Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeNHÂN TÀI - NHÂN LỰCGIÁO DỤC ĐÀO TẠOKHÁC BIỆT XÃ HỘI TRONG TIẾP CẬN GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM...

KHÁC BIỆT XÃ HỘI TRONG TIẾP CẬN GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI ĐỔI MỚI: THỰC TRẠNG VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC CHIỆN Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

  1. Đặt vấn đề

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách giáo dục, đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục và đào tạo ở khắp mọi miền đất nước. Điều này tạo cơ hội cho người học ở các nhóm xã hội được tiếp cận học tập với nhiều loại hình, hình thức đào tạo khác nhau. Quan trọng hơn, thực tế này mang lại nhiều tiến bộ trong lĩnh vực phát triển giáo dục ở nước ta. Theo số liệu của (Tổng cục Thống kê, 2010: 87) cho thấy giai đoạn 1986 – 1989, trẻ em trong độ tuổi từ 5 trở lên “chưa bao giờ đi học” giảm mạnh từ 18% xuống còn 5,1%.Tổng quan của một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy đến những năm 1990, tính chung cả nước có 98% dân số trong độ tuổi lao động biết chữ và 60% trẻ em độ tuổi 11-15 học trung học cơ sở, số năm đi học bình quân của dân cư 15 tuổi trở lên tăng liên tục từ 4,5 (vào năm 1990) lên 6,34 (vào năm 2000) và đến năm 2005 là 7,3 (Phạm Hương Trà, 2007). Thành tựu trong giáo dục ở nước ta cũng được các tổ chức quốc tế khẳng định, đến nay Việt Nam đã có được những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được phổ cập giáo dục tiểu học (UNDP, 2015). Có thể nói, những thay đổi trong giáo dục ở Việt Nam trong 30 năm qua đã mang đến nhiều thành tựu trong phát triển giáo dục, song một số bất cập xã hội vẫn đang hiện hữu trong đời sống xã hội như khác biệt xã hội trong tiếp cận giáo dục vẫn tiếp tục tồn tại và theo chiều hướng khoảng cách bất bình đẳng ngày càng xa giữa các nhóm xã hội, … Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đối với mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dựa vào nguồn dữ liệu của chuyên đề “Tiếp cận giáo dục ở Việt Nam sau 30 năm Đổi mới” trong đề tài cấp Bộ: “Báo cáo xã hội thường niên năm 2015: Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân Việt Nam: Nhìn lại kinh nghiệm của 30 năm Đổi mới” do Viện Xã hội học thực hiện, bài viết này quan tâm bàn luận đến một vài khác biệt xã hội đang hiện hữu được xem là rào cản hay thách thức ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển giáo dục, đảm bảo công bằng trong phát triển ở nước ta thời gian qua và những thập niên tiếp theo.

  1. Bất cập về tuổi, giới tính trong tiếp cận giáo dục chưa được cải thiện triệt để với nhóm xã hội yếu thế

Cơ hội đến trường theo tuổi và giới tính là khía cạnh được nhiều nghiên cứu thời gian qua quan tâm. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các biến số này và tỷ lệ đi học của trẻ em khá phức tạp và chưa có nhất quán cao giữa các nghiên cứu trong 30 năm qua nghiên cứu của Trương Thị Kim Chuyên và cộng sự (1999) cho thấy tuổi đến trường và tuổi nghỉ học của trẻ em theo vùng miền, dân tộc không thay đổi nhiều so với năm đầu đổi mới, trẻ em nữ ở các nhóm tuổi có xác suất đi học thấp hơn một chút so với trẻ em nam. Điều này cũng đã được tìm thấy ở số liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 1993. Trong khi đó, kết quả hai cuộc điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam năm 2003 và 2009 (gọi tắt là SAVY 1 và SAVY 2) cho thấy rõ mối liên hệ giữa giới tính và tỉ lệ đi học của trẻ em, hầu hết người được hỏi trong SAVY 2 đã từng đi học. Tỷ lệ đi học là 99% đối với nam và 98% đối với nữ. Trong khi ở SAVY 1 năm 2003 tỷ lệ đi học chung của cả nam và nữ là 96%. Như vậy, trong 5 năm giữa hai lần điều tra đã quan sát thấy có những tiến bộ đáng kể trong việc bảo đảm cho trẻ em tiếp cận giáo dục phổ thông đối với nhóm thanh thiếu niên tuổi 14 – 25. Một số nghiên cứu khác lại chỉ ra sự khác biệt giới trong tiếp cận các bậc học phổ thông. Chẳng hạn, nghiên cứu của Võ Thanh Sơn và cộng sự (2001) chỉ ra khác biệt giới tính không thể hiện ở cấp tiểu học nhưng lại có sự khác biệt ở cấp trung học cơ sở và càng rõ rệt ở cấp trung học phổ thông, trong đó cơ hội đi học của trẻ em nữ luôn thấp hơn. Nghiên cứu của Nguyễn Đức Vinh (2009: 162-177) lại cho rằng so với nam, nữ có tỷ lệ đang đi học thấp hơn một chút ở đầu cấp tiểu học, nhưng nhỉnh hơn ở độ tuổi 9 – 11 tuổi và lại thấp hơn ở độ tuổi 19 – 20 tuổi. Kết quả cho thấy trẻ em trai được gia đình cho nhập học đầy đủ hơn trẻ em gái, nhưng bỏ học trong thời gian tiểu học nhiều hơn và sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học lại được học tiếp nhiều hơn nữ. Tuy nhiên ở nhóm 22 – 24 tuổi, tỷ lệ giáo dục, đào tạo của nữ lại cao hơn khá nhiều so với của nam. Hầu hết các độ tuổi, tình trạng giáo dục của nam không tốt hơn đáng kể so với của nữ. Dựa vào nguồn số liệu của hai cuộc Tổng điều tra dân số năm 1999 và năm 2009, và nghiên cứu của Lưu Bích Ngọc (2011: 14) cho thấy sự khác biệt trong tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề xét theo khía cạnh giới tính: tỷ lệ lao động nam đã qua đào tạo chỉ là 9,7% so với tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo là 6,1%. Khoảng cách chênh lệch ở đây là 3,6 điểm phần trăm. Khoảng cách này đã không hề được cải thiện khi có 16,8% lao động nam so với 12,9% lao động nữ đã được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật (Tổng điều tra dân số, 2009). Đáng quan tâm hơn, một số nghiên cứu còn cho thấy hoàn cảnh gia đình là một trong những nhân tố chính chi phối việc tiếp cận trường lớp của trẻ em nam và nữ. Belanger và Liu (2004) chỉ rõ hoàn cảnh gia đình chi phối trẻ em trai và gái trong quá trình tiếp cận giáo dục. Các tác giả này cho rằng so với các gia đình nghèo, tỉ lệ đi học trong độ tuổi 11-18 của trẻ em gái trong các gia đình giàu có đi học cao hơn gấp 28 lần, trong khi đó tỉ lệ này ở nhóm trẻ em trai chỉ cao hơn 14 lần. Ở những gia đình có nhiều con trong độ tuổi đến trường thì có một số em phải hy sinh quyền lợi đến trường của mình cho những đứa trẻ khác trong gia đình. Trong tình huống này các em gái là người trước tiên phải bỏ học để giảm gánh nặng chi phí của gia đình. Thêm vào đó bố, mẹ của các em cho rằng con gái chẳng bao giờ kiếm được nhiều tiền như con trai, người ta cần sức lao động của con gái chỉ để đỡ đần gia đình, giúp việc nhà và cả việc đồng áng (trẻ em nông thôn). Đồng thuận với phân tích này, trong bài phát biểu tại cuộc gặp mặt thân mật với Cộng đồng tài trợ Quốc tế ở Hà Nội ngày 18/11/2003, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát biểu và nhấn mạnh thực tế này ở Việt Nam: “Đa phần trẻ em bỏ học sớm là em gái vì phải lao động giúp gia đình. Ở một số vùng cao tỷ lệ em gái đến trường chỉ khoảng 15%” (dẫn theo Phạm Hương Trà, 2007). Như vậy, các dẫn chứng và phân tích cho thấy trong những thập kỷ qua tỷ lệ trẻ em đi học ở hai giới có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, bằng chứng từ các nghiên cứu cũng chỉ ra khác biệt giới trong tiếp cận giáo dục vẫn còn tồn tại. Hoàn cảnh gia đình, khu vực sinh sống vẫn được xem là biến số có ảnh hưởng mạnh đến tuổi đến trường và tiếp tục theo học của học sinh nam và nữ. Thực tế này phản ánh nhiều thách thức vẫn tiếp tục tồn tại đối với công tác bình đẳng giới trong giáo dục ở nước ta thời gian tới.

  1. Rào cản tiếp cận trường, lớp vẫn tồn tại với trẻ em trong gia đình khó khăn

Hoàn cảnh gia đình gồm nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế, thu nhập, mức sống, nghề nghiệp, học vấn của cha mẹ, số con cái, … được xem là biến số quan trọng có ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục của học sinh. Đây cũng là vấn đề được nhiều nghiên cứu quan tâm.

Về điều kiện kinh tế gia đình

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nghèo khổ như là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến trẻ em bỏ học phải tham gia lao động giúp đỡ kinh tế gia đình (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2014). Nhóm tác giả Indu Bhushan và cộng sự trong công trình nghiên cứu của mình đã phân tích như sau: trong nền kinh tế thị trường, giáo dục dường như là một khoản đầu tư có giá trị nhiều hơn trong nền kinh tế kế hoạch tập trung. Hoàn toàn có khả năng xảy ra là việc các gia đình nghèo tận dụng sức lao động của con em mình, do vậy có thể bắt thôi học hay cắt giảm mức độ học hành của con cái (Bhushan và cộng sự, 2001). Kết quả điều tra SAVY 2 cũng đưa ra bằng chứng tương tự, nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc thanh thiếu niên bỏ học là do “phải làm việc cho gia đình” (21,2%). Chi phí giáo dục cao cũng cản trở tiếp cận trường lớp của học sinh gia đình nghèo. Theo kết quả Điều tra mức sống dân cư năm 2002 cho thấy chi phí trực tiếp cho giáo dục ở Việt Nam khá cao so với thu nhập các hộ nghèo. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em nghèo ít đi học hơn so với nhóm khác. Điều tra SAVY 1 cũng cho thấy lý do chính khiến thanh thiếu niên không đi học là do gia đình “không đủ tiền nộp học phí” (44,1%). Nghiên cứu của Võ Thanh Sơn và cộng sự tiến hành năm 2001, đã chỉ ra có mối liên hệ chặt chẽ giữa mức sống hộ gia đình với việc học sinh bỏ học, gia đình khá giả có tỷ lệ trẻ em bỏ học thấp hơn ở cấp I và cấp II, tỷ lệ bỏ học ở các hộ nghèo là 43% trong khi ở nhóm giàu nhất chỉ có 19%. Tác giả Đỗ Thiên Kính (2005) thì cho thấy một khoảng cách trong giáo dục, xét sự chênh lệch giữa nhóm giàu và nhóm nghèo năm 1993, sự bất bình đẳng tăng dần từ cấp học thấp (cấp 1) đến cấp học cao (đại học) là 1,3 – 2,9 – 11,5 lần, xu hướng này cũng diễn ra tương tự vào năm 1998. Bất bình đẳng giáo dục giữa các nhóm hộ có mức chi tiêu khác nhau (giàu nghèo) thuộc loại bất bình đẳng theo nguồn gốc gia đình. Như vậy ta có thể thấy bất bình đẳng nổi lên trong xu hướng vận động: càng học lên cao thì sự bất bình đẳng về giáo dục ở trẻ em càng lớn và lớn nhất ở cấp đại học. Nghiên cứu của Nguyễn Đức Vinh (2009) tiếp tục khẳng định đối với các hộ nghèo ở nông thôn, lí do bỏ học chủ yếu và phổ biến của học sinh là kinh tế khó khăn. Hộ gia đình có mức sống càng thấp thì con cái càng hay bỏ học và đi học muộn hơn so với tuổi. Trong các công trình công bố gần đây, tác giả Trần Quý Long (2013 và 2014) tiếp tục cho thấy mức sống và khả năng đi học của trẻ em có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Điều này cũng có nghĩa rằng việc tiếp cận và duy trì học vấn của trẻ em phụ thuộc nhiều hơn vào điều kiện kinh tế gia đình. Hai yếu tố chi phí sử dụng dịch vụ (học phí, sách vở, các khoản đóng góp…) và thu nhập đều có ảnh hưởng đến hành vi của gia đình trong việc duy trì học vấn cho thanh thiếu niên. Các báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế ở Việt Nam cũng khẳng định nghèo khổ như là nguyên nhân chính dẫn đến cản trở các cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em Việt Nam. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (2007) cho thấy trong rất nhiều hộ nghèo, lao động của trẻ em có giá trị hơn nhiều so với việc tới trường. Lợi ích dài hạn của giáo dục không thể bù đắp được những tổn thất về thu nhập trong ngắn hạn. Những hộ gia đình nghèo nhất không thể đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng hiện tại nếu không có nguồn thu nhập do lao động trẻ em mang lại, vì vậy học vấn của trẻ em và triển vọng thoát nghèo phải nhường chỗ cho sự tồn tại trước mắt. Trong khi đó, với cách nhìn bao quát hơn, Nhóm hành động chống đói nghèo (2002) cho rằng ngay cả khi trẻ em nghèo được đi học thì sự suy dinh dưỡng, bệnh tật và những phí tổn khác liên quan đến việc học hành vẫn là những thách thức to lớn ngăn cản trẻ em đến trường và theo đuổi các bậc học. Mặc dù chính sách xã hội hóa giáo dục có những lợi ích, nhưng nhiều gia đình nghèo thường không đủ khả năng trang trải phí tổn học hành, ngay cả khi con em họ được miễn học phí. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (2002) chỉ ra các chi phí cơ hội của việc mất lao động trẻ em làm việc gia đình cũng ngăn cản các hộ gia đình nghèo đầu tư vào giáo dục, đặc biệt cho con gái, là những người mà các chi phí cơ hội này lớn hơn.

Về nghề nghiệp và học vấn của cha mẹ

Nghề nghiệp và học vấn của cha mẹ cũng được xem là biến số không chỉ có ảnh hưởng đến tiếp cận trường, lớp ban đầu mà còn chi phối việc kéo dài hay kết thúc học tập của trẻ em. Kết quả điều tra SAVY2 cũng cho thấy nhóm trẻ em có bố với học vấn cao hơn hoặc bố không làm nghề lao động giản đơn có khả năng được đi học nhiều hơn. Qua đó cho thấy trình độ học vấn và nghề nghiệp của bố, mẹ (đặc biệt là người bố) có vai trò quan trọng. Ngoài vai trò là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái, các bậc cha mẹ có học vấn cao hơn và nghề nghiệp có thứ bậc cao trong xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc định ra nhu cầu và tinh thần trách nhiệm tiếp cận giáo dục cho trẻ em, họ cũng có khả năng hơn trong việc đầu tư học hành cho con cái. Một số nghiên cứu khác cho thấy, học vấn của cha mẹ có liên quan tới trình độ học vấn của con cái. Các bà mẹ có học vấn cao hơn thì có nhiều cơ hội đến trường và có xu hướng học nhiều hơn (Phạm Hương Trà, 2007). Khi trình độ học vấn của cha mẹ cao hơn, trẻ em có xác suất đi học cao hơn (Võ Thanh Sơn và cộng sự, 2001). Trình độ học vấn của cha mẹ là yếu tố tác động mạnh nhất đến tình trạng giáo dục của con cái trong các gia đình nông thôn. Học vấn của cha mẹ có thể tác động đến tình trạng giáo dục của con cái thông qua các yếu tố trung gian như sự quan tâm đến việc học của con, cho con học thêm, thái độ và hành vi hướng nghiệp cho con, cho con tham gia công việc sản xuất hay mức chi tiêu cho giáo dục (Nguyễn Đức Vinh, 2009).

Về số con trong gia đình và hoàn cảnh gia đình di cư

Một số nghiên cứu cũng cho biết thêm về quy mô, số con trong gia đình, gia đình có hoàn cảnh di cư cũng ảnh hưởng đến tiếp cận giáo dục của trẻ em. Nhóm hành động chống đói nghèo (2002), trong báo cáo công bố năm 2002 tiếp tục chỉ ra biến số quy mô gia đình có khả năng ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục của trẻ em thông qua ảnh hưởng của tình trạng đông người, do đó cần phải cắt giảm chi phí học tập và huy động trẻ em tham gia làm việc nhằm sinh thêm thu nhập. Thêm vào đó, trong những gia đình có nhiều con trong độ tuổi đến trường, thường sẽ có một số em phải hy sinh quyền lợi đến trường của mình cho những đứa trẻ khác. Nghiên cứu này cho rằng hai yếu tố chi phí sử dụng dịch vụ (học phí, sách vở, các khoản đóng góp…) và thu nhập đều có ảnh hưởng đến hành vi của gia đình trong việc duy trì học vấn cho thanh thiếu niên. Trong bối cảnh đó, gia đình càng có vai trò quan trọng hơn vì nó quyết định việc phân bổ nguồn lực cho các thành viên. Về hoàn cảnh gia đình di cư, kết quả điều tra SAVY 2 cho thấy các yếu tố khác liên quan đến gia đình có mối quan hệ chặt chẽ với khả năng đi học của trẻ em. Trẻ em thuộc diện di cư có khả năng đi học thấp hơn nhóm trẻ em không di cư, đây có thể là hệ quả của việc từ bỏ học đường để đi làm việc, kiếm sống hoặc do rào cản về mặt pháp lý khi trẻ em không có những giấy tờ để đăng ký nhập học tại nơi đến.

Tóm lại, các nghiên cứu đã cho thấy rất rõ hoàn cảnh gia đình như là một trong những yếu tố quan trọng chi phối tiếp cận trường lớp và khả năng theo học của trẻ em. Trong đó, các khía cạnh được nhiều nghiên cứu bàn luận đó là nghèo khổ, nghề nghiệp, học vấn của cha mẹ, quy mô số con và hoàn cảnh gia đình di cư. Các nghiên cứu đều có một điểm chung đề cập chi phí học tập và tham gia lao động giúp đỡ gia đình là hai yếu tố cản trở việc đi học hay nghỉ học của các học sinh thuộc gia đình nghèo, thu nhập thấp. Bên cạnh đó các yếu tố nghề nghiệp, học vấn, quy mô số con, gia đình di cư cũng chi phối tiếp cận trường lớp của trẻ em. Đáng quan tâm là các nghiên cứu không chỉ đề cập đến các yếu tố kinh tế, nghề nghiệp, học vấn … mà còn cho thấy khác biệt vùng miền, dân tộc cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của các nhóm học sinh. Trong phần tiếp theo, bài viết sẽ đi sâu hơn về tác động của biến số này đến tiếp cận giáo dục của học sinh ở Việt Nam.

  1. Học sinh nông thôn, dân tộc ít người vẫn thua thiệt trong tiếp cận trường lớp

Nguyên nhân vì sao trẻ em nông thôn, dân tộc ít người thua thiệt trong tiếp cận giáo dục. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em dân tộc ít người ít đi học hơn trẻ em người Kinh là do những rào cản về nghèo đói, phải làm việc, cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn và chất lượng dạy học thấp. Mặc dù các cấp chính quyền đã có nhiều cố gắng để hòa nhập các nhóm dân tộc thiểu số vào xu thế chung, kể cả việc miễn học phí cũng như việc lập các trường nội trú, việc đi học của nhóm trẻ này vẫn ở mức thấp và tình trạng mù chữ vẫn còn ở mức cao. Mối quan tâm gìn giữ phương thức sản xuất và các định hướng văn hóa đã duy trì thái độ né tránh việc đi học của các nhóm dân tộc ít người (Henaff và Martin, 2001). Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (2002) cho thấy tỉ lệ nhập học thấp hơn ở nhóm dân tộc ít người ở Việt Nam là do các chi phí cơ hội và chi phí tiền mặt cao hơn và thiếu nhận thức phù hợp về giáo dục. Một nghiên cứu khác do Nhóm hành động chống đói nghèo (2002) thì chỉ ra rằng việc người dân tộc ít người sống tập trung ở các vùng miền núi và đồng bằng sông Cửu Long làm cho họ gặp phải những khó khăn do đặc thù riêng ở những vùng này. Sự khác nhau về nơi cư trú đối với tỉ lệ đi học của trẻ em cũng đã được phản ánh trong một số nghiên cứu. Phân tích của UNICEF (1994) cho thấy, những vùng có tỷ lệ trẻ em đi học thấp là do dân cư sống rải rác và ít trường học nên các gia đình và trẻ em cảm thấy làm việc nhà và tại đồng ruộng còn dễ chịu hơn là đi học. Tỷ lệ đi học trung học cơ sở thấp hơn tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và giảm dần theo các vùng từ Bắc vào Nam là do thói quen, truyền thống, tâm lý và tập quán (dẫn theo Trương Thị Kim Chuyên và cộng sự, 1999). Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có nề nếp học đường kém hơn cả. Từ lâu, mức độ xuống cấp về giáo dục cũng đã ăn sâu vào những vùng này (Henaff và Martin, 2001). Miền núi phía Bắc là vùng khó khăn, khả năng đi học của trẻ em ở vùng này có thể vẫn còn tương đối thấp nhưng so với hai vùng Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, xác suất đi học của trẻ em của vùng này vẫn cao hơn. Có lẽ tác động này không chỉ phản ánh các điều kiện địa lý, mà còn phản ánh cơ cấu kinh tế, xã hội, hệ thống giáo dục và thái độ đối với việc đi học của trẻ em. Cũng có thể làm nông nghiệp, chế biến cà phê và các cơ hội được trả tiền công hậu hĩnh khác tại những vùng Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long hấp dẫn đến mức các gia đình cho con cái bỏ học khi còn ít tuổi (Võ Thanh Sơn và cộng sự, 2001). Vì thế, việc giảm sự khác biệt trong tỉ lệ đi học của trẻ em giữa các vùng là cần thiết nhằm tránh xuất hiện các khoảng cách trong quá trình phát triển. Nghiên cứu của Phạm Hương Trà (2007) cho thấy, trường học thường tập trung ở các thành phố, giao thông thuận tiện và các dịch vụ phục vụ cho học tập thuận lợi hơn. Chính điều này lại là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới việc đi học của trẻ em nhất là đối với con em gia đình nghèo. Với các gia đình khá giả thì có thể cho các em đi học ở các trường nội trú nhưng với những gia đình khó khăn thì không thể trang trải nổi chi phí cho việc học nội trú nên các em muốn đi học thì vẫn phải băng rừng, lội suối mà đi học. Với những vùng miền núi các em phải vượt qua quãng đường dài để tới lớp, nhất là những em học cấp 2 trở lên và con đường đến trường càng trở nên khó khăn hơn vào mùa mưa. Trong Nhật ký của Mai được đăng trên trang tin của Liên Hợp Quốc Việt Nam ngày 12/3/2007, khi viết về Điện Biên có đoạn “Đường Điện Biên Đông ngoằn nghèo, lên đèo, xuống dốc. Trời mưa thường làm khoảng cách giữa các bản và trường học xa hơn. Trẻ em dân tộc Mông phải bơi qua sông Mã, từ địa phận Mường Nhà sang Lúa Ngạm để tới trường… Thế mới biết khoảng cách đến trường không thể tính bằng cây số được” (dẫn theo Phạm Hương Trà, 2007: 4). Điều này cho thấy khoảng cách từ nhà đến trường là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định các em có được đi học hay không nhất là đối với các em gái. Sự giảm bất bình đẳng giáo dục giữa nông thôn và thành thị cho thấy quá trình mở rộng giáo dục của Việt Nam sau Đổi mới đã đem lại nhiều cơ hội cho trẻ em nông thôn (Đỗ Thiên Kính, 2005). Phân tích của Trần Quý Long (2009) cho thấy, mặc dù chi phí cơ hội bị mất do trẻ em không làm việc mà đi học nhưng những gia đình ở nông thôn vẫn nhận thức được giáo dục là một sự đầu tư có hiệu quả, là một phương thức để giảm nghèo vì thế đã tích cực đầu tư vào nguồn vốn nhân lực của trẻ em. Ngoài ra, các nguyện vọng mong muốn con cái có học vấn cao hơn được đan xen với kỳ vọng về sự di động xã hội đi lên để có một cuộc sống ổn định hơn có vẻ là một sự giải thích cho việc trẻ em nông thôn đi học ngày một nhiều hơn. Như vậy, các nghiên cứu khẳng định là sau 30 năm Đổi mới, tình trạng nhập học muộn hơn so với số tuổi đến trường của trẻ em đang giảm dần. Trẻ em dân tộc, ở các vùng miền khó khăn đang dần được tiếp cận giáo dục thông qua các cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên tăng lên. Giảm thiểu tối đa trẻ em bỏ học vì thiếu thốn cơ sở vật chất, xóa bỏ dần sự phân cách giữa nông thôn và thành thị, đồng bằng hay miền núi. Nhà nước ta đang tiến hành nhiều chính sách nhằm gia tăng tỉ lệ người dân biết chữ và phổ cập giáo dục cho mọi nhóm xã hội. Tuy nhiên, các nguồn số liệu cũng chỉ ra tình trạng tiếp cận giáo dục muộn, nghỉ bỏ học sớm vẫn tiếp diễn đối với trẻ em dân tộc ít người, vùng cao. Có thể nói, hoàn cảnh gia đình, điều kiện trường lớp, khả năng diễn đạt ngôn ngữ của giáo viên không mang lại hiệu quả với trẻ em vùng dân tộc, hay các phong tục tập quán đang là rào cản lớn chi phối việc trẻ em đến trường.

  1. Bàn luận

 Bài viết phác họa bức tranh tương đối rõ nét về thực tiễn phát triển giáo dục ở nước ta sau 30 năm Đổi mới. Có thế nói sự mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục và đào tạo cùng với hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến giáo dục trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ đối với việc tạo cơ hội tiếp cận trường lớp cho các nhóm xã hội, góp phần nâng cao tri thức, trình độ học vấn trên phạm vi cả nước. Song, bằng chứng các nghiên cứu thời gian qua cũng cho thấy nhiều bất cập mang tính truyền thống trong phát triển giáo dục và đào tạo vẫn chưa được khắc phục, ví dụ như những khác biệt trong tiếp cận giáo dục vẫn còn tồn tại. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đông con, nghề nghiệp cha mẹ không ổn định, gia đình di cư, học vấn cha mẹ thấp, sinh sống ở nông thôn, vùng sâu xa, dân tộc ít người vẫn được xem là những biến số chi phối mạnh đến tuổi đến trường của các em cũng như khả năng tiếp tục theo các cấp học của các nhóm học sinh nam và nữ. Nhóm xã hội yếu thế này không có khả năng và cơ hội tiếp cận các hình thức giáo dục mới để mở rộng kiến thức, tri thức mới cần có trong cuộc sống hiện đại và hội nhập quốc tế. Có thể nói nhóm xã hội yếu thế ở Việt Nam vẫn đang gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận giáo dục. Điều này dẫn đến hệ quả là cơ hội và khoảng cách trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm mức sống (giàu và nghèo…) ngày càng lớn. Những mong muốn và việc thực thi các chính sách trong đó có chính sách phát triển giáo dục ở nước ta chưa được giải quyết triệt để sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước. Thực tế này đòi hỏi phải xem xét lại việc thực hiện các quyết sách/chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội… Cần tiếp tục đưa ra sáng kiến mang tính đột phá để phát triển đất nước trong tình hình mới hiện nay. Điều quan trọng là thực trạng khác biệt trong tiếp cận giáo dục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với mục tiêu và chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng và Nhà nước ta đề ra. Để khắc phục những vấn đề nêu trên theo chúng tôi: 1) Cần quan tâm đầu tư có trọng điểm để phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu xa, dân tộc ít người để người dân các vùng này thay đổi sinh kế, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Thay đổi triệt để những quan điểm, định kiến xã hội cũ ảnh hưởng đến cơ hội học tập của nhóm yếu thế. Giảm thiểu sự tham gia của lao động trẻ em vào các loại hình sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình. Hộ gia đình có nguồn kinh phí đầu tư cho con cái tham gia học tập theo khả năng và nguyện vọng; 2) Tiếp tục mở rộng, nâng cấp chất lượng hệ thống trường lớp ở các cấp độ khác nhau, đảm bảo và tạo sự thuận lợi nhất để người học tiếp cận học tập. Đồng thời đầu tư nâng cao hơn nữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy từ hệ mầm non đến đại học ở các địa phương, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa; 3) Các chương trình, nội dung, kiến thức giáo dục học tập phải gắn kết được với thực tiễn cuộc sống, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng địa phương; 4) Kiểm soát và hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục như thương mại hóa vấn nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, học thêm, dạy thêm. Cuối cùng, thực thi nghiêm các chính sách giáo dục, đồng thời có sáng kiến đề xuất chính sách mới để tạo cơ hội bình đẳng hơn nữa trong việc tiếp cận giáo dục cho các nhóm xã hội, nhất là đối với nhóm yếu thế trong xã hội hiện nay.

 Tài liệu tham khảo

–  ADB. 2002. “Indigenous People/Ethnic Minorities and Poverty Reduction Viet Nam.” Manila: ADB. Retrieved December 10-12, 2002.

– Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. 2010. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu. Nxb Thống kê. Hà Nội.

– Bộ Giáo dục – Đào tạo và UNICEF. 2014. Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam”, Truy cập từ http://www.unicef.org/vietnam/vi/media_23018.html (ngày 25/9/2015).

– Belanger, D, J Liu. 2004. “Social policy reforms and daughterschooling in Vietnam”. International Journal of Educational Development, 24 (2004): 23-38.

– Đỗ Thiên Kính. 2005. Bất bình đẳng về giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số 1.

– Hainsworth, Geoffrey. 2001. Phát triển nguồn nhân lực. Trong sách Lao động, việc làm và nguồn nhân lực ở Việt Nam 15 năm đổi mới. Nolwen Henaff và Jean Yves Martin (Chủ biên) 2001. Nxb Thế giới. Hà Nội.

– Bhushan, I, E. Bloom, Nguyễn Minh Thắng và Nguyễn Hải Hữu. 2001. Vốn nhân lực của người nghèo ở Việt Nam: Tình hình và các lựa chọn về chính sách. Nxb Lao động – Xã hội. Hà Nội.

   – Nhóm hành động chống đói nghèo. 2002. Cung cấp giáo dục cơ bản có chất lượng cho mọi người. Báo cáo chung của các nhà tài trợ. Hà Nội.

Ngân hàng phát triển Châu Á và các Tổ chức quốc tế khác. 2003. Báo cáo phát triển Việt Nam 2004: Nghèo. Tài liệu phát hành tại Trung tâm Thông tin Phát triển. Hà Nội, Việt Nam.

  • Ngân hàng Thế giới. 2007. Báo cáo phát triển thế giới 2007: Phát triển và thế hệ kế cận. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội.
  • Nguyễn Đức Vinh. 2009. Tác động của các yếu tố cá nhân và gia đình đến tình trạng đi học của trẻ em và thanh niên ở nông thôn. Tạp chí Xã hội học, số 4.
  • Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Truy cập từ http://www.moet.gov.vn/?page=11.0 (ngày 25/3/2015).
  • Henaff, Nolwen và Jean Yves Martin. 2001. Tổ chức lại nền kinh tế và cơ cấu lại xã hội. Trong sách Lao động, việc làm và nguồn nhân lực ở Việt Nam 15 năm đổi mới. Nolwen Henaff và Jean Yves Martin (chủ biên). Nxb Thế giới. Hà Nội.
  • Phạm Hương Trà. 2007. Tiến tới sự bình đẳng trong giáo dục ở Việt Nam ở hiện nay. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 3.
  • Trần Quý Long. 2009. Trẻ em và sự tham gia lao động đóng góp thu nhập cho gia đình. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 4: 44-55. Trần Quý Long. 2013. Các yếu tố gia đình ảnh hưởng đến tuổi thôi học của thanh thiếu niên Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 2: 29-42.
  • Trần Quý Long. 2014. Tiếp cận giáo dục của trẻ em và các nhân tố ảnh hưởng. Tạp chí Nghiên cứu Con người. số 4.
  • Trương Thị Kim Chuyên, Thái Thị Ngọc Dung và Bạch Hồng Việt. 1999.Yếu tố ảnh hưởng đến đi học cấp II. Trong sách Hộ gia đình Việt Nam nhìn qua phân tích định lượng. Dominique Haughton, Jonathan Haughton, Sarah Bales, – Trương Thị Kim Chuyên, Nguyễn Nguyệt Nga và Hoàng Văn Kình (chủ biên). Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
  • Võ Thanh Sơn, Trương Thị Kim Chuyên, Đoàn Thuận Hòa, Nguyễn Thị Thùy, Đỗ Văn Hợi, Hồ Thanh Bình và Lê Ngọc Can. 2001. Đi học và bỏ học của học sinh. Trong sách Mức sống trong thời kỳ bùng nổ kinh tế Việt Nam. Dominique Houghton, Johnanthan Houghton và Nguyễn Phong (chủ biên). Nxb Thống kê. Hà Nội.
  • Tỷ lệ trẻ em chưa bao giờ đi học đặc biệt cao ở nhóm dân tộc thiểu số. 2015. Truy cập từ http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc (ngày 21/4/2015).
  • Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Thống kê, Ngân hàng phát triển Châu Á. 2004. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY1). Hà Nội.
  • Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Thống kê, Ngân hàng phát triển Châu Á. 2010. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY2). Hà Nội.
  • UNDP.2015. Truy cập từ http://www.vn.undp.org/content/vietnam/vi/home/mdgoverview/overview/mdg2/,
TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments