Ra khỏi buổi họp, Trường nắm cổ áo Huy giận dữ hỏi:
– Sao anh bỏ phiếu cho phe bên kia lên làm giám đốc?
Huy đáp:
– Tại vì tôi thấy có lợi.
– Lợi cái gì, bên đó làm giám đốc thì phe mình mất nhiều quyền lợi chứ, nói gì kỳ vậy?
– Tôi thấy lần này sẽ khác, ông Vũ mà bên đó đưa ra ứng cử chức giám đốc là người có tài có đức, sẽ làm việc công tâm, mọi việc sẽ tốt thôi.
– Chẳng biết tài đức gì, phe bên đó lên thì bên mình rất bất lợi.
– Tôi cũng đoán là mình sẽ bất lợi, nhưng đời con mình có lợi. Người ta làm việc công tâm thì họ sẽ dẹp cái quan điểm phe nhóm của mình nên mình sẽ bị tổn thất. Nhưng đến đời con mình sẽ được hưởng cái kết quả tốt đẹp từ sự công tâm của họ.
– Vớ vẩn, cái gì mình cũng phải nắm trong tay thì mới là chắc.
– Anh cứ muốn nắm trong tay cho chắc nên phe mình bị mất uy tín liên tiếp thời gian qua. Còn phe bên đó họ có cải cách, có nhìn xa, có đạo đức, nên uy tín họ lên quá chừng.
“Người thương người bao nhiêu cũng thiếu
Người ghét nhau chút xíu cũng dư”
Thế gian hay ghét người có tài, ghét người có đức. Chung quy cũng tại vì sợ người khác hơn mình. Tâm lý đó gọi là Đố kỵ. Hại dìm người tài đức thì có vẻ như mình thắng được một trận, nhưng đã làm cho toàn xã hội bị thua. Xã hội cần thêm biết bao nhiêu người tài đức để xây dựng phát triển, mà ta lại cứ canh chừng ai có tài đức thì ta diệt hết, có phải đã làm thiệt hại cho xã hội chăng. Tâm đố kị là tâm nhỏ mọn hẹp hòi và ác độc. Chỉ vì sợ người khác hơn mình mà dìm hại người ta, làm mất đi nguồn lực tốt của cộng đồng. Chắc chắn họ sẽ nhận lại một kết quả rất khó chịu cho người đố kỵ, đó là trở nên bất tài, cứ bị mất cơ hội may mắn, và đi đến nơi xa xôi cô độc.
Ngược lại với tâm đố kị là tâm bao dung. Nếu ai có tài có đức, có khả năng đóng góp xây dựng cộng đồng thì ta ủng hộ, hỗ trợ, phụ giúp. Thậm chí việc ủng hộ phụ giúp của ta khiến người đó vượt lên cao hơn ta, ta cũng rất sẵn lòng. Ta đặt lợi ích chung lên cao hơn danh dự cá nhân ta, cao hơn lợi ích cá nhân ta, cao hơn sự kiêu hãnh của ta. Thậm chí việc ủng hộ người tài có thể sẽ khiến ta bị thiệt thòi trước mắt, nhưng đời con cháu ta sẽ hưởng trái ngọt lành.
Đất nước nào mà người đố kị nhiều thì đất nước đó sẽ khó phát triển, vì người này tiêu diệt người kia cả rồi. Còn đất nước nào mà con người biết nhìn xa để mở lòng bao dung nhau, bao dung người tài đức, thì đất nước đó sẽ bay lên.
Ta hay nghe kể câu chuyện về hai trường hợp có 3 người rơi xuống hố sâu. Trường hợp thứ nhất là 3 người đoàn kết, người này đội người kia lên đầu mình để có được người thò tay tới miệng hố mà nắm cái gì để leo lên. Lên rồi người này chạy kêu cứu hoặc tìm dây quay lại kéo các bạn. Cuối cùng tất cả đều được thoát khỏi cái hố. Trường hợp thứ hai là 3 người ganh tị nhau, thấy ai bám đất bám rễ cây để tìm cách leo lên thì phá bằng cách nắm chân kéo xuống. Cuối cùng họ chết rục dưới hố.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”
Nhìn thấy người tài đức mà vui mừng quý mến, đó là người có đạo đức rất cao. Tuy chưa làm gì, chỉ cái tâm bao dung đó thôi, cũng đã là đóng góp rất nhiều cho xã hội. Ta phải tâm nguyện với chính mình rằng sẽ luôn ủng hộ người tài đức. Ta thật lòng mong cho có nhiều người giỏi hơn mình để xây dựng xã hội khá hơn. Rõ ràng ta đã không đóng góp được gì nhiều cho xã hội, nếu có ai có thể đóng góp nhiều hơn thì nhất định người đó phải giỏi hơn ta. Lúc nào cũng ước ao xuất hiện nhiều người giỏi hơn ta, đó là đạo đức cao thượng. Nhân quả trở lại với người có tâm bao dung đó là trong dòng họ con cháu sẽ xuất hiện bậc kỳ tài.
Nền tảng đạo đức
-PQ-