Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKINH TẾXây dựng nhà giá rẻ để giữ chân người lao động

Xây dựng nhà giá rẻ để giữ chân người lao động

Khu nhà ở xã hội Becamex Hòa Lợi (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

NDĐT – Giữ chân người lao động bằng các chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho người lao động đang là một trong những mục tiêu cho công cuộc tái thiết nền kinh tế sau đại dịch của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu xây dựng hàng triệu căn nhà cho công nhân, người thu nhập thấp, mỗi địa phương phải tìm cách vượt qua những rào cản về pháp lý, thủ tục, có chính sách riêng, đặc thù để thu hút được nguồn lực xã hội.

Bài 1: Những thành quả bước đầu

Nhiều năm qua, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhằm ổn định nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Hàng trăm nghìn người lao động đã được mua nhà giá rẻ,  từ đó tạo dựng cuộc sống ổn định.

Mặc dù vậy, nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay còn rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của đại bộ phận người dân có thu nhập thấp, do đó, rất cần sự vào cuộc của các bên liên quan, nhất là các chính sách mạnh mẽ, cởi mở hơn để đẩy mạnh xây dựng thêm số lượng loại hình nhà ở vốn đang khan hiếm này.

Hạnh phúc đơm hoa

Căn hộ gần 50 m2 của anh Lê Thanh Nghị, sinh năm 1973, quê Thanh Hóa, tại chung cư Conac Tower trên đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, dù nhỏ nhắn nhưng ngăn nắp, gọn gàng. Đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua cả gia đình anh yên tâm khi các quy định phòng, chống dịch được chung cư thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Ngày nhận quyết định phân nhà ở xã hội do công ty đầu tư xây dựng cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, cả nhà mừng rơi nước mắt. “Cả đêm hôm đấy vợ chồng mình không ngủ được. Mọi thứ như một giấc mơ. Sau nhiều năm ở trọ, từ đây gia đình mình đã được an cư”, anh Nghị tâm sự. Tương tự, gia đình bốn thành viên của anh Nguyễn Văn Trung (quê Nghệ An) đang sinh sống đầm ấm trong căn hộ 25 m2 tại dự án nhà ở xã hội trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân. Đây là căn hộ giá rẻ, được sở hữu trong 49 năm. Khi mua, anh chỉ đóng trước 200 triệu đồng, còn lại, mỗi tháng anh trả dần 1,5 triệu đồng, phù hợp với mức lương công nhân của hai vợ chồng. Anh cho biết, 10 năm sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, với rất nhiều lần chuyển nhà trọ, nay có được một căn hộ tuy nhỏ nhưng yên tâm làm việc, con nhỏ sẽ được học hành tử tế. 

Hạnh phúc của gia đình anh Trung, anh Nghị là điển hình cho hàng nghìn công nhân, người thu nhập thấp được hưởng lợi bởi chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá rẻ mà TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang triển khai. Thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong 5 năm (2016 – 2020), thành phố đã xây dựng được 14.954 căn nhà ở xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm, đáp ứng cho khoảng 12 nghìn hộ gia đình. Tính đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh có hơn 18 nghìn căn nhà ở xã hội hoàn thành, đem lại sự ổn định an cư của hàng chục nghìn hộ gia đình. 

Sau 5 năm triển khai (2016 – 2021), tỉnh Bình Dương đã xây dựng 86 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích sử dụng gần 200 ha, tương đương với 3,9 triệu m2 sàn xây dựng; trong đó có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) làm chủ đầu tư với tổng diện tích khoảng ba triệu m2 sàn nhà ở và khoảng 141,4 ha đất tại huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một. Giá bán mỗi căn hộ diện tích 30 m2 chỉ từ 100 triệu đồng đến 160 triệu đồng (tùy từng tầng), người mua chỉ phải trả trước 30%, còn lại mỗi tháng trả dần từ một triệu đồng đến hơn 1,5 triệu đồng trong 5 năm. 

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Mai Trung Hưng, đến nay địa phương này đã có bảy dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách và hai dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, đưa vào sử dụng với 1.107 căn hộ chung cư và 150 căn nhà liền kề, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng phê duyệt nguồn vốn ngân sách chuyển đổi hai dự án nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội với 492 căn. Theo ông Lê Viết Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện doanh nghiệp đang đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội HODECO tại thị xã Phú Mỹ với mức đầu tư gần 700 tỷ đồng trên diện tích gần 1,8 ha, gồm 850 căn hộ có diện tích từ 43,49 m2 đến 62,87 m2, để bố trí cho công nhân trong các khu công nghiệp thuê ở. 

Tại Long An, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) cho biết, từ năm 2010, công ty đã đầu tư xây dựng bốn khu nhà lưu trú với 600 phòng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.500 công nhân. Ngoài vị trí sát bên khu công nghiệp, nhà lưu trú còn được trang bị các dịch vụ tiện ích phục vụ sinh hoạt của công nhân như: Phòng khám, siêu thị, nhà trẻ, phòng tập thể dục và khu vực thể thao ngoài trời. Mức giá thuê cũng được duy trì ở mức 50 nghìn đồng/m2 và không tăng giá suốt nhiều năm. Bình quân một căn hộ 40 m2, dành cho sáu công nhân chỉ có giá thuê tương đương hai triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi công nhân chỉ tốn chi phí lưu trú làm việc tương đương 330 nghìn đồng/tháng.

Nhu cầu lớn

Dù đạt được những kết quả khả quan sau nhiều năm thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp mua, thuê, tuy nhiên, theo thống kê, nhà ở cho người lao động vùng kinh tế trọng điểm phía nam mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu. Trên thực tế, tại hầu hết các khu công nghiệp tập trung đều thiếu hoặc không có nhà ở cho người lao động. Trước thực tế này, TP Hồ Chí Minh xác định việc cải thiện chỗ ở cho người lao động là một trong những mục tiêu cho công cuộc tái thiết kinh tế sau đại dịch, coi việc an cư là cái gốc của an sinh xã hội. Thành phố có khoảng gần 200 nghìn doanh nghiệp (DN), trong đó có khoảng 1.100 DN với 377 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX – KCN), khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Bởi trong 5 năm qua, thành phố chỉ có khoảng 20 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với hơn 15 nghìn căn nhà. Con số này rất thấp so với nhu cầu về nhà ở của người lao động có thu nhập thấp, công nhân đang đóng góp sức lực cho sự phát triển của thành phố.

Theo ông Mai Trung Hưng, hiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 13 KCN đã đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho 62 nghìn lao động. Tuy nhiên, tại các khu – cụm công nghiệp hầu hết không quy hoạch nhà ở cho người lao động mà chỉ có quy hoạch vùng lân cận các KCN để bố trí nhà ở cho công nhân thuê. Do vậy nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại địa phương là rất lớn. Còn tại tỉnh Bình Dương, mặc dù là địa phương đi đầu xây dựng nhà ở xã hội nhưng nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân do quy định cứng 10% lợi nhuận định mức của chủ đầu tư khi đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong khi chi phí đầu tư hiện nay tăng qua từng năm nên không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia; thủ tục xác nhận đối tượng tại địa phương và DN đang công tác còn gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại. Các đối tượng được mua nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay vẫn còn khó khăn trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải ngân. Theo chia sẻ của một DN hàng đầu trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội ở Bình Dương, hiện đơn vị phải bỏ chi phí lắp đặt trạm biến áp và đường dây điện cung cấp cho từng căn hộ, việc này làm tăng chi phí xây dựng nên giá bán cũng từ đó mà tăng theo.

Tương tự, tỉnh Đồng Nai hiện có 31 KCN đang hoạt động, thu hút khoảng 1,2 triệu người lao động. Trong giai đoạn 2014 – 2020, Đồng Nai đặt ra kế hoạch xây dựng 21.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, các dự án nhà ở xã hội mới hoàn thành được gần 3.500 căn, đạt hơn 16% mục tiêu đề ra. Điều này, khiến nhiều người lao động có nhu cầu về nơi ở đã không tiếp cận được để thuê, mua nhà giá rẻ. Ghi nhận tại các địa bàn tập trung nhiều KCN như: TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom cho thấy người lao động cần mua nhà ở xã hội, nhưng hầu như rất khó mua vì quá ít dự án. Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong chia sẻ, đến nay địa phương chỉ mới có 5 trong số 27 dự án hoàn thành, còn lại các dự án triển khai rất chậm. Huyện đã chuẩn bị quỹ đất để mời gọi đầu tư, nhưng các DN ngại thực hiện dự án vì hồ sơ thủ tục nhiều, vốn đầu tư lớn, khó tiếp cận vốn vay ưu đãi cho cả DN lẫn người mua nhà.

(Còn nữa)

Xây dựng nhà giá rẻ để giữ chân người lao động -0
 Dự án nhà ở thu nhập thấp tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

NHÓM PVTT TẠI TP HỒ CHÍ MINH

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments