướng tinh gọn hiệu quả và dân chủ hóa công khai minh bạch trong phương thức hoạt động, qua đó dân chủ xã hội ngày càng được phát huy hơn.

– Phản biện xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp ra đời đáp ứng nhu cầu đa dạng đa chiều của nhân dân. Các hình thức thực hiện dân chủ (dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện) từng bước được mở rộng, đổi mới và thực hiện hiệu quả hơn.

– Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội: Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các giải pháp hữu hiệu trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, công nghệ, môi trường… ngày càng hoàn thiện và đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân. Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác đã cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện rõ quyền làm chủ của người dân trong thời kỳ phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới. Công bằng và bình đẳng xã hội có bước tiến bộ rõ rệt.

Thứ tư, việc giữ cho xã hội được ổn định bền vững và sự tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo là nhiệm vụ cốt lõi của bất kỳ quốc gia nào chứ không phải đa nguyên đa đảng là cốt lõi. Nếu Việt Nam chỉ do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ này thì rõ ràng một đảng vẫn hơn đa nguyên đa đảng. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực như:

– Về kinh tế: Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với sự vận dụng linh hoạt sáng tạo trong thời kỳ hội nhập đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt gần 2.800 USD. Năm 2020 Việt Nam là một trong số hiếm hoi các quốc gia ghi nhận tăng trưởng GDP dương khi đại dịch COVID – 19 bùng phát khắp thế giới. Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới16. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất17. Thành tựu giảm nghèo đa chiều của đất nước cũng rất đáng ghi nhận: tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%18, Việt Nam đứng thứ 29 trong số 102 quốc gia và nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Với thành tích này, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu xóa đói giảm nghèo hiệu quả, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.

– Về giáo dục: Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Trong các đợt đánh giá PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế), Việt Nam cũng đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, khi có kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn19.

– Về y tế: Đến năm 2020, toàn quốc số người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số – vượt 10,85% chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội. Đây là dấu mốc quan trọng để hướng đến toàn dân đều tham gia và sử dụng BHYT. Qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc và giúp chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân.

– Về vị thế Việt Nam trên trường quốc tế: Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã gia nhập ASEAN năm 1995; ASEM năm 1996; APEC năm 1998; WTO năm 2007; CPTPP năm 2018. Đã đăng cai thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017; hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều năm 2019… Việt Nam với sự tham gia tích cực đã được bầu là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 và nhiệm kỳ 2023 – 2025. Đặc biệt, Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức vụ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009, nhiệm kỳ 2020 – 2021 (đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu).

Có thể khẳng định, những kết quả đã đạt được sau 35 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực đã khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta với quan điểm chính trị nhất quán, đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đề cao tự cường, tự tin nỗ lực hòa mình trong dòng chảy thời đại để có vị thế và uy tín trên trường quốc tế như ngày nay20.

Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã được thụ hưởng một cuộc sống hạnh phúc trong nền chính trị nhất quán và an ninh quốc gia được giữ vững. Cùng với đó là sự phát triển bền vững của nền kinh tế đã tạo nên một hình ảnh Việt Nam hòa bình và thịnh vượng trong mắt cộng đồng quốc tế. Theo bảng xếp hạng Expat Explorer, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 19 trong top những quốc gia đáng sống và làm việc nhất trên thế giới năm 202121. Trong khoảng thời gian từ 1990 – 2019, giá trị HDI22 của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới23. Không những thế, dư luận quốc tế, chính phủ và nhân dân các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới đánh giá cao, ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ nhất nguyên ở Việt Nam. Nhiều đoàn đại biểu quốc tế sang Việt Nam nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về xây dựng sự ổn định chính trị xã hội24. Như vậy, Việt Nam không có lý do gì phải chuyển đổi sang chế độ đa nguyên đa đảng như một số nước trên thế giới vốn đang vướng mắc quá nhiều vấn đề nan giải chưa có hướng giải quyết.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của mình trong suốt 90 năm kể từ ngày thành lập cho đến nay. Trong những lúc Việt Nam bế tắc về đường lối lãnh đạo cách mạng chống giặc ngoại xâm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình khi lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, những thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội, giáo dục, y tế là một minh chứng thực tiễn sống động rằng Đảng đã đảm bảo cho người dân những quyền dân chủ cơ bản và một cuộc sống hạnh phúc ấm no. Nhìn vào những gì Đảng đã làm cho dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng Việt Nam thực sự không cần và không muốn đa Đảng. Khẳng định này không phải là một sự áp đặt của giới cầm quyền mà là từ chính tâm tư và nguyện vọng của mỗi người dân Việt Nam. Từ đó chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và sự lãnh đạo sáng suốt tài tình Đảng, đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa, đạt được uy tín và vị thế trên trường quốc tế cao hơn nữa và chắc chắn sẽ phát triển bền vững trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

· Luận điệu 2: Công kích mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc, phê phán, bóp méo. Những luận điệu này gây tâm lý hoang mang dao động trong một bộ phận cán bộ Đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến sự thống nhất tư tưởng trong nội bộ Đảng và trong xã hội. Đây là những luận điệu hết sức hiểm độc nên việc nhận diện và chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái thù địch về nội dung này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực này, ta cần phân tích làm rõ một số quan điểm sau đây:

Một là, trên thế giới không có cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội mang tính đối lập nhau, nếu đưa thêm đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” vào là một sự gán ghép khiên cưỡng.

Trong quản lý và điều hành đất nước, bất cứ quốc gia – dân tộc nào cũng có quyền lựa chọn một mô hình quản lý phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với đặc điểm của đất nước mình. Từ thời lập quốc đến nay, Việt Nam đã áp dụng và thực hiện hai mô hình phát triển kinh tế cơ bản là mô hình kế hoạch hóa tập trung và mô hình kinh tế thị trường. Tuy nhiên mô hình kế hoạch hóa tập trung chỉ phát huy tác dụng trong thời chiến vì ưu điểm có thể huy động tối đa các nguồn lực kinh tế phục vụ cho chiến tranh. Nhưng với những hạn chế về quan liêu, triệt tiêu sáng tạo và sức cạnh tranh trong nền kinh tế đã làm cho mô hình này không có sức sống trong thời bình25.

Với tinh thần đổi mới tư duy toàn diện trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn mô hình phát triển kinh tế thị trường, một mô hình vốn là thành tựu của nền văn minh nhân loại và là con đường tất yếu mà các dân tộc buộc phải đi theo để phát triển. Vấn đề đặt ra là, Việt Nam phải xây dựng và thực thi mô hình kinh tế thị trường kiểu gì để phù hợp với đặc điểm phát triển của đất nước trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, các nước trên thế giới đã và đang có các phương án lựa chọn khác nhau trong phát triển kinh tế thị trường.

– Kiểu thứ nhất là kinh tế thị trường tự do, được thực hiện ở hầu hết các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Mô hình này hạn chế sự can thiệp và điều tiết của nhà nước, trong khi đó đề cao sự vận hành tự do của quy luật cung – cầu, quy luật cạnh tranh. Sự tham gia của nhà nước vào quá trình phân bổ hệ thống phúc lợi xã hội, ngăn chặn và xử lý các thất bại của thị trường, tuy vẫn được coi trọng nhưng không nhiều.

– Kiểu thứ hai là kinh tế thị trường xã hội, thực hiện ở một số nước Tây – Bắc Âu (điển hình là nước Đức). Đây là một nền kinh tế mà trong đó nhà nước bảo đảm tự do hoạt động kinh tế, nhưng có chính sách quản lý điều tiết về kinh tế, cũng như về xã hội để đạt được sự cân bằng về xã hội. Đặc trưng nổi bật của mô hình này là ngoài mục tiêu lợi nhuận, phát triển kinh tế cũng rất coi trọng các mục tiêu xã hội và phát triển con người như công bằng xã hội, phúc lợi cho người nghèo và người lao động, quyền tự do…).

– Kiểu thứ ba là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa áp dụng. Sự ra đời của mô hình này gắn với sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, vốn trước đó phủ nhận vai trò của kinh tế thị trường. Với mô hình này, Trung Quốc muốn khẳng định với thế giới một mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu mới mà Trung Quốc đã lựa chọn: chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Mô hình này cũng áp dụng các quy luật kinh tế thị trường, nhưng nhà nước can thiệp mạnh hơn vào thị trường, đồng thời tác động nhiều vào tính xã hội26.

Trong khi đó, ở Việt Nam mới chỉ đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội – một thời kỳ quá độ đang hướng đến mục tiêu xã hội xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa là cần một quá trình phấn đấu và phát triển lâu dài Việt Nam mới có thể xây dựng được mô hình chủ nghĩa xã hội hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó. Để phù hợp và tương thích với hoàn cảnh và đặc điểm của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn xây dựng mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình này được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo và thực hiện xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay và tên gọi này chính thức được dùng từ Đại hội IX của Đảng (năm 2001). Cho đến nay, hệ thống lý thuyết về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam dần được hoàn thiện hơn, sâu sắc hơn qua từng thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước cũng như qua bài học thực tiễn đúc kết kinh nghiệm từ sự hạn chế của các nền kinh tế thị trường trên thế giới.

Sau 35 năm đổi mới, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã rất nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tình trạng kém phát triển, kinh tế tăng trưởng khá, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình khi duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trên 6,5% năm trong suốt hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt gần 2.800 USD, Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%27. Đời sống nhân dân đã được cải thiện ngày một rõ rệt. Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng Việt Nam đã nỗ lực trở thành con rồng đang trỗi dậy ở khu vực châu Á trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội28.

Về ngoại giao, nếu như trước đây chúng ta đóng cửa không giao thương với các quốc gia khác thì nay nhà nước ta đã và đang mở cửa để hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, tính cạnh tranh cũng không thua kém gì so với những quốc gia có nền KTTT khác. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai hiệu quả 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam)29, v.v.. Đồng thời, chúng ta đã ký, chờ phê chuẩn có hiệu lực EFTA (Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein) và Israel30. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 67/137 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 201831. Điều đó cho thấy, cộng đồng quốc tế công nhận độ mở và năng lực cạnh tranh của nền KTTT định hướng XHCN ngày càng cao.

Chính sự lựa chọn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đã và đang được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc hơn. Việt Nam từ một đất nước nghèo nàn lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới thì đời sống của mọi người dân nay đã được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, giải trí một cách toàn diện. Sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong 35 năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận sâu sắc khi hai tiếng “Việt Nam” từ chỗ từng gắn với “Vietnam war” (Chiến tranh ở Việt Nam) đã chuyển sang “Vietnam Renewal” (Công cuộc đổi mới ở Việt Nam) hay “Vietnam Reforms” (Công cuộc cải cách của Việt Nam)32.

Trong khi đó, xã hội tư bản có nền chính trị đa đảng vẫn đang tồn tại nhiều khuyết tật và mâu thuẫn không thể giải quyết như là sự thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng xã hội… Đặc biệt, tình trạng khủng bố, bạo lực, tội phạm, an ninh, phân biệt chủng tộc diễn ra triền miên, điển hình là phương Tây, Mỹ, khu vực Trung Đông. Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về quyền tiếp cận lương thực thì trong tình hình dịch bệnh Covid vào đầu năm 2021, khoảng 1/5 dân số châu Âu, tức khoảng 92 triệu người, đang đối mặt với đói nghèo. 1/3 trong số 44 triệu dân ở quốc gia Nam Mỹ đang sống trong nghèo đói, khoảng 11 triệu người đã phải yêu cầu viện trợ lương thực33. Những thành tựu rực rỡ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã tạo nên mình hình ảnh Việt Nam hòa bình thịnh vượng trong mắt cộng đồng quốc tế, Đó là minh chứng hùng hồn cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và nhà nước, minh chứng cho sự lựa chọn đường lối kinh tế thị trường định hướng XHCN là một sự sáng tạo đột phá nhưng hoàn toàn phù hợp với tình hình đất nước với thời đại, chắc chắn sẽ đưa đất nước Việt Nam bay lên.

Hai là, luận điệu xuyên tạc “kinh tế thị trường là gắn với chủ nghĩa tư bản”, “là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản”.

Trước hết, kinh tế thị trường không phải là một chế độ kinh tế – xã hội mà là một hình thức, phương pháp vận hành nền kinh tế. Ở đó, các quy luật của thị trường chi phối việc phân bổ tài nguyên, quy định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Đây là một kiểu mô hình kinh tế hình thành và phát triển do những đòi hỏi khách quan về sự phát triển của lực lượng sản xuất. Quá trình hình thành và phát triển kinh tế thị trường là quá trình mở rộng phân công lao động xã hội, phát triển khoa học – công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh. Sự phát triển của kinh tế thị trường gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại, của khoa học kỹ thuật và của lực lượng sản xuất. Sự phát triển này là sản phẩm từ sự phát triển khách quan của lịch sử xã hội loài người và như vậy, kinh tế thị trường không phải sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, càng không phải là chủ nghĩa tư bản, dù theo bất kỳ cách tiếp cận nào.

Theo C. Mác, kinh tế thị trường là một giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử, mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải qua để đạt tới nấc thang cao hơn trên con đường phát triển, và trong chủ nghĩa tư bản thì kinh tế thị trường phát triển đến trình

độ phổ biến. Nấc thang cao hơn chính là nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Để chuyển lên nấc thang này, nền kinh tế thị trường phải phát triển hết mức, phải trở thành phổ biến trong đời sống kinh tế – xã hội. Đây là một kết luận có ý nghĩa quan trọng về lý luận. Nó khái quát quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, trong đó, kinh tế thị trường được xác định là một nấc thang tất yếu, mang tính phổ biến. Rõ ràng, luận điểm cho rằng, kinh tế thị trường chỉ gắn liền với chủ nghĩa tư bản là không có cơ sở khoa học.

Ba là, luận điệu xuyên tạc “định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường là bóp nghẹt kinh tế tư nhân và loại bỏ kinh tế tư nhân.”

Về bản chất, nền kinh tế thị trường có cấu trúc đa sở hữu. Trong cấu trúc đó, sở hữu tư nhân luôn luôn là thành tố tất yếu, bắt buộc. Phủ nhận sở hữu tư nhân có nghĩa là bác bỏ kinh tế thị trường trên thực tế. Bên cạnh sở hữu tư nhân, còn có các dạng sở hữu khác là sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và dạng đồng sở hữu của các chủ thể khác như, sở hữu công ty cổ phần, doanh nghiệp tư bản nhà nước…

Về nguyên tắc, các chủ thể sở hữu và các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường là độc lập và bình đẳng với nhau trước pháp luật và trong hoạt động kinh doanh. Nhưng mỗi hình thức sở hữu và mỗi chủ thể sở hữu lại có vai trò, vị thế và chức năng đặc thù trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”34. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp, nhiều hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại trong một thể thống nhất. Trong đó, sở hữu tư nhân luôn là thành tố tất yếu bắt buộc và sở hữu công là nền tảng vững chắc. Đây là một cấu trúc đặc thù của nền kinh tế thị trường thể hiện ở chỗ vừa không loại trừ các quan hệ sở hữu tư nhân và sở hữu tư bản chủ nghĩa vừa khẳng định chỉ có kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế mà không phải lực lượng kinh tế nào khác.

Đảng ta nhận thức rõ rằng, thị trường có những “khuyết tật” và cơ chế thị trường có thể bị thất bại trong việc giải quyết một số vấn đề như khủng hoảng kinh tế, đói nghèo, công bằng xã hội, môi trường… Để khắc phục những hạn chế đó và tránh khỏi thất bại thị trường, Đảng chủ trương Nhà nước phải tham gia quản lý, điều tiết sự vận hành nền kinh tế. Sự xuất hiện của Nhà nước sẽ quản lý, định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong khuôn khổ pháp luật nhất định, phân phối lại thu nhập quốc dân và giám sát các hoạt động phát triển kinh tế phải luôn gắn liền với việc bảo vệ môi trường.

Ngay cả Mỹ là một quốc gia được xem là điển hình của “thị trường tự do”, nhưng một nghiên cứu gần đây của GS. Mariana Mazzucato đã minh chứng rằng “đằng sau thành công của các tập đoàn tư nhân đều có vai trò to lớn của chính phủ”, “kẻ rao giảng về vai trò tối thiểu của nhà nước hay học thuyết về thị trường tự do, thực tế trong hàng thập kỷ qua đã và đang đầu tư công lớn vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, là tiền đề cho thành công của kinh tế Mỹ trong quá khứ và hiện tại”35.

Việc gắn thêm “đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường là một lý luận sáng tạo của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình kinh tế thị trường ở nước ta. Với định hướng này sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng minh bạch công khai, điều tiết nền kinh tế để tránh hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” của kinh tế thị trường tự do cũng như loại bỏ hiện tượng đầu cơ tích trữ tăng giá, cung vượt quá cầu dẫn đến khủng hoảng kinh tế…

Như vậy, định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng vừa giúp cho nền kinh tế quốc gia tránh được những khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường cũng như định hướng, hỗ trợ phát triển và điều tiết nền kinh tế. Sự định hướng này không bóp nghẹt hay xóa bỏ nền kinh tế tư nhân, mà ngược lại còn hỗ trợ tối đa cho kinh tế tư nhân phát triển vì nó vốn là một bộ phận quan trọng không tách rời trong nền kinh tế.

Tiểu kết: Như vậy, những luận điệu xảo trá như “trên thế giới không có cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội mang tính đối lập nhau, nếu đưa thêm đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” vào là một sự gán ghép khiên cưỡng, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường là bóp nghẹt kinh tế tư nhân và loại bỏ kinh tế tư nhân… là một sự phản động công kích đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một mô hình phát triển kinh tế thị trường mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã sáng tạo ra từ quá trình dựng nước và phát triển đất nước; là một sự lựa chọn sáng tạo của Đảng, nhờ đó khai thác tốt nhất lợi thế vốn có của thị trường, đồng thời khắc phục và hạn chế tới mức thấp nhất những “khuyết tật”, rủi ro của nó nhằm phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Với mô hình kinh tế này, đất nước Việt Nam đã ngày càng phát triển, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

2. VỀ KỸ THUẬT (mặt trận cứng)

Chủ nghĩa đế quốc cho rằng sự ra đời của chủ nghĩa xã hội là nguy cơ, là hiểm họa đối với chúng. Do vậy khi đặt chân trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, đất nước Việt Nam ta liên tiếp bị chống phá bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hoạt động tình báo, chống phá về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quân sự, an ninh quốc phòng, ngoại giao “diễn biến hòa bình”… Các thủ đoạn này vô cùng tinh vi phức tạp nên không chỉ cán bộ có nghiệp vụ chuyên nghiệp mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng nên biết để chủ động cảnh giác phòng chống các luận điệu, thủ đoạn chống phá Đảng và nhà nước.

· Đào tạo và gây dựng các tổ chức tình báo phá hoại

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để gây dựng mạng lưới tình báo bài bản, chuyên nghiệp ngay trên đất nước ta. Lực lượng này có phạm vi hoạt động rất rộng, chúng len lỏi vào trong trường học, trong các hội đoàn doanh nghiệp cho đến các cơ sở tôn giáo, tổ chức chính trị… Đối tượng mà họ tập trung hướng đến là lớp trẻ và tầng lớp trí thức của đất nước như giảng viên, sinh viên vì đây là đội ngũ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Và chiến lược chuyển hoá tư tưởng thế hệ này đã có phần thành công khi không ít người trong giới trí thức, sinh viên học sinh bị tiêm nhiễm tư tưởng độc hại đã viết bài, làm thơ nói xấu chế độ, cổ xúy cho tư tưởng từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa để phù hợp với tình hình của đất nước và xu thế thời đại. Một số cán bộ, trí thức đã phê phán, thậm chí còn đòi xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, một trong những nguyên tắc quan trọng xây dựng Đảng.

Các thế lực thù địch này còn bí mật lên kế hoạch tìm kiếm những tài năng của đất nước để đào tạo tình báo chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đội lốt là một tổ chức tài trợ học bổng về xã hội dân sự, tổ chức này công khai tuyển mộ sinh viên ra nước ngoài huấn luyện, đào tạo trang bị các kiến thức đấu tranh chống đối và tập trung lực lượng. Sau khi về nước, những sinh viên này sẽ trở thành thành viên của hội và tuyên truyền chống phá chính quyền Việt Nam, truyền bá tư tưởng về xã hội dân sự, kích động người dân chống đối chính quyền36. Đây là một thủ đoạn tinh vi và vô cùng hiểm độc.

Một thủ đoạn khác của lực lượng tình báo ngầm là sử dụng tiền bạc, vật chất có giá trị để mua chuộc cán bộ, đảng viên, cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, tướng lĩnh quân đội, cán bộ bị kỷ luật, nhất là các bộ ở cấp chiến lược và cơ quan trọng yếu nắm giữ trong tay nhiều bí mật quốc gia. Khi đã bị tác động, những đối tượng này lợi dụng vào uy tín của mình trước đây để đưa ra những đề xuất sai trái lệch lạc với đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước dưới hình thức như “góp ý với Đảng”, “trang thư ý kiến”, “thư ngỏ”, “tham gia đấu tranh chống tệ tham nhũng, quan liêu”37.

· Gây nhũng nhiễu thông tin dư luận

Mục tiêu chống phá cơ bản trên lĩnh vực tư tưởng là làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng. Khi quần chúng bị dao động và chuyển hoá tư tưởng sẽ có những hành động chống lại đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Để đạt được điều này, các thế lực thù địch sử dụng một số phương thức sau:

Thứ nhất, tập trung phủ nhận các giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận con đường đi lên CNXH và những thành tựu của cách mạng Việt Nam. Song song với đó, họ đẩy mạnh tuyên truyền các tư tưởng đối lập với CNXH như ca ngợi chủ nghĩa đa nguyên đa đảng, chủ nghĩa dân chủ, chủ nghĩa thực dụng; yêu cầu bỏ điều 4 trong Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam; tuyên truyền xây dựng nhà nước “Tam quyền phân lập” phân chia quyền lực nhà nước theo mô hình phương Tây. Hoạt động tuyên truyền này đã gây không ít nhiễu loạn, hoang mang trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ hai, một trong những thủ đoạn then chốt mà họ sử dụng là xây dựng lực lượng đối lập, chống đối Đảng và Nhà nước Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là lực lượng chống đối từ bên trong. Họ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng. Sử dụng lực lượng phản động, bất mãn trong nước điều tra thu thập tin tức, tình hình, mọi mặt về tình hình đất nước để phục vụ cho tuyên truyền chống phá. Các thế lực thù địch còn tìm cách nắm các chức sắc, tín đồ các tôn giáo nhằm tạo ra lực lượng đối trọng với Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, các thế lực thù địch tìm cách tác động để chuyển hoá nội bộ cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên trong hệ thống chính trị nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên có khả năng tiếp cận bí mật nhà nước, bí mật nội bộ. Họ tìm cách để các cán bộ bôi xấu lẫn nhau, lôi kéo những người đang có biểu hiện bất mãn, cung cấp thông tin sai lạc, thay đổi nhận thức để các cán bộ ủng hộ hoạt động chống đối.

Thứ tư, tăng cường giao lưu, trao đổi, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, hoạt động trên lĩnh vực giáo dục đào tạo để tuyên truyền chống phá cách mạng nước ta.

Thứ năm, chúng ra sức xuyên tạc, bóp méo sự thật về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhất là khi Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh xử lý các vụ án tham nhũng về kinh tế, cho rằng đó là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ”, “trả thù cá nhân”, vì “lợi ích nhóm”, v.v. Ngoài ra, chúng còn bới móc thổi phồng xuyên tạc những sai lầm khuyết điểm và hạn chế thiếu sót trong quản lý nhà nước để vu khống bôi nhọ, hạ thấp uy tín vai trò của Đảng, chính quyền các cấp. Lợi dụng việc các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ, điều tra, xét xử những người có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch, phần tử bất mãn chính trị đã vu cáo lu loa rằng, Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo. Nguy hiểm hơn, chúng còn cắt ghép, dàn dựng, lấy những thông tin ở nước ngoài gán ghép cho sự kiện trong nước. Hoặc, trước những sự việc hiện tượng diễn ra mặc dù chưa có kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng, nhưng các đối tượng đã quy chụp, kết luận để hướng lái dư luận theo ý chủ quan của chúng.

· Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, lối sống hưởng thụ

Những thế lực thù địch sử dụng nhiều phương thức để truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ, lối sống hưởng thụ, đòi hỏi Quyền lợi một cách thái quá… khiến người dân dần đánh mất những phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc; đánh mất lý tưởng sống và trở nên thờ ơ thực dụng, ích kỷ. Khi đạo đức bị suy thoái, người dân sẽ không giữ được niềm tin yêu đối với Đảng lãnh đạo. Đặc biệt, lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất cũng đã dẫn đến tình trạng suy thoái về đạo đức ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tệ tham nhũng gia tăng gây tổn thất nghiêm trọng ngân sách quốc gia, nạn quan liêu cửa quyền sách nhiễu nhân dân gây bức xúc làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Những thế lực thù địch còn tìm cách lợi dụng triệt để vấn đề tôn giáo, dân tộc để hình thành lực lượng đối trọng với chính quyền, gây mâu thuẫn, xung đột dân tộc và đẩy tới ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc thiểu số, lãnh địa độc lập của các tôn giáo. Đây là những nguy cơ đe dọa đến sự ổn định phát triển của Đảng và chế độ mà chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi.

· Truyền thông

Các thế lực chống phá rất coi trọng các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, họ sử dụng trên 40 đài phát thanh truyền hình, gần 400 tờ báo và tạp chí tiếng Việt, 66 nhà xuất bản để tuyên truyền chống phá Đảng, nhà nước38. Họ tìm cách đưa một số lượng lớn tài liệu, sách báo, băng hình… có nội dung xấu độc, đồi trụy vào đất nước ta; chỉ đạo lực lượng trong và ngoài nước viết bài xuyên tạc tình hình đất nước.

Bên cạnh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội cũng là một không gian phức tạp mà các thế lực thù địch đang tận dụng triệt để. Họ lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức, sau đó cung cấp thông tin nội bộ của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật. Hiện nay trên mạng xã hội có tầng lớp KOLs (Key Opinion Leader), influencers là những người mà thông tin, quan điểm họ nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng đối với cư dân mạng. Khi những blogger hay facebooker này bị lôi kéo, mua chuộc, họ sẽ tiếp tay cho những thế lực phản động chia sẻ, khuếch tán thông tin xấu độc trên phạm vi rộng.

Bên cạnh đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam (facebook, youtube, instagram..) thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực. Nhiều người còn cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn và hành xử của mình. Tâm lý vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết pháp luật đó đã góp phần vào việc tiếp tay cho giặc để phát tán thông tin xấu độc nhanh chóng hơn.

Khi truy cập internet, không khó để chúng ta tìm ra nhiều bài viết, video clip với lập luận, tuyên truyền, cổ vũ cho việc từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ con đường đi lên CNXH, phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng trên đài BBC, RFA, VOA, các trang mạng xã hội Facebook, YouTube… Cách thức thể hiện những nội dung ấy ngày càng tinh vi, sử dụng ngôn từ hoa mỹ để đánh lừa dư luận.

Những âm mưu này đã bị các lực lượng chức năng của ta chủ động phát hiện, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời nghiêm minh.

· Thủ đoạn hiểm độc phá hoại nền kinh tế từ bên trong

Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những tồn tại, vướng mắc trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN để xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo, thành tựu phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội. Họ thâm nhập sâu vào hoạt động của nền kinh tế, tìm cơ hội tiếp cận rộng rãi với các đối tượng, tầng lớp nhân dân để xây dựng lực lượng phá hoại. Thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, các thế lực thù địch gây áp lực kinh tế, chính trị đòi Việt Nam phải tư nhân hóa nền kinh tế, từ đó hạn chế vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Họ tìm cách tạo ra sự phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các ngành kinh tế, đồng thời đặt ra những điều kiện ràng buộc về mặt chính trị để từng bước can thiệp nội bộ nước ta.

· Huyễn hoặc chủ trương “Xã hội dân sự”

Các thế lực thù địch đang gia tăng thúc đẩy việc hình thành “xã hội dân sự” ở Việt Nam để tạo “kênh phản biện” công khai dân chủ chống lại đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mục tiêu của họ là hình thành các tổ chức công khai hợp pháp để đối trọng với Đảng, bộ máy chính quyền, ban đầu là thực hiện “giám sát” mọi hoạt động của Đảng, bộ máy của Nhà nước, dần từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng một xã hội dân chủ tự do kiểu phương Tây.

Họ thường nhân danh “Xã hội dân sự” để tập hợp lực lượng, lập hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu gây “ấn tượng” với thị hiếu của từng nhóm xã hội nhất định, như “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội nhà báo độc lập”… Thủ đoạn thường được chúng sử dụng phổ biến hiện nay là thông qua các trang web, diễn đàn trực tuyến tuyên truyền, lôi kéo quần chúng; sử dụng các phần mềm bảo mật để liên lạc, tổ chức huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho thành viên; công khai viết “đơn kiến nghị” đòi thành lập đảng chính trị đối lập, tự do thành lập hội mà không tuân theo quy định pháp luật, đòi khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự của con người.

· Tuyên truyền xuyên tạc về quốc phòng – an ninh

Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch xác định lĩnh vực quốc phòng – an ninh và lực lượng vũ trang là một trong những mục tiêu trọng yếu phải tập trung phá hoại, làm suy yếu. Với tham vọng ảo tưởng nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lĩnh vực quốc phòng – an ninh và lực lượng vũ trang chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó thông tin xuyên tạc về lĩnh vực quốc phòng – an ninh, mà trọng điểm là quân đội và công an là mục tiêu bị đánh phá dữ dội.

Nội dung thông tin và luận điệu xuyên tạc trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh hiện nay hết sức đa dạng với nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng không khó nhận diện. Chủ yếu vẫn là: đòi “phi chính trị hóa” Quân đội và Công an, phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang và sự nghiệp quốc phòng, an ninh; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng về công tác quốc phòng, an ninh; xuyên tạc mục đích của các hợp đồng mua bán vũ khí, trang bị cho Quân đội và Công an, quy kết rằng: Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh để chống lại một nước thứ ba, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực; xuyên tạc mục đích các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta tới các nước và nguyên thủ các nước tới thăm Việt Nam, nhất là chuyến thăm tới các nước lớn; xuyên tạc lịch sử và thực trạng tình hình biên giới, hiện trạng trên biển.

Thậm chí, chúng còn dàn dựng những tình huống va chạm với cảnh sát giao thông để quay phim, chụp ảnh rồi tuyên truyền xuyên tạc bản chất sự việc. Chúng đặc biệt chú ý đến trạng thái tâm lý của quân và dân ta, của dư luận xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và Công an; đặt lợi ích kinh tế đối lập với lợi ích quốc phòng – an ninh; đối lập giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm phủ định vai trò của quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, v.v.

Mục đích của những thông tin và luận điệu xuyên tạc đó là làm xấu hình ảnh của Quân đội và Công an trước nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm tạo ra sự nghi ngờ, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo, cách thức giải quyết sự việc liên quan đến quốc phòng – an ninh của Đảng và Nhà nước ta.

Chúng ta thấy rằng, những thủ đoạn chống phá trên vô cùng hiểm độc và tinh vi, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đa dạng kỹ thuật với lực lượng nhân sự hùng hậu, tiềm lực tài chính dồi dào… Do đó, trách nhiệm bảo vệ nền tảng Đảng và nền an ninh quốc gia không chỉ thuộc về lực lượng chức năng có nghiệp vụ chuyên nghiệp mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Tất cả mọi công dân Việt Nam, tuy chưa có đủ khả năng nghiệp vụ để chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch nhưng ai cũng phải hiểu những kỹ thuật phá hoại này để cảnh giác, tố giác và có thể hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần thiết.

Chú thích:

10. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông, ngày 07 tháng 6 năm 1960.

11. Gioietta Kuo (2019), Yet another emerging global crisis- Homelessness. Website: https://mahb.stanford.edu/library-item/yet-another-emerging-global-crisis-homelessness/, truy cập ngày 18/12/2021.

12. Genevieve Richards (2020), Nghiên cứu mới cung cấp những hiểu biết sâu sắc về giải quyết tình trạng vô gia cư. Website: https://sanjosespotlight.com/vi/richards-new-study-offers-insights-on-addressing-homelessness/, truy cập ngày 18/12/2021.

13. Melissa Perri, Naheed Dosani và Stephen W. Hwang (2020), COVID-19 and people experiencing homelessness: challenges and mitigation strategies. Website: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7828890/, truy cập ngày 18/12/2021.

14. Emma Grey Ellis (2021), The Lasting Impact of Covid-19 on Homelessness in the US. Website: https://www.wired.com/story/covid-19-homelessness-future/, truy cập ngày 18/12/2021.

15. Đinh Ngọc Hoa (2020), Khẳng định và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội trong thời kỳ mới, Tạp chí điện tử Quốc phòng toàn dân. Website: http://m.tapchiqptd.vn/vi/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dcs-viet-nam/khang-dinh-va-bao-dam-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-doi-voi-nha-nuoc-va-xa-h-15069.html, truy cập ngày 29/11/2021.

16. Vietnam among top 16 most successful emerging economies in the world, Báo điện tử Nhân Dân, đăng ngày 22/8/2020. Website: https://en.nhandan.vn/business/item/9001402-vietnam-among-top-16-most-successful-emerging-economies-in-the-world.html, truy cập ngày 01/12/2021.

17. S. Hải (2020), Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành Phố Hồ Chí Minh. Website: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/viet-nam-la-quoc-gia-hiem-hoi-duy-tri-duoc-muc-tang-truong-duong-1491873051, truy cập ngày 18/12/2021.

18. The world bank (2021), Tổng Quan về Việt Nam. Website: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview#1, truy cập ngày 30/11/2021.

19. Thuỳ Linh (2020), Sáu thành tựu ngành giáo dục trong năm học 2019-2020. Website: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/6-thanh-tuu-nganh-giao-duc-trong-nam-hoc-2019-2020-post213361.gd, truy cập ngày 1/12/2021.

20. TS Lê Quang Mạnh (2021), Khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. Website: https://dangcongsan.vn/tieu-diem/khang-dinh-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-cua-viet-nam-592373.html, truy cập ngày 1/12/2021.

21. Thùy Dung (2021), Expat Explorer study: Viet Nam among 20 best places to live and work, The Socialist Republic of Vietnam. Website: http://news.chinhphu.vn/Home/Expat-Explorer-study-Viet-Nam-among-20-best-places-to-live-and-work/202110/45856.vgp, truy cập ngày 1/12/2021.

22. HDI là chỉ số phát triển con người bao gồm chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới.

23. Nguyễn Việt Lan (2020), Viet Nam breaks into high human development category group: UNDP new report, UNDP. Website: https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/presscenter/pressreleases/HDR2020.html, truy cập ngày 1/12/2021.

24. Vào năm 2016, Đảng Phong trào Giải phóng Mozambique (Frelimo) cử cán bộ sang học kinh nghiệm Việt Nam. 20 cán bộ nguồn của Đảng này đã trải qua khóa đào tạo 3 tháng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Các học viên được tiếp thu nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích qua khóa đào tạo để đóng góp vào công tác hoạch định chính sách tại Mozambique vào thời điểm quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước này sau 40 năm giành được độc lập.

25. Mộc Linh (2016), Kinh tế thị trường có thể đi cùng định hướng XHCN. Website: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/suyngam/30-nam-doi-moi-kinh-te-thi-truong-co-the-di-cung-dinh-huong-xhcn-325545.html, truy cập ngày 9/12/2021

26 Mộc Linh (2016), Kinh tế thị trường có thể đi cùng định hướng XHCN, tlđd.

27. The world bank (2021), Tổng quan về Việt Nam, tlđd.

28. The World Bank (2020), Vốn nhân lực Việt Nam, Thành tựu Giáo dục và Thách thức trong Tương lai, tr. 5. Website:https://documents1.worldbank.org/curated/en/487991596433786023/pdf/Vietnam-s-Human-Capital-Education-Success-and-Future-Challenges.pdf, truy cập ngày 9/12/2021.

29. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Báo cáo số 555/BC-CP, ngày 19/10/2020 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025, H, 2020.

30. Trung tâm WTO và hội nhập – VCCI (2021), Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 05/2021. Website: https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018, truy cập ngày 9/12/2021.

31. TS. Phạm Thị Vân Anh (2020), Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trước yêu cầu mới, Tạp chí điện tử Tài Chính. Website: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-cua-viet-nam-truoc-yeu-cau-moi-329061.html, truy cập ngày 9/12/2021.

32. PGS.TS Nguyễn Viết Thông (2021), Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta hiện nay, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận trung ương. Website: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-cua-dat-nuoc-ta-hien-nay.html, truy cập ngày 9/12/2021.

33. Akanksha Arora (2021), UN Report: Over 92 Million People In European Union Experience Poverty. Website: https://www.republicworld.com/world-news/rest-of-the-world-news/un-report-over-92-million-people-in-european-union-experience-poverty.html, truy cập ngày 9/12/2021.

34. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội,, Tập. I, tr. 130.

35. Mariana Mazzucato (2020), Nhà nước khởi tạo, Nxb. Thế giới, tr. 21.

36. Xem Lê Vũ (2019), Đại học Vinh ngang nhiên đăng thông tin học bổng cho tổ chức phản động. Website: https://gocnhin24h.com/dai-hoc-vinh-ngang-nhien-dang-thong-tin-hoc-bong-cho-to-chuc-phan-dong/, truy cập ngày 9/12/2021.

37. Xem PGS.TS.Nguyễn Viết Thông (2020), Đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 74.

38. PGS. TS. Đinh Ngọc Gian (2021), Những yếu tố tác động đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Tạp chí điện tử Mặt trận. Website: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/nhung-yeu-to-tac-dong-den-cong-tac-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-trong-tinh-hinh-moi-41680.html, truy cập ngày 9/12/2021.

BÀI 3: MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC, GIỮA ĐẠO LÝ VÀ TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG LÀ GÌ?

TIẾN SĨ VƯƠNG TẤN VIỆT (THƯỢNG TỌA THÍCH CHÂN QUANG)

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments