KH-ĐS – AlphaBeta (công ty con của Google) vừa công bố báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”. Theo đó, dự báo kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 74 tỷ USD vào năm 2030.
Đó là dự báo khá lạ. Bởi tới năm 2020, quy mô kinh tế số của Việt Nam mới đạt 14 tỷ USD. Có nghĩa, dù là dự báo, thì theo AlphaBeta, trong 9 năm tới, quy mô kinh tế số Việt Nam sẽ tăng hơn gấp 5 lần.
Chính phủ phải lo nhân lực?
Lợi thế lớn nhất, theo AlphaBeta, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số với 70% dân số dưới 35 tuổi am hiểu về công nghệ, 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh và nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh.
Báo cáo của AlphaBeta cũng chỉ ra rằng nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai cần được trang bị các kỹ năng số cần thiết.
AlphaBeta đề xuất nên tăng cường các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cơ hội học nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); đồng thời chú trọng hơn vào “kỹ năng mềm” trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.
Đương nhiên, về lý thuyết, để tận dụng tối đa ưu thế trên, các doanh nghiệp của Việt Nam cần tăng cường chuyển đổi số, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Nhưng thực tế, tình hình lại đang diễn biến ở chiều ngược lại.
Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương” năm 2020 của Cisco cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thực sự tiếp cận với xu thế chuyển đổi số.
Cụ thể, có tới 97% số doanh nghiệp vừa và nhỏ có trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp (có trên 80% máy móc sử dụng là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 – 1990). Như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)…
Lý thuyết của các chuyên gia trong nước nhằm khắc phục sự yếu kém này, theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách & Phát triển, cần bồi dưỡng kiến thức về kinh tế số cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp để họ có tư duy kinh tế số tốt hơn, tạo động lực để thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, về dài hạn, cần phải nâng cao chất lượng kỹ năng số cho lao động. Một thực tế là hiện nay máy móc đang dần thay thế con người trong lao động giản đơn. Điển hình trong ngành may mặc, giày da, máy móc đang khiến khoảng 4 triệu công nhân có nguy cơ mất việc.
Thực dụng hơn, là quan điểm của đại diện doanh nghiệp. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom nhìn nhận, biến động trong dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình các chủ doanh nghiệp lớn đưa người máy vào thay thế công nhân.
Do đó, ông Tiến khuyến nghị, Chính phủ cần phải quan tâm đào tạo đến lực lượng 20 triệu lao động trẻ trong thời gian tới.
“Việc đào tạo hàng triệu người trẻ đang thuộc về Chính phủ, bộ ngành với tầm nhìn dài hạn, chiến lược hơn”, ông Tiến nói.
Đồng thời, các trường đại học cũng như doanh nghiệp cũng cần phải đào tạo thế hệ trẻ tài năng trở thành công dân toàn cầu, để có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới về công nghệ cũng như trình độ.
Ngành hàng – lựa chọn của doanh nghiệp
Xây dựng nền tảng chuyển đổi số là vấn đề của các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Họ cung cấp các loại phần mềm, đường truyền, hạ tầng… Nhưng công nghệ thông tin không phải là ngành được lợi nhất từ chuyển đổi số.
Theo TS Fraser Thompson, Giám đốc điều hành AlphaBeta Singapore, phần lớn các lợi ích chuyển đổi số dành cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ. Trong đó, Nông nghiệp và Thực phẩm mới là ngành hưởng lợi nhất.
Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp công nghệ hiện nay đều có chiến lược dài hạn để đầu tư vào các mảng nông nghiệp, thực phẩm.
Điển hình nhất là Grab, GoJek… sau khi xây dựng thương hiệu trong vận tải, các hãng này đều tiến sang mảng giao đồ ăn. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp trong nước khác cũng đi theo con đường này của Grab, Gojek.
FPT cũng đã hợp tác với một công ty Nhật Bản thực hiện công nghệ nông nghiệp chính xác “Akisai”, kiểm soát vùng trồng bằng các cảm biến real-time, giúp tăng mật độ trồng cà chua lên tới 4.000 – 6.000 cây/1.000m2, với hàm lượng chống oxy hóa tăng gấp 3 so với phương pháp trồng thông thường.
VinGroup sau khi bán VinMart/VinMart+ cho Masan lại âm thầm trở lại mảng bán lẻ với ứng dụng Vinshop cung cấp hàng hóa và ứng dụng quản lý cho các cửa hàng bán lẻ hộ gia đình.
Theo báo cáo của AlphaBeta, nếu chuyển đổi số thành công, ngành nông nghiệp và thực phẩm sẽ đem lại cho Việt Nam hơn 300.000 tỷ đồng, Giáo dục và Đào tạo mang lại hơn 280.000 tỷ đồng, còn Bán lẻ và Tiêu dùng mang lại hơn 260 nghìn tỷ đồng… đến năm 2030.
Đó cũng chưa phải toàn bộ lợi ích có thể liệt kê nếu chiến lược chuyển đổi số thành công. Vì việc nói về lợi ích luôn rất dễ và nói dễ hơn nữa là việc thu gom thông tin, chuyển hóa thành dữ liệu cơ sở. Triển khai các việc này mới là điều khó.
Lĩnh vực ít khi được các báo cáo đánh giá nhắc tới, là hạ tầng dữ liệu. Để dễ hình dung, có thể nói hạ tầng dữ liệu là chất liệu để xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin – hai thành tố quan trọng nhất để hoàn thành chiến lược chuyển đổi số.
Và các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, cũng đồng thời là các doanh nghiệp sở hữu nhiều dữ liệu khách hàng, nhiều dữ liệu chuyên ngành nhất. Từ Apple, Samsung, Microsoft, tới Alibaba, Taobao, Amazone…
Còn tại Việt Nam, theo TS Đàm Thị Hiền, Học viện Chính sách và Phát triển nhận định, việc kết nối dữ liệu đang là bài toán khó đối với Việt Nam khi các bộ, ngành, địa phương vẫn loay hoay với cơ sở dữ liệu phân tán, thiếu sự kết nối liên thông.
Bà Hiền cho rằng, để những mô hình nền tảng về dịch vụ công nghệ, những mô hình dịch vụ công nghệ số triển khai tốt, đảm bảo thì rất cần sự kết nối chia sẻ dữ liệu từ các cơ quan Nhà nước.
Từ đây sẽ thấy, hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu xây dựng, chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm… Nhưng nền tảng dữ liệu khoa học – công nghệ đã được chuẩn hóa chưa, hay đang ở đâu, thì lại là câu hỏi khó trả lời và có quá ít thông tin về nó.
QUỐC TRỌNG