Khách du lịch quốc tế đến sân bay Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh MAI ANH)
NDĐT – Trong bối cảnh rủi ro bất ổn vĩ mô đang tăng lên, năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như kỳ vọng với điều kiện tăng tốc triển khai một cách hiệu quả những giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bốn tháng đầu năm 2022, nền kinh tế tiếp tục phục hồi theo chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là yếu tố tích cực, tạo dư địa điều hành giá cả, lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho phục hồi kinh tế-xã hội cả năm và những năm tiếp theo.
Nhận diện những rủi ro mới
Bước sang quý II năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên bình diện cả nước được đánh giá có nhiều khởi sắc và tăng tốc mạnh mẽ hơn. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại, sức cầu của nền kinh tế, dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,3%, là mức tăng trưởng cao hơn trước đại dịch. Sản lượng khai thác than tăng 21,4% so cùng kỳ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất điện trong nước.
Để bảo đảm cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, duy trì nhịp độ sản xuất, huy động tổng thể nguồn lực trong và ngoài Tập đoàn để gia tăng sản xuất, chế biến, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, đáp ứng nhu cầu than tiêu thụ. Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh, nếu như năm 2021, sản xuất than của TKV đạt trung bình hơn 3 triệu tấn/tháng thì năm 2022 đã tăng lên hơn 4 triệu tấn/tháng, các mỏ khai thác vượt công suất. Than tồn kho của TKV được huy động tối đa, tăng cường chế biến tại mỏ để nâng phẩm cấp, bù đắp nguồn than nhập khẩu thiếu hụt. TKV cam kết cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện vận hành, trong quý II này cấp 5,1 triệu tấn, vượt con số đề xuất của ngành điện (4,8 triệu tấn) cũng như phấn đấu cấp đủ than trong những tháng cao điểm.
Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng hồi sinh mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2021. Chính sách mở cửa hoàn toàn góp phần quan trọng cho sự hồi sinh của hoạt động du lịch, dịch vụ với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 184,7% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, hiệu ứng tích cực lan tỏa từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ cùng với tinh thần kinh doanh mãnh liệt của cộng đồng doanh nghiệp đã khiến lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong một tháng vượt mốc 15 nghìn doanh nghiệp. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng ở mức hai con số, khi cả nước có 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 4, tăng 22,4% so cùng kỳ năm 2021, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 11,6%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đây là động lực tăng trưởng quan trọng, phản ánh xu thế phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế đang gặp những trở ngại đến từ rủi ro, bất ổn vĩ mô và những diễn biến đáng quan ngại của thị trường tài chính. Bên cạnh đó là tác động bất lợi của tình hình thế giới đến từ cuộc chiến Nga-Ukraine và mới đây nhất là động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dự báo sẽ tác động mạnh đến dòng đầu tư toàn cầu mà trong đó, Việt Nam là quốc gia nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, việc FED tăng lãi suất cũng có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, áp lực từ bên ngoài gồm lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới do FED tăng lãi suất, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng mạnh do tác động từ cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài cùng với tình hình biến động của thị trường tài chính trong nước như rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu,… là các vấn đề cần tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm, theo dõi sát sao để xử lý kịp thời.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi kinh tế là hiệu ứng của việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể đặt ra trong Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP và khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao. Tuy nhiên, một trong những cấu phần quan trọng của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội là đầu tư công chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Tỷ lệ giải ngân bốn tháng đầu năm chỉ đạt 18,48% kế hoạch giao, tương đương cùng kỳ năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vẫn còn 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân vốn năm 2022 (tỷ lệ giải ngân 0%). Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án và kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, sẽ xem xét trách nhiệm về chỉ đạo, đôn đốc, xử lý các vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công ở từng bộ, ngành, địa phương; trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
Khác với những năm trước, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% trở nên khó khăn trong năm nay do chịu nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài cũng như các vấn đề nội tại của nền kinh tế, để lạm phát tăng cao sẽ khó hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng. PGS, TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, một trong những giải pháp để kiểm soát lạm phát là tăng lãi suất, nhưng trong bối cảnh hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam không còn nhiều. Vì thị trường tài chính đang đối mặt với nhiều rủi ro khi dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản đã tăng cao thông qua kênh tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Vì vậy, chính sách tiền tệ cần chú trọng vào việc hướng chuyển dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản. Đồng thời, cần hướng nguồn lực ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp để phục hồi và phát triển trong đại dịch, nhất là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế. “Các chính sách cần tập trung hướng mạnh vào mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh sống chung với dịch Covid-19. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng nhưng nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô”, PGS, TS Tô Trung Thành nhận định.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, Chính phủ cần tập trung vào cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là yêu cầu về tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, phải bảo đảm không quá chặt chẽ, nhưng cũng không nới lỏng trong giai đoạn phục hồi, đồng thời cần đánh giá rủi ro tiềm tàng của những dòng tín dụng như chứng khoán, bất động sản,…
Về mặt dài hạn, câu chuyện xử lý nợ xấu, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ,… là các vấn đề cần được ưu tiên xem xét. Đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế hiện nay. Những giải pháp còn lại của Chương trình như cấp bù lãi suất, phân bổ vốn đầu tư công,… cần được các cơ quan quản lý nhanh chóng ban hành và rốt ráo triển khai để nền kinh tế sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
TÔ HÀ