Tối ngày 3/12, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), Ashui, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tổ chức lễ bế mạc Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 và trao giải cuộc thi Designed by Vietnam 2021 với chủ đề “Đánh thức truyền thống”.
Cuộc thi nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 3/12 có chủ đề “Đánh thức Truyền thống” (Awakening Traditions) với mục đích khuyến khích thay đổi tư duy khai thác, làm mới giá trị truyền thống, thúc đẩy xu hướng thiết kế bền vững.
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (Vietnam Design Week/VNDW) là chương trình tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Thiết kế Truyền thông (Communication design), Thiết kế Đồ nội thất (Living design), Thiết kế Vật dụng và trang trí (Decor & Object design), Thiết kế Trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design).
Chương trình gồm chuỗi các hoạt động như cuộc thi “Designed by Vietnam”, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, mở xưởng (open studio)… nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam nói chung và gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi Designed by Vietnam 2021 với chủ đề “Đánh thức truyền thống” đã trao giải Nhất cho tác phẩm “N.A.M” của tác giả Vũ Tá Linh (Hà Nội). Tác phẩm kể một câu chuyện về phục trang rất đúng lúc. Kết hợp các chất liệu sẵn có từ tủ quần áo với những mảnh vải cổ và kỹ năng tạo tác chất liệu bằng phương pháp thủ công độc đáo. Thiết kế tái tạo đang là xu hướng cấp thiết của thời đại. Tái sử dụng, tái thiết kế là một cách thức của lối sống bền vững.
Giải Ý niệm thuộc về tác phẩm “Ngủ Nghê” của tác giả Tom Trandt Minh Đạo (TP Hồ Chí Minh).
Giải bình chọn trực tuyến được trao cho tác phẩm “Mài” của nhóm tác giả: Đỗ Hoàng Long, Nguyễn Trịnh Quỳnh Nhi, Phạm Trần Quỳnh Giang, Phạm Thị Phương Nhi, Phạm Văn Anh (TP Hồ Chí Minh).
Giải nhất “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu-Quốc Tử Giám” với tác phẩm “Khứ Hồi” của tác giả: Lưu Như Ngọc (TP Hồ Chí Minh). Điểm đáng chú ý của tác phẩm này là chất liệu tái tạo từ gốm vụn của làng nghề Bát Tràng đã khiến thiết kế của “Khứ Hồi” mang những giá trị bền vững không thể phủ nhận. Phương pháp mosiac (ghép khối) tạo ra các hoạ tiết lấy từ các biểu tượng nổi bật trong kiến trúc của Văn Miếu Quốc Tử Giám như hoa sen, bia rùa rất tinh tế và cẩn trọng. Việc sử dụng đơn sắc của gốm lam khiến Khứ Hồi càng có độ tinh giản cao. Khắc hoạ một bức tranh văn hoá đặc sắc của thủ đô bằng con mắt thẩm mỹ chắt lọc, “Khứ Hồi” thể hiện được nét thanh lịch của con người Trang An thật vừa vặn.
Tin, ảnh: XM/Báo Tin tức