Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKH-CNMiệt mài với dòng siêu lúa lai

Miệt mài với dòng siêu lúa lai

GD&TĐ – Ngoài 70 tuổi, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp vẫn miệt mài nghiên cứu các dòng lúa lai. PGS.TS Nguyễn Văn Hoan (người cầm gậy), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp vẫn miệt mài nghiên cứu các dòng lúa lai.PGS.TS Nguyễn Văn Hoan (người cầm gậy), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp vẫn miệt mài nghiên cứu các dòng lúa lai.

Có những giống siêu lúa lai được ông nghiên cứu thành công cho sản lượng lên đến 12 tấn/ha.

Phát triển lúa lai là tất yếu

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020 Việt Nam xuất được 6,15 triệu tấn gạo; nhập hơn 12 triệu tấn ngô và hơn 1,4 triệu tấn bột mì. Nếu quy đổi thì lượng ngô nhập khẩu bằng 9,3 triệu tấn gạo, lượng bột mì nhập khẩu tương đương 1,8 triệu tấn gạo.

Việt Nam cũng nhập khẩu trên 1,2 triệu tấn đậu tương. Nếu chỉ tính riêng lượng nhập ngô và bột mì đã là 11,1 triệu tấn, thâm hụt gần 5 triệu tấn. Những con số biết nói này cho thấy Việt Nam chưa phải là quốc gia bảo đảm an ninh lương thực.

Năng suất lúa thuần đã có xu thế đạt kịch trần? Phải chăng lúa lai là con đường rộng mở để giải quyết nhiệm vụ nặng nề này? Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng rất nặng của biến đổi khí hậu, nên lúa lai là một hướng đi rất hiệu quả nhằm thích ứng với tình hình trong tương lai.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, rào cản phát triển lúa lai ở Việt Nam hiện nay khá nhiều. Hầu hết trong chúng ta chưa hiểu rõ lúa lai. Nói đến lúa lai người ta chỉ nghĩ đến năng suất cao. Đa số chưa thấy rằng, do có ưu thế lai nên ngoài cho năng suất cao lúa lai còn có tính thích ứng rất rộng, dễ canh tác, có tính chống chịu rất cao.

“Người ta chỉ nhìn vào các giống lúa lai nhập nội có một số hạn chế như chưa kháng được bệnh bạc lá mà quy kết rằng, lúa lai có tính chống chịu kém. Người ta chỉ thấy giá hạt giống lúa lai cao, nhưng không tính toán toàn bộ chi phí. Cụ thể, chi phí cho mua hạt giống lúa lai chỉ cao hơn lúa thuần chút ít, vì lượng giống sử dụng ít và giống cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi phí sản xuất lúa. Người ta bảo làm lúa lai khó nhưng lại không thực sự bắt tay vào làm”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan trăn trở.

Việt Lai 20 ra đời sau 4 năm thai nghén

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, năm 1990 khi đang là giảng viên Đại học Nông nghiệp 1, ông bắt tay vào nghiên cứu lúa lai. Lúc này ở Việt Nam, lĩnh vực nghiên cứu lúa lai đang bỏ trống. Ông cùng PGS.TS Nguyễn Thị Trâm khi ấy là những người đầu tiên nghiên cứu về lúa lai.

Nhiệm vụ là phải tạo ra được những giống lúa lai trong nước, khắc phục tình trạng nhập khẩu lúa lai từ Trung Quốc, không chủ động được nguồn giống mà chi phí lại tăng cao. Bắt đầu từ “bàn tay trắng”, ông có 4 năm để chuẩn bị nguyên liệu lai. Sau nhiều đêm trắng trong phòng thí nghiệm, năm 1994, giống lúa lai đầu tiên của Việt Nam ra đời với tên Việt Lai 20.

Việt Lai 20 là giống lúa lai hai dòng hạt dài từ giống mẹ 103S và giống bố R20. Đây là giống lúa ngắn ngày, năng suất 7 – 8 tấn/ha trong khi lúa thuần ngắn ngày chỉ đạt 4 – 5 tấn. Chất lượng lúa dẻo, thơm, phù hợp trồng trong nhiều điều kiện khác nhau.

“Đây thực sự là bước đột phá về nghiên cứu lúa lai ở Việt Nam. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động bởi công sức nghiên cứu của mình đã được đền đáp. Nói về hiệu quả của giống lúa, chắc không ai đo đếm được. Từ khi có Việt Lai 20, chúng ta không còn phải nhập khẩu giống lúa lai từ Trung Quốc nữa. Vùng nguyên liệu để sản xuất lúa giống hình thành, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Mỗi mùa vụ đều chủ động được nguồn giống. Năng suất lúa rất cao, bà con hồ hởi, vui mừng”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Việt Lai 20 có nhiều ưu điểm vượt trội so với khoảng mười tổ hợp lai khác nhập từ Trung Quốc và Ấn Ðộ. Trong đó chi phí giá thành để sản xuất giống Việt Lai 20 thấp hơn hẳn, chất lượng hạt giống cao, được Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương công nhận là giống đạt chất lượng loại I.

Việt Lai 20 cho loạt gạo hạt trong, dài, mềm cơm, không bết như một số loại gạo khác, bởi vậy loại gạo này đang được thị trường ưa chuộng và được nông dân bán ra với giá đắt hơn 10% so với gạo bình thường. Nó còn có ưu điểm là loại lúa có tính chống chịu cao, dễ tính, có thể trồng được ở vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, phù hợp vùng trung du và miền núi.

Biến lúa lai thành tài sản quốc gia

“Đến nay, trong tay tôi còn có 2 giống siêu lúa lai nữa. Tôi vẫn chưa có kế hoạch chuyển giao mà muốn tiếp tục nghiên cứu để tối ưu. Làm sao để những giống lúa made in Việt Nam ngon nhất, năng suất cao nhất, đem lại lợi nhuận lớn nhất cho người nông dân”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Giống siêu lúa lai này tổ hợp thuộc lớp thứ ba của thế hệ lúa lai thứ hai đã được tạo ra và đang được thử nghiệm sản xuất. Các tổ hợp lúa lai này có tiềm năng năng suất tới 18 tấn/ha, kháng đạo ôn và bạc lá đồng thời trong sản xuất thử hạt lai F1 đã đạt được năng suất 6 tấn/ha. Đây là những tín hiệu rất mừng trong tiến trình phát triển lúa lai ở nước ta, vấn đề còn lại là sự hưởng ứng của các doanh nghiệp để nhanh chóng đưa các tổ hợp lai mới này vào sản xuất kể cả sản xuất hạt lai F1 cũng như sản xuất thương phẩm.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho hay, điều đặc biệt ở lúa lai, không chỉ cho năng suất cao mà còn thơm ngon. Nhóm nghiên cứu lúa lai của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã tạo được giống lúa lai thơm có cả năng suất cao và chất lượng tốt TH6-6 (Lai thơm 6). TH6-6 cho năng suất ngang bằng với các giống lúa lai cao nhất nhưng có thêm mùi thơm nhẹ nhàng, gạo trong, dẻo không thua kém nhóm gạo thơm ST.

“Chúng tôi cho rằng hệ thống quản lý và phát triển lúa lai của nước ta cần được tổ chức lại. Trong đó, các viện nghiên cứu tập trung vào công tác tạo ra vật liệu di truyền có tiềm năng cao được Nhà nước bảo trợ. Các công ty và trung tâm giống tỉnh cần được huy động tham gia tạo tổ hợp, thử nghiệm đưa vào sản xuất, tổ chức sản xuất hạt lai F1 và thương mại hóa sản phẩm. Các dòng bố mẹ đã có và sẽ có nên được công nhận như tài sản quốc gia để chúng được chia sẻ rộng rãi tới các công ty.

Còn hiện nay, chúng ta không công nhận các dòng bố mẹ mà chỉ công nhận tổ hợp vì thế các viện nghiên cứu lẽ ra phải nghiên cứu để tạo ra các dòng bố mẹ ưu tú thì lại đi chọn tạo tổ hợp mới. Các bộ phận nghiên cứu ở ta do dòng bố mẹ không được công nhận nên sự chia sẻ không có. Các dòng bố mẹ tốt tiềm năng cao được giữ làm sở hữu riêng không được sử dụng rộng rãi”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan chia sẻ.“Biến đổi khí hậu sẽ làm cho tình trạng thiếu nước tăng lên, các loại sâu bệnh biến thể gây hại nặng hơn, do đó các giống lúa lai do ưu thế di truyền của 2 – 3 bố mẹ có tính thích ứng cao sẽ là hướng đi tốt”.

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments