Thu Hằng Nhà báo
Trước lo ngại về việc kê khai tài sản ảnh hưởng đến việc lấy phiếu tín nhiệm, Phó Ban Công tác đại biểu nêu thực tế nhiệm kỳ trước “có những người kê khai hàng chục bất động sản, thu nhập hàng tỉ/năm cũng không có vấn đề gì cả”.
Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề cập đến các căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm có nêu: “người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình các nội dung mà ĐBQH, đại biểu HĐND yêu cầu nếu có”.
Đại biểu băn khoăn với những yêu cầu này thì “không biết tất cả ĐBQH, đại biểu HĐND có đủ điều kiện để hiểu hết các trường hợp lấy phiếu tín nhiệm hay không?”.
“Nhận thức của tôi thì chắc rất ít người đủ điều kiện để có thể hiểu được hết những người thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Do đó rất dễ đánh giá, thể hiện chính kiến không đầy đủ, bao quát hết”, ông Thịnh lo ngại.
Đại biểu tỉnh Khánh Hòa đề nghị dự thảo sửa lại theo hướng, tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm đều có báo cáo những nội dung cơ bản trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, không nên nặng nề việc báo cáo một cách “dài dòng văn tự”.
Đề cập đến chuyện kê khai tài sản, đại biểu tỉnh Khánh Hòa nêu quan sát của bản thân cho thấy thực tế chưa kiểm soát được thu nhập của cán bộ, của những người lãnh đạo từ trước đến nay nên việc yêu cầu kê khai nhiều khi khó kiểm chứng được.
“Có những người vừa làm quản lý giỏi, vừa làm kinh tế giỏi và họ có khối tài sản không phải ít, bắt người ta kê khai tất cả tài sản thì nhiều khi đánh giá chưa chắc đã đúng mà rất dễ bị hiểu nhầm “hay là ông tham nhũng”, ông Thịnh băn khoăn.
Do đó, theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, cần phải tính toán, rà soát tiêu chí, các căn cứ đề xuất như thế nào cho phù hợp để cán bộ tự tin kê khai một cách phù hợp và cái gì nhạy cảm thì cũng không cần thiết đưa vào.
Điều quan trọng nhất là cán bộ đó đang thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình. Các ĐBQH, HĐND đánh giá họ một cách trung thực việc họ làm tốt, chưa tốt.
“Kỳ trước, tôi cũng bỏ phiếu ở khóa XIV nhưng hình như người có phiếu tín nhiệm thấp hầu như không có. Vậy chúng ta đánh giá như thế này mất rất nhiều công sức. Tôi đề nghị làm thế nào cho hiệu quả, thiết thực, có chuyển biến, tạo không khí mới, đồng thuận mới, động viên được đội ngũ, đừng để cán bộ hiện nay né tránh công việc”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Kê khai tài sản đã đi vào nền nếp
Chia sẻ ở góc độ là cơ quan soạn thảo, Phó Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhìn nhận, đúng là không ai có điều kiện hiểu hết thông tin của những người được lấy phiếu tín nhiệm và nhiệm kỳ nào cũng thế.
Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ, mục đích sửa quy định lần này là cụ thể hóa quy định 96 của Đảng, tạo sự đồng bộ giữa các nghị quyết của Quốc hội, thống nhất giữa các quy định.
Dự thảo cũng có kèm theo phục lục hướng dẫn những báo cáo người lấy phiếu tín nhiệm phải có để các đại biểu tham khảo khi đưa ra chính kiến của mình.
Về kê khai tài sản, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết phải thực hiện theo Nghị định 130 của Chính phủ và đòi hỏi người kê khai phải trung thực.
“Tôi là người tham mưu giúp cho Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Thực tế có nhiều người kê khai đầy đủ hết, không vấn đề gì cả. Có những người kê khai hàng chục bất động sản, thu nhập 1 năm có thể đến hàng tỉ bởi vì họ là giáo sư, tiến sĩ ngồi trong các hội đồng, làm các đề tài nghiên cứu rất nhiều nên thu nhập họ cao, không có vấn đề gì cả”, Phó Ban Công tác đại biểu nêu thực tế.
Còn việc kê khai không trung thực thì sẽ có thẩm định, kiểm tra, giám sát,… và theo quy định hiện nay, thực hiện bốc thăm để kê khai tài sản. Bây giờ có nhiều thiết chế để không thể, không cần phải gian dối trong quá trình kê khai. Nếu không kê khai, sau này phát sinh thì lại gặp vấn đề.
“Sau mỗi lần đến kỳ bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bầu cử đều có kê khai tài sản. Vì vậy việc kê khai tài sản đã đi vào nền nếp không có gì khó khăn cả”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Phó Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Hà Quốc Trị lưu ý quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm với “người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là không thống nhất với các quy định khác của Đảng.Bởi khi phát hiện cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng rồi mà không thực hiện xử lý kỷ luật theo quy trình riêng của Đảng mà lại đưa vào quy trình bỏ phiếu tín nhiệm là chưa hợp lý. Như vậy là không đúng theo quy định của Trung ương và nguyên tắc xử lý kỷ luật của Đảng. Đó là tất cả đảng viên, tổ chức đảng khi vi phạm đều phải xem xét kỷ luật. “Tôi đề nghị phải loại những trường hợp này ra, nếu phát hiện vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng thì phải báo cáo để xử lý kỷ luật. Theo phân cấp quản lý cán bộ thì những chức danh này đều thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và nếu có phát hiện vi phạm thì phải báo cáo Ban Bí thư để xử lý, xem xét quy trình riêng theo quy định của Đảng”, ông Trị lưu ý. |