Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TTÝ chí trung kiên, sắt son của "hiệu trưởng"

Ý chí trung kiên, sắt son của “hiệu trưởng”

QĐND – Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) được coi là địa ngục trần gian. Trong những ngày chiến tranh ác liệt, ngay trong lòng nhà tù của đế quốc Mỹ này, có một “trường học” vẫn được duy trì.

Không chiến đấu bằng vũ khí, súng đạn, nhưng “trường học” này như một tiếng nói đanh thép khẳng định chiến thắng của ý chí trước kẻ thù. Ở trường học đó, có một người thầy mang tên Nguyễn Tiến Hà, đã dạy nhiều môn học cho “học sinh”-đồng chí, đồng đội của mình và được họ gọi thân thương là “hiệu trưởng”.

Tổ chức các lớp học trong giai đoạn đất nước đang chiến tranh đã vô cùng khó khăn. Tổ chức lớp học trong tù có lẽ với nhiều người còn là điều không tưởng. Ấy thế mà điều không tưởng đó vẫn thực hiện được, bằng trí tuệ, ý chí và lòng dũng cảm của những người cộng sản.

Ý chí trung kiên, sắt son của "hiệu trưởng"
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà.

Năm 1950, ở nhà tù số đảng viên bị giặc bắt và số tù nhân trẻ tuổi đều tăng cao, nhưng nhiều người chưa biết chữ. Nhà tù thành mặt trận mới. Khi ấy, ông Nguyễn Tiến Hà được tổ chức giao cùng anh em biến nhà tù thành trường học cách mạng, nơi thử lửa, tôi luyện ý chí. Nếu tổ chức thành công, trường học này sẽ làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp là biến nhà tù thành “địa ngục trần gian”, nơi cực khổ cả về tinh thần và thể chất, nhằm làm giảm ý chí của những người theo cách mạng.

Qua con đường tiếp tế của gia đình và một số tù nhân được đi ra ngoài, người của ta đã bí mật chuyển tài liệu vào tù. Khu vực trại K (Nhà tù Hỏa Lò), nơi ông Nguyễn Tiến Hà bị giam giữ, phụ trách viết bản tin, làm tài liệu học tập cho anh chị em tù nhân. Ở đây, họ làm hầm bí mật là một khoang nhỏ, rỗng để cất giấu tài liệu. Cửa hầm được bố trí che chắn bằng chăn, gối, ba lô… Cẩn thận hơn, anh em tù nhân bố trí người nằm tại khu vực này là những đồng chí tích cực, kiên cường. Khi viết tài liệu, để được nhiều, họ dùng giấy than cũng lấy được nhờ con đường tiếp tế và người của ta ở văn phòng giám thị trại giam cung cấp. Tài liệu đó do những tù nhân được giao đưa cơm tới các trại, chuyển cho các khu vực trong tù. Riêng với khu trại dành cho tù tử hình, họ cài vào quả cầu rồi dàn cảnh đá cầu vào cho tù nhân bên trong. Trường học đặc biệt này dạy cả chính trị, văn hóa với Toán, Văn, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Người biết nhiều hơn dạy người biết ít hơn.

 Những năm tháng bị tù đày, ông Nguyễn Tiến Hà nói rằng: “Tôi bị đủ mọi loại hình tra tấn từ đòn bộ (bẻ quặt tay ra sau rồi đấm đá, giẫm đạp), đi tàu bay (treo người lên xà nhà để tra tấn), đến đi tàu ngầm (giúi mặt vào nước), bị phơi nắng… Nhưng lúc đó nghĩ chết thì thôi chứ không thể khai”.

Giữ tinh thần nhiệt huyết, nỗ lực không ngừng và bất chấp mọi gian khổ, ra tù, ông về tiếp quản Thủ đô, rồi chuyển sang ngành giáo dục. Dù đã học tú tài từ trước Cách mạng Tháng Tám, biết vài ngoại ngữ và làm hiệu trưởng trường cấp 2, cấp 3 nhưng ông vẫn tiếp tục đi học nghiệp vụ sư phạm, rồi học thêm cả tiếng Bồ Đào Nha để sang Angola làm chuyên gia giảng dạy cho nước bạn…

Năm nay 94 tuổi nhưng Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc Các chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954) vẫn minh mẫn, những dấu vết của sự tra tấn ngày xưa giờ đỡ nhiều nhờ chăm chỉ tập luyện. Hằng ngày, ông vẫn dậy sớm tập thể dục, tập bơi, thỉnh thoảng còn chơi tennis. Ông nhắn nhủ với thế hệ trẻ phải rèn luyện ý chí vì thế hệ ông, người trẻ đã có những đóng góp quan trọng để giải phóng dân tộc. Ngày nay, đã qua thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do, những người trẻ phải đóng góp cho công cuộc giữ nước. Thanh niên phải đi đầu, không chỉ sẵn sàng xung phong ra mặt trận chiến đấu mà cả những mặt trận về kinh tế, trí tuệ, khoa học kỹ thuật…

Bài và ảnh: THANH MAI

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments