Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeNHÂN TÀI - NHÂN LỰCGIÁO DỤC ĐÀO TẠOMô hình đại học quốc gia của ta rất khác biệt so...

Mô hình đại học quốc gia của ta rất khác biệt so với thế giới

GDVN- Qua quá trình phát triển thì 2 đại học quốc gia của Việt Nam đã không tận dụng được tập hợp nguồn lực mà thậm chí còn phân tán.

Mô hình đại học quốc gia (national university) rất phổ biến ở các nước, một đại học lớn, uy tín, đa ngành, có sức mạnh tổng hợp để đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đặt ra cho giáo dục và nghiên cứu. Điển hình là Đại học Quốc gia Singapore (SNU), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), hay Đại học Quốc gia Úc (ANU). Mô hình đại học quốc gia ở một số nước khác đa dạng hơn, Mỹ có trên 100 đại học quốc gia, đa số là trường tư.

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, mô hình hai Đại học Quốc gia đã mang lại kết quả nhất định cả về chuyên môn, khoa học lẫn quản lý tuy nhiên theo đánh giá của một số chuyên gia cho thấy mô hình đại học này đang nảy sinh nhiều bất cập.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đức Cảnh – Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ cho rằng, sau gần 30 năm phát triển đại học quốc gia tại Việt Nam, chừng đó thời gian đủ để đánh giá mô hình của 2 đại học quốc gia, các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, và vai trò có còn phù hợp trong điều kiện mới hay không?

“Vào những năm đầu thập niên 1990, Chính phủ chủ trương xây dựng một số trường đại học mạnh bằng cách nhập một số trường lại. Ở thời điểm đó tôi cho là hợp lý, mục tiêu là tập hợp nguồn lực để phát huy, nhưng qua quá trình phát triển thì 2 đại học quốc gia đã không tận dụng được nguồn lực mà thậm chí còn phân tán”, chuyên gia Trần Đức Cảnh nhận định.

Ông Trần Đức Cảnh – Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ (ảnh: NVCC)

Hiện nay cả Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các trường thành viên, các khoa trực thuộc, các trung tâm đào tạo và một số viện nghiên cứu tuy nhiên các đơn vị này không kết nối, chia sẻ nguồn lực (cơ sở vật chất, học thuật, nghiên cứu .. ) với nhau mà mỗi trường đều tổ chức riêng biệt thành ra nguồn lực mà Nhà nước đầu tư cho hai đại học quốc gia không được sử dụng hiệu quả triệt để.

Thậm chí, một số trường thành viên trong đại học quốc gia có khuynh hướng đa ngành dẫn đến cạnh tranh nguồn tuyển với chính các trường thành viên trong nội bộ Đại học Quốc gia. Như vậy là không đúng với tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp gây thiệt thòi cho chính người học vì sinh viên không tận dụng được hết nguồn lực lớn của đại học quốc gia.

Chuyên gia Trần Đức Cảnh phân tích 4 lý do.

Một là, nếu đem ra so sánh với mô hình đại học quốc gia hay tầm quốc gia của các nước thì hiện nay đại học quốc gia của ta không giống ai, vì họ là một trường đại học quốc gia đúng nghĩa trong điều hành quản lý và điều phối nguồn lực còn ta thì không.

Theo mô hình đại học quốc gia các nước, mỗi trường thành viên là một chuyên ngành rộng, có nhiệm vụ đào tạo ở một lĩnh vực dưới sự điều phối, phân chia trách nhiệm và nguồn lực. Một trường thành viên có thể đào tạo hệ cử nhân cho toàn trường hay ít nhất phần đại cương, quan trọng là họ kết nối và tận dụng nguồn lực giảng dạy của hệ thống, sinh viên đại học có cơ hội học hay tiếp cận các giáo sư hay giảng viên đầu ngành và nguồn lực của đại học từ cơ sở vật chất đến học thuật.. Ví dụ giảng viên khoa Ngoại ngữ, Toán, Lý hay Ngữ văn có thể dạy cho sinh viên toàn đại học quốc gia…

Chưa kể, trong nghiên cứu khoa học, trường thành viên A của đại học quốc gia có thể liên kết với giảng viên hay cơ sở của trường thành viên B là hoàn toàn bình thường. Một giảng viên có thể dạy ở hai trường thành viên trong hệ thống, còn ở ta thì trường nào biết trường đó.

Hai là, hiện nay vai trò của đại học quốc gia nặng về quản lý hành chính đối với các trường thành viên hơn là lãnh đạo thực chất, tham gia xây dựng, quản lý và điều phối nguồn lực để phát triển đại học quốc gia.

Dù phần kinh phí của các trường thành viên do đại học quốc gia phân bổ, nhưng đại học quốc gia chưa phải là đơn vị có toàn quyền hay khả năng tạo ra nguồn lực tài chính trong khi các đại học quốc gia trên thế giới ngoài chức năng quản lý toàn hệ thống đại học, họ nhận, tạo ra và phân bổ phần lớn nguồn cho kinh phí hoạt động, chi phí thường xuyên và đầu tư lâu dài cho các trường thành viên, nên vai trò và tiếng nói đối với các trường thành viên rất lớn, nếu không nói là quyết định. Nói chung Đại học Quốc gia các nước là một tổ chức trường hay công ty (mẹ con) đúng nghĩa.

Thêm một số lý do khách quan mà đại học quốc gia không thể tận dụng được sức mạnh tổng hợp là do tổ chức còn mang tính cơ học, thiếu yếu tố kết nối tinh thần và giá trị truyền thống thuần túy của đại học Quốc gia, vị trí và khoảng cách các trường thành viên.

Ba là, sau nhiều thập kỷ quy hoạch, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu hình thành khuôn nét của một khu đại học ở Thủ Đức, các trường thành viên vẫn còn hoạt động ở hai cơ sở, trung tâm thành phố và Thủ Đức, nhưng đến giờ cũng chưa thật sự hình thành một khuôn viên đại học hoàn chỉnh, tạo môi trường ổn định cho sinh viên sống và học tập. Đầu tư tài chính là một vấn đề lớn, nhưng lớn hơn là tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược phát triển thành đại học quốc gia ngang tầm với các đại học đồng cấp trong khu vực Châu Á.

Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh nguồn VTV)

Còn Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp đất để xây dựng khu đại học ở Hòa Lạc, nhưng chưa phát triển gì mấy.

“Thiết nghĩ Chính phủ cần xây dựng chiến lược và kế hoạch cho hai đại học quốc gia theo hướng tổng hợp nguồn lực để đầu tư phát triển, là đầu tàu của hệ thống đại học” vị chuyên gia này chia sẻ.

Chưa kể, việc một số trường thành viên muốn tách ra khỏi đại học quốc gia và chuyển hướng thành trường đại học đa ngành, đó là việc bình thường. Tuy nhiên một khi ra khỏi đại học quốc gia thì đương nhiên sẽ không còn nhận quyền lợi nào của Đại học Quốc gia nữa, ví dụ như đất đai.

Đai học quốc gia có thể xây dựng trường thành viên mới hay phát triển khoa ngành trực thuộc lên thành trường. Để mô hình đại học hay đại học quốc gia phát triển cần phải có mục tiêu và chiến lược tổng thể, gắn kết, tập hợp và tận dụng được nguồn lực của toàn trường. Nếu không thì hai đại học quốc gia tiếp tục hoạt động như mô hình “hợp tác xã” hơn là đại học quốc gia đúng nghĩa.

Do đó cần phải xác định vai trò, vị trí và nhiệm vụ của đại học quốc gia trong giai đoạn tới, từ cấu trúc vận hành, uy tín và giá trị mang lại của đại học quốc gia.

Bốn là, sinh viên các nước rất tự hào và hãnh diện đứng dưới tên đại học quốc gia hay tầm quốc gia, trong đó có trường thành viên, còn ở Việt Nam, khi giao lưu hay đi tuyển dụng thường sinh viên chỉ nhấn mạnh tốt nghiệp ngành A của trường Đại học B cho thấy thương hiệu đại học quốc gia rất mờ nhạt, vắng bóng trong tâm trí của sinh viên, và ngay cả trong xã hội. Niềm tin và sự tự hào tạo ra sức mạnh nguồn lực lâu dài.

“Hiện nay 2 đại học quốc gia được xếp hạng trong top 800 các trường đại học hàng đầu thế giới, Nếu khắc phục được những khuyết điểm nêu trên và tập hợp được nguồn lực thì trong vòng 10 năm tới, tôi tin là 1 trong 2, hay cả 2 trường sẽ lọt top 500 trường hàng đầu thế giới, trong vòng 20-25 năm tới sẽ lọt top 300.

Đây là mục tiêu thực tế chứ không phải duy ý chí, tuy nhiên muốn được “kết quả thật” thì phải tái cấu trúc và tận dụng nguồn lực đó. Hiện nay 2 đại học quốc gia có lợi thế rất lớn là thu hút đầu vào khá tốt, có nguồn lực tốt so với các trường khác, phần còn lại là cấu trúc hệ thống hợp lý và hiệu quả”, chuyên gia Trần Đức Cảnh kỳ vọng.

Thanh Sơn

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments