GDVN- Để tạo nên cú hích cho giáo dục Việt Nam, phải quản trị được sự đổi mới giáo dục, đặc biệt là việc thực thi Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã có nhiều tác động, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của ngành giáo dục. Nhiều trường học trên cả nước phải chuyển qua hình thức học trực tuyến, theo đó là sự thay đổi về phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập.
Đây cũng là giai đoạn mà chúng ta bước đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong hoàn cảnh đầy thách thức, toàn ngành đã nỗ lực để từng bước chinh phục những mục tiêu của đổi mới giáo dục.
Xoay quanh câu chuyện thực hiện chương trình mới trong bối cảnh dịch bệnh 2 năm qua, cùng với những việc chuẩn bị thực hiện trong năm học tới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC) |
PV: Thưa Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, thời gian qua vừa qua, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 (năm học 2020 – 2021), lớp 2, lớp 6 (năm học 2021 – 2022). Đây cũng là thời gian thách thức với toàn ngành khi chúng ta phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Thầy có nhận xét gì về những khó khăn, thách thức trong 2 năm triển khai chương trình mới cũng như kết quả mà chúng ta đã đạt được?
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Trước hết, tôi muốn chúng ta có tư duy tích cực thay vì cứ làm cho chính mình khổ sở hay làm cho mọi vấn đề trở nên màu xám.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình khá hiện đại cập nhật được các thành tựu về chương trình giáo dục trên thế giới nhất là chương trình phát triển về năng lực mà nhiều nước đã thử nghiệm và áp dụng. Song song đó, chương trình này được phát triển khá tốt ở nhiều môn, hoạt động giáo dục. Về đội ngũ thực thi cũng đã được chuẩn bị một cách có định hướng.
Tuy nhiên, có thể nói vẫn còn đó một số khó khăn có thể nhìn cả từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Thứ nhất là sự chuẩn bị đội ngũ chưa thật đồng đều ở các địa phương, nhất là sự thay đổi về quan điểm dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học phát triển năng lực (nghĩa là từ suy nghĩ, thói quen và sự tự tin đến khả năng thực thi)
Thứ hai, các điều kiện đáp ứng một cách trọn vẹn việc thực thi chương trình ít nhiều còn khó khăn, vì các hạn chế về điều kiện chung, điều kiện dịch bệnh bất thường, các thách thức về sự đầu tư,…
Thứ ba, việc dạy học online đòi hỏi phải đầu tư về hạ tầng, phần mềm và các kỹ năng cấp thiết nên vẫn còn những mong đợi của chương trình, nhất là khâu phát triển liên tục, thường xuyên năng lực của học sinh, việc kiểm tra đánh giá ít nhiều bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, sự sẵn sàng của học sinh, của phụ huynh và cả một bộ phận trong xã hội về chương trình dạy học phát triển năng lực cũng chưa đủ đầy nên vẫn gây những áp lực với ngành, dù đây là điều tự nhiên.
PV: Cùng với đổi mới chương trình thì một điều quan trọng là đổi mới trong kiểm tra đánh giá. Thưa Thầy, để hoạt động kiểm tra đánh giá online được thực hiện tốt thì cần phải lưu ý những gì ạ?
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Chúng ta cần nhìn nhận rằng việc đánh giá hoạt động kiểm tra đánh giá online phải xem xét trong toàn cục, nhất là từng địa phương khác nhau.
Ngay cả trong mùa dịch, việc hoạt động kiểm tra đánh giá online đã được triển khai kết hợp từ nhiều phương án và nhất là đã có 1 số nơi kết hợp với trực tiếp. Ngay cả trong tâm dịch, việc đánh giá của chúng tôi cũng đã có sự đầu tư bằng nhiều hình thức đan xen, đối sánh…
Để đảm bảo hoạt động kiểm tra đánh giá online đạt hiệu quả, chắc chắn cần phải dựa vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là chuẩn đánh giá, chuẩn đầu ra, chuẩn yêu cầu – yêu cầu cần đạt.
Nếu như chúng ta tiếp cận dạy học phát triển năng lực với các yêu cầu cần đạt gì thì việc đánh giá cần đảm bảo đạt các yêu cầu cần đạt ấy là đã hướng đến sự hài lòng thay vì đòi hỏi quá nhiều. Tất cả những lo lắng ít nội dung, ít câu hỏi, ít chi tiết… nghĩa là chúng ta vẫn còn ôm ấp biểu hiện của tiếp cận nội dung – chính là vấn đề trầm trọng của sự quá tải về nội dung…
Ngoài ra, việc đánh giá phải có ma trận, có tính toán đến dạng thức kiểm tra – đánh giá và tính hiệu lực (điều này phụ thuộc vào các thông số khoa học liên quan đến bài đánh giá mà không phải là sự phán xét của người chưa sâu về chuyên môn). Các vấn đầu đánh giá như đảm bảo tính khách quan (không có ai tác động, làm thay, làm giúp) và đảm bảo sự cân bằng tâm lý, hướng đến sự thoải mái để phát huy năng lực… đều là những vấn đề có thể đảm bảo trong từng bối cảnh đánh giá khác nhau…
PV: Năm học 2022 – 2023 sẽ tiếp tục áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, hành trình đổi mới giáo dục trong chặng đường tới đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu nào cho các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục cũng như mỗi giáo viên thưa Thầy?
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Hành trình đổi mới giáo dục trong chặng đường tới khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đặt ra nhiều nhiệm vụ, yêu cầu cho các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục cũng như mỗi giáo viên… Trong tầm nhìn của mình, tôi tiếp cận từ góc độ hiểu biết hữu hạn và suy nghĩ của bản thân, tôi cho rằng, có 3 điều lưu tâm sau:
Thứ nhất, việc tiếp tục hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần được xem xét và chuẩn bị khi chúng ta tính từ thời điểm ban hành khoảng 4 -5 năm (2023); kế đến việc đánh giá về sự làm chủ chương trình và tuân thủ chương trình của các bên có liên quan là điều cần làm (cả lãnh đạo các cấp, sách giáo khoa – từ khâu thẩm định đến biên soạn – triển khai).
Việc tập trung đánh giá về mức độ thực thi chương trình của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý song song với hiệu quả chương trình ở học sinh là điều cần ưu tiên…
Song, tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng đừng căng thẳng về việc dạy học online các em đạt được điều gì, mức gì mà hãy nhận ra tính lịch sử của bối cảnh và phương thức dạy học đã chọn. Thay vì thế, hãy tập trung định hướng sự đánh giá cập nhật, thường xuyên sau khi học sinh đã học xong lớp trước đó so với chuẩn – yêu cầu cần đạt để tiếp tục hoàn thiện và khuyến khích, thúc đẩy các em so với chuẩn.
Thứ hai, từ góc nhìn của công tác đào tạo và bồi dưỡng, chúng tôi cho rằng nhất thiết phải đảm bảo việc đầu tư đào tạo giáo viên, nhất là đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó cả tính cơ bản của từng môn cũng như các môn học mới, hoạt động giáo dục (cả về số lượng và chất lượng).
Điều có thể là tiêu điểm cần quan tâm ở các địa phương đó là mỗi địa phương có thể xem điểm đầu tư này là sự cạnh tranh rất quan trọng nếu chúng ta muốn tạo ra một đội ngũ nhân lực đi đầu hay thật chuyên nghiệp. Việc bồi dưỡng giáo viên cũng cần có tầm nhìn, có sự định hướng khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả, có điểm đến.
Thứ ba, cán bộ quản lý và giáo viên cần đổi thay để làm chủ chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là sự làm chủ đích thực để có thể hiểu tính pháp lệnh của chương trình và chuyển dần các thói quen, hành động dạy học tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực thông qua việc tổ chức hoạt động. Điều này đòi hỏi phải quản lý được sự thay đổi, quản lý bản thân và điều chỉnh, phát triển chính mình theo yêu cầu mới…
PV: Thầy gửi gắm kỳ vọng gì để việc thực hiện Chương trình giáo dục 2018 trong giai đoạn tiếp theo để thành công?
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Như lúc đầu tôi đã chia sẻ, sự đồng hành của xã hội đối với ngành giáo dục trong công cuộc đổi mới là quan trọng và rất cần thiết. Điều này tạo ra sự đồng thuận rất có giá trị.
Xin nhấn mạnh rằng việc chúng ta triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là xu hướng mới nhưng tiệm cận với thế giới. Chúng ta có quyền kỳ vọng, có quyền yêu cầu thay đổi, nhưng nên tạo cơ hội cho niềm tin nảy nở từ nhiều phía, nhất là nếu điều đó có ích cho con cái chúng ta. Bao giờ cũng thế, đầu tư và tạo cơ hội cho giáo dục là sự đầu tư đáng trân quý nhất.
Hơn nữa, ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng, đổi mới là cả một hành trình dài, nhiều gian nan, thử thách mà không phải ai cũng dễ chấp nhận. Đây đó vẫn còn những biểu hiện có vấn đề nhưng nếu chúng ta không ươm mầm, không gieo hạt thì sao có những cây xanh và hoa đời?
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại chúng ta đang ở đâu, cần đi đến đâu và hành trình ấy nên bước đi thế nào… Kỳ vọng về giáo dục Việt Nam, chắc chắn phải quản trị được sự đổi mới giáo dục mà việc thực thi chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một cơ hội có thể tạo nên cú huých.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Phạm Minh