Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKINH TẾKhai thác tiềm năng năng lượng gió, sóng ở Việt Nam

Khai thác tiềm năng năng lượng gió, sóng ở Việt Nam

Nhà máy điện gió Đông Hải I, tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: MAI NGỌC)

NDĐT – Hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo các cơ quan có liên quan cập nhật, hoàn thiện “Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam”. Qua đó, giúp các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình quy hoạch và phát triển liên quan đến năng lượng tái tạo ở nước ta.

Theo kết quả khảo sát của Chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360MW, lớn gấp 200 lần công suất của Nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. 

Kết quả “Báo cáo tóm tắt năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam” do Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện cho thấy: Các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là từ Bình Định đến Ninh Thuận; từ Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình năm từ 8 đến 10m/giây; mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600 đến hơn 700W/m2. 

Vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ, hướng gió chủ đạo là đông đến đông đông bắc; trung bình năm, tốc độ gió từ 6 đến 8m/giây, mật độ năng lượng gió phổ biến từ 200 đến 500W/m2. Vùng biển nam vịnh Bắc Bộ, hướng gió chủ đạo là đông; trung bình năm, tốc độ gió 6 đến 8m/giây, mật độ năng lượng gió phổ biến từ 200 đến 500W/m2. Vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận, hướng gió chủ đạo là bắc đến đông bắc; trung bình năm, tốc độ gió từ 7 đến 9m/giây, mật độ năng lượng gió phổ biến từ 300 đến 600W/m2. Vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau, hướng gió chủ đạo là bắc đông bắc đến đông đông bắc; trung bình năm, tốc độ gió từ 7 đến 10m/giây và mật độ năng lượng từ 300 đến 700W/m2…

Ở các vùng biển phía bắc, thời gian có thể khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất (tốc độ gió trung bình ≥ 8m/giây) là từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Ở các vùng biển phía nam, tốc độ gió cũng như mật độ năng lượng gió có sự phân hóa theo mùa. Tốc độ gió/mật độ năng lượng gió trong các tháng chính mùa hoạt động của gió mùa đông và mùa hè lớn hơn các tháng chuyển tiếp, trong đó trị số trong mùa đông lớn hơn nhiều so với mùa hè ở các vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và không có sự chênh lệch nhiều giữa hai mùa ở vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang. Thời gian nên khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất ở các vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau là từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau, với tốc độ gió trung bình hơn 8m/giây và mật độ năng lượng gió phổ biến hơn 500W/m2… 

Về tiềm năng năng lượng sóng ở các vùng biển Việt Nam, kết quả tính toàn lượng sóng trung bình nhiều năm cho thấy khu vực có tiềm năng năng lượng sóng > 2kW/m bao phủ toàn bộ vùng Biển Đông (ngoại trừ khu vực vịnh Thái Lan); khu vực có tiềm năng năng lượng > 10kW/m trải rộng từ phía bắc đến giữa Biển Đông và kéo dài đến ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ… Trong mùa đông, gió mùa đông bắc tạo ra vùng năng lượng sóng khá mạnh trên vùng bắc và giữa Biển Đông, nhất là tháng 12 hằng năm với tiềm năng năng lượng lớn nhất với 70kW/m. Vùng biển miền trung từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận năng lượng sóng lớn nhất khoảng từ 50 đến 60kW, với tần suất xuất hiện ngưỡng “tiềm năng trung bình” tới hơn 60% và ngưỡng “tiềm năng cao” tới 40%, do vậy đây sẽ là khoảng thời gian khai thác năng lượng sóng thuận lợi nhất trong năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia lĩnh vực năng lượng, môi trường đều cho rằng: Khi triển khai các công trình khai thác năng lượng gió, sóng ngoài khơi cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và hoạt động kinh tế-xã hội như: ảnh hưởng của các công trình đến luồng hàng hải; ảnh hưởng các khu bảo tồn, cấm khai thác; các mỏ khai thác dầu khí; cáp ngầm biển… Do vậy, khi quy hoạch xây dựng cần lựa chọn khu vực khai thác để chỉ ảnh hưởng thấp nhất đến giao thông của các tàu thuyền trên biển. 

Tại các khu vực có mật độ đi lại, ra vào cao như các cửa sông, lạch triều chắc chắn cần được loại trừ khi xây dựng trạm khai thác năng lượng. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu rõ: Nhằm triển khai thực hiện kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), mục tiêu cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng “Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam”. 

Thông qua báo cáo này, để các bộ, ngành và địa phương triển khai, sử dụng trong quá trình quy hoạch, xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển liên quan năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, sóng ngoài khơi các vùng biển Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục nâng cấp cách thức và thiết bị đo sóng hiện nay tại các trạm hải văn bằng các máy đo tự động để giúp thu thập được số liệu liên tục trong ngày với tần suất đo nhiều hơn và đầy đủ các tham số độ cao, chu kỳ và hướng; xây dựng bản đồ tiềm năng gió (ở các độ cao từ 60 đến 200m) và tiềm năng sóng cho các vùng biển Việt Nam… 

Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động của các công trình điện gió ngoài khơi đến môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, an ninh và an toàn hàng hải…

THÁI SƠN

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments