NDĐT – Với quan điểm xuyên suốt trong điều hành nền kinh tế thời gian qua, thành phố Đà Nẵng xác định đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Đà Nẵng hiện vẫn còn dư địa cùng nhiều tiềm năng, lợi thế riêng để thu hút mọi nguồn lực đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cam kết tạo mọi thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc và phát huy tối đa ba trụ cột phát triển chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, cùng với văn hóa, tạo nên thế mạnh để các nhà đầu tư quyết định rót vốn và an tâm cùng đưa kinh tế thành phố ổn định, sớm trở lại đường đua trong vai trò là thành phố động lực, kết nối của khu vực miền trung, Tây Nguyên và cả nước.
Khẳng định vị thế và tầm chiến lược của thành phố Đà Nẵng trong vai trò trụ cột, động lực, kết nối khu vực miền trung, Tây Nguyên với cả nước và khu vực, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra các hạn chế của Đà Nẵng như quy mô, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng, chưa thật sự bứt phá; quy mô kinh tế còn khiêm tốn, cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đà Nẵng phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ.
Bằng các cam kết hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đã và đang rót vốn đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, chính quyền thành phố Đà Nẵng kỳ vọng sớm đạt mục tiêu thu hút đầu tư, triển khai thành công chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội”.
Tại Diễn đàn đầu tư năm 2022 vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trương nghiên cứu đầu tư; thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch phân khu; bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đề xuất hơn 5,6 tỷ USD. Trong đó có 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 8.505 tỷ đồng (tương đương 369,8 triệu USD). Đây là cú huých lớn, tạo tiền đề để Đà Nẵng tiếp tục nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm từ các nhà đầu tư.
Đáng chú ý, vốn đầu tư FDI lũy kế đến tháng 5/2022, toàn thành phố Đà Nẵng có 920 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 3,929 tỷ USD từ 45 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đà Nẵng công bố Danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030 gồm 36 dự án, tập trung các lĩnh vực y tế, giáo dục, bất động sản-du lịch, dịch vụ, thương mại; hạ tầng công nghiệp, công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, logistics…
Đây là những thế mạnh mà Đà Nẵng tập trung thu hút các nhà đầu tư, cũng là tầm nhìn chiến lược để các nhà đầu tư tìm hiểu, chọn lựa trong điều kiện dịch bệnh còn tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế-xã hội của thành phố, việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là yếu tố rất then chốt để khơi thông nguồn lực đầu tư.
Xác định “điểm nghẽn” và tìm giải pháp khắc phục, khơi thông “điểm nghẽn” để thu hút mọi nguồn vốn đầu tư, là chìa khóa để Đà Nẵng sớm phục hồi đà tăng trưởng như kỳ vọng.
Anh Đào