Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKH-CNChuyện về ông tiến sĩ "chế" văcxin chống cúm gia cầm H5N1

Chuyện về ông tiến sĩ “chế” văcxin chống cúm gia cầm H5N1

(khoahocdoisong.vn) – Năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng phát ở Việt Nam. PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tiên phong nghiên cứu văcxin đẩy lùi dịch bệnh.

Giữa nước sôi lửa bỏng cúm gia cầm, phải vào cuộc

Lần nào tôi gọi điện, ông cũng bảo “bận lắm”. Lần này cũng thế, năm lần bảy lượt mới xin được cái hẹn với ông. Thời gian này, ông tất bật với nghiên cứu văcxin dịch tả lợn châu Phi, kết hợp cùng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Dịch Covid-19 bùng phát, nghiên cứu của ông cũng bị gián đoạn, nhờ thế mà ông có thời gian rảnh rỗi hơn một chút.

PGS.TS Đinh Duy Kháng hướng dẫn nghiên cứu các nhà khoa học trẻ.

PGS.TS Đinh Duy Kháng là chuyên gia về vi sinh vật, miễn dịch học và sinh học phân tử, không phải chuyên gia về văcxin. Thế những, lĩnh vực của ông lại có quá nhiều liên quan đến văcxin, nên cứ có đề tài nào cần kíp liên quan đến văcxin, ông lại mời tham gia. Các đồng nghiệp khoa học khác, cứ thấy có nhiệm vụ nào liên quan, lại “lôi” ông vào. Đợt dịch SARS-CoV-2 bùng phát, có đơn vị nghiên cứu sản xuất văcxin mời ông cùng làm, nhưng vì “quá bận và sợ không đủ sức” nên ông từ chối.

Vô tình, cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông lại gắn với văcxin nhiều hơn. Làm nhiều loại văcxin khác nhau, nhưng công trình ý nghĩa, đáng nhớ nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông là những tháng ngày sản xuất văcxin cúm gia cầm H5N1.

PGS.TS Đinh Duy Kháng.

Ông cho biết, đại dịch cúm gia cầm H5N1 kinh hoàng xảy ra vào cuối năm 2003, đầu năm 2004. Hàng triệu gia cầm bị chết và bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng; nhiều trường hợp cúm gia cầm H5N1 lây sang người với triệu chứng lâm sàng trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Trước tình hình đó, mặc dù Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam không phải là đơn vị chịu trách nhiệm trước Nhà nước về giám sát dịch bệnh, nhưng theo quan điểm của GS.TS Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học lúc bấy giờ “Trước tình hình nước sôi lửa bỏng, Viện Công nghệ Sinh học phải vào cuộc”.

Một “Hội nghị Diên Hồng” lập tức được triệu tập gồm những cán bộ mà nòng cốt về sinh học phân tử lúc bấy giờ như GS.TS Lê Trần Bình, GS.TS Phan Văn Chi, GS.TS Trương Nam Hải, PGS.TS Nông Văn Hải… Kế hoạch nghiên cứu về cúm gia cầm H5N1 được nhanh chóng vạch ra.

Thu thập các mẫu virus cúm từ các chi cục thú y, phân tích gene. Chỉ sau một thời gian ngắn, Viện Công nghệ Sinh học đã đăng ký hàng trăm trình tự gene của virus cúm gia cầm H5N1 lưu hành ở Việt Nam vào Ngân hàng dữ liệu gene Quốc tế. Các trình tự gene đầu tiên về virus cúm gia cầm được thực hiện tại Việt Nam và đăng ký vào GenBank chính là các trình tự của nhóm.

PGS.TS Đinh Duy Kháng kể, để có thể nghiên cứu các mẫu virus cúm gia cầm trên người, Viện Công nghệ sinh học đã kết hợp với Bệnh viện Nhi T.Ư xây dựng một phòng sinh học phân tử chẩn đoán cúm gia cầm H5N1 đặt tại Khoa Vi sinh của bệnh viện này. Theo sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Khoa Vi sinh của Bệnh viện Nhi T.Ư dành một diện tích để nhóm tư vấn thiết kế xây dựng thành Phòng Chẩn đoán phân tử phát hiện cúm gia cầm bằng kỹ thuật RT-PCR với một dây chuyền hoàn chỉnh và hợp lý, từ khâu tách chiết ARN, chạy PCR đến khâu điện di.

Hằng tháng trời “đóng đô” tại phòng sinh học phân tử này, nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc, lúc nghẹt thở, lúc vỡ òa… để cho ra kết quả hoàn thiện công nghệ phát hiện cúm gia cầm bằng kỹ thuật RT-PCR. Một trường hợp bệnh nhi có kết quả dương tính khiến ông và nhóm nghiên cứu “nín thở”, bởi cúm H5N1 mà lây sang người thì rất nguy hiểm. May thay, sau nhiều xét nghiệm cẩn trọng, đó chỉ là dương tính giả.

PGS.TS Đinh Duy Kháng và đồng nghiệp.

Làm chủ công nghệ sản xuất văcxin cúm gia cầm

Thời điểm năm 2003, Việt Nam chưa có bất kỳ loại văcxin cúm gia cầm nào. PGS.TS Đinh Duy Kháng nghĩ đến việc liệu có thể sản xuất văcxin này không? Để sản xuất văcxin cúm gia cầm H5N1 cần phải có chủng văcxin được tạo ra bởi công nghệ di truyền ngược (Reverse genetics). Đây là công nghệ mới, để làm chủ được công nghệ này cần phải có thời gian đào tạo người và đầu tư trang thiết bị. Nhưng trong tay không có gì, làm sao có văcxin?

Rất may thời điểm này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẵn sàng cung cấp chủng giống được tạo ra bởi công nghệ di truyền ngược cho các tổ chức nghiên cứu sản xuất văcxin cúm gia cầm có nhu cầu trên toàn thế giới. Đây là một cơ hội tốt để chúng ta có thể chủ động sản xuất được văcxin cúm trong khi chưa có khả năng và điều kiện tự tạo ra được chủng văcxin.

Thời điểm đó, Ban Lãnh đạo Viện KH&CN Việt Nam, đứng đầu là GS.TSKH Đặng Vũ Minh cũng hết lòng quan tâm ủng hộ việc nghiên cứu sản xuất văcxin cúm tại Viện Công nghệ sinh học. Viện KH&CN Việt Nam đã cấp kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị để xây dựng được Phòng Thí nghiệm an toàn mức độ 2+. GS.TS Lê Trần Bình đã tự liên hệ với Công ty cung cấp trứng sạch SPF, Công ty Lohmann Tierzucht ở tận CHLB Đức để đặt mua trứng sạch SPF đảm bảo khi chủng về là có thể tiến hành nuôi cấy được ngay. Nghiên cứu này nếu thành công sẽ có đóng góp rất lớn cho việc phòng chống cúm gia cầm ở Việt Nam.

PGS.TS Đinh Duy Kháng kể: “Cuối tháng 11/2005, chủng giống văcxin cúm đầu tiên về đến Nội Bài. Có chủng giống, tôi hướng dẫn nhân viên gấp rút cấy giống vào trứng gà SPF có phôi rồi tất cả chúng tôi hồi hộp chờ đợi kết quả. Sau khi kiểm tra hiệu giá ngưng kết hồng cầu và vô trùng của dịch niệu thu từ trứng cấy chủng, chúng tôi vô cùng vui sướng khi chủng đã nhân lên rất tốt, hiệu giá cao và đảm bảo vô trùng. Công việc tiếp theo là xác định tính ổn định về mặt an toàn và kháng nguyên. Phải kiểm tra chủng văcxin bằng việc xác định trình tự các gene mã hóa các kháng nguyên quan trọng như HA và NA.

PGS.TS Đinh Duy Kháng (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp.

Kết quả kiểm tra cho thấy, chủng văcxin hoàn toàn đảm bảo về tính an toàn và tính kháng nguyên so với hồ sơ chủng giống do NIBSC cung cấp. Điều đặc biệt là chủng văcxin được NIBSC cung cấp (NIBRG-14) chính là chủng được phát triển từ chủng cúm H5N1 có nguồn gốc từ Việt Nam chủng A/Vietnam/1194/2004(H5N1). Như vậy, hoàn toàn yên tâm về việc chủng sẽ có tính kháng nguyên tương đồng với các chủng H5N1 đang lưu hành ở Việt Nam”.

Đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu quy trình sản xuất văcxin cúm A/H5N1 dùng cho gia cầm” ra đời trong hoàn cảnh đó. Để đảm bảo chắc chắn cho sản phẩm của đề tài có thể nhanh chóng đưa ra sản xuất và ứng dụng thực tiễn, Viện Công nghệ sinh học đã kết hợp với nhiều cơ quan trong đó có Công ty TNHH một thành viên NAVETCO để cùng nghiên cứu sản xuất. Sau 2 giai đoạn nghiên cứu, quy trình sản xuất văcxin cúm gia cầm đã được sử dụng để sản xuất thử nghiệm tại Công ty TNHH một thành viên NAVETCO. Sản phẩm văcxin đã được chính thức đưa ra thị trường với thương hiệu NAVET-VIFLUVAC.

Hiện tại, dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến rất phúc tạp. Đặc biệt, các chủng cúm lưu hành đã biến đổi tính kháng nguyên và hình thành các biến thể khác nhau. Điều PGS.TS Đinh Duy Kháng luôn tự hào là việc làm chủ công nghệ sản xuất văcxin cúm gia cầm là nền tảng để nhiều loại văcxin khác sau này ra đời.

PGS.TS ĐINH DUY KHÁNG SINH NĂM 1952. ÔNG TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC TỔNG HỢP MASARYK BRNO, CỘNG HÒA SÉC NĂM 1976, LÀM TIẾN SĨ TẠI VIỆN CÔNG NGHỆ SINH HỌC NĂM 1996, THỰC TẬP SINH KHOA HỌC TẠI VIỆN SINH HỌC PHÂN TỬ, VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC BERKLIN, CHDC ĐỨC. NĂM 1997 – 1998 LÀ THỰC TẬP SINH KHOA HỌC TẠI VIỆN LƯƠNG THỰC QUỐC GIA NHẬT BẢN CHUYÊN NGÀNH SINH HỌC PHÂN TỬ.

ÔNG LÀ TÁC GIẢ, ĐỒNG TÁC GIẢ CỦA 166 CÔNG BỐ KHOA HỌC TRONG NƯỚC, 9 BÀI BÁO QUỐC TẾ, ĐỨNG TÊN NHIỀU ĐẦU SÁCH. ÔNG ĐƯỢC VINH DANH “TRÍ THỨC VIỆT NAM SÁNG TẠO VÀ CỐNG HIẾN” CỦA UNESCO VIỆT NAM NĂM 2016; HUY CHƯƠNG VÀNG VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG DO “BỘ Y TẾ – HIỆP HỘI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG VIỆT NAM” TẶNG CHO SẢM PHẨM BIOLACTOMEN PHÁT TRIỂN TỪ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH “QUY TRÌNH SẢN XUẤT CHẾ PHẨM ĐÔNG KHÔ ĐỂ ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐƯỜNG RUỘT”; ĐỒNG TÁC GIẢ GIẢI NHẤT GIẢI THƯỞNG SÁNG TẠO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ NĂM 2016 VỚI CÔNG TRÌNH “NGHIÊN CỨU TẠO KHÁNG NGUYÊN BÁM DÍNH TÁI TỔ HỢP ĐỂ SẢN XUẤT KIT CHẨN ĐOÁN VÀ VĂCXIN PHÒNG BỆNH DO E.COLI GÂY RA Ở LỢN”. BẰNG LAO ĐỘNG SÁNG TẠO DO CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM TẶNG NĂM 2017; GIẢI THƯỞNG TRẦN ĐẠI NGHĨA NĂM 2019 VỀ CÔNG TRÌNH “NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT VĂCXIN CÚM GIA CẦM SUBTYPE A/H5N1 Ở VIỆT NAM”.

TÔ HỘI

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments