GDVN- Việc đào tạo tràn lan, mất cân đối, công tác dự báo nhân lực không tốt sẽ dẫn tới những hệ lụy không nhỏ.
Công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trước khi công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay có chuẩn xác hay chỉ mang tính hình thức đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Bởi đây được xem là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo và là cơ sở quan trọng để các thí sinh đưa ra lựa chọn ngành học, trường học.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi cùng Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo để rõ hơn vấn đề này.
PV: Thưa ông, một trong những phương án để hạn chế việc đào tạo tràn lan là công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng số liệu này đang không chính xác bởi do các trường cung cấp, mà các trường luôn muốn giữ uy tín của mình. Ông có ý kiến như thế nào?
Công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là một trong những yếu tố góp phần phản ánh chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo, hạn chế việc đào tạo không phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thị trường lao động, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo đáp ứng sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động.
Mặc dù trong số gần 240 cơ sở giáo dục đại học và 42 trường cao đẳng đào tạo ngành sư phạm, có những cơ sở chưa thật sự nghiêm túc, chưa bài bản, khoa học trong hoạt động khảo sát, công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nhưng nói “số liệu công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm không chính xác” là chủ quan và thiếu căn cứ.
Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh K.A) |
Thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 04/11/2016 của Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo “công bố sinh viên ra trường có việc làm ở từng trường đại học, từng ngành học”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị triển khai khảo sát, đánh giá và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp từ nhiều năm nay.
Từ năm 2018 lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực làm đầu mối tổng hợp báo cáo của các cơ sở giáo dục. Để xác thực tính chính xác của số liệu báo cáo, tình hình tổ chức khảo sát và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp, Trung tâm đã có những biện pháp, giải pháp cụ thể như: khảo sát thực tế hàng chục trường đại học công lập và ngoài công lập tại Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Trao đổi, phỏng vấn với hàng trăm doanh nghiệp, sinh viên, cán bộ, giảng viên, gọi điện trực tiếp đến hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp, phát hiện chênh lệch, bất cập để tìm giải pháp khắc phục. (Thông tin cá nhân của sinh viên không được phép công khai mà chỉ nhằm phục vụ mục đích quản lý sinh viên của cơ sở giáo dục và hậu kiểm nhiệm vụ khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp).
Ngoài ra, nhiều hoạt động liên quan đến nghiên cứu, khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp cũng diễn ra thông qua đề án, dự án, nhiệm vụ của các đơn vị, tổ chức trong nước và nước ngoài, thu lại nhiều kết quả quan trọng, đáng tin cậy về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Trong đó, số liệu về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp của một số nhóm ngành đào tạo, nhóm cơ sở đào tạo, nhóm đối tượng sinh viên khá tương đồng với số liệu báo cáo chung.
Ví dụ, dự án hợp tác Việt Nam – EU “Thúc đẩy việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam” (EVENT) được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu và được thực hiện bởi 3 trường đại học uy tín của Châu Âu cùng 5 trường đại học của Việt Nam. Hay dự án Xây dựng năng lực thuộc Chương trình Erasmus + do Ủy ban châu Âu tài trợ “Tăng cường hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nhằm nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm và kỹ năng khởi nghiệp của sinh viên tốt nghiệp” (V2WORK) triển khai tại 8 trường đại học của Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo một số đơn vị như Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực nghiên cứu, khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp của các nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ, Công nghệ thông tin, phối hợp với UNICEF nghiên cứu tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp có hoàn cảnh khó khăn để góp phần làm rõ những thuận lợi, bất cập cũng như dự báo xu hướng ngành nghề, nhu cầu của thị trường lao động, từ đó tham mưu giải pháp điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
PV: Liên quan đến vấn đề thất nghiệp của sinh viên trong những năm gần đây. Nhiều quan điểm cho rằng, một trong những lý do sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm xuất phát từ việc đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Thực trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm kiếm được việc làm được xã hội đặc biệt quan tâm bởi nó có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến thị trường lao động, tâm lý xã hội và phản ánh phần nào kết quả đào tạo. Nguyên nhân sinh viên ra trường không tìm kiếm được việc làm xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, chủ quan và khách quan. Xem xét các yếu tố tác động đến việc làm sinh viên tốt nghiệp, tôi nhận thấy có 03 các yếu tố sau:
Thứ nhất, các yếu tố thuộc về các cơ sở giáo dục đại học.
Cùng với sự gia tăng về số lượng trường đại học, số lượng và cơ cấu ngành đào tạo có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế quy mô và cơ cấu đào tạo của một số trường đại học chưa được nghiên cứu, chưa dự báo nhu cầu nhân lực các ngành, chưa căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, nên chưa phù hợp nhu cầu cơ cấu lao động trên thị trường.
Thực tế vẫn có khoảng 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá chương trình đào tạo đại học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, sinh viên không có nhiều cơ hội đạt được các kỹ năng phù hợp để cạnh tranh trên thị trường lao động. Nội dung đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, học thuật, chưa đi sâu vào thực tế của chuyên ngành, các môn học đại cương và lý thuyết còn quá nặng, còn nhiều trường chưa thực sự quan tâm đến việc đưa việc đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên.
Thứ hai, các yếu tố thuộc về sinh viên.
Việc tồn tại một số lượng không nhỏ sinh viên ra trường chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa được thỏa đáng, chất lượng không cao là do bản thân sinh viên còn khá nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Những sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm thường gặp phải các khó khăn là thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; kỹ năng tìm việc; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính.
Những khó khăn sinh viên gặp phải trong thực tế tìm việc sau đào tạo. (Ảnh NVCC) |
Thứ ba, các yếu tố thuộc về quan hệ cung – cầu việc làm trên thị trường lao động.
Hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận sinh viên thực tập mà chưa đa dạng các hình thức hợp tác khác.
Kết quả khảo sát cho thấy hình thức hợp tác trong thực tập của sinh viên là phổ biến (91,1%), trong khi các hình thức khác góp phần nâng cao năng lực việc làm của sinh viên tốt nghiệp như hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hợp tác xây dựng chương trình đào tạo hoặc cung cấp chuyên gia tham gia đào tạo còn chưa tương xứng với tiềm năng. Như vậy, hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp cần được tiếp tục thúc đẩy và nâng cao chất lượng.
Thị trường lao động trực tuyến giữa các cơ sở đào tạo đại học và nhà tuyển dụng mới ở dạng đơn lẻ. Một số trường đã xây dựng được cổng thông tin việc làm và một số doanh nghiệp có hợp tác đăng tin tuyển dụng trên đó. Sự kết nối trực tuyến này chưa thực sự có hiệu quả trên thị trường lao động, chưa có sự lan tỏa ở quy mô rộng nhiều doanh nghiệp, nhiều trường đại học và nhiều sinh viên.
Cổng thông tin việc làm sinh viên tại địa chỉ http://huongnghiepvieclam.edu.vn mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức kích hoạt và ra mắt ngày 23/6/2020. Đây là kênh trực tuyến chính thống để các nhà tuyển dụng đăng vị trí việc làm và để sinh viên/cựu sinh viên tìm kiếm công việc.
Tuy nhiên, vấn đề truyền thông như thế nào để các doanh nghiệp biết đến cổng thông tin việc làm này, để các sinh viên tham gia trên thị trường lao động trực tuyến này vẫn còn là những công việc tiếp theo để có thể thiết lập một thị trường lao động trực tuyến bài bản và có hệ thống giữa các cơ sở đào tạo với các nhà tuyển dụng, tạo được sự tương tác giữa các nhà tuyển dụng và người lao động một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
PV: Cung ứng nhân lực chất lượng là điều kiện để đảm bảo một xã hội tương lai phát triển. Vậy xã hội sẽ như thế nào nếu số lượng sinh viên thất nghiệp, làm trái ngành, nghề đào tạo tràn lan. Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?
Nguồn nhân lực giữ vai trò quan trọng đối với mỗi nền kinh tế. Trình độ phát triển nguồn nhân lực là một thước đo chủ yếu sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, vấn đề này được các nước trên thế giới rất quan tâm và coi trọng.
Việc đào tạo tràn lan, mất cân đối, công tác dự báo nhân lực không tốt sẽ dẫn tới những hệ lụy không nhỏ. Trong đó, phải kể đến sự lãng phí trong đào tạo, lãng phí về nhân lực, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Hơn nữa, năng lực cạnh tranh cũng như giá trị nguồn nhân lực trên thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cần có cái nhìn khách quan về việc làm đúng hay trái ngành nghề đào tạo.
Theo quy định hiện nay, hệ thống ngành kinh tế Việt Nam có 21 ngành kinh tế cấp 1 (734 ngành kinh tế cấp 5). Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học có 23 lĩnh vực đào tạo (367 ngành đào tạo). Do đó, việc “khớp nối”, tra chéo giữa ngành đào tạo với ngành kinh tế mang tính tương đối cao.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng phát triển của xã hội, cần thực hiện những giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về giáo dục đại học một cách đồng bộ, trong đó có hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, quản lý và giao các đơn vị chức năng và các đơn vị chuyên môn khai thác và sử dụng vào mục đích quản lý, nghiên cứu và hỗ trợ phát triển giáo dục đại học, đồng thời giúp định hướng lựa chọn ngành học và việc làm cho người học.
Thứ hai, nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực để từ đó cung cấp thông tin mang tính định hướng cho sinh viên lựa chọn chương trình học phù hợp và giúp các cơ sở đào tạo có kế hoạch tuyển sinh phù hợp.
Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo có sự tham gia của bên tuyển dụng lao động, đổi mới hoạt động của các trung tâm hướng nghiệp việc làm sinh viên, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo.
Thứ tư, đối với sinh viên, tự tăng cường, trang bị những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động, tham gia tích cực vào các hoạt động phục vụ nghiên cứu của cơ sở giáo dục. Đặc biệt là các khảo sát việc là sinh viên tốt nghiệp và tham gia thảo luận xây dựng chương trình đào tạo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cao Kim Anh