Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKINH TẾNông sản Việt vươn xa bất chấp đại dịch

Nông sản Việt vươn xa bất chấp đại dịch

Dịch COVID-19 khiến đi lại rất khó khăn, thế nhưng việc xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường cũng như tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu cho nông sản Việt Nam vẫn được ngành nông nghiệp cùng các đơn vị triển khai với nhiều hình thức linh hoạt.

Điều này đã góp phần đưa nông sản Việt tiếp tục được mở rộng trên thế giới và là điểm sáng với giá trị xuất siêu ấn tượng 3,9 tỷ USD trong 7 tháng qua.

Chú thích ảnh
Đóng hộp bảo quản quả vải thiều tươi đưa vào hệ thống diệt khuẩn để bảo quản xuất khẩu. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Ấn tượng nhất có thể kể đến là Việt Nam đã mở cửa được quả vải sang thị trường Nhật Bản. Với những nỗ lực trong đàm phán và cam kết thực hiện đúng các quy định, tiêu chuẩn mà phía bạn yêu cầu, vụ vải vừa qua, Nhật Bản đã ủy quyền cho Việt Nam giám sát cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, công nhận thêm các cơ sở được phép xử lý quả vải.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị đã phải liên tục làm việc trực tuyến với cơ quan chức năng Nhật Bản, thậm chí triển khai việc kiểm tra trực tuyến. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải năm 2021 thành công.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đánh giá, khi Việt Nam được giám sát cơ sở xử lý kiểm dịch, Cục Bảo vệ thực vật đã cử cán bộ kiểm dịch xuống tận cơ sở làm việc theo các ca sản xuất của doanh nghiệp. Nhờ vậy, xuất khẩu vải thuận lợi hơn năm ngoái rất nhiều. Trong khi đó, như năm ngoái, phải chờ cán bộ của Nhật Bản cách ly, làm việc theo giờ của họ trong khi thời gian vụ vải lại ngắn. Khi Việt Nam được chủ động đã tạo điều kiện với thời gian xuất khẩu dài hơn, số lượng nhiều hơn.  

Bên cạnh đó, năm nay lại có 4 cơ sở nằm ở các địa phương được phép xử lý quả vải xuất khẩu sang Nhật Bản, nếu phải phụ thuộc chuyên gia Nhật Bản như năm ngoái thì việc giám sát sẽ rất khó khăn và lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu. Do dịch COVID-19 nên năm nay doanh nghiệp còn thiếu hàng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp cũng tăng 10 lần so với năm ngoái, bà Ngô Thị Thu Hồng cho biết.

Không chỉ quả vải, Cục Bảo vệ thực vật cũng tiến hành đàm phán với Malaysia về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để khôi phục lại xuất khẩu ớt. Đặc biệt, Cục đã giải quyết cơ bản các vấn đề liên quan đến xuất khẩu quả tươi và thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong tình hình dịch bệnh COVID-19, nhất là vải thiều và khoai lang.

Với sản phẩm chăn nuôi, Cục Thú y cũng tích cực hỗ trợ để có thêm các nhà máy được xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa, các doanh nghiệp sản xuất lông vũ, bột cá và dầu cá sang Trung Quốc; xúc tiến xuất khẩu tổ yến; hoàn thiện hồ sơ và đã được chấp thuận xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nga. Ngoài ra, đơn vị cũng trao đổi, đàm phán mở cửa thị trường cho động vật, sản phẩm động vật khác với một số nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga…

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các đơn vị chức năng đã rất tích cực đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Các đơn vị còn phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau dịch COVID-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời. 

Cùng với đó, các đơn vị cũng tập trung giải quyết vướng mắc về rào cản an toàn thực phẩm của các thị trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tháo gỡ vướng mắc cho xuất khẩu nông sản. Nhờ đó, trong nửa đầu năm, các đơn vị đã tổ chức thành công thanh tra trực tuyến để 13 doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu cá da  trơn vào Hoa Kỳ; bổ sung 18 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nga; 13 cơ sở xuất khẩu vào Hàn Quốc… cùng với tháo gỡ khó khăn xuất khẩu đi các thị trường khác.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nông sản. Giải pháp đột phá để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản được ngành nông nghiệp xác định là mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, trong thời gian tới, ngành tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN…

Chú thích ảnh
 Sơ chế, đóng gói sản phẩm nông sản. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Đối với thị trường Trung Quốc, đơn vị chuyên môn sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa xuất khẩu chính ngạch các nông sản có giá trị và tiềm năng xuất khẩu như: khoai lang, sầu riêng, ớt, chanh leo, bưởi, dừa… Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của nước bạn để giải quyết khó khăn giao thương, thông quan, kiểm dịch…; đàm phán mở rộng danh sách doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc.

Cục Thú y tiếp tục đàm phán, đề nghị tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hỗ trợ Việt Nam xây dựng và công nhận Chương trình quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Hay việc tháo gỡ các khó khăn kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) đối với xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả Rập Xê Út, Brazil.

Giờ đây, muốn xuất khẩu tốt đều đòi hỏi phải truy xuất được nguồn gốc. Việc có mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản sẽ giúp sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn. Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương cũng rất tích cực thúc đẩy việc này. Nhiều địa phương đang rất hào hứng, quyết tâm hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng, như Bắc Giang với cây lúa, Phú Thọ với cây bưởi, Đắk Lắk, Gia Lai với sầu riêng…

Mặc dù việc cấp mã số vùng trồng đòi hỏi rất nhiều điều kiện, công đoạn khắt khe, khó khăn đi kèm, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, bởi so với diện tích nông sản xuất khẩu của Việt Nam việc cấp mã số như trên vẫn còn rất khiêm tốn.

Trong nuôi trồng thủy sản, cá tra đã có sự kiểm soát, cấp mã số vùng trồng tốt. Với tôm, việc cấp mã số vùng nuôi đang gặp nhiều khó khăn bởi Luật Đất đai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ chủ động cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn, để sản phẩm sớm có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu cho xuất khẩu.

Cùng với những giải pháp kỹ thuật, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP, ASC… Hay việc phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông sản tại các thị trường để các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đáp ứng kịp thời. Từ đó tạo thuận lợi cho khâu xúc tiến thương mại đưa nông sản Việt Nam tiếp tục vươn xa trong dịch bệnh.

Bích Hồng (TTXVN)

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments