TPO – Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông, Thuý chọn nghiên cứu công nghệ sinh học với mong muốn ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để giảm áp lực lao động cho người nông dân.
Cao Thị Thu Thúy (sinh năm 2000, quê ở Hà Nam) đang là sinh viên năm 4 hệ CLC khoa Công nghệ sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam với nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu.
Nuôi khát vọng
Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông, ngay từ nhỏ, Thúy ra đồng phụ giúp bố mẹ với các công việc như tra hạt, nhổ cỏ mỗi dịp nghỉ hè. Gia đình em chăn nuôi quanh năm và trồng trọt theo mùa vụ nên không khi nào ngớt việc.
Chứng kiến cảnh bố mẹ ra đồng từ lúc trời chưa sáng, về nhà khi đã tối khuya. Em bắt đầu nghĩ về khát vọng “đơn giản hóa” hoạt động nông nghiệp cho người nông dân.
Lên cấp 3, Thúy xác định Công nghệ sinh học là con đường mình chọn để hiểu về thế giới xung quanh, cách vận hành, điều khiển sự sống. Từ đó giúp bố mẹ chọn tạo được giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất tốt, chống chịu được bệnh hại, giảm bớt gánh nặng lao động, thiệt hại về sức khỏe.
Tuy kiến thức sinh học ở mức cơ bản, tiếng Anh chưa thành thạo nhưng Thúy vẫn “đánh liều” xét tuyển vào khoa Công nghệ sinh học CLC của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Thúy tâm sự: “Ban đầu, gia đình em đa số phản đối vì sợ học xong ra ngoài không xin được việc làm. Nhưng may mắn, em có bác ruột ủng hộ ngành học, cộng với quyết tâm theo đuổi khoa học nông nghiệp nên em đã thuyết phục được gia đình cho theo học ngành này.
Em nghĩ mình còn trẻ, vẫn còn thời gian và “vẫn còn kịp” để theo đuổi một ngành học mới. Khi chọn hệ CLC em cũng rất lưỡng lự do vốn tiếng Anh bản thân kém mà ngành học lại có yêu cầu cao về ngoại ngữ”.
Nhận thức rõ hạn chế của bản thân ở khả năng tiếng Anh, Thuý bắt đầu trau dồi, đọc sách chuyên ngành để nâng cao từ vựng ngay từ năm nhất để chuẩn bị hành trang cho các năm tiếp theo. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, khả năng tiếng Anh của em ở thời điểm hiện tại đủ để học các môn chuyên ngành và đọc, phân tích tài liệu.
Thức khuya là một thói quen
Ý thức được rõ mục tiêu của mình trong 4 năm đại học, Thuý đã xây dựng một lộ trình cụ thể nhằm hướng đến mục tiêu làm chủ kiến thức hiệu quả nhất. Những thành tích trong học tập và nghiên cứu của Thúy đến từ năm 3 đại học. Năm đầu học tiếng Anh, năm 2 em xây dựng nền tảng, bứt phá. Năm 3 học môn chuyên ngành, thực hành nhiều nên Thúy có cơ hội tham gia vào các sân chơi tri thức, tham gia nghiên cứu khoa học.
Thời gian biểu mỗi ngày của Thúy có nhiều nhiệm vụ như học và làm bài tập trên lớp; đọc tài liệu cho nghiên cứu khoa học; học thêm các khóa học, tham gia hoạt động ngoại khoá bên ngoài; dịch và biên tập bài cho chuyên mục Science News của khoa…
Nữ sinh Học viện Nông nghiệp chia sẻ, thức đêm đã thực sự thành một thói quen của em bởi đó là thời gian yên tĩnh nhất để tập trung nghiên cứu. Em thường thức đến 2h sáng, có hôm miệt mài đến 4h sáng. Sáng lại dậy lúc 6h30 để bắt đầu học online.
“Tuy nhiên thức đêm không tốt cho sức khoẻ, em bị rụng tóc khá nhiều, ảnh hưởng đến đường ruột và rối loạn tiêu hoá. Em đang suy nghĩ tới việc đổi sang dậy sớm nhưng điều này không khả thi lắm, vì hầu như mọi người đều ngủ muộn, nếu mình ngủ sớm thì không tiện cho việc thảo luận, trao đổi thông tin”, Thúy chia sẻ.
Thành tựu cá nhân khiến Thúy cảm thấy tự hào nhất là được tham dự và trình bày tại hội nghị sinh viên quốc tế ISS – sân chơi quốc tế đầu tiên mà em được giao lưu. Tại đây, nữ sinh được trình bày quan điểm của mình, nghe về các dự án, nghiên cứu của bạn bè quốc tế để mở rộng thế giới quan hơn.
Tiếp cận với lĩnh vực đặc thù, chuyên môn cao, Thúy gặp nhiều khó khăn, hay stress vì bài học quá khó hiểu, nhiều deadline… Để làm chủ kiến thức, em thường theo thầy và các anh chị để học hỏi, làm đề tài nghiên cứu, giao lưu với nhiều nhân tài trong ngành.
Trong tương lai, Thúy hy vọng sẽ có cơ hội tham gia vào các dự án chuyển giao công nghệ cho người dân, rút ngắn khoảng cách giữa khoa học công nghệ với thực tiễn.
Thành tích nổi bật của Thu Thúy:
- 1 trong 2 sinh viên đại diện học viện tham gia hội nghị Sinh viên quốc tế ISS 2021 do ĐH Nông nghiệp Tokyo tổ chức
- Bài viết với đề tài “Nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu trên toàn cầu và lưu ý với Việt Nam” được đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam
- Có nghiên cứu khoa học tham dự hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc 2021
- Đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Học viện năm học 2020 – 2021
- Đạt giải chia sẻ Phương pháp đọc hiệu quả nhất cuộc thi đại sứ văn hoá đọc VNUA; giải Nhất Olympic Sinh học 2021 do khoa Sinh học ĐH KHTN tổ chức
- Đạt học bổng xuất sắc trong nhiều học kỳ
- Giải Khuyến khích “Nhà vô địch điểm A” cấp học viện
- Phiên dịch và biên tập chuyên trang đưa tin khoa học Science News của khoa Công nghệ sinh học.