Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeNỘI VIỆNTIN NỘI VIÊNBẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO

TS. Võ Quang Hiền

TT.TS. Thích Nhuận Quang

GS.TS. Trương Quang Vinh

TÓM TẮT

“Ai thấy được lý Duyên Khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên Khởi 1”, lời Phật dạy. Bởi vì, bất kỳ hiện tượng hay sự vật nào cũng đều tán tụ bất thường, đều khởi nguyên từ sinh diệt. Đức Phật cũng đã chỉ ra rằng tất cả các vấn đề đều là kết quả của con người đối với thế giới tự nhiên hay môi trường tự nhiên theo học thuyết Duyên Khởi.

Những giải pháp cải thiện và giải quyết các vấn đề môi trường bắt đầu từ con người. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài vấn đề về sự tương quan (correlation) và tính tương hợp (compatibility) giữa Phật giáo và môi trường tự nhiên; cách ứng xử và bảo vệ môi trường tự nhiên theo quan điểm và tư tưởng Phật giáo.

I. DẪN NHẬP

Nhân loại, ngày nay, không những phải đối phó với hàng loạt tai họa tự nhiên mà còn phải đối mặt với nhiều tai họa có nguồn gốc từ con người. Chính con người, do tự tánh Tham – Sân – Si, đã ít nhiều can thiệp đến môi trường tự nhiên và việc can thiệp này đi ngược lại với sự giáo dục căn bản của Phật giáo. Theo Phật giáo, mối quan hệ giữa con người và môi trường là mối quan hệ hổ tương nhau như đoạn kinh văn mà Bồ Tát Sư Tử Hống đối đáp với Đức Phật: “Thế Tôn! Tất cả chúng sanh có tánh của Phật tánh như tánh chất lạc trong sửa. Nếu sửa không tánh chất lạc, tại sao Phật nói có hai thứ nhơn: Chánh nhơn và duyên nhơn. Duyên nhơn có hai: Ủ và Ấm. Hư không vì là không tánh nên không có duyên nhơn…”. Như vậy, theo thì chúng sanh thành hai dạng: hữu tình và vô tình bao gồm con người trong thế giới tự nhiên.

Thế giới vật chất xung quanh chúng sanh hữu tình hay còn gọi là môi trường tự nhiên luôn hiện hữu và biến chuyển nằm ngoài ý thức chúng sanh. Môi trường tự nhiên, theo Johnson, D. L.; Ambrose, S. H.; Bassett, T. J.; Bowen, M. L.; Crummey, D. E.; Isaacson, J. S.; Johnson, D. N.; Lamb, P.; Saul, M. (1997), là môi trường mà mọi sinh vật sống vật tồn tại đều dựa vào nguồn tài nguyên có sẵn như: đất đai, khoáng sản, nguồn nước, hệ sịnh thái động thực vật…. Đây là điều khẳng định cho học thuyết đã tồn tại gần hai mươi sáu thế kỷ qua, đó là “Cái này có mặt thì cái kia có mặt; Cái này không tồn tại thì cái kia cũng không tồn tại. Cái này sanh, cái kia sanh; Cái này diệt, cái kia diệt.”2 (Thích Minh Châu, 1991, t.2, tr. 129). Như vậy, Đức Phật đã dạy cho con người phải biết cách tôn trọng môi trường tự nhiên và sống hài hòa với tự nhiên theo thuyết Duyên khởi vì thế giới vật chất tồn tại đa dạng và sống động đều nhờ vào các mối quan hệ tương hổ và không thể tách rời như một hệ thống hoàn chỉnh. Con người cần phải hiểu môi trường xung quanh và biết sống tiết độ cũng như giảm bớt tự tánh Tham – Sân – Si của chính mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong phạm vi giới hạn, tham luận này chỉ luận bàn về các hiện tượng trong thế giới vật chất xung quanh con người và chính con người như là một khái niệm khái quát nhất về sự tồn tại thế giới tự nhiên hay còn gọi là chúng sanh hữu tình. Khái niệm khái quát nhất về sự tồn tại này về sự tương quan (correlation) và tính tương hợp (compatibility) giữa Phật giáo và môi trường tự nhiên; cách ứng xử và bảo vệ môi trường tự nhiên như là trách nhiệm và bổn phận của con người nhất là Phật tử theo quan điểm và tư tưởng giáo dục Phật giáo.

II. TƯƠNG QUAN VÀ TƯƠNG HỢP GIỮA PHẬT GIÁO VÀ MÔI TRƯỜNG

2.1. Sự tương quan giữa Phật giáo và môi trường tự nhiên

Môi trường, theo Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam năm 2015, gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau và xung quanh con người; môi trường tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội và hệ sinh thái tự nhiên.3 Lê Văn Khoa, Đoàn Văn Canh, Nguyễn Quang Hùng và Lâm Minh Triết (2011, tr 9) dẫn lại định nghĩa về môi trường của của UNESCO (1981) rằng: “môi trường của con ngưòi bao gồm toàn bộ các hệ thống tự nhiên và hệ thống mà con người tạo ra, những cái hữu hình và vô hình (phong tục, niềm tin,…), trong đó con người lao động, khai thác các tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo nhằm thoả mãn những nhu cầu của mình. Như vậy, môi trường sống của con người theo định nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sống, cho quan hệ sản xuất của con người: tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội…”

Tuy nhiên, cách đây gần 26 thế kỷ, Đức Phật đã giải thích sự tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng trong môi trường tự nhiên bằng học thuyết Duyên Khởi. Học thuyết Duyên Khởi xuất hiện trong một số kinh văn Nam truyền và Bắc truyền với mục địch hướng tâm thức con người trong vấn đề ứng xử với môi trường tự nhiên. Nhiều kinh văn diễn giải rằng nhân duyên là nguyên nhân của mọi tồn tại và không tồn tại như là triết lý cốt lõi theo học thuyết này. Mọi tồn tại và không tồn tại không thể xảy ra một cách độc lập mà do nhân và duyên tạo ra vì chúng luôn tương hỗ lẫn nhau (Thích Minh Châu, 1991, t.2, tr. 129). Quan hệ người – người; quan hệ người – môi trường tự nhiên hỗ tương theo trật tự và điều kiện; con người sống nhờ thiên nhiên (Thích Nhuận Đạt, 2010, tr. 9). Như vậy, có thể nói, vạn vật hữu tình và vô tình tương quan nhau do tán tụ bất thường, do quan hệ “nhơn – duyên” mà tạo thành như Đức Phật đã giảng rõ tại Sàvatthi rằng: “Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt”4 (Thích Minh Châu, 1991, t.2, tr. 55-56).

Dựa vào thuyết Duyên Khởi thì quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên vừa tương sanh, tương hỗ lẫn nhau trong phạm vi giới hạn của vật lý và phi vật lý. Ngày nay, giới hạn của vật lý lẫn phi vật lý phát triển rất nhanh và tác động vào môi trường theo chiều hướng trái ngược và xung đột lẫn nhau để phục vụ lợi ích con người. Đời sống con người ngày càng phát triển thì nguồn tài nguyên từ môi trường tự nhiên ngày càng tổn thất do con người đã tận dụng công nghệ cao để khai thác. Việc lạm dụng khai thác tài nguyên quá mức chính là nhơn; biến đổi khí hậu là quả của nó. Hơn nữa, Tạ Bá Hương, Cao Minh Kiểm, Đặng Bảo Hà, Nguyễn Mạnh Quân, Nguyễn Phương Anh và Phùng Anh Tiến (2011) dẫn chứng rằng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã tao ra hiệu ứng nhà kiếng sau cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhứt khoảng năm 1784. Trần Thục và Lê Nguyên Tường (2006, tr. 20-23) còn bổ sung thêm rằng một khối lượng lớn các loại khí nhà kiếng trong khí quyển có khả năng là do con người tạo ra bằng các phương tiện khoa học kỹ thuật và từ sự phát triển kinh tế xã hội của con người.

Một hiện tượng khác cùng với biến đổi khí hậu cũng do con người tác động làm cho môi trường tự nhiên ngày càng giống sa mạc theo Lê Huy Bá (1997, 2000, 2002) đó là hiện tượng sa mạc hóa5. Một phần nguyên nhân tạo ra hiện tượng sa mạc hóa, cùng với biến đổi khí hậu, là việc sử dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật tác động vào nông nghiệp (Glantz, M. H., và Orlovsky, N. S. 1983). Như vậy, hiện tượng sa mạc hóa và biến đổi khí hậu là do con người trực tiếp can thiệp vào môi trường thiên nhiên làm cho hệ sinh thái tự nhiên bị xáo trộn. Điều này có nghĩa là, vì nhu cầu cuộc sống, vì thúc bách cá nhân mà con người đã tự làm mất đi bổn tánh tự nhiên của chính mình và của cả chúng sanh hữu tình về hình tướng (biến thể) cũng như về bổn tánh.

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào tìm hiểu về nguyên nhân biến đổi khí hậu hoặc sa mạc hóa mà chỉ dừng lại với những giải pháp tồn tại cùng với biến đổi khí hậu hoặc sa mạc hóa. Nguyên nhân làm thay đổi môi trường thực sự là vấn đề cốt lõi để giải quyết tận gốc rễ về các vấn đề về biến đổi khí hậu hoặc sa mạc hóa theo học thuyết Duyên Khởi. Dẫu biết rằng, khả năng chống chọi của con người vẫn còn hạn chế đối với một số vấn đề mà môi trường tự nhiên gây ra như: sóng thần, bão tố, động đất, lũ lụt, hạn hán, núi lửa… Tuy nhiên những vấn đề như mất cân đối môi trường tự nhiên và hệ sinh thái mất dần vẫn là nguyên nhân mà con người gây ra. Điều này, đã chứng minh rằng con người không thể tồn tại mà không có sự hiện hữu của thiên nhiên và con người phải ứng xử với thiên nhiên một cách hài hòa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Môi trường tự nhiên mất cân đối vốn dĩ phát sanh từ sự đòi hỏi, ham muốn quá mức (dục vọng) của bổn ngã (ego) căn cứ theo thuyết Duyên Khởi, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do vô minh và tham ái. Ngoài ra, Thích Phước Đạt (2011) còn giải thích rằng con người sẽ ra sức bảo vệ môi trường tự nhiên nếu họ sự thật hiểu biết rõ ràng học thuyết Duyên Khởi. Bởi vì, ô nhiễm môi trường dần dần sẽ làm cho con người thoái hóa về thể xác, tiều tụy về tinh thần, tụt hậu về đời sống, khủng hoảng về kinh tế theo nguyên lý “Do cái này hiện hữu, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không hiện hữu, cái kia không tồn tại. Do cái này diệt, cái kia diệt” (Thích Minh Châu, 1991, t.2, tr. 55-56). Môi trường tự nhiên không tồn tại thì con người cũng sẽ không thể tồn tại vì thực thể con người gồm: nhục thể và chúng sanh hữu tình (thế giới tự nhiên) nằm trong chính bản thân họ theo học thuyết Duyên Khởi.

Vì vậy, chính con người phải hiểu và chịu trách nhiệm về mọi hành vi mà họ tác động trực tiếp hoặc ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường tự nhiên. Vốn dĩ môi trường tự nhiên của con người rất phong phú, nhưng do tham ái, si mê và sân hận mà môi trường tự nhiên thay đổi hoặc biến mất dần theo thời gian như nguyên lý Duyên khởi. Cho nên, học thuyết này phụ thuộc sự tương quan, gắn bó trong quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên. Hơn nữa, trong một số Pháp ngôn, Đức Phật thường sử dụng phương pháp ẩn dụ từ môi trường thiên nhiên như hoa, lá, cỏ hay gió, trăng để minh họa cho giáo lý ngay khi Ngài thuyết Pháp, chẳng hạn như:

Hương các loại hoa thơm Không ngược bay chiều gió Nhưng hương người đức hạnh Ngược gió khắp tung bay Chỉ có bậc chân nhân Tỏa khắp mọi phương trời

(Pháp Cú 54)6

Na pupphagandho paṭivātameti, na candanaṃ tagaramallikā‚ satañca gandho paṭivātameti, sabbā disā sappuriso pavāyati

(Dhammapada 54)

Do đó, quan điểm của Phật giáo là giải thích sự ô nhiễm môi trường là do thiếu ý thức và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức; giúp con người nhận thức rõ quan hệ với môi trường thiên nhiên; thực hành nếp sống từ bi hỷ xả; yêu thương và tôn trọng sự sống của chúng sanh hữu tình; nhận thức được sự khổ đau do mất cân đối môi trường tự nhiên. Con người nên giữ cân bằng, sử dụng và bảo vệ những nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý. Vì môi trường thiên nhiên rất có giá trị cho việc tìm kiếm giác ngộ trong quá trình tu tập theo tư duy và quan điểm Phật giáo.

2.2. Tính tương hợp giữa Phật giáo và môi trường tự nhiên

Tất cả các loài chúng sanh hữu tình và vô tình cần được tôn trọng quyền sống để cân bằng hệ sinh thái như là một sự tương hợp với Phật giáo. Ngoài ra, học thuyết Duyên Khởi của đạo Phật còn đề cao lòng từ như là một sự tương hợp để đưa con người thoát khỏi tham ái, sân hận và si mê. Con người ngày càng hiểu rằng khủng hoảng không chỉ là môi trường tự nhiên mà còn liên quan đến kinh tế, xã hội, nhận thức và tâm linh. Xung đột giữa kinh tế, xã hội và sinh thái có nguồn gốc từ thực tế: những hiện tượng thiên nhiên vận hành đồng đại, nhưng các hệ thống dịch vụ kinh tế phục vụ nhân sinh thì hoạt động theo lịch đại. Doanh nghiệp sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các mặt hàng tiêu dùng cho cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất hàng hóa, các doanh nghiệp còn tạo ra chất thải; Sau đó, chất thải tiếp tục tạo ra khi người tiêu dùng khi sử dụng những sản phẩm do doanh nghiệp bán ra thị trường. Dĩ nhiên, chuỗi cung ứng và tiêu thụ này không thể phát triển bền vững được vì lợi ích trong doanh số và doanh thu. Mặc dù chỉ là vấn đề môi trường, nhưng cần có sự kết hợp đồng bộ của hệ thống kinh tế về tư duy bảo vệ môi trường tự nhiên bằng các hành động cụ thể. Phật giáo không đưa ra bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề môi trường, nhưng Phật giáo chuyển nhận thức về tính tương hợp của môi trường tự nhiên và con người về ý thức, lối sống, hành vi, và thái độ theo chiều hướng tích cực. Tư tưởng Phật giáo giải quyết các vấn đề môi trường bằng cách thay đổi tư duy, điều chỉnh các giá trị ý thức và phong cách sống bằng cách kiểm soát và đề ra tiêu chuẩn ứng xử với môi trường tự nhiên. Phật giáo cung cấp cho chúng ta sự thấy biết thuộc về bản chất và chứng minh ý nghĩa của giáo lý Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên theo lý Duyên Khởi.

Vạn vật đồng nhứt lý và vạn pháp đồng tương hợp là nền tảng căn bản nhất trong nhiều pháp thoại của Đức Phật như là một sự tương hợp giữa đạo Phật giáo và môi trường tự nhiên sinh. Thực ra, đây chính là “điều kiện tồn tại của một chúng sanh vô tình hoặc hữu tình” của nhơn và duyên cho sự tồn tại vật thể mà rất ít người để ý. Sự tồn tại một sinh vật sống là sự quan hệ chằng chịt của tương quan, tương duyên và tương hợp vừa độc lập vừa phi độc lập của sinh vật đó. Triết lý “điều kiện tồn tại của một chúng sanh vô tình hoặc hữu tình” được quan niệm như là những điều kiện sanh ra; Môi trường tự nhiên được quan niệm như là một hệ thống trong đó có con người và nhiều yếu tố khác (Duyên). Nếu chúng sanh chung sống hòa hợp với nhau trong môi trường tự nhiên theo lý Duyên Khởi, thì những yếu tố như: Duyên (đất, nước, gió và lửa), Thể (vật chất và sinh học) và Tâm (tuệ và lý) trong tự nhiên tương hợp với toàn bộ chúng sanh hữu tình và vô tình. Qua đó, con người sẽ tự hiểu rõ cách ứng xử của chính mình đối với môi trường tự nhiên và những hậu quả (cả tiêu cực lẫn tích cực) mà con người nhận được từ môi trường tự nhiên. Môi trường tự nhiên vận hành theo lý Duyên Khởi thông qua nguyên lý “Do cái này hiện hữu, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không hiện hữu, cái kia không tồn tại. Do cái này diệt, cái kia diệt” (Thích Minh Châu, 1991, t.2, tr. 55-56). Theo lý nhơn quả thì sự vận hành này phù hợp với mô hình truyền thống: tham ái – sân hận – si mê tồn tại và “khổ” cũng sẽ tồn tại theo duyên sanh tương hợp trong môi trường tự nhiên.

Hầu hết các giải pháp hiện nay đều không thành công và mang tính chất tình thế do chưa tập trung vô cốt lõi nguyên nhơn của “khổ” để hướng đến một giải pháp khả thi hơn. Ngày nay, rất nhiều nguồn tài nguyên có giá trị trong môi trường tự nhiên bị con người phung phí và tàn phá trên mang danh nghĩa mưu cầu sinh kế. Vấn đề này sẽ cần một sự thay đổi tận cùng tâm thức và ý thức con người, có nghĩa là mưu cầu sinh kế mà không cần phải tàn phá nguồn tài nguyên một cách quá đáng. Môi trường thiên nhiên, theo lý Dyuên Khởi, có khả năng tự phục hồi nhưng sức khai phá của con người nhanh hơn khả năng phục hồi của môi trường bằng phương tiện khoa học kỹ thuật. Với danh nghĩa mưu cầu sinh kế, con người phá hủy hệ thống cân bằng, sự tái lập môi trường tự nhiên, và dĩ nhiên tự triệt tiêu luôn hệ sinh thái tự nhiên cho các thế hệ tương lai.

Con người hãy bình tâm quan sát và ứng dụng đoạn kinh văn này: “Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; do duyên sanh lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy, này Ananda, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này” (MN, III, 115)7 như một phần của học thuyết Duyên Khởi. Khi con người hiểu thấu đoạn kinh văn trên thì sẽ thấy được hàng loạt hệ quả tiêu cực do hệ sinh thái tự nhiên như rừng, núi, ao, hồ, sông suối và thậm chí cả đại dương cũng bị tàn phá quá mức hiện nay. Điều quan trọng hơn nữa là, con người cần hiểu rõ về khả năng giới hạn mà môi trường tự nhiên có thể tự phục hồ; Nếu không thì chính con người phải gánh chịu hậu quả tiêu cực do tham sân si trong tâm của mỗi cá nhân con người. Bởi vì, Phật giáo cho rằng, con người không thể cải tạo và thay đổi môi trường tự nhiên vì con người không phải là cái rốn của vũ trụ, Cho nên, quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên (chúng sanh hữu tình và vô tình) phải tương sinh (bồi đắp môi trường), tương hợp (tôn trọng môi trường) để cả hai cùng tồn tại.

Từ quan điểm trên đây của Phật giáo thì con người không phải cùng tồn tại với các loại chúng sanh hữu tình khác một cách bình đẳng. Để cả hai cùng tồn tại thì nguồn gốc của tham lam, sân hận và si mê cần phải tìm ra phương thuốc để đoạn trừ tận gốc rễ của của tham, sân, si. Tâm Tham và tâm Sân là tương hợp của tâm Si vì dục lạc tạo ra hung hãn và triệt tiêu tình thương; Khi tình thương và lòng trắc ẩn biến mất thì con người sẽ như Si như Dại và ảo tưởng rằng ta là tất cả. May thay, Đức Phật đã đưa ra một vị thuốc cho chúng sanh: “Nhưng do sự diệt trừ, sự ly tham hoàn toàn của chính vô minh này, các hành diệt; do các hành diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt hoàn toàn của khổ uẩn này. Cho đến như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: ‘Tỷ-kheo thiện xảo về duyên khởi’”. (MN, III, 115)8. Phương thuốc mà Ngài đưa ra cần một sự thay đổi căn bản nội tai, nghĩa là hạnh phúc chơn chính vượt xa hạnh phúc của dục lạc tầm thường vì nó phát sinh ngay bên trong con người mà không mưu cầu sự hạnh phúc do giác quan đem lại.

III. Kết luận

Bảo vệ môi trường tự nhiên, thời Đức Phật tại thế, không phải là vấn đề cần phải giải quyết và quan trọng. Tuy nhiên, Đức Phật không cho đệ tử sát sinh (một giới trong ngũ giới) và khuyến khích nhơn loại sống hài hòa với thiên nhiên. Hơn nữa, Ngài còn chế ra một số giới luật được như: không làm hại cây cỏ, làm ô uế nguồn nước và cây cổ thụ còn được coi như là nơi cư ngụ của chư thiên vì “…Chư Thiên ngự trên đảnh núi núi không liền, hoặc nơi hư không; ngự nơi cồn bãi, đất liền hoặc các châu quận; ngự trên cây cối rừng rậm hoặc ruộng vườn…”9 Như vậy, cấm sát sinh và tác động vô môi trường tự nhiên là một trong những giới luật mà mọi người con Phật phải tuân theo. Tôn trọng sự sống chúng sanh bằng tất cả từ tâm vì kinh Phật dạy rằng tất cả mọi chúng sanh đều bình đẳng và môi trường thiên nhiên là của chư thiên, nhơn loại và chúng sanh hữu tinh hay vô tình như lời đoạn cuối của bài Kệ Rải Tâm Từ.10

Về tương quan Phật giáo và môi trường, học thuyết Duyên Khởi bên trên cho thấy: Đức Phật đã xây dựng nền móng cho việc ứng xử với môi trường tự nhiên. Bởi vì, Ngài dạy rằng: “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo sẽ ân hưởng sự gia trì và không phạm tội” như Thích Trí Quảng (2011) và Nguyễn Đình Hòe (2011) dẫn theo kinh bộ giới luật Vinaya Pitaka, Môi trường tự nhiên là điều kiện (Duyên) góp phần tạo ra sự sống cho con người. Nếu môi trườngtự nhiên không tồn tại thì sự sống của con người cũng biến mất. Phật giáo coi môi trường tự thiên như sự sống của chính bản thân mình không thờ ơ và lạnh lùng đối với môi trường. Phật giáo dạy con người phải đối xử với môi trường tự nhiên theo hạnh từ bi và lòng nhân từ với môi trường tự nhiên bằng giới luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về tính tương hợp thì Phật giáo quan niệm rằng: “Với hận diệt hận thù, Ðời này không có được. Không hận diệt hận thù, Là định luật ngàn thu”.11 Hơn nữa, dãn theo kinh Kùtadanta, Thế Tôn còn dạy chúng ta không nên tiêu dùng xa hoa, lãng phí và sát hại chúng sinh vô tình lẫn hữu tình trong quá trình bị tế đàn vì tình thương vào lòng bác ái. Tế đàn nên dùng những gì sẳn có để tỏ lòng thành, không nên hủy hoại thiên nhiên “…Tế đàn nay được hoàn tất chỉ với dầu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng”12(Thích Minh Châu, 1991). Hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức vì, theo Phật giáo, hạnh phúc khởi nguyên từ chính con người do Tham, Sân và Si không phải là hạnh phúc chân chính vì nó tác động và can thiệp trực tiếp đến môi trường tự nhiên.

Tóm lại, theo lý Duyên Khởi thì môi trường tự nhiên là nguồn tài nguyên mà con người bắt buộc phải dựa vô để tồn tại. Nếu môi trường xáo trộn, tổn thương sẽ làm con người mất dần chổ dựa và niềm tin tương laicủa thế hệ hiện tại và những thế hệ tương lai. Học thuyết Duyên Khởi chứng minh rằng chúng ta không thể tồn tại mà không dựa vô tự nhiên và quan hệ này là quan hệ đồng đẳng. Con người cần phải loại bỏ Tham – Sân – Si và hãy “Mong tất cả những ai, Hữu tình có mạng sống, Kẻ yếu hay kẻ mạnh, Không bỏ sót một ai, Kẻ dài hay kẻ lớn, Trung, thấp, loài lớn, nhỏ. Loài được thấy, không thấy, Loài sống xa, không xa, Các loài hiện đang sống, Các loài sẽ được sanh, Mong mọi loài chúng sanh Sống hạnh phúc an lạc”. (Thích Minh Châu, 1978) để bảo vệ môi trường tự nhiên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TIẾNG VIỆT

Kinh Tiểu Bộ, Kinh Pháp Cú số 5, Phẩm 1. Song Đối, Thích Minh Châu Việt dịch 1969 và 1999

Kinh Tiểu Bộ, Kinh Pháp Cú số 54, Phẩm 4. Hoa, Thich Minh Châu Việt dịch 1969 và 1999

Kinh Tiểu Bộ, SN 25, 8 Metta Sutta, Thích Minh Châu Việt dịch 1978.

Kinh Trung bộ I, số 28, Thích Trí Tịnh dịch, Đại kinh Dụ dấu chân voi, Phẩm 23 Sư Tử Hống Bồ Tát.

Kinh Trung bộ III, số 115, Thích Minh Châu dịch (1986), Kinh Ða giới

Kinh Tương Ưng (1991), Thích Minh Châu dịch, VNCPH Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, t.2, tr. 129.

Kinh Tương Ưng (1991), Thích Minh Châu dịch, VNCPH Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, t.2, tr. 55-56

Lê Huy Bá, (1997, 2000, tái bản có bổ sung 20022002), Mội trường, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, Việt Nam.

Lê Văn Khoa, Đoàn Văn Canh, Nguyễn Quang Hùng và Lâm Minh Triết (2011), Giáo trình: Con người và môi trường, NXB Giáo Dục Việt nam.

Luật số: 55/2014/QH113 của Quốc hội, Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam năm 01.01.2015. Truy cập tại: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=175357

Nguyễn Đình Hòe, (2011), Trào lưu Môi trường cực đoan – mối nguy hiểm cho phát triển bền vững, báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Truy cập tại website: http://www.vacne.org.vn/trao-luu-moi-truong-cuc-doan-%E2%80%93-moi-nguy-hiem-cho-phat-trien-ben-vung/26569.html

Tạ Bá Hương, Cao Minh Kiểm, Đặng Bảo Hà, Nguyễn Mạnh Quân, Nguyễn Phương Anh và Phùng Anh Tiến (2011). Biến đổi khí hậu toàn cầu, nguyên nhân, hiện trạng và chính sách công nghệ Quốc Gia liên quan, Tổng Luận số 6/2011, Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc Gia. Truy cập tại: https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:ps-QZ1-YxlwJ:https://vista.gov.vn/vn-uploads/tong-luan/2011/tl6_2011.pdf+&cd=35&hl=en&ct=clnk&gl=vn

Thích Nhuận Đạt, (2010), Đạo Phật và môi trường, NXB Tổng hợp TPHCM

Thích Phước Đạt, (2011), Quan điểm của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ môi sinh, Thư viện hoa sen, Truy cập tại: https://thuvienhoasen.org/a13025/quan-diem-cua-phat-giao-ve-thai-do-song-bao-ve-moi-sinh-ts-thich-phuoc-dat

Thích Trí Quảng, (2011), Phật giáo và môi trường sinh thái.

Trần Thục và Lê Nguyên Tường (2006), Khí hậu, biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng, Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường, 14:20-23.

TIẾNG ANH

Glantz, M. H., and Orlovsky, N. S. (1983), Desertification: A review of the concept. Desertification Control Bulletin, 9:15-22, Available reading at: http://www.ciesin.org/docs/002-479/002-479.html

Johnson D. L., Ambrose S. H., Bassett T. J., Bowen M. L., Crummey D. E., Isaacson J. S., Johnson D. N., Lamb P., Saul, M. (1997). Meanings of Environmental Terms, Journal of Environmental Quality. 26(3): 581–589.

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments