Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKH-CNỨng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong...

Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

QĐND – Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đã và đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống xã hội. Tương tự như các lĩnh vực khác, nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu này.

Là vùng có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy CĐS vào lĩnh vực này. Việc CĐS trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều thành công từ chuyển đổi số

Trước tác động của biến đổi khí hậu và những yêu cầu đặt ra từ thị trường đã tạo nên những thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Để tháo gỡ “nút thắt” cũng như thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình CĐS. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình cũng xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CÐS.

Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm (Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ) giới thiệu mô hình Quản lý môi trường ao nuôi tôm thông minh bảo vệ môi trường sinh thái. 

Với sự quan tâm, xây dựng ngành nông nghiệp, đặc biệt là việc thúc đẩy CĐS của các cấp lãnh đạo, nhà nghiên cứu và người làm nông nghiệp, tại những địa phương vùng ĐBSCL, các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư ngày càng nhiều hơn, chuyên sâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS trong nông nghiệp. Kết quả đã có nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản…

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong CĐS, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trước sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng. Từ năm 2019, Tập đoàn Lộc Trời đã trang bị hàng nghìn điện thoại thông minh cho nông dân để tăng cường ứng dụng công nghệ trong kết nối giữa sản xuất, tiêu thụ. Hiện nay, khoảng 80% quá trình vận hành, điều hành quản lý tổng thể từ văn phòng đến áp dụng quy trình canh tác, giám sát các khâu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đều trên phần mềm.

“Trong 1 triệu héc-ta quy mô của Lộc Trời đang áp dụng những tiêu chí văn phòng không giấy; đồng ruộng không dấu chân và riêng 110.000ha lúa tại tỉnh An Giang, chúng tôi đã và đang áp dụng sản xuất không giao dịch tiền mặt. Bên cạnh đó, một số địa phương đã tổ chức được bản đồ số trong canh tác. Việc tập trung đầu tư CĐS và đổi mới về công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, ổn định hai thị trường truyền thống là Philippines, châu Phi mà còn tiếp cận nhiều quốc gia ở thị trường châu Âu đối với những sản phẩm chế biến từ lúa gạo”, ông Thuận nhấn mạnh.

Không chỉ doanh nghiệp lớn mà các hộ nông dân cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CĐS vào trong sản xuất. Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Cư, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã mạnh dạn áp dụng CĐS vào trang trại trồng nấm bào ngư xám. Ông Cư bộc bạch: “Với gần 3.000 phôi nấm trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ tưới phun sương, tốn rất nhiều thời gian, chi phí điện, nước. Từ khi áp dụng hệ thống tưới phun sương tích hợp trên điện thoại thông minh thì tiết kiệm được 80% lượng nước tưới, ngoài ra, mình còn quản lý được quá trình sinh trưởng, độ ẩm, thời gian phun tưới cho nấm dù ở bất cứ đâu”.

Đồng bộ giải pháp hỗ trợ, khích lệ

Xác định CĐS là “chìa khóa” để nông nghiệp phát triển bền vững, theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, TP Cần Thơ có hơn 1.460 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp đang tiến hành. Trong đó, có nhiều nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp hướng đến việc tạo nền tảng, tiền đề thuận lợi cho hoạt động CĐS trong nông nghiệp đã và đang được thực hiện. Cùng với đó, giai đoạn 2013-2017 và giai đoạn 2018-2020, thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị, thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng trong các khâu sản xuất-chế biến và thương mại của các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của thành phố hướng tới nền nông nghiệp CĐS”.

Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
 Ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp đang được ngành nông nghiệp các địa phương khuyến khích nhân rộng.

Tại các địa phương như: An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, bắt nhịp với xu hướng CĐS, Sở NN&PTNT các địa phương đã và đang thực hiện ứng dụng CĐS cho nhiều lĩnh vực. Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: “Thời gian qua, tỉnh luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn CĐS để bắt kịp với xu hướng thị trường. Tỉnh cũng vận hành hệ thống thông tin nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng WebGIS; vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”; ứng dụng di động Hậu Giang (HauGiang App); triển khai thí điểm công nghệ Auto Timelapse trong truy xuất nguồn gốc một số loại nông sản ở Hậu Giang… Phần mềm thể hiện tất cả giai đoạn phát triển của cây trồng và vật nuôi, không chỉ báo cáo hình ảnh quá trình nuôi trồng mà còn hiển thị, phân tích các chỉ số tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi, thông báo sự thay đổi môi trường”.

Dù đạt được kết quả bước đầu, song trong hội thảo với chủ đề CÐS trong nông nghiệp vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia nông nghiệp tại các địa phương trong vùng ĐBSCL nhận định, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động CĐS trong nông nghiệp vẫn còn là vấn đề khá mới; việc ứng dụng CĐS chưa được sâu rộng. Các chuyên gia chỉ ra thời gian qua, thể chế khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Các chính sách về vốn, thuế, hỗ trợ phát triển chưa tạo điều kiện để các đối tượng từ doanh nghiệp đến nông dân có thể tiếp cận để đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Trên cơ sở phân tích, TS Nguyễn Ðức Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) chỉ ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động CĐS trong nông nghiệp. Theo đó, các chính sách về CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp cần được nghiên cứu, ban hành phù hợp với thực tiễn sản xuất, từ đó chủ động đầu tư khoa học công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới về CĐS.

“Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng 4.0 để thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp không hề có công thức chung, phải được điều chỉnh để phù hợp cho từng địa phương, trang trại và hộ nông dân. Tùy hoàn cảnh, đặc điểm và cả ngân sách của đơn vị, địa phương mà có thể chỉ cần áp dụng công nghệ đến mức phù hợp, cho đến khi nào cần thì có thể đưa công nghệ ứng dụng ở mức cao hơn, phù hợp hơn với mô hình cũng như hoàn cảnh cụ thể. Và muốn CĐS thành công, trước tiên phải hình thành được đội ngũ nông dân có thể làm chủ được công nghệ, biết áp dụng CĐS”, TS Nguyễn Đức Nhân nhấn mạnh.

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn hai lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh CÐS. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, CÐS cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với kế hoạch vạch ra bài bản cùng những giải pháp cụ thể, quá trình CÐS ngành nông nghiệp hứa hẹn tạo đột phá, động lực mới nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia vào quá trình CÐS.

Bài và ảnh: THÚY AN

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments