Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCCHÍNH TRỊTƯ thống nhất cao chủ trương lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh...

TƯ thống nhất cao chủ trương lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

VietnamNet – Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Chiều nay (10/5), phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Tổng Bí thư, nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: “Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!”.

Kiên quyết đưa người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng

Về Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hoàn toàn đồng tình, nhất trí cao với báo cáo, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công của năm 2021 được rút ra.

Đó là, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt là một tập thể đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng, đã phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bám sát Quy chế làm việc, Chương trình làm việc toàn khoá và Chương trình làm việc năm 2021, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành khoa học, phối hợp nhịp nhàng, thống nhất, không có tình trạng chồng chéo hoặc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”…

Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 như đã đề ra, cần phải nâng cao hơn nữa sự thống nhất về nhận thức, và đổi mới, hành động quyết liệt hơn nữa. 

Cụ thể, về nhận thức, phải xác định rõ tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. 

Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Quá trình thực hiện phải thường xuyên kết hợp giữa xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với củng cố, chấn chỉnh cơ sở đảng yếu kém; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đi đôi với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, vai trò tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Đồng thời, cần tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc về sinh hoạt đảng và lời thề của đảng viên khi vào Đảng. 

Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình đảng, trước khi vào Đảng phải thực sự là những quần chúng ưu tú không chỉ về năng lực công tác mà phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có động cơ trong sáng với phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Về hành động, cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch hành động liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết lần này của Trung ương đã đề ra.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư nhấn mạnh, từng đảng viên phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy thì tổ chức đảng và đảng viên mới thật sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín với quần chúng nhân dân. 

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Tổng Bí thư lưu ý cần hết sức coi trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, qua đó kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời củng cố các tổ chức đảng yếu kém; xử lý nghiêm các đảng viên thoái hoá, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng…

Khắc phục tình trạng đầu cơ đất

Liên quan vấn đề đất đai, Tổng Bí thư nhấn mạnh, thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý đất đai và dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai một cách tập trung, đồng bộ, thống nhất. Nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.

Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hợp lý, với tầm nhìn dài hạn, hài hoà lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa Trung ương và địa phương; giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới đặt ra của thực tiễn. 

Hội nghị Trung ương lần này đã đi sâu phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý nhà nước về đất đai…

Hương Quỳnh

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments