GD&TĐ – Vừa qua, tin vui đến với tác giả Trương Anh Tú liên tiếp khi hai tập thơ “Hoa ban mai” – ”Poranne Kwiaty” và tập thơ “Những mùa hoa anh nói“ của anh đã có mặt tại các trường đại học quốc tế.
Nhà thơ Trương Anh Tú sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện hơn 30 năm sống và làm việc tại Đức; là một cái tên quen thuộc trên văn đàn tại Việt Nam, hàng chục năm qua có nhiều tác phẩm được giới thiệu trên các báo, tạp chí, trên đài phát thanh, truyền hình, trong các tuyển tập của các nhà xuất bản; được bạn đọc đánh giá là một trong những tác giả hải ngoại có thơ được giới thiệu nhiều nhất ở Việt Nam.
Tập thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Lan “Hoa ban mai” – ”Poranne Kwiaty” được Nhà xuất bản (NXB) Ofcyna Wydawnicza G&P ấn hành, gồm 75 bài thơ của Trương Anh Tú do Giáo sư – dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan – Kalina Izabela Ziola vừa được ra mắt tại Ba Lan vào tháng 10-2021.
Tập thơ sẽ được NXB gửi đến các thư viện ở nhiều thành phố và các thư viện đại học Ba Lan. Tập thơ song ngữ “Hoa ban mai” – ”Poranne Kwiaty” có khoảng 2/3 số bài chọn dịch từ tập thơ “Những mùa hoa anh nói“ (Thơ Trương Anh Tú – NXB Hội nhà văn 2018) và 1/3 những bài thơ còn lại là những bài thơ mới nhất của tác giả.
Nhà thơ Trương Anh Tú cho biết: “Cách đây ít ngày, nhân trao đổi về tập thơ song ngữ “Hoa ban mai” – ”Poranne Kwiaty” với tiến sĩ Bích Ngọc Turner (hiện đang giảng dạy ngôn ngữ và văn học Việt Nam tại Mỹ) tôi mới được biết, tập thơ “Những mùa hoa anh nói” đã có mặt (ít nhất) tại 3 thư viện đại học tại Mỹ.
Đó là thư viện Trường đại học Washington, thành phố Seattle, bang Washington; thư viện Trường đại học Yale, thành phố New Haven, bang Connecticut (thư viện có ghi ngày tiếp nhận tập thơ “Những mùa hoa anh nói” vào thư viện là ngày 9/4/2019) và thư viện Trường đại học Michigan, thành phố Ann Arbor, bang Michigan; trong đó đại học Yale là nơi có khoa Đông nam Á học lớn nhất nhì nước Mỹ.
Được biết, thư viện các trường đại học ở Mỹ thường có một giám đốc phụ trách các khu vực sách, như khu vực sách Đông Nam Á chẳng hạn; họ có các đại diện ở các nước để tìm sách đầu vào, mỗi năm có ngân sách để mua sách ở khu vực này.
“Giảng viên giảng dạy tiếng Việt tại trường Đại học quốc gia Đài Loan NTU – Nguyễn Thị Liên Hương (từng có 10 năm nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cũng vừa thông báo cho tôi, sẽ chọn những bài thơ trong tập thơ “Những mùa hoa anh nói” để phục vụ cho việc giảng dạy cũng như đưa tập thơ của tôi vào danh sách những sách bổ xung cho thư viện đại học quốc gia Đài Loan NTU” – Tác giả Trương Anh Tú cho biết thêm.
Những thông tin trên cho thấy, ngoài rất ít các sách văn học đã được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh hay tiếng bản địa, các trường đại học ở nước ngoài cũng tìm hiểu, nghiên cứu văn học Việt Nam trực tiếp thông qua sách tiếng Việt, dù số lượng người đọc hạn chế, chỉ có những sinh viên biết tiếng Việt hoặc đang học tiếng Việt hay những người làm công việc nghiên cứu giảng dạy ngôn ngữ – văn học Việt Nam mới có thể đọc, hoặc lấy sách làm tư liệu để nghiên cứu, so sánh.
Trong thời gian tới, nhà thơ Trương Anh Tú sẽ cùng các dịch giả tiếng Anh cũng như dịch giả các ngôn ngữ khác hoàn thành những bản dịch để có thể ra mắt những tập thơ song ngữ một cách tốt nhất, qua đó có thể tiếp cận nhiều người đọc trong các ngôn ngữ khác.
Với nỗ lực tiếp cận bạn đọc quốc tế, nhà thơ Trương Anh Tú tin rằng, việc hoàn thành những bài thơ, những tập thơ, những tác phẩm văn học cũng giống như chúng ta trồng một khóm cây, gieo một hạt mầm. Thơ sẽ nở hoa; chữ sẽ nở hoa, sẽ mang đến những cầu nối văn hóa, những trao đổi, thấu hiểu, cho một thế giới tốt đẹp.
Xin giới thiệu với bạn đọc một số bài thơ của tác giả Trương Anh Tú, rút từ tập thơ “Hoa ban mai” (Poranne Kwiaty)/NXB Ofcyna Wydawnicza G&P – Ba Lan 2021, và tập thơ “Những mùa hoa anh nói“/NXB Hội nhà văn Việt Nam – 2018
MẸ TÔI
Hôm xưa, mẹ tôi bảo
Con hãy yêu màu xanh của cây
Màu hồng của lửa
Những gương sắc tuyệt vời
BÊN MẸ
Tôi đã lớn lên với những bức tranh chứa đầy ánh sáng.
Hôm nay, khi xa mẹ
Tôi nhặt được cả những chiếc lá đổi màu
Những khuôn mặt sáng, tối, lẫn lộn
Những gam màu nhạt phèo trên phố
Chẳng thấy màu xanh của cây
Màu hồng của lửa
Những gương sắc tuyệt vời.
Mẹ tôi vẫn âm thầm sau giá vẽ.
NHỮNG ĐỨA TRẺ
Buổi chiều
đám trẻ chạy vu vu trên đồng
chúng gom bầu trời trong những cánh diều cao vút
bỏ quên nắng đã tắt sau lưng
trên chiếc áo hoàng hôn đỏ lựng.
Cùng bóng tối
sau vành trăng lưỡi liềm
loài cáo thức dậy
Nhờn nhợt bầu trời từ cửa hang ẩm mốc
chúng đếm những con mồi như những đứa trẻ đếm các vì sao
đêm hằn sâu bao vết chân tanh tưởi.
Dưới bầu trời
đêm hay ngày
những đứa trẻ chập chờn trong những giấc mơ xanh.
ĐÔI MẮT
Mẹ cha cho đôi mắt
Đã bao la bầu trời
Cỏ hoa trên mặt đất
Bay vào đôi mắt tôi.
Biển xanh bằng đôi mắt
Của con sóng không lời
Trong lặng im hạt cát
Đã bao lời biển khơi.
Ngôi sao là đôi mắt
Của giấc mơ đấy thôi
Đôi mắt trong hạt bụi
Là thinh không ngàn lời.
Còn một đôi mắt nữa
Lặng trong trái tim tôi
Mai sau dù nhắm mắt
Vẫn long lanh lệ trời.
TIẾNG HÁT
Trái đất này sẽ nhỏ
Nếu chẳng ngắm bầu trời
Bầu trời này sẽ nhỏ
Nếu chẳng ngắm mây trôi.
Tôi có ngôi nhà nhỏ
Cửa mở khắp phương trời
Sáng nghe mặt trời dậy
Đêm vàng ánh trăng rơi.
Tôi có con thuyền nhỏ
Neo bến giữa biển đời
Mênh mang, mênh mang sóng
Dâng buồm lên chơi vơi.
Tôi mang nụ cười nhỏ
Hồn nhiên trong mắt mơ
Tôi yêu cuộc sống này
Không hẹp như bàn tay.
HÃY NỞ CÙNG TÔI
Trái đất có giấc mơ không
Trái đất lặng im
Bầu trời có giấc mơ không
Bầu trời không nói
Những cánh hoa bao đời vẫn gọi
Hãy nở cùng tôi!
GIẤC MƠ
Tôi hóa tôi thành giọt nước
Thân tôi thấm vào cỏ cây
Tôi chảy cùng sông, cùng suối
Biển xa tôi sóng đêm ngày.
Tôi hóa tôi thành chiếc khóa
Một ngày tôi mở tôi ra
Mở bao giấc mơ ỉm khóa
Tôi mở tôi với thật thà.
Tôi hóa tôi vào bóng đêm
Lặng im tôi hóa sao trời
Sáng lên tôi qua đêm tối
Những vì sao thức trong tôi.
Tôi hóa tôi thành hạt thóc
Nắng mưa tôi ấm tay người
Chắt chiu bao mùa trong đất
Mầm xanh tôi mọc trong tôi.
SONG HÀNH
Một trái đất
Một bầu trời
Một đôi chân nhỏ
Một con đường dài
Một đêm tối
Một ban mai
Một bông hoa nở
Một lời nở hoa.
KIỀU BÍCH HẬU