Bìa cuốn sách. (Ảnh: NXB Hà Nội)
103 tấm ảnh như những khuôn hình quay chậm của một cuốn phim, giúp bạn đọc có thể cảm nhận nhiều góc nhìn khác nhau về vị tướng huyền thoại nhưng cũng rất đỗi thanh cao, bình dị trong cuộc sống đời thường.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021), với tấm lòng kính trọng vị tướng huyện thoại từ nhân dân mà ra, Nhà báo – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn, nguyên phóng viên TTXVN, biên soạn cuốn sách “103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Tác giả là người có cơ duyên được tháp tùng Đại tướng trong suốt 35 năm, kể từ năm 1976.
Trong lời đề tựa, Nhà báo – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn viết: “…Tôi bị ông hút hồn từ lúc nào không biết. Thế là tôi say mê chụp ảnh ông, từ lúc ông còn làm việc đến lúc ông vẫn làm việc trong trạng thái nghỉ ngơi…”
“Nhiều bức ảnh tưởng như ảnh kỷ niệm mà ban đầu nhiều người đến thăm ông, cả người trong nước và cả người nước ngoài yêu cầu tôi ghi lại với Đại tướng một tấm hình. Khi nhìn lại có cái gì đó nằm ngoài những bức ảnh, dường như có cả niềm vui, niềm hạnh phúc và cả sự mãn nguyện trên gương mặt những người trong ảnh.” – tác giả chia sẻ trong lời tự sự.
“Và tôi chợt nhận ra rằng đó là lòng ngưỡi mộ, đó là tình yêu, đó là sự tôn thờ mà họ dành cho một vị tướng huyền thoại – một con người đại diện cho một dân tộc anh hùng, giàu lòng vị tha nhân ái đến vô cùng” – Nhà báo – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn viết.
103 câu chuyện gắn cùng 103 tấm ảnh như những khuôn hình quay chậm của một cuốn phim, giúp bạn đọc có thể cảm nhận nhiều góc nhìn khác nhau về vị tướng huyền thoại nhưng cũng rất đỗi thanh cao, bình dị trong cuộc sống đời thường
Cuốn sách khép lại ở phần cuối – những bức ảnh chụp trong nước mắt về lễ tang của Đại tướng, tại căn nhà 30 Hoàng Diệu cũng như tại nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng ở Vũng Chùa – Đảo Yến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Chỉ riêng những hình ảnh đó đã đủ cho ta thấy được con người của Đại tướng cũng như tình cảm của người dân từ Bắc tới Nam đối với ông – một cái kết đẹp đối với một đời người, một nhân cách vĩ đại.
GIANG KHÔI