Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKhi tiến sĩ bỏ việc nhà nước

Khi tiến sĩ bỏ việc nhà nước


                                                                                      TS Nguyễn Văn Đáng

Trên diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã giải trình về con số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc trong hơn 2 năm qua. Trong đó gồm 653 người có trình độ tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ, và khoảng 1.200 bác sĩ.

Như lãnh đạo Bộ Nội vụ đã nêu rõ, số cán bộ, công chức, viên chức thôi việc kể trên chỉ chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao, và đây là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động. Tuy nhiên, diễn biến này đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý công chức, viên chức hiện nay để sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp.

Theo tôi, một vấn đề cần chú ý là số lượng 653 công chức, viên chức có bằng Tiến sĩ đã xin nghỉ việc khu vực công để chuyển sang khu vực tư nhân hoặc các tổ chức quốc tế. Hiện tượng người lao động đã có thời gian dài thụ hưởng các cơ hội và nguồn lực từ Nhà nước để có tấm bằng tiến sĩ, nhưng rồi lại rời bỏ nơi làm việc đang gợi ra nhiều vấn đề cần xem xét.

Trong báo cáo, Bộ Nội Vụ không nêu rõ 653 Tiến sĩ bỏ việc nhà nước thuộc những ngành nào, nên chúng ta chưa thể xác định những lĩnh vực đang có nhiều cơ may thị trường và thúc đẩy cán bộ có trình độ tiến sĩ thay đổi nơi làm việc.

Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ người lao động nghỉ việc chủ yếu thuộc lĩnh vực Y tế và Giáo dục thì có thể dự đoán đa số các tiến sĩ dứt áo ra đi thuộc hai ngành này. Bởi lẽ, Y tế và Giáo dục là hai ngành thâm dụng lực lượng trí thức, đã có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, nhu cầu lớn nên mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các tiến sĩ hơn so với các ngành khác. 

Thực tế ở nước ta hiện nay, không phải ai có bằng tiến sĩ cũng làm nghiên cứu và giảng dạy. Với rất nhiều cán bộ, tấm bằng tiến sĩ là một điều kiện cần để đáp ứng những yêu cầu về danh vị và thăng tiến trong sự nghiệp làm cán bộ, lãnh đạo và quản lý. Việc theo đuổi tấm bằng tiến sĩ đã nằm trong lộ trình phấn đấu của họ ở khu vực công. Do vậy các cán bộ này sẽ ít khi rời bỏ công việc hiện tại. Vì làm công tác quản lý nhà nước, họ không thường xuyên hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, nghĩa là không gắn với hoạt động chuyên môn. Tâm lý và thể diện cá nhân cũng là các yếu tố không thúc đẩy những tiến sỹ không gắn với hoạt động chuyên môn bỏ việc nhà nước. 

Từ thực tế một số trường hợp, có thể dự đoán các tiến sĩ xin nghỉ việc Nhà nước sẽ chủ yếu thuộc nhóm cán bộ chuyên môn. Họ là những người chỉ quan tâm đến công việc chuyên môn, môi trường làm việc, và thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Bởi thế, những người này sẽ dễ dàng hơn khi quyết định từ bỏ cơ quan nhà nước bởi họ không nặng nề chuyện chức vị, không bị ràng buộc bởi các quan hệ ngoài chuyên môn, hay ước vọng thăng tiến sự nghiệp trong khu vực công. Khi những cơ may tốt hơn ở khu vực ngoài nhà nước xuất hiện thì lực cản tổ chức và tâm lý không đủ mạnh để giữ họ ở lại.

Vấn đề ở đây là, khi một người có trình độ tiến sĩ xin nghỉ việc thì Nhà nước không đơn giản chỉ mất một người lao động chất lượng cao. Để lấy được bằng tiến sĩ, tối thiểu một cá nhân phải mất 10 năm kể từ khi trở thành người nhà nước. Họ phải tích lũy đủ thời gian công tác thực tế, thu xếp công việc gia đình, tìm hiểu các chương trình đào tạo, hoàn thiện các điều kiện ứng tuyển phức tạp theo yêu cầu. Tư cách cán bộ nhà nước giúp cá nhân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận cơ hội theo học chương trình tiến sĩ, được hỗ trợ về thời gian và tài chính, đặc biệt là với những người đi du học nước ngoài.

Bởi vậy, cái mất của Nhà nước khi một tiến sĩ rời bỏ khu vực công là tổng hợp những cơ hội, thời gian, và nguồn lực mà cá nhân đã được thụ hưởng cho đến khi họ có tấm bằng tiến sĩ.

Theo thống kê từ năm 2014, Việt Nam đã có hơn 24.000 tiến sĩ. Con số này chắc chắn đã gia tăng nhiều hơn nữa trong gần 10 năm vừa qua. Khác với các nước phát triển, đại đa số lao động có trình độ tiến sĩ ở nước ta đang làm việc cho khu vực công. Bởi thế, trước xu hướng ngày càng lớn mạnh của khu vực tư nhân, nguy cơ những tiến sĩ giỏi nghỉ việc nhà nước để chuyển sang khu vực tư nhân sẽ ngày càng hiện hữu rõ hơn.

Từ đầu những năm 2000, các cơ quan nhà nước Việt Nam đã chi ra số tiền khổng lồ để đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ tiến sĩ. Đơn cử các chương trình lớn như Đề án 322 (Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước), Đề án 911 (Đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020), hay các chương trình học bổng hợp tác liên chính phủ với các nước như Australia, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc…vv. Hàng nghìn tiến sỹ đã hoàn thành quá trình đào tạo và trở về công tác tại các cơ quan trong nước. Có thể nói, cho đến hiện nay, Nhà nước vẫn là chủ thể cung cấp cơ hội và nguồn lực chính yếu cho việc đào tạo người lao động có trình độ tiến sĩ ở nước ta.

Tuy nhiên, theo tôi, sau hơn hai thập kỷ đầu tư kinh phí để cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, việc đánh giá hiệu quả của chính sách đào tạo cán bộ trình độ cao chưa được chú ý đúng mức. Bên cạnh những thống kê và thông tin khái quát, chúng ta chưa thấy những phân tích thấu đáo về kết quả và chất lượng đào tạo, khả năng đóng góp thực tế, quá trình làm việc và thăng tiến của đội ngũ trí thức đã được thụ hưởng cơ hội và nguồn lực từ Nhà nước. 

Dư luận bàn tán nhiều về chế độ đãi ngộ bất cập có thể khiến lao động trình độ cao, trong đó có các tiến sĩ giỏi, xin nghỉ việc nhà nước. Chẳng hạn như mới đây một tiến sĩ, giảng viên trường Đại học công lập ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do lương quá thấp (6 triệu đồng/tháng) nên đã vào một trang fanpage của những người làm nghiên cứu khoa học, làm tiến sĩ (VietPhD) để chia sẻ ý định tìm kiếm việc làm thêm và chuyển sang nơi khác.

Đúng là chế ngộ đãi ngộ với cán bộ, công chức, viên chức nói chung còn bất cập, nhưng nếu chỉ nhìn thấy vấn đề này là chưa đủ. Với đặc thù của đội ngũ trí thức có trình độ tiến sĩ thì điều họ quan tâm nhất chưa hẳn là chế độ đãi ngộ từ Nhà nước, mà là môi trường làm việc và cơ hội cống hiến. Bởi nếu môi trường làm việc thuận lợi, họ có thể đạt nhiều thành tích, đóng góp tốt cho cơ quan, tổ chức thì tự khắc uy tín bản thân sẽ được nâng cao. Nhờ đó, các cơ hội gia tăng thu nhập sẽ tự khắc xuất hiện, chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực từ Nhà nước.

Số lượng 653 tiến sĩ xin nghỉ việc Nhà nước trong hơn hai năm vừa qua chưa phải là con số đáng báo động, nhưng chắc chắn là một thực tế không thể coi nhẹ. Cơ quan Nhà nước không nên và không thể chỉ là bến đỗ tạm thời cho những cá nhân tiếp cận cơ hội và nguồn lực học tập, đến khi trưởng thành thì lại dễ dàng dứt áo ra đi. Bởi thế, chúng ta cần xem xét thấu đáo vấn đề tiến sĩ nghỉ việc hiện nay để từ đó có sự điều chỉnh chính sách cũng như cách thức quản lý đội ngũ này. 

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng là tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

                                                                                                Theo báo điện tử Dân trí

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments