Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCCHÍNH TRỊTHAM LUẬN: BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN...

THAM LUẬN: BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM – BÀI 1: NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG BAO GỒM NHỮNG ĐIỂM CHÍNH YẾU NÀO?

ISSTH – Viện Nghiên cứu Khoa học Nhân tài – Nhân lực xin trân trọng giới thiệu bản tham luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam” của Tiến sĩ Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang).

Thượng tọa Thích Chân Quang

BÀI 1: NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG BAO GỒM NHỮNG ĐIỂM CHÍNH YẾU NÀO?

1. KHÁI QUÁT BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA ĐẢNG

Đảng ra đời bởi vì một yêu cầu rất bức thiết trong cuộc sống, đó là yêu cầu tìm ra người lãnh đạo cho tập thể. Bất cứ một tập thể nào muốn tồn tại và phát triển cũng cần có người lãnh đạo, từ nhỏ như gia đình, làng xóm, cộng đồng cho đến lớn nhất như là một quốc gia. Từ xa xưa cho đến nay, con người đã nghĩ ra rất nhiều chủ thuyết chính trị để chọn ra người lãnh đạo tài giỏi xứng đáng nhất cho quốc gia mình, mà Đảng chính là đại diện cho những chủ thuyết đó.

Vào thời kỳ quân chủ, vua là người đứng đầu đất nước, thân phận người dân hoàn toàn lệ thuộc vào sự định đoạt của nhà Vua. Trong lịch sử, đã có những khi đất nước bị lãnh đạo bởi những ông vua bạo ngược, lúc đó cuộc sống của người dân rất khốn cùng đau khổ. Đến khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhận thức của con người ngày càng tiến bộ hơn, nhiều triết gia lỗi lạc như Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Thomas Paine… đã khởi xướng lên những suy nghĩ táo bạo rằng đất nước không phải của Vua nữa mà là của dân. Từ hệ tư tưởng này, rất nhiều cuộc cách mạng đã nổ ra đưa nhân loại bước sang thời kỳ chế độ dân chủ.

Trong chế độ dân chủ, người dân được nắm trong tay nhiều quyền hơn, trong đó nổi bật là quyền tự do và quyền tư hữu. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Pháp năm 1789 đã gọi quyền tư hữu là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Khi có quyền tư hữu, con người được phép tự do làm giàu, tự do sở hữu tài sản, và được pháp luật bảo vệ sự sở hữu đó. Quyền tư hữu giúp con người có động lực để làm việc, thúc đẩy năng suất lao động của xã hội, nhưng mặt trái của nó là tạo ra một tầng lớp thống trị mới có quyền lực thao túng đời sống xã hội, đó là tầng lớp tư bản.

Do lòng tham chỉ biết chạy theo lợi nhuận, các ông chủ đã chèn ép bóc lột sức lao động người công nhân khiến cho đời sống của họ rơi vào khốn cùng đau khổ. Người công nhân phải làm việc quần quật không ngơi tay nhưng không có bất kỳ quy định pháp luật nào bảo vệ quyền và lợi ích cho bản thân họ. Họ luôn bị thúc giục bắt ép phải làm nhiều hơn nhanh hơn kể cả những khi đã quá mệt quá thời gian lao động, hoặc có những lúc lỡ làm phật ý ông chủ thì bị ông chủ quất roi đánh đập tàn nhẫn, thậm chí là đuổi việc. Dù trong cảnh nô lệ khốn cùng như vậy nhưng người công nhân lúc bấy giờ chỉ có duy nhất sự lựa chọn là vẫn phải cố làm để có cơm ăn có tiền nuôi gia đình. Lúc này, các ông chủ đã thực sự trở thành những ông vua bạo ngược không khác gì so với thời quân chủ chuyên chế.

Để giải phóng nhân dân lao động thoát khỏi hoàn cảnh đó, C. Mác và Ph. Ăngghen đã khơi dậy lý tưởng về chủ nghĩa cộng sản, mà trong đó con người được hoàn toàn tự do, không còn giai cấp, không còn người bóc lột người, tất cả tài sản thuộc về sở hữu chung và được sử dụng vì lợi ích chung của toàn xã hội. Đây là một lý tưởng rất cao đẹp nhưng phải đến khi có sự xuất hiện của Lênin, lý tưởng này mới trở thành hiện thực. Lênin đã phát triển lý luận của Marx lên một tầm cao mới, đi sâu vào trong thực tiễn cuộc sống hơn, và chính Lênin cũng là một nhà tổ chức, một lãnh tụ kiệt xuất đã lãnh đạo nhân dân Nga giành chính quyền thành công với cuộc cách mạng tháng 10 lịch sử (năm 1917).

Trong khi Liên Xô và một loạt các quốc gia đang dần tiến lên xã hội chủ nghĩa, xây dựng một đất nước nhân dân được làm chủ vận mệnh của mình1 thì Việt Nam đang bị thực dân Pháp đô hộ do sự phát triển của chủ nghĩa tư bản tại Pháp bấy giờ đòi hỏi phải có thuộc địa để khai thác. Thực dân Pháp đã đàn áp, bóc lột và đã gây ra nhiều tội ác dã man cho người dân Việt Nam. Chứng kiến đất nước phải chịu cảnh nô lệ, lòng ai cũng sôi sục nỗi căm hờn, người dân luôn ngóng chờ một ngọn cờ đầu để đi theo. Rất nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân ta đã nổ ra như phong trào yêu nước Cần Vương (1896); phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám (1913), phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930)… Thế nhưng với sức mạnh quân sự và khả năng quản lý hành chính ưu việt, chính quyền thực dân đã dìm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam trong bể máu. Cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về tổ chức và đường lối lãnh đạo.

Phải đợi đến khi Bác Hồ trở về sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước thì cách mạng Việt Nam mới bắt đầu tìm thấy những tia hi vọng. Một ông cụ gầy gò, râu dài, trán cao, mắt sáng, chống gậy vượt biên giới về trông rất giản dị đời thường nhưng lại mang một tầm nhìn của cả thế giới. Người hiểu rằng muốn đánh thắng thực dân Pháp thì không chỉ nắm được tình hình trong nước mà phải có cái nhìn xa rộng hơn thế, bởi vì khi đó Việt Nam đã trở thành một phần trong thế trận của thế giới. Trong khu rừng học thuyết chính trị của thế giới, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc nơi chủ nghĩa Mác – Lênin, mà ở đó cách mạng Việt Nam sẽ tìm được sự đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức được thành lập. Ngày hôm đó cách mạng Việt Nam đã có ánh sáng nơi cuối đường hầm, ngày hôm đó người dân Việt Nam đã tìm được ngọn cờ đầu để đi theo. Đảng là đại diện cho tinh thần yêu nước, cũng vừa là đại diện cho một hệ tư tưởng chính trị vững chắc, lâu dài. Bác Hồ đã mang về một điều gì đó là tất cả, là hoàn hảo nên thu hút được tất cả mọi người đi theo tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc. Sau bao nhiêu năm bị đè nén áp bức, sức mạnh ấy giờ đây cuồn cuộn như thác lũ không gì có thể ngăn lại được.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lần lượt giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân và mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ độc lập cho dân tộc. Từ đó đến nay, tùy vào từng giai đoạn mà Đảng đã có nhiều chủ trương đường lối khác nhau để phát triển đất nước nhưng luôn nhất quán một mục tiêu, đó là vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của toàn dân tộc Việt Nam.

2. NHỮNG ĐIỂM CHÍNH TRONG NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

2.1. Đảng CSVN lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam2… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin3”. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Người, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình bởi: Lịch sử Việt Nam cho thấy rằng, đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã giành được độc lập. Chúng ta đã chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất trên thế giới và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Trong thời kỳ đổi mới, đất nước ta cũng đã gặt hái được rất nhiều thành tựu to lớn, đời sống của nhân dân ta được ấm no đầy đủ hơn, nền chính trị ổn định, kinh tế xã hội ngày càng phát triển hơn. Những thành tựu này đều được nhân dân Việt Nam ghi nhận và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa Mác – Lênin đã mở ra con đường mới cho nhân loại đi đến một xã hội lý tưởng nơi không còn sự áp bức giữa người với người mà chỉ có sự công bằng, tiến bộ, văn minh và hạnh phúc. Khi thế giới vẫn từng ngày có những biến chuyển to lớn trên nhiều mặt, đặc biệt là trong thời kỳ cuộc cách mạng khoa học công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ thì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là ngọn hải đăng soi đường, giúp Đảng và Nhà nước ta giải quyết đúng đắn những vấn đề phức tạp đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hiện thực hóa con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn đất nước cho phù hợp với văn hóa và tâm tình của người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung thêm nhiều quan điểm đặc sắc, mà trong đó, đạo đức là sự bổ sung không thể thiếu cho nền tảng tư tưởng Đảng.

Sinh thời, Bác Hồ thường dạy rằng: Đảng cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới lãnh đạo được cách mạng và làm tròn nhiệm vụ vẻ vang. Từ những ngày đầu thành lập Đảng, Bác đã viết cuốn Đường Kách mệnh (1927) để bồi dưỡng cho cán bộ cách mạng Việt Nam. Trong đó, Người đặt ra 23 tiêu chí về tư cách một người làm cách mệnh như: Cần kiệm liêm chính, Cả quyết sửa lỗi mình, Không hiếu danh, Không kiêu ngạo, Nói thì phải làm, Hy sinh, Ít lòng tham muốn về vật chất4… ngay ở phần mở đầu của cuốn sách.

Bác dạy rằng muốn xây dựng Đảng thì trước hết là xây dựng tư cách đạo đức của cán bộ đảng viên, bởi vì cán bộ đảng viên phải gương mẫu thì nói dân mới nghe. Người so sánh đạo đức cũng như gốc của cây và nguồn của sông: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”5. Đảng viên ai cũng có đạo đức rồi thì có thể hướng dẫn, giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng, là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Chính đạo đức của người đảng viên sẽ tạo nên sức mạnh và uy tín cho Đảng.

Bác còn dạy rằng người không có đạo đức thì không thể gánh vác được công việc: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang…”6. Đảng lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo nhà nước. Khi nắm quyền lực trong tay, nếu cán bộ đảng viên không biết tu dưỡng rèn luyện đạo đức thì rất dễ bị tha hóa biến chất. Đảng viên kém đạo đức thì dân mất lòng tin, tất cả sự nghiệp cách mạng sẽ sụp đổ.

Đạo đức là nền tảng tinh thần giúp cho người đảng viên luôn cố gắng học tập, nâng cao năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trước những khó khăn thử thách, nếu có đạo đức thì lòng ta sẽ luôn vững vàng và sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Khi gặp thuận lợi thành công, người đảng viên vẫn “giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; lo hoàn thành cho tốt, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”7; Bởi hiểu rõ đạo đức quan trọng như vậy, nên suốt đời mình, Bác lúc nào cũng quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ. Tùy từng lúc từng thời mà Người lại dạy thêm những đức tính cho phù hợp để mọi người phấn đấu rèn luyện. Bản thân Người cũng suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình về đạo đức, trở thành tấm gương mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng gần gũi giản dị nhưng lại có sức lôi cuốn và cảm hóa mãnh liệt đối với cả dân tộc và ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả nhân loại trên toàn thế giới.

2.2. Nguyên tắc một đảng lãnh đạo thống nhất, không đa nguyên đa đảng

Điều 4, Hiến Pháp 2013 quy định:“Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước ta là Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo duy nhất đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ nguyên tắc này, Đảng Cộng sản Việt Nam có trách nhiệm đưa đảng viên của mình vào nhà nước để lãnh đạo, điều phối, quản lý hành chính, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật và chính sách của nhà nước. Trọng trách của Đảng là phải giữ vững được nền độc lập dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh hùng cường, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân Việt Nam.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý nguyện của nhân dân. Trước khi có Đảng, rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra để giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ của chính quyền thực dân nhưng đều thất bại. Đất nước ta ở trong một thời kỳ dài khủng hoảng về đường lối lãnh đạo. Từ khi có Đảng, cách mạng Việt Nam mới tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc. Dưới lá cờ Đảng, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975).

Cho đến nay, Đảng đã lèo lái con thuyền đất nước Việt Nam qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thời cuộc, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước ta từ một quốc gia phải gánh chịu vô số đau thương từ chiến tranh đã ngày càng vươn mình trở thành một đất nước văn minh giàu đẹp như ngày hôm nay. Nhân dân ta từ một dân tộc bị nô lệ đàn áp đã có một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Đảng đã chứng tỏ bản lĩnh lãnh đạo của mình mà không một lực lượng nào khác có thể so sánh được. Nhân dân Việt Nam chúng ta đều mang nặng công ơn của Đảng, của Bác Hồ. Vì lẽ ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là một chính đảng duy nhất được nhân dân lựa chọn đại diện cho quyền lợi của dân tộc.

Trên thực tế, việc thực hiện đa nguyên đa đảng không đồng nghĩa với việc đất nước được phát triển hay được dân chủ mà phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền đại diện cho quyền – lợi ích của ai và phục vụ quyền – lợi ích cho số đông hay số ít trong xã hội. Ở quốc gia một đảng nhưng nếu đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của đa số người dân thì quốc gia đó vẫn dân chủ hơn các quốc gia dù đa nguyên đa đảng mà ở đó các đảng không đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội. Hơn nữa ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao thực hành dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng được thực hiện tốt hơn, toàn diện hơn với phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội.

Nhiều nước trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng về chính trị do sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái, từ đó dẫn tới kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, người dân không được thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình. Trong khi đó, với chế độ một đảng lãnh đạo, Việt Nam có điều kiện để giữ vững ổn định chính trị, được đánh giá là một trong những nước có sự ổn định chính trị cao trên thế giới.

Tóm lại, tất cả những gì Đảng đã làm cho cách mạng và dân tộc Việt Nam đã nói lên rằng sự lãnh đạo duy nhất của Đảng là điều tất yếu của lịch sử và đã được thực tiễn chứng minh khẳng định một cách xứng đáng. Với bản lĩnh lãnh đạo tài tình, Đảng Cộng Sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam và không một lực lượng nào, đảng phái nào khác có thể thay thế được.

2.3. Xác lập hình thức sở hữu toàn dân về tài sản công, đặc biệt là đất đai

Mỗi quốc gia trên thế giới đều dựa trên những điều kiện kinh tế – chính trị xã hội của quốc gia đó mà lựa chọn hình thức sở hữu khác nhau về đất đai như hình thức sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân. Đối với Việt Nam, đất đai là một tài sản đặc biệt được hình thành từ thành quả từ quá trình dựng nước và giữ nước, là kết tinh từ xương máu của biết bao thế hệ. Vì lẽ ấy, đất đai không thuộc sở hữu của riêng ai mà phải thuộc sở hữu của toàn dân, ai cũng bình đẳng trong việc sử dụng và thụ hưởng các nguồn lợi từ đất. Chúng ta giữ gìn hình thức sở hữu toàn dân về đất đai cũng chính là đang bảo vệ giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Trong thời phong kiến, hầu hết đất đai nằm trong tay địa chủ. Đến thời thực dân Pháp đô hộ, người dân cũng không có nhiều cơ hội để sở hữu đất đai. Nông dân không có ruộng cày thì buộc phải thuê lại đất để canh tác và nộp địa tô rất nặng khiến đời sống vô cùng khổ cực. Vì vậy, từ khi lên lãnh đạo, Đảng ta đã xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân, mang đất đai về lại với nhân dân, đây là điều rất hợp tình hợp lý.

Hiến pháp 1959 dưới sự chủ trì biên soạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên quy định: “Các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu của toàn dân”. Trên tinh thần đó, Hiến pháp các năm 1980, 1992, 2013 và các văn bản pháp lý về đất đai sau đó đều vẫn giữ nguyên tắc “sở hữu toàn dân về đất đai” là một điều khoản bất di bất dịch.

Bởi Đảng và Nhà nước ta luôn trung thành với lý tưởng “nhân dân làm gốc, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” nên đất đai cũng phải thuộc về sở hữu của toàn dân. Trong hình thức sở hữu toàn dân này, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nên sẽ tạo cơ hội cho nhân dân được hưởng lợi ích từ đất đai một cách công bằng hơn, bình đẳng hơn. Trong những trường hợp cần thiết, đất đai cũng sẽ được nhà nước sử dụng một cách hợp lý và thuận lợi nhất vì lợi ích chung của toàn xã hội. Cũng chính nhờ hình thức sở hữu này chính phủ hay chính quyền địa phương không được phép chuyển nhượng đất cho người nước ngoài một cách tự do như đối với công dân Việt Nam, sẽ giúp tránh được nguy cơ mất nước từ việc cho phép tư nhân thỏa thuận mua bán đất đai với người nước ngoài.

2.4. Đảng chủ trương phương châm đối ngoại là “Việt Nam sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”

Năm 1991, sự tan rã của Liên bang Xô Viết – ngọn cờ đầu của khối XHCN đã gây ra ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, đồng thời cũng đẩy đất nước ta rơi vào tình trạng rất khó khăn về chính trị. Lúc này bản lĩnh của Đảng lại một lần nữa được phát huy khi đã khéo léo mở rộng ngoại giao quốc tế với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Nhờ vào phương châm này, đất nước ta đã phá được thế bị bao vây cấm vận và mở rộng mối quan hệ ngoại giao với tất cả các nước lớn. Một số thành tựu nổi bật có thể kể đến như chúng ta đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ , ký kết Hiệp định khung với EU và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cùng năm 1995.

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, tại Đại hội IX (tháng 4-2001), Đảng đã điều chỉnh phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn” và lần đầu tiên nhấn mạnh thêm “là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đến Đại hội XIII, Đảng điều chỉnh thêm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Qua những sự điều chỉnh này, chúng ta thấy được vị thế, uy tín của đất nước ta đã và đang được nâng cao thêm từng ngày.

Một số thành tựu có thể kể đến như Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009; 2020-2021) và được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của LHQ như: Hội đồng Kinh tế và Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021)… Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam còn là tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Cộng Hòa Trung Phi và Nam Sudan, khiến cho hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam ngày càng được in dấu sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.

2.5. Xây dựng và hoàn thiện mô hình Kinh tế thị trường định hướng XHCN

Từ năm 1975, đất nước ta bắt đầu áp dụng hình thức lao động tập thể để xây dựng lại kinh tế nhưng không thành công. Đến năm 1986, Đảng và Nhà nước có sự đổi mới, cho phép người dân tự do hoạt động kinh tế, tức là công nhận quyền tư hữu. Tuy nhiên, Nhà nước ta vẫn có trách nhiệm điều phối, quản lý và định hướng nền kinh tế chứ không đề cao sự tự do một cách gần như tuyệt đối như trong nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa Tư Bản. Nhờ như vậy, Nhà nước vừa có thể tạo ra được một môi trường kinh tế năng động, có nhiều cơ hội cho người dân phấn đấu làm giàu mà vẫn duy trì được sự công bằng, ổn định và lành mạnh trong xã hội.

Tại Đại hội IX (năm 2001), Đảng chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đây là một mô hình kinh tế mới mẻ chưa từng có tiền lệ và là sự vận dụng rất sáng tạo các nguyên tắc cốt lõi của Đảng ta trong tình hình thực tế. Nội dung của mô hình Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có hai điều quan trọng:

Thứ nhất là những ngành kinh tế chủ đạo phải do nhà nước nắm giữ. Đầu năm 2021, hàng triệu người ở bang Texas của Mỹ đã không có điện để sưởi ấm trong lúc bão tuyết đang hoành hành bởi lý do hệ thống điện của bang Texas thuộc sở hữu của tư nhân và độc lập với lưới điện quốc gia. Vì sự độc lập hoàn toàn này nên khi nguồn điện của bang gặp sự cố, hệ thống điện quốc gia cũng không thể hỗ trợ để cấp điện cho người dân trong lúc bức thiết được.

Trong khi đó tại Việt Nam, ngành điện do Nhà nước quản lý, từ hệ thống hạ tầng cho đến giá điện, bất kỳ sự cố nào đều được giải quyết nhanh chóng. Rút ra bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, Đảng và nhà nước ta đã quy định những ngành kinh tế then chốt như nước, năng lượng, lương thực, tài chính, ngân hàng, viễn thông… đều phải do Nhà nước quản lý. Đây là một chủ trương rất ưu việt của nền kinh tế thị trường XHCN nhằm loại bỏ những khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường. Nếu những ngành kinh tế then chốt này để tư nhân nắm giữ thì trong những hoàn cảnh đặc biệt như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sự ổn định của xã hội cũng như an ninh chính trị của quốc gia cũng bị đe dọa.

Thứ hai là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thúc đẩy con người làm giàu nhưng cũng khuyến khích họ quan tâm đến những người kém ưu thế trong xã hội. Định hướng này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của Nhà nước ta, đồng thời cũng thể hiện sự vận dụng linh hoạt sáng tạo của Đảng nhằm khắc phục khiếm khuyết của nền KTTT vốn dĩ thường tạo nên sự phân hóa xã hội sâu sắc. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo thường rất lớn. Người giàu vốn đã có nhiều ưu thế hơn lại vẫn tiếp tục được Nhà nước khuyến khích làm giàu nên đã thu gom phần lớn tài sản của xã hội về bản thân mình. Người nghèo vốn đã kém ưu thế lại ngày càng phải phụ thuộc vào người giàu nên cuối cùng bị bỏ lại phía sau. Chỉ khi nền kinh tế thị trường này được dẫn dắt để hướng đến lợi ích cho tất cả mọi người (định hướng XHCN) thì khi đó sự bất công này mới được giảm thiểu.

Vì vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện cho mọi người tự do phát huy năng lực để làm kinh tế, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người nghèo, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, cũng như đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho người dân để ai cũng có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Một số hoạt động nổi bật như chương trình “cả nước chung tay vì người nghèo”, “lá lành đùm lá rách”… đã góp phần xoa dịu những sự tổn thương trong xã hội, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết dân tộc để cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong dịch bệnh Covid – 19 vừa qua, với vai trò nắm giữ nhiều lĩnh vực chủ đạo và quan trọng của quốc gia như y tế, trường học, bệnh viện… Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân từ sức khỏe, đời sống kinh tế cho đến việc làm trước và sau đại dịch, điều mà hiếm nước nào trên thế giới có thể làm được. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã thành công trong việc xây dựng nên một xã hội nhân ái tương trợ lẫn nhau đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước. Những “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “ATM oxy”, “chuỗi siêu thị 0 đồng”… của nhiều cá nhân và tổ chức đã xuất hiện để đồng hành cùng Nhà nước chung tay góp sức giúp dân vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Những nghĩa cử cao đẹp nhân văn được ấy đã được xuất phát từ “định hướng XHCN” của Đảng ta, chính điều này đã làm nên một hình ảnh đất nước Việt Nam hoàn toàn khác biệt với các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới.

Nhờ phát triển KTTT định hướng XHCN, Việt Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ bé đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước8. Năm 2020, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,91% so với năm trước, vượt qua Singapore và Malaysia để vào tốp 4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á9. Mô hình KTTT định hướng XHCN chính là cơ sở để Việt Nam hoàn thành mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch thành công, vừa tập trung nguồn lực phát triển kinh tế.

Kết Luận

Để lãnh đạo đất nước đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm, Đảng đã có nhiều sự bổ sung và hoàn thiện tư tưởng của mình cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đất nước. Khi đất nước ta còn chưa độc lập, nhân dân còn bị nô lệ thì Đảng có chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm ngọn đèn soi sáng cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng một cách tài tình và sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin cho phù hợp với tâm tình của nhân dân Việt Nam, mà trong đó đạo đức chính là sự bổ sung vô cùng quý báu và cần thiết cho người Đảng viên.

Khi đất nước giành được độc lập tự chủ, Đảng đã mang đất đai về lại với nhân dân với nguyên tắc “đất đai là sở hữu toàn dân”. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng mở rộng đôi tay “sẵn sàng làm bạn với thế giới” và xây dựng đời sống ấm no cho nhân dân bằng mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại mới, khi có những diễn biến phức tạp như sự lây lan của dịch bệnh toàn cầu, sự mở rộng của chủ nghĩa khủng bố hay sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI)… thì Đảng có thể sẽ điều chỉnh, hoàn thiện các tư tưởng, quan điểm của mình cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Dựa trên những nền tảng tư tưởng này, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều giai đoạn gian khó, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã khẳng định uy tín của Việt Nam đối với thế giới và xứng đáng là lực lượng lãnh đạo của đất nước Việt Nam. Là một người Việt Nam, ai cũng phải xây dựng lòng trung thành, nhiệt huyết của mình đối với Đảng, không được khác với sự đồng lòng nhiệt huyết của cha ông mình ngày đầu đi theo Đảng để giành được độc lập thống nhất đất nước. Tấm lòng này của tất cả người dân sẽ tạo nên một sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để Đảng lãnh đạo đất nước ta vững bước vào tương lai. Các âm mưu và thủ đoạn chống phá của giặc ngày nay là hết sức tinh vi hiểm độc, do đó ai cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu nền tảng tư tưởng Đảng để cảnh giác và kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng.

Chú thích:

1. Chiến tranh thế giới thứ II diễn ra, Liên Xô phải chống lại sự xâm lăng của phát xít Đức. Trên đường tiến về Đức, Liên Xô đã truyền bá xã hội chủ nghĩa đến các nước Đông Âu, từ đó hình thành nên một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật Hà Nội, 2002, tập 2, tr. 267-268

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 289

4. Ban quản lý lăng chủ tịch Hồ Chí Minh (2013), Tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Website: https://www.bqllang.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh/tac-pham/982-tac-ph-m-du-ng-kach-m-nh-c-a-ch-t-ch-h-chi-minh.html, truy cập ngày 18/12/2021.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập (1996), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr. 252, 253.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập (1996), tlđd, tập 9, tr. 283.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập (1996), tlđd, tập 9, tr. 284.

8. Kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 543,9 tỷ USD năm 2020…

9. BBC, hãng thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ngày 12-1-2021 đã khẳng định: “Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia để vào tốp 4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế còn cho rằng Việt Nam đã ở trong tốp 3, vượt qua Philippines về mức độ thịnh vượng, và cả về tổng sản phẩm quốc nội thu nhập tính theo đầu người…

Bài 2: BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG BẰNG CÁCH NÀO?

TIẾN SĨ VƯƠNG TẤN VIỆT (THƯỢNG TỌA THÍCH CHÂN QUANG)

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments