Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng.
NDĐT – Người yêu mến nghệ thuật múa rối, hẳn sẽ biết Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng vốn được gọi là “phù thủy” của những con rối. Anh đã mạnh dạn đưa lên sân khấu rối nhiều thử nghiệm sáng tạo mang đến luồng sinh khí mới, góp phần nâng tầm nghệ thuật rối Việt Nam.
Là con trai của đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Luận-một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp sau khi Đoàn Múa rối trung ương (nay là Nhà hát Múa rối Việt Nam) thành lập, Nguyễn Tiến Dũng được làm quen với rối theo đúng kiểu “con nhà nòi”.
Ở trong khu tập thể Nhà hát Múa rối Việt Nam, tuổi thơ anh đã gắn bó với những con rối, trò diễn truyền thống. Anh thường xuyên theo cha đến nhà hát xem các nghệ sĩ dựng vở, tạo hình rối. Và “tình yêu rối” cứ thế được nuôi dưỡng, thẩm thấu nơi anh như một lẽ tự nhiên. Ấy vậy nhưng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai sinh năm 1972 không lựa chọn rối mà đầu quân cho sân khấu kịch theo lời rủ của bạn bè.
Năm 1991, anh thi tuyển vào Đoàn Kịch nói Quân đội và theo học lớp diễn viên kịch nói Khoa Sân khấu Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội. Bảy năm gắn bó với sân khấu kịch, từng giành Huy chương vàng diễn viên (vai Sơn trong vở “Người trong bóng tối”), nhưng cơ duyên đã lại đưa chàng trung úy về với rối và trở thành diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam năm 1998. Anh phải chấp nhận học lại từ đầu. Ban ngày cặm cụi học thầy, học bạn diễn, tối đến, anh lại cần mẫn với những trang giáo án dạy điều khiển con rối của người cha đã khuất. Và chỉ sau một thời gian ngắn diễn vai phụ, anh bắt đầu được giao những vai chính đầu tiên.
Nguyễn Tiến Dũng đã gây dấu ấn với nhiều vai diễn đạt giải thưởng cao tại các liên hoan, hội diễn rối chuyên nghiệp, như: Huy chương vàng vai quan thanh tra cùng hai Huy chương bạc vai lâm tặc và thợ săn trong vở “Chuyện của trái đất” (Liên hoan Múa rối chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003); Huy chương vàng vai múa phượng trong vở “Hồn quê” (Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2008); Huy chương vàng vai chú lính chì trong vở “Truyện cổ Andersen” (Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2010); giải Nghệ sĩ xuất sắc trong chương trình “Nhịp điệu quê hương” (Liên hoan Sân khấu ASEAN năm 2013)…
Từ đây, anh tiếp tục thử sức trong vai trò đạo diễn. Làm quen với dàn dựng từ năm 2003, đến năm 2007 anh quyết định theo học chuyên ngành đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Anh chia sẻ, quãng thời gian là diễn viên rối trước khi trở thành đạo diễn đã mang đến cho anh nhiều kiến thức về cách điều khiển bộ máy con rối cũng như những kinh nghiệm “bếp núc” để thực hiện tốt hơn công tác chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên, nắm được ở từng cảnh diễn nên tập trung vào cử động con rối hay cần đến ngôn ngữ âm thanh, ánh sáng.
Được làm nghề bằng đam mê, như cá gặp nước, anh thỏa sức tung hoành với những ý tưởng sáng tạo. Anh đã được nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất tại các Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2015 (vở “Vũ điệu hoa quỳnh”), năm 2018 (vở “Trê và Cóc”), Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2019 (vở “Thân phận nàng Kiều”)… Năm 2015 anh vinh dự được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nói đến Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng là nói đến người luôn đau đáu đưa những thử nghiệm vào sân khấu rối, đặc biệt trên phương diện đạo diễn. Trong nghệ thuật, anh không bao giờ bằng lòng với những thứ đã trở nên quen thuộc. Theo dõi những tác phẩm của anh, người xem luôn ít nhiều được thỏa mãn với những sáng tạo mới. Đơn cử, với “Nhịp điệu quê hương”, cả khán giả và bạn nghề trong, ngoài nước đều phải ngỡ ngàng trước màn biểu diễn uyển chuyển của những con rối được làm hoàn toàn từ những sản phẩm mây tre đan.
Hay với “Vũ điệu hoa quỳnh” (Huy chương vàng Liên hoan Múa rối quốc tế 2015), người xem càng không thể tưởng tượng con rối với những chuyển động mềm mại, tinh tế của từng cánh hoa lại được tạo tác từ tre – thứ nguyên liệu vốn thô mộc, khô cứng. Ít ai biết trước đó ít ngày, những con rối này vốn được làm từ voan để thể hiện sự mong manh, tinh khiết của hoa quỳnh…
Người ta vẫn nói, mọi thử nghiệm đều phải có sự can đảm và dám chấp nhận rủi ro, nhưng với Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng còn phải dựa trên sự cân nhắc kỹ những giải pháp thực hiện.
Chẳng hạn, khi lần đầu tiên đưa Truyện Kiều lên sân khấu rối với vở “Thân phận nàng Kiều” (Huy chương vàng Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2019), anh đã ấp ủ ý tưởng suốt gần mười năm. Để rồi, vở diễn đã phá tan những băn khoăn của người xem về những hạn chế của ngôn ngữ rối khi thể hiện một tác phẩm kinh điển bằng những sáng tạo trong kỹ thuật thể hiện tâm lý qua con rối, cách tạo nên những lớp chuyển giàu cảm xúc thông qua sự xuất hiện của hai nhân vật hư cấu quan trọng là Nguyễn Du (con rối bút lông) và Đạm Tiên (con rối đàn tỳ bà), cách đưa âm nhạc mới vào trong tác phẩm…
Với những thử nghiệm này, rối đã không còn chỉ là những trò diễn dành cho trẻ con hay khách du lịch mà chứng tỏ được khả năng chinh phục nhiều đối tượng khán giả, kể cả những khán giả khó tính.
Qua quá trình làm nghề, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng nhận ra, so với các loại hình sân khấu khác, con rối có hạn chế hơn trong biểu lộ tình cảm, nét mặt hay diễn biến nội tâm nhân vật, nhưng nghệ thuật rối lại sở hữu nhiều thế mạnh trong việc tạo ra sự biến hóa, kỳ ảo, có thể chuyển tải tự nhiên nhiều đề tài phong phú, kể cả những vấn đề mang tính trào phúng, châm biếm hoặc cần tuyên truyền, giáo dục… Đây cũng chính là những yếu tố đã chắp thêm đôi cánh sáng tạo cho nghệ sĩ.
TRANG ANH