Mỗi con người chúng ta khi sinh ra đều là những trang giấy trắng giống nhau, việc vẽ gì lên trang giấy đó chính là cách mà chúng ta sống. Liệu có thể trở thành một người tử tế hay không, một phần do xã hội, gia đình và quan trọng nhất chính ở bản thân mình. Có thể nói sự tử tế là vô giá, là điều đáng quý và đáng trân trọng mà mỗi người nên hướng đến, bên cạnh đó sự tử tế còn chứa đựng những sức mạnh tiềm ẩn.
Tử tế nghĩa là sẵn lòng giúp đỡ người khác, ưa thích giúp đỡ người khác. Điều này ngược với bản năng tự nhiên của con người là ích kỷ lo cho mình trước. Người tử tế là người có khuynh hướng tự nhiên thích giúp đỡ người khác.
Để thay đổi từ cái bản năng thích lo cho mình biến thành cái khuynh hướng thích lo cho người là cả quãng đường dài, trong suốt một thời gian luôn nuôi dưỡng khao khát sống vì mọi người. Mỗi người nhìn kỹ lại tâm mình sẽ thấy, trong đó chưa hề có sẵn khuynh hướng thích giúp đỡ người khác. Phải có ai kêu gọi, vận động, nhắc nhở thì ta mới khởi lên ý nghĩ giúp kẻ khốn khó trong lúc nào đó rồi thôi. Bình thường ta không bận tâm phải lo cho ai cả.
Ta hiểu rằng, nếu ta được sống bên cạnh một người tử tế, đời ta sẽ hạnh phúc lắm. Người đó sẽ giúp đỡ khi ta cần. Người đó sẽ chở che khi ta bị ức hiếp. Người đó sẽ vui mừng khi ta thành công. Người đó sẽ an ủi khi ta thất bại, thậm chí người đó sẽ không ghét ta khi ta lầm lỗi. Nếu quanh ta có nhiều người tử tế, đời ta hạnh phúc biết bao.
Suy nghĩ vậy là đúng rồi. Nhưng ta phải suy nghĩ thêm. Vậy ta có cần phải sống tử tế với mọi người như thế không? Ta sẽ làm gì để mọi người sống trên đời đều tử tế với nhau?
Ta cần người khác tử tế với ta, thì họ cũng cần ta tử tế với họ mà. Hai ba người tử tế với nhau cũng chưa đủ để thế gian này hạnh phúc.
Trước hết chính ta phải là người sống tử tế với mọi người cái đã. Sau đó, từ cuộc sống tử tế chân thật có bề dày của mình, ta kêu gọi mọi người hãy sống tử tế với nhau.
Ta tự nói với mình rằng hãy sống tử tế, hãy thích giúp đỡ người khác. Ta luôn tìm đọc những bài báo viết về lòng tử tế – những tấm gương đã và sẽ truyền cho ta khuynh hướng tử tế để ta ưa thích giúp đỡ người khác. Ta hay ngợi khen ngưỡng mộ những người biết sống tử tế, để rồi cây đạo đức đơm hoa kết trái, hình thành khuynh hướng tử tế trong lòng ta.
Thế giới này là môi trường sống lẫn lộn giữa người tốt và người xấu. Thế giới này là cơ hội để ta chiến đấu giữa cái ác và cái thiện trong lòng mình, sau đó ta sẽ đi về thế giới được phân loại. Nếu trong lòng ta điều Thiện chiếm chỗ, thì sau khi chết ta sẽ sinh về nơi toàn những người thánh thiện vui sống. Nếu trong lòng ta điều ác chiếm chỗ, thì sau khi chết ta sẽ sinh về nơi toàn những người xấu ác đang sống đọa đày. Vũ trụ vốn công bằng là thế.
Nơi thế giới thiện và ác lẫn lộn này, nếu ta khẳng định lập trường với nẻo thiện, ta đã vượt qua cuộc đại tuyển sinh của trời đất. Ta được chọn đưa về thế giới thánh thiện.
Nơi thế giới thiện và ác lẫn lộn này, nếu ta thuyết phục được thêm nhiều người đi về nẻo thiện, thì ta trở thành bậc đại uy đức, dạo chơi tự do qua các cõi thiên thần.
“Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí”.
Ban đầu, mới sống tử tế, mới cố gắng giúp được vài người, ta cảm thấy rất cực khổ vất vả. Lâu ngày quen sống tử tế với mọi người, ta chợt nhận ra rằng tử tế với người khác lại chính là niềm hạnh phúc của ta. Dù sống tử tế khiến ta hao tốn thời gian, công sức, tiền của, tâm trí. Nhưng bù lại, khi sống tử tế, khi giúp đỡ được cho người khác, khi làm cho người khác yên vui, ta đã có được niềm vui rồi. Ngộ ra được điều này, ta sẽ mãi mãi làm người sống tử tế, luôn thích giúp đỡ người khác. Và nhất là sẽ kêu gọi mọi người cùng sống tử tế với nhau.
-Nền tảng đạo đức-
-PQ-