GD&TĐ – Xoay quanh những câu chuyện bàn về việc xây dựng luật ngôn ngữ/luật tiếng Việt, không ít chuyên gia khẳng định sự cần thiết. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên, bởi rất khó lượng hóa để đưa vào luật.
Tác giả Kiều Trường Lâm từng công bố công trình “chữ Việt Nam song song 4.0” và bị dư luận phản ứng vì cho rằng làm hỏng tiếng Việt.
Tiếng Anh sử dụng tràn lan xen lẫn tiếng Việt, nhiều từ ngữ mới hình thành được sử dụng gây phản cảm… Thách thức mới về ngôn ngữ khiến tiếng Việt bị méo mó, đòi hỏi phải có luật ngôn ngữ/ luật tiếng Việt.
Tiếng Việt bị nhem nhuốc
Thời gian qua đã diễn ra rất nhiều hội thảo về chủ đề tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở cấp độ và quy mô khác nhau. Tuy nhiên, dường như hội thảo được tổ chức cho có, vì sau đó không có hành động nào khác để thay đổi thực trạng.
Trong khi đó, ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng bị méo mó bởi sự hình thành nhiều từ ngữ mới lạ phản cảm. Thậm chí, một số người hoặc tổ chức nhân danh nghiên cứu khoa học, muốn cải tiến, thậm chí là muốn thay đổi cách viết tiếng Việt.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Lịch, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta không ngừng nỗ lực xây dựng hệ thống ngôn ngữ văn tự độc lập. Chữ Nôm ra đời để duy trì bản sắc. Tiếng Việt – chữ Quốc ngữ được phổ cập cũng nhằm xóa mù và hiện đại hóa đời sống toàn dân.
Theo ông Lịch, ngày nay không ít người mắc bệnh sùng ngoại nên thường pha trộn tiếng Anh vào tiếng Việt khi nói cũng như khi viết ở những lúc không cần thiết và không đúng chỗ. Như thế tức là đã làm nhem nhuốc tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt đang bị “ô nhiễm” nặng nề.
Thời gian gần đây, trên các trò chơi truyền hình chính thống, nhiều từ tiếng Anh được sử dụng phổ biến như “startup” trong khi tiếng Việt đã có từ “khởi nghiệp” hay “diva” trong tiếng Việt đã có “nữ danh ca”.
Thậm chí những từ giao tiếp thông thường như “cảm ơn”, “xin lỗi” cũng được người dẫn chương trình hay người tham gia chương trình thay bằng từ tiếng Anh “thank you”, “sorry”…
TS Bùi Thị Ngọc Anh, Viện Ngôn ngữ học từng công bố nghiên cứu về sử dụng lẫn tiếng Anh và tiếng Việt trong các chương trình truyền hình trực tiếp cho trẻ em. Theo đó, bên cạnh việc dùng từ viết tắt, còn có cả đệm từng từ, đến nói cả câu tiếng Anh trong chương trình.
Tuy nhiên, có tới 41% người trên 60 tuổi đồng ý việc sử dụng như vậy. Họ cho rằng, trẻ em cũng cần đi theo xu hướng của xã hội. Với độ tuổi từ 20 – 59, lượng cổ súy còn cao hơn, chiếm 54%.
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, từ Hán – Việt cũng đang bị sử dụng thiếu chính xác, sai nghĩa hoặc dư thừa. Khảo sát dùng tiếng Việt trên báo chí những năm trước đây của PGS.TS Đào Thanh Lan, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội còn cho thấy 50% bài viết trên báo mắc lỗi ngôn ngữ.
Khó lượng hóa để đưa vào luật
Việt Nam đã thay đổi chữ viết ít nhất một lần, từ chữ tượng hình sang chữ Latinh, hay nói cách khác là thay chữ Hán Nôm bằng chữ Quốc ngữ. Sự thay đổi đó là một bước tiến, một thành tựu to lớn về khoa học, về văn hóa trong lịch sử phát triển của dân tộc.
Tuy nhiên, từ thực tế sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt cùng hàng loạt các vấn đề khác như chính tả, chữ viết cho thấy đòi hỏi phải có những quy định thống nhất về luật pháp trong ngôn ngữ.
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển, Bách khoa thư Việt Nam cho rằng, việc xây dựng ban hành luật ngôn ngữ là cần thiết bởi chúng ta cần văn bản chi tiết hóa việc thực hiện tất cả các lĩnh vực của tiếng Việt một cách chính xác.
Đó phải là một văn bản quan trọng để cho tất cả mọi người có căn cứ thực thi, đồng thời cũng là văn bản để bắt lỗi nhưng ai đã sử dụng tiếng Việt không đúng theo quy định.
GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên Viện phó Viện Ngôn ngữ học khẳng định, việc xây dựng luật ngôn ngữ Việt Nam là rất quan trọng. Ở nước ta hiện nay, khái niệm luật ngôn ngữ còn ít được quan tâm nhưng trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành từ lâu.
Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi cái đều phải được điều hành thông qua pháp luật, luật ngôn ngữ cũng là một cách để điều hành sự phát triển của ngôn ngữ đi đúng hướng nhằm phát huy chức năng của ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất.
Ông Lợi cho rằng, trong Hiến pháp (2013) – bộ luật cơ bản của nước ta hiện nay, khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một bước tiến mới, quan trọng khẳng định vị thế tiếng Việt ở nước ta hiện nay. Cùng với quốc kỳ, quốc ca, tiếng Việt – ngôn ngữ quốc gia mang giá trị biểu trưng cho sự độc lập, tự chủ, thống nhất của Việt Nam.
Sự khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia trong bộ luật cơ bản (Hiến pháp) là cơ sở để xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển ngôn ngữ trong thời kì mới, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Luật ngôn ngữ là biện pháp thực thi chính sách ngôn ngữ của Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng nhiều số ý kiến cho rằng, không nên xây dựng luật ngôn ngữ/ luật tiếng Việt. Phiên dịch cao cấp Tạ Quang Đông mới đây cũng bày tỏ vấn đề này trên trang Facebook cá nhân.
Ông cho rằng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không cần và không nên xây dựng luật. Đó không phải là cái gì có thể dẫn đến vi phạm ở mức hình sự. Chỉ cần và chỉ nên điều chỉnh với việc truyền thông nâng cao nhận thức.
Ông Đông nói thêm, các điều chỉnh liên quan đến sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt chỉ là yêu cầu mang tính định tính, không định lượng được, vì có nhiều điểm tranh cãi. Đó là bản chất của ngôn ngữ, rất khó lượng hóa để đưa vào luật.GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, cần thiết phải xây dựng luật ngôn ngữ (tiếng Việt). Bởi thiếu luật ngôn ngữ có tính quốc gia thì sẽ nảy sinh những hệ lụy. Tuy nhiên, khi nghiên cứu để xây dựng thì phải đi đúng hướng. Từ chuyện dạy chữ viết nước ngoài phải chuẩn hóa, dạy đánh vần phải chuẩn xác.