GDVN- Trước những cơ hội và thách thức mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để đáp ứng, Việt Nam phải nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Ngày 17/11, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đây là sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành có liên quan chủ trì chuyên môn phối hợp tổ chức.
Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới của đất nước giai đoạn hậu Covid-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hội thảo sẽ tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi số – kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam; nhận diện những tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chuyển đổi lao động; Hệ thống thông tin quản lý giáo dục – bước tiến hướng tới nền giáo dục 4.0 cũng như vấn đề về chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực số nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến nhận định về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi trên thị trường lao động.
Các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, diễn giả tại Hội thảo sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như ở nước ta thì chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cung – cầu của thị trường lao động.
Nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.
Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.
Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sự tiến bộ về công nghệ hiện nay đã làm biến đổi mọi yêu cầu, mọi phương pháp tiếp cận giáo dục và phát triển nhân lực.
Chuyển đổi số cũng phải có thay đổi tất yếu và hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh về cơ cấu, chất lượng, loại hình lao động, đặc biệt nguồn nhân lực số cần ưu tiên đầu tư để phát triển.
Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao cũng cần có những năng lực cốt lõi, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ số.
Cũng theo chia sẻ của ông Hoàng Minh Sơn, để thích ứng và bắt kịp với thời đại số, ngành giáo dục sẽ thay đổi trong quá trình phát triển nguồn nhân lực, ngành xác định đây là trọng tâm và chiến lược quan trọng để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.
“Chuyển đổi lao động phát triển nguồn nhân lực số là yêu cầu tất yếu, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất muốn lắng nghe các ý kiến từ các bên để có giải pháp, có chiến lược phát triển, có đề án để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Hoàng Minh Sơn mong muốn và thông tin thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức đào tạo, chất lượng đào tạo, đẩy mạnh kết nối cung cầu trong đào tạo.
Chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình tiếp cận và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có 3 thách thức lớn khi thực hiện chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực: tốc độ thay đổi công nghệ, lần này thay đổi theo số mũ, không còn theo tuyến tính như trước; xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến, như công nghệ 5G, giao tiếp mạng xã hội; xuất hiện câu hỏi mới như ảnh hưởng của con người trong quá trình phát triển công nghệ.
Những thách thức trên làm xuất hiện 5 vấn đề cần quan tâm: sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của đại học; xác định đâu là kiến thức tối thiểu trong thế kỷ 21; liệu con người có đảo ngược được các quyết định của máy tính; sáng tạo và nuôi dưỡng sự sáng tạo; hành xử về những chuẩn mực về đạo đức, liệu máy tính có hiểu được không?
Ông Vũ Hải Quân cũng cho biết, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu vào top 15 nhóm nghiên cứu hàng đầu Châu Á về trí tuệ nhân tạo thời gian tới. Để đạt được mục tiêu trên, nhà trường sẽ đổi mới chương trình đào tạo, phối hợp với doanh nghiệp để đồng đào tạo, khuyến khích sinh viên học một số tín chỉ trên nền tảng mở…
Toàn cảnh buổi Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ảnh: LC |
Qua hội thảo lần này, ông Vũ Hải Quân cũng đề xuất mô hình hợp tác, trong đó có 6 thành phần để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ số trong tình hình mới: đào tạo, nghiên cứu, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm, trung tâm dữ liệu, kiểm định và đánh giá.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng: Quá trình chuyển đổi nền kinh tế để đạt được Cách mạng 4.0 cần mang tính bao trùm và đặt con người làm trung tâm.
Nhấn mạnh tương lai của việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta, những hành động chúng ta thực hiện ngày hôm nay sẽ định hình tương lai của việc làm, bà Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: Phát triển kỹ năng không phải là nhiệm vụ của riêng Chính phủ. Đó là trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan – những người có cùng mục tiêu tăng cường kỹ năng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam – bao gồm Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp.
Chia sẻ về quá trình triển khai công nghệ số cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời gian qua, ông David Wei, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ các nước và các doanh nghiệp tại châu Á để thúc đẩy phát triển nền công nghệ số thời gian tới. Bởi theo dự báo của ông David Wei, tương lai có thể có 70% nguồn nhân lực sẽ nằm trong các nền tảng mới nổi, như công nghệ đám mây và ICT.
Buổi Hội thảo ngày 11/7 là 1 trong chuỗi 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba – Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”.Hội thảo có sự tham gia của khoảng 50 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế cùng hơn 300 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp… |
Lại Cường