Sự kiện đồng tiền ảo Bitcoin đạt đỉnh 57.000 USD (hơn 1,3 tỉ đồng) vào tháng 2 năm nay đã khiến nhiều người Việt “lao” vào đầu tư các loại tiền ảo mới. Tuy nhiên, tiềm năng đầu tư tài chính trong thời đại tiền ảo này cũng là cơ hội cho tội phạm mạng.
Giữa tháng 5/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố nhiều cá nhân để điều tra về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử để chiếm đoạt tài sản. Nhóm tội phạm này đã lập bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và 15 website khác được sao chép giao diện tương tự giống các sàn forex.
Thủ đoạn lừa đảo của chúng là quảng cáo sàn có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới; đặc biệt, người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao từ 15 – 30%/tháng. Theo đó, nhóm tội phạm đã thu hút được 12.000 tài khoản tham gia với số tiền đầu tư 4,3 triệu USD.
Bên cạnh sự việc trên, mới đây, hàng trăm nhà đầu tư có đơn tố cáo bị lừa cả nghìn tỷ đồng khi “đổ tiền” vào dự án tiền ảo Robomine (RBM). Dự án này cũng hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư. Theo phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, đây là loại hình tội phạm mới nên quá trình tổ chức đấu tranh gặp nhiều khó khăn, cần có trình độ cao về công nghệ thông tin và tài chính. Nguồn tiền từ người chơi nạp vào được chuyển qua nhiều nguồn khác nhau; tên miền trang web, máy chủ chứa dữ liệu đều thuê tại nước ngoài và ẩn danh của các nhà cung cấp nên gây khó khăn trong điều tra truy nguyên.
Tuy nhiên, nhiều người chơi tiền ảo cho rằng, để không bị rủi ro khi đầu tư tiền ảo nên lựa chọn những loại tiền ảo đang được giao dịch nhiều trên web và nên đầu tư máy đào tiền để kiếm tiền. “Hiện tôi đang cùng nhiều người bạn đang đầu tư 4 máy có cấu hình “cực khủng” để có thể đào gần 1 ETH/tháng. Mỗi máy đào tiền cũng đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng. Sau khi bán chúng tôi chia tiền nhau ra, trung bình cũng kiếm được vài triệu đồng”, anh Quang Võ, ngụ tại quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho biết.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo tiền ảo tràn lan ở Việt Nam trong thời gian qua là do tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng. Lợi dụng điều đó, những kẻ lừa đảo đã tuyên truyền về các dự án ứng dụng công nghệ Blockchain, đồng thời vẽ ra các sơ đồ tài chính hấp dẫn để kích thích tham gia mà không bị nghi ngờ.
Bà Võ Dương Tú Diễm, Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào, Myanmar của hãng Kaspersky, nhận xét: “Việc tiền ảo bùng nổ trên toàn cầu đã khiến đông đảo người dùng Việt mơ ước làm giàu nhanh chóng từ cuộc chơi này. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng có những tội phạm mạng luôn rình rập trực tuyến, số lượng các dự án lừa đảo được ngụy trang dưới dạng các ứng dụng công nghệ blockchain do tội phạm mạng tạo ra cũng gia tăng. Vì vậy, hãy thận trọng khi thấy các email hoặc quảng cáo hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn. Điều quan trọng là, các nhà đầu tư phải hết sức cảnh giác để bảo vệ số tiền quý giá mình kiếm được trên môi trường trực tuyến”.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định: “Đa phần các nhà đầu tư hiện nay thường đi theo phong trào, cả tin và có đôi chút tham lam, thấy quảng cáo hấp dẫn, lãi suất cao, nhưng không kiểm chứng mà đã đổ tiền vào đầu tư”.
Thực tế, lừa đảo bằng kỹ thuật xã hội, chiêu trò gian lận vẫn xảy ra với các hệ thống bảo mật cao như Blockchain vì những kẻ lừa đảo vẫn có thể lấy được thông tin đăng nhập hoặc thông tin cá nhân của người dùng. Từ đó, tiến hành các hành vi xâm nhập và trục lợi.
Một điều cũng cần được lưu ý, bản thân Blockchain là một phương thức dựa trên bảo mật và vẫn có thể chịu nhiều rủi ro khác nhau. Blockchain chứa thông tin nhạy cảm về tài sản và cơ sở hạ tầng của người dùng và doanh nghiệp nên việc cung cấp sự bảo vệ toàn diện là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao ý thức và cảnh giác, người dùng hãy luôn sử dụng các biện pháp để bảo vệ mình và ví tiền của mình.
Ngoài ra, cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về giá trị thực và khả năng phát triển trong tương lai của tiền ảo. Đặc biệt, ở Việt Nam, tiền ảo chưa được pháp luật thừa nhận. Do đó, nếu người dân tham gia vào mua bán tiền ảo trên mạng, sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định, việc sở hữu, tham gia mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Vì thế, người tham giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách nhiệm khi giao dịch với tội phạm.
Hải Yên/Báo Tin tức