Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKINH TẾPhát triển ngành kinh tế sinh thái hoa, cây cảnh

Phát triển ngành kinh tế sinh thái hoa, cây cảnh

Sản xuất hoa xuất khẩu tại Công ty Dalat Hasfarm.

NDĐT – Ngành sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh (HCC) đang đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp, nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh HCC thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân…

Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển HCC thành ngành kinh tế sinh thái gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 12-4-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, trong đó chính thức xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh trở thành một trong những ngành nghề phát triển nông thôn. Tính đến nay cả nước có khoảng 45 nghìn ha tập trung chuyên canh HCC, phân bố đều trên cả nước. Trong vòng 10 năm (2005-2015), diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu hơn 60 triệu USD. Đến năm 2021, mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị héc-ta HCC gấp ba lần. Cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm ở Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp…

Theo PGS,TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, nhận biết được giá trị của HCC, hiện nhiều khu vực đã phát triển mạnh nghề sản xuất và  kinh doanh mặt hàng này. Những nơi có diện tích trồng tập trung và quy mô lớn là Tây Tựu, Mê Linh (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên), Hoành Bồ, Đông Triều (Quảng Ninh), An Dương (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định), An Nhơn (Bình Định), Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi, Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), Sa Đéc (Đồng Tháp). Thu nhập bình quân của các khu vực trồng HCC nói trên đạt từ một đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. So với giá trị thu nhập của các loại cây trồng khác, thu nhập từ trồng HCC gấp từ năm đến chín lần. Về chủng loại HCC, trước năm 2000, Việt Nam chủ yếu sử dụng những loại HCC truyền thống như quất, đào, mai, hồng, cúc, lay-ơn, huệ, thược dược… Những năm gần đây, một số mặt hàng HCC mới cao cấp dần được chú trọng và đang có xu hướng tăng dần cả về số lượng và giá trị.

Thành phố Hà Nội là một trong những trung tâm sản xuất, kinh doạnh HCC của cả nước. Hiện toàn thành phố có hơn 7.000 ha chuyên canh HCC, 10 làng nghề truyền thống chuyên sản xuất HCC. Hà Nội cùng nhiều địa phương đã xác định HCC là sản phẩm chủ lực được khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận tám sản phẩm hoa lan là sản phẩm OCOP; xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với điểm nhấn là Làng du lịch sinh vật cảnh xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội; xây dựng tuyến phố văn minh thương mại sinh vật cảnh Vạn Phúc, Hà Đông; khuyến khích nhiều phong trào sinh vật cảnh trong xây dựng nông thôn mới như: đường hoa nông thôn, con đường bích họa; phong trào “thêm hoa bớt rác”…

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh HCC có đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu hơn bốn tỷ USD của nhóm ngành rau – hoa – quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện môi trường sống trong lành tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh… 

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và kinh doanh HCC còn manh mún, tự phát; ứng dụng khoa học – công nghệ còn hạn chế; hoạt động liên kết còn lỏng lẻo; thị trường HCC chưa được quản lý chặt chẽ, chưa tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh HCC phát triển hiệu quả. Từ thực tiễn đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tăng cường liên kết giữa các chủ thể có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh HCC thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hoàn thiện quy trình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng từ nghiên cứu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ về lĩnh vực HCC; tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng và xúc tiến thương mại về HCC. Bên cạnh đó, các địa phương sớm quy hoạch hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển HCC công nghệ cao có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần tăng cường công tác khuyến nông về lĩnh vực HCC; quy hoạch đất đai; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số vùng sản xuất HCC trọng điểm như Mê Linh (Hà Nội), Đức Trọng, Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Sa Đéc (Đồng Tháp)… Nhà nước cần coi ngành HCC là một ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp, tạo cơ hội thuận lợi để phát triển bền vững; từ đó có những chính sách hỗ trợ như một số cây trồng có ưu thế khác như lúa, gạo, cà-phê, cây ăn trái… để HCC thật sự có chỗ đứng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, kinh doanh…

Mong muốn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp và nông dân ở lĩnh vực này là xây dựng nước ta thành một trung tâm về sản xuất HCC có chất lượng cao, phong phú đa dạng về chủng loại, mang tính hàng hóa ở khu vực và thế giới, để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, Nhà nước sớm đề ra các chính sách phù hợp thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh HCC đúng hướng, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập hiện nay”…

GS, TSKH Trần Duy Quý 

Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam

MINH DŨNG

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments