Sinh ra ở TP.HCM nhưng có tới gần 20 năm học tập và làm việc tại nước ngoài, dù vậy, Nguyễn Hương Quỳnh Trang – nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford, cựu sinh viên ĐH Harvard vẫn đầy ắp những dự định hướng về Việt Nam.
Giành học bổng toàn phần Harvard vì “không chỉ biết học”
Quỳnh Trang nói, mình có một tuổi thơ thường xuyên phải “xê dịch bất đắc dĩ”. Kể từ khi 5 tuổi, cô từng có 6 năm học tập tại Thái Lan vì người mẹ đi học chương trình tiến sĩ. Sau đó là quãng thời gian ngắn tiếp tục cùng mẹ tới Hà Lan làm việc trước khi quay trở về Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyện thường xuyên phải thay đổi môi trường học cũng không làm khó được cô bé người Việt.
“Tuổi thơ lớn lên trong khuôn viên rộng lớn của một viện quốc tế, tôi đã quen với việc nhìn thấy các cô chú miệt mài học tập thâu đêm, từ đó bản thân cũng cảm thấy muốn học và rất tập trung khi học”, Trang nói. Thậm chí, có khoảng thời gian đã từng “homeschooling”, nhưng cô vẫn luôn tự đề ra giáo trình cho riêng mình dù mẹ chưa từng bao giờ ép học.
Trở về nước, Quỳnh Trang theo mẹ ra Hà Nội học tập tại một ngôi trường quốc tế. Ở ngôi trường này, chỗ ngồi thân thuộc nhất với Trang chính là thư viện. “Suốt thời gian đó, tôi đọc mọi loại sách liên quan đến toán, kể cả toán cao cấp hay tự viết những thuật toán cho riêng mình”.
Niềm yêu thích môn Toán cũng giúp Trang đạt điểm số khá cao trong bài thi SAT và giành được một số giải trong các cuộc thi toán. Điều này giúp cô nghĩ nhiều hơn tới những cơ hội mới và môi trường học tập trong tương lai, để cuối cùng đặt bút lựa chọn ĐH Harvard.
“Trong bài luận gửi ĐH Harvard khi ấy, tôi nói về niềm đam mê của mình với toán, ước mong sẽ được dùng toán học để dự báo lũ và biến đổi khí hậu, giống như công việc của mẹ. Tôi cũng viết về tính cách của mình, không phải là một cô gái chỉ biết học mà còn rất đam mê thời trang và thích khiêu vũ.
Tôi đã đính kèm video thể hiện một bài khiêu vũ mà mình yêu thích. Có lẽ, ĐH Harvard mong muốn tìm kiếm những ứng viên không chỉ biết học, vì thế tôi đã giành được học bổng toàn phần khi 16 tuổi”.
Tuy nhiên, sau khi đỗ vào ĐH Harvard, Quỳnh Trang lại chuyển hướng học song song 2 ngành Thần kinh sinh học và Tâm lý học.
Thời đại học của Trang, như cách cô nói, không phải chỉ “đắm chìm” trong sách vở. Cô dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội và luyện tập khiêu vũ.
“Tôi thường cố gắng làm đến cùng những thứ bản thân thấy muốn làm”. Có thời điểm, để chi trả cho 1,5 tiếng học với thầy giáo dạy nhảy ở New York, nữ sinh người Việt đã phải làm thêm ở thư viện 20 tiếng/tuần, thậm chí đạp xe từ ĐH Harvard tới Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để làm trợ giảng.
Mỗi lần tới New York học khiêu vũ, cô cũng phải ngồi xe hơn 8 giờ đồng hồ, đi từ 7 giờ sáng và lúc trở về đã 11 giờ đêm. “Tôi học bài ngay trên xe. Không có trở ngại gì lớn lắm nếu bạn có đam mê”.
“Ngoài việc học, chúng ta cần được làm những thứ mình thích để có cuộc sống cân bằng. Tôi rất thích khiêu vũ vì khi đó tôi như trở thành một con người hoàn toàn khác. Tôi đã từng tham gia thi đấu ở một số nơi tại Mỹ chỉ để được đứng trên cùng một sân khấu với những người mà mình ngưỡng mộ.
Tất nhiên, tôi vẫn phải duy trì tốt việc học. Nhưng ở ĐH Harvard, sinh viên không nhất định phải chúi đầu vào sách vở đêm ngày. Harvard cũng không cần những người mọt sách. Kiên trì, hành động, đổi mới, độc lập, kỹ năng giao tiếp và khả năng lãnh đạo,… đó mới là điều ngôi trường này mong muốn ở một sinh viên”.
Hướng về Việt Nam
Sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard, Quỳnh Trang tiếp tục giành học bổng tiến sĩ ngành Khoa học Thần kinh Giáo dục tại ĐH Stanford trong vòng 6 năm.
“Khi còn học ở Harvard, tôi cũng đã có thời gian nghiên cứu về những hoạt động liên kết trong những phần khác nhau của não; so sánh sự thay đổi, phát triển giữa người bình thường và người tự kỷ qua những độ tuổi khác nhau.
Nghiên cứu ấy giúp tôi nhận ra, những đứa trẻ tự kỷ thường rất thông minh, thậm chí ở một số em, chỉ số thông minh có thể lên đến 99,9%. Tôi luôn trăn trở muốn góp phần vào việc nâng cao nhận thức xã hội rằng các em không phải bị bệnh, mà là những cá thể rất đặc biệt”.
Vì thế, đến khi làm nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford, Quỳnh Trang tiếp tục quan tâm đến “những đứa trẻ đặc biệt”. Nghiên cứu của cô tập trung vào chứng khó đọc ở trẻ – “Dyslexia”.
“Những đứa trẻ mắc chứng khó đọc cũng rất thông minh, giỏi về tư duy sáng tạo và hoạt động sáng tạo. Các em có thể dễ dàng nhìn ra một vấn đề và có thể đi thẳng, đi sâu vào vấn đề ấy mà những người khác không thể làm được. Có một sự thật, 33% các CEO ở Mỹ đều bị chứng khó đọc”.
Vì thế, cô dành nhiều thời gian hơn để tới những ngôi trường ở Mỹ – nơi được thiết kế riêng cho “những đứa trẻ đặc biệt” và nhận ra, không phải nơi nào, những đứa trẻ tự kỷ hay mắc chứng khó đọc cũng được học tập trong môi trường tốt để phát triển.
“Nếu không đọc được suy nghĩ của trẻ, người lớn sẽ dễ dàng nói ra những câu rất tiêu cực và vô tình tạo ra tâm lý phản kháng từ đứa trẻ. Nhưng nếu được sống ở một môi trường mà đứa trẻ được hỗ trợ để tìm và phát huy thế mạnh, chắc chắn những đứa trẻ ấy sẽ thành công”.
Những trăn trở này cũng là lý do Trang muốn phát triển hơn công việc của mình ở Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học.
Trong thời điểm hai năm “tạm nghỉ” trước khi tiếp tục theo học bậc tiến sĩ, Trang dành thời gian hỗ trợ một số học sinh phổ thông ở Việt Nam trong việc học các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh.
Đến khi quay trở lại Mỹ vào năm 2012, cô gái sinh năm 1989 đã quyết định lập nên Otus Consulting – nơi có thể hỗ trợ học sinh Việt Nam tìm cơ hội học bổng vào những ngôi trường top đầu của Mỹ.
“Tôi đã liên kết với các bạn sinh viên Việt Nam ở Mỹ để tạo thành một nhóm giúp đỡ các em học sinh giỏi, có năng lực, xứng đáng có được môi trường học tập tốt hơn. Nhờ đó, rất nhiều em đã đỗ vào những ngôi trường top đầu nước Mỹ như Harvard, Yale, Stanford, Pennsylvania, Cornell,…”.
Chỉ còn 2 tháng nữa, Quỳnh Trang sẽ tốt nghiệp tiến sĩ. Mặc dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn nếu ở lại Mỹ, nhưng cô gái Việt dự định sẽ phát triển công việc của mình ở Việt Nam để “hỗ trợ những người Việt trẻ”.
Điều này cũng giống như những gì cô viết trong bài luận gửi ĐH Harvard vào 12 năm trước: “Nếu ai cũng muốn trở thành lãnh đạo thì lấy đâu ra người làm chuyên môn. Nhưng môi trường Harvard đã cho tôi có một sự tự tin rằng, nếu muốn làm gì sẽ làm bằng được. Tôi hoàn toàn có thể trở thành một lãnh đạo nếu như công việc ấy cần”.
Thúy Nga