Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKINH TẾĐơn hàng dồn dập trở lại, da giày hồi phục sản xuất

Đơn hàng dồn dập trở lại, da giày hồi phục sản xuất

Sản xuất và xuất khẩu da giày có nhiều tín hiệu khả quan

Thoát khỏi những khó khăn do thiếu nguyên liệu và đơn hàng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên, đến nay, doanh nghiệp da giày tự tin sản xuất song song với bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi nhu cầu của thế giới đang tăng trở lại.

Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến quý 3

Từng gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu thiếu hụt, các đối tác liên tiếp hủy đơn hàng trong giai đoạn dịch Covid-19 mới bùng phát, ông Trần Văn Tắc, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt cho biết, năm 2020, có những thời điểm khách hàng của công ty hủy đến 100% đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau khó khăn của đợt dịch đầu tiên, doanh nghiệp này đã chủ động đa dạng hóa khách hàng ở khắp các thị trường để bù đắp kịp thời nếu đơn hàng bị hủy do dịch bệnh. Bên cạnh đó, đàm phán giá bán với bạn hàng để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua giai đoạn khó khăn. Ở trong nước, doanh nghiệp vừa bố trí sản xuất linh hoạt, bảo đảm giãn cách an toàn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, vừa làm tốt bài toán quản trị để tối ưu hóa chi phí. Các giải pháp này đã giúp công ty vững vàng đi qua ba đợt dịch. “Năm 2021, nhu cầu của các đối tác tăng cao, đặc biệt là các khách hàng có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, giúp doanh nghiệp có đơn hàng tương đối dồi dào”, ông Trần Văn Tắc chia sẻ.

Công ty TNHH Giày Tuấn Việt là một trong những doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu da giày thời gian vừa qua. Theo Bộ Công thương, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu mặt hàng giày dép các loại đã và đang tăng trưởng trở lại với con số 26,4% so với 5 tháng năm 2020. Thị trường xuất khẩu da giày có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và doanh nghiệp cũng tận dụng tốt cơ hội từ các FTA đã ký kết và đi vào thực thi, giúp tạo sức bật cho xuất khẩu da giày.

Đặc biệt, các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý 3 năm nay. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đối với quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, giúp mức tăng chỉ số sản xuất ngành giày da và các sản phẩm có liên quan đạt mức trên 12% sau 5 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1-8-2020) đến ngày 4-6-2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Trong đó, tỷ lệ mặt hàng giày dép xuất khẩu sang thị trường EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA lên tới trên 98%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, nếu như giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát, dệt may và da giày là một những mặt hàng gặp nhiều khó khăn do đứt gãy nguyên liệu, thiếu hụt đơn hàng thì đến nay, doanh nghiệp hầu hết đã thích ứng và có được nhiều đơn hàng trở lại. Dù chưa thể trở lại giai đoạn “hoàng kim”, song điều này cho thấy doanh nghiệp đã thích ứng tốt với những thay đổi từ thị trường, có những giải pháp đối phó với dịch bệnh và duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giải bài toán nguyên phụ liệu

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, ngành da giày có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời điểm hiện nay nhờ tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA bằng việc đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tương ứng trong hiệp định này. Hiện tiêu chí xuất xứ cho mặt hàng da giày trong EVFTA tương đối linh hoạt và cho phép nhập khẩu nguyên liệu ngoài khối để sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, việc đứt gánh chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua là hồi chuông báo động cho ngành sản xuất da giày trong nước khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, để có thể phát triển bền vững và tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như các cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại, các doanh nghiệp da giày cần tập trung phát triển cân bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để phục vụ sản xuất, xuất khẩu trong tương lai.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương, trong 3.000 doanh nghiệp da giày hiện nay chỉ có 17 doanh nghiệp có hoạt động thiết kế, 400 doanh nghiệp sản xuất phụ liệu, phụ kiện hoặc gia công các công đoạn trung gian… Nguyên phụ liệu cho da giày mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Do đó, công nghiệp hỗ trợ nội địa vẫn là lĩnh vực cần được tập trung phát triển nếu ngành da giày muốn bứt phá mạnh mẽ.

Trên thực tế, hiện nay nguyên phụ liệu ngành da giày Việt Nam nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những năm gần đây, việc chủ động nguyên phụ liệu có sự chuyển biến khá tốt khi các doanh nghiệp đã chuyển dần chuỗi cung ứng sản xuất nguyên phụ liệu vào Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ thực hiện chủ yếu ở doanh nghiệp lớn; còn doanh nghiệp nhỏ và vừa do hạn chế nguồn lực nên chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ. 

“Các FTA Việt Nam đã ký kết với ưu đãi thuế quan hấp dẫn đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đầu tư nhà xưởng sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, trong đó phần lớn vẫn là các nhà đầu tư tới từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều kiện đủ mà mới là điều kiện cần để thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu thượng nguồn. Điều kiện đủ là sự chuẩn bị sẵn sàng từ phía trong nước, chúng ta phải có quy hoạch phát triển nguyên phụ liệu, có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai. Đặc biệt, các địa phương cũng cần sẵn sàng và cởi mởi hơn với các nhà đầu tư”, bà Xuân kiến nghị.

Hiện nay, sản xuất nguyên liệu ngành da giày còn gặp khó trong xử lý môi trường, đặc biệt là chất thải rắn và chất thải công nghiệp. Chưa kể ngành này thu hút lượng lớn lao động gây ra nhiều vấn đề về xã hội. Do vậy công tác quản lý là vấn đề cốt lõi và cần có sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương mới có thể xây dựng và phát triển được khâu thượng nguồn cho ngành.

HÀ ANH

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments