GDVN- Không chỉ giành học bổng quốc tế và sở hữu thành tích học tập đáng nể, nam sinh người Tày còn khiến nhiều người bất ngờ với đam mê lưu giữ văn hóa truyền thống.
Cậu học trò không thích đi học thêm
Vượt qua nhiều ứng viên xuất sắc, nam sinh Hà Kiên Trung (học sinh lớp 12A1 trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên – Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã giành “tấm vé” vào ngôi trường hiện đại, tân tiến bậc nhất nước Mỹ. Trường đại học Wesleyan nằm trong top 17, được biết đến với lợi thế đào tạo chuyên ngành Kinh tế, Tâm lý xã hội.
Môn học yêu thích từ nhỏ của Kiên Trung chính là môn Tiếng Anh và Tin học, cậu thực sự có một đam mê rất lớn với cơ hội được tiếp cận Internet.
Ngay từ khi còn là một cậu bé học tiểu học, Hà Kiên Trung đã sớm bộc lộ năng khiếu với Tin học, khi chỉ sau một tuần “nhập môn”, cậu đã “ẵm” luôn giải Nhất “Tin học trẻ” cấp huyện, rồi sau đó là chinh phục luôn giải Nhất “Tin học trẻ” cấp tỉnh. Sau này, cậu học trò xứ Tuyên vẫn lựa chọn gắn bó với niềm đam mê ấy và ngày một chuyên tâm hơn.
Nhắc đến tấm gương đã gieo ngọn lửa đam mê lớn này, nam sinh hào hứng chia sẻ: “Tỷ phú Elon Musk – người được mệnh danh là “Iron man đời thực” trong giới công nghệ – chính là người truyền cảm hứng cho em, bởi cách một con người gần gũi, vui vẻ như bao người khác có thể thay đổi thế giới một cách tốt đẹp hơn”.
Để đạt được suất học bổng toàn phần trị giá 350.000 USD (tương đương khoảng 8 tỷ đồng), là sự quyết tâm và nỗ lực của cậu học trò người Tày, vốn sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Sơn Dương (Tuyên Quang).
Đặc biệt, nhiều người có lẽ vẫn nghĩ, hẳn, Kiên Trung sẽ phải dành rất nhiều thời gian “vùi đầu” vào sách vở. Thế nhưng, sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
Chị Ma Thị Thu Loan (mẹ của Kiên Trung) tâm sự: “Từ lớp 1 đến hết lớp 9, rất ít khi Trung ngồi vào bàn học. Vì vậy, con cũng không hề có góc học tập, hay những tủ sách chỉn chu như nhiều bạn bè đồng trang lứa. Trung có khả năng tập trung cao và ghi nhớ rất nhanh, nên hầu như những kiến thức thầy cô giảng trên lớp, con đều đã hiểu và thuộc, các bài tập cô giáo giao thì con đã làm xong trên lớp.
Tôi nhớ nhất, có những hôm vừa đi học về, Trung ngồi vào bàn, chỉ giở vở bài tập ra làm tầm 10 phút là lại gập sách vở, đứng dậy. Bạn ý giải thích: Trên đường đạp xe về nhà, con đã làm sẵn bài tập trong đầu rồi, nên giờ chỉ cần vài phút ghi vào vở là xong…”.
Cũng theo chị Thu Loan, từ nhỏ đến lớn, cậu con trai này cũng không phải đi học thêm như nhiều bạn, mà chủ yếu tự học và tìm hiểu các kiến thức nâng cao qua mạng Internet.
Chị kể: “Khi Kiên Trung mới xuống Hà Nội học, thấy các bạn học sinh ở đó ngoài giờ học trên lớp là kín lịch chiều và tối học thêm, tôi cũng lo lắng, giục con đăng ký học thêm. Nhưng con vẫn tự tin bảo con tự học được. Thế nên, suốt 3 năm học Trung học phổ thông chuyên, Trung chỉ đi học ôn ngoài duy nhất Tiếng Anh để thi IELTS và SAT.
Người ngoài nhìn vào chắc cũng lo lắng và sốt ruột nhiều lắm, vì thấy con ngủ nhiều, chơi nhiều… Nhưng bố mẹ thì lại thấy bình thường, vì từ nhỏ con đã vậy, mà kết quả học tập của con vẫn rất tốt, nên cũng yên tâm”.
“Một phần lý do khiến bố mẹ yên tâm, có lẽ, vì Trung từ sớm đã tỏ ra là một cậu bé rất có trách nhiệm. Ngay từ lúc còn rất nhỏ, mặc dù sốt cao cả đêm, nhưng vẫn nằng nặc đòi bố mẹ đưa đến lớp học, vì sáng hôm sau, cô giáo có tiết dự giờ quan trọng, mà con thì đã “xung phong sẽ đọc thơ trước lớp”… Sau khi cô giáo hoàn thành tiết dạy, con mới chịu về nhà uống thuốc và nghỉ ngơi.
Chính vì vậy, bố mẹ rất tin tưởng vào con. Khi thấy con ung dung ngồi chơi game thì có nghĩa là con đã hoàn thành việc học và các việc trong gia đình” – chị Thu Loan.
Mặc dù không phải một “mọt sách” chính hiệu, nhưng Kiên Trung cũng có những bí quyết “ôn bài” rất hiệu quả. Đó là thường xuyên trao đổi và hỗ trợ các bạn trong lớp, bởi Trung quan niệm, chỉ bài và dạy lại kiến thức chính là một trong những cách tốt nhất để ghi nhớ.
Mặc dù, bản thân cũng có lúc gặp phải những “cú sốc”, song, sẽ rất nhanh, nam sinh có thể tìm lại được sự tự tin – nguồn năng lượng lớn nhất để chinh phục những thử thách mới.
“Người giữ lửa” say mê đàn tính vì thấy… giống mình
Không chỉ có thành tích nổi trội trong học tập, nam sinh người Tày còn gây chú ý khi thành lập một câu lạc bộ giao lưu và lưu giữ giá trị truyền thống.
Kiên Trung tâm sự: “Em sinh ra và lớn lên đã rất gần gũi văn hóa các dân tộc của quê hương. Hằng ngày, theo dõi các thông tin nên trên báo đài, em nhận thấy, nét văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Tày của em có thể sẽ đứng trước nguy cơ bị mai một, nếu không được duy trì.
Có lẽ vì thế, khi cần học một nhạc cụ, em đã quyết định học đàn tính rồi học luôn cả hát then. Em theo học một nghệ nhân, nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn thì phải chuyển sang tự mày mò học ở nhà, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời điểm đó đang bùng phát mạnh.
Lúc ấy, em chợt nghĩ, nếu chỉ có mỗi mình mình học đàn tính, học hát then thì chưa thực sự hiệu quả, cần phải lan tỏa cho các em học sinh nhỏ cùng yêu thích và đam mê giống mình. Đó là lý do em quyết định lập ra câu lạc bộ Đàn tính – Hát then, để bảo tồn bản sắc dân tộc mình. Ngoài ra, em cũng rất yêu thích cây đàn tính, vì nó như một biểu tượng của cá nhân mình, đơn giản, mộc mạc nhưng âm thanh không thua kém gì các nhạc cụ hiện đại khác”.
“Em đã chọn nhóm học sinh tại khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào vì nơi đó còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân tộc Tày và có nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến thăm” – nam sinh lý giải.
Tuy nhiên, chẳng được bao lâu, Trung có lịch học trực tiếp tại trường nên phải khăn gói về Hà Nội. Cậu đã nhờ một người chị trong câu lạc bộ Đàn tính – Hát then của một xã gần đó đến quản lý thay và tiếp tục truyền lửa. Bản thân Kiên Trung, cứ đến cuối tuần được nghỉ học, cậu lại tức tốc đón xe từ Hà Nội để về với câu lạc bộ nhỏ của mình.
Nam sinh tiết lộ, cậu rất yêu thích cây đàn tính, vì nó như một biểu tượng của cá nhân, đơn giản, mộc mạc nhưng âm thanh không thua kém gì các nhạc cụ hiện đại khác. (Ảnh: NVCC). |
Toàn bộ kinh phí chi trả từ trang trí, in sách, bồi dưỡng cho người dạy đều do chính nam sinh tự trích từ tiền học bổng suốt 3 năm học sinh giỏi xuất sắc và tiền công đi làm gia sư để chi trả.
“Dù chỉ là một hoạt động nhỏ, nhưng em có cảm giác rất tự hào và thấy mình như trưởng thành hơn, vì mình đã đóng góp được phần nào công sức vào những hoạt động ý nghĩa cho quê hương, cho dân tộc mình” – cậu học trò lớp 12 tâm sự.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Kiên Trung bật mí: “Em nghĩ, mình sẽ tập trung học tập thật tốt và quan trọng nhất là hoà mình vào tìm hiểu nhiều nền văn hoá, để có thể trở thành một con người hoàn thiện hơn về mọi mặt, một công dân toàn cầu”.
Ngân Chi