Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 đã được trao cho 4 tác phẩm xuất sắc nhất ở các thể loại: Văn xuôi, lý luận phê bình, văn học dịch và văn học thiếu nhi. Các tác phẩm này đều góp phần truyền tải cái hay, cái đẹp của nghệ thuật và thông điệp nhân văn của con người.
Truyền những thông điệp nhân văn, ý nghĩa
Tác phẩm Văn học thiếu nhi là thể loại được chờ đợi của mùa giải năm 2021. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sau hơn chục năm tác phẩm văn học thiếu nhi vắng bóng trong Giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm, năm 2021 Hội quyết định lập ra giải thưởng văn học thiếu nhi để thúc đẩy sáng tác văn học về đề tài đặc biệt và cần thiết này.
“Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa – tác phẩm đoạt giải của thể loại Văn học thiếu nhi năm nay được coi như thước phim tư liệu về tình bạn, tình thầy trò và cuộc sống của người Sài Gòn những năm 1960. Cuốn sách đã chạm đến tuổi thơ của rất nhiều người – những ký ức tưởng chừng đã bị phai nhạt theo thời gian.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, cuốn sách có cách kể giản dị nhưng xúc động bởi tính chân thực và một giọng văn phù hợp với các nhân vật ở lứa tuổi. Nhiều câu chuyện thường nhật của những đứa trẻ được nhà văn biến thành ký ức không thể quên trong tâm hồn một con người. Những ký ức đó đã làm hiển lộ tâm hồn trẻ thơ và với tâm hồn tươi trẻ, trong sáng ấy, chúng sẽ lớn lên để làm một con người tử tế.
Ở thể loại văn xuôi “Một ví dụ xoàng” của nhà văn Nguyễn Bình Phương đã xuất sắc chinh phục Hội đồng chung khảo và giành số phiếu tuyệt đối.
Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, “Một ví dụ xoàng” có tính khái quát rất cao một thực trạng không thể chối bỏ của xã hội – sự vô cảm của con người trước sinh mệnh của người khác. Từ vụ án một người buôn bốn cân chè mà mất hai mạng người từng rúng động đất Thái Nguyên thời bao cấp, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã dựng lại cả một thời đói khổ, vô lý, ấu trĩ, khốn đốn, nghiệt ngã, cái ác lên ngôi. Cả cuốn tiểu thuyết chỉ có mấy nhân vật, nhưng tác giả đã tạo dựng từng người một cách độc đáo. Đặc biệt, qua nhân vật chính, tác phẩm khai thác sâu sắc về thân phận con người… “Một ví dụ xoàng” có thể coi như một bản luận tội một thứ tội ác không có bản án.
Với nhà văn Bảo Ninh, “Một ví dụ xoàng” không hề xoàng, tác phẩm cô đọng, hay đến mức khiến người đọc bị cuốn theo một cách vô thức. Có lẽ vì thế mà dù chỉ mới phát hành không lâu nhưng cuốn sách liên tục lọt danh sách “phải đọc” của các diễn đàn đọc sách uy tín…
Vẻ đẹp của nghệ thuật
Ở hạng mục Văn học dịch, cuốn “Châu Phi nghìn trùng” của dịch giả Hà Thế Giang giành được số phiếu cao nhất, trở thành tác phẩm đạt giải của hạng mục này. Đây là cuốn hồi kí của nhà văn nữ nổi tiếng người Đan Mạch Isak Dinesen kể về khoảng thời gian nữ nhà văn sinh sống tại châu Phi. Thông qua đó, người đọc có thể hình dung được thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa độc đáo của châu lục này.
Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam, tuy nằm trong bối cảnh thực dân – thuộc địa, nhưng rất khác với nhiều tác phẩm viết về châu Phi trong thời kì này, “Châu Phi nghìn trùng” cho ta cái nhìn khác: Không thực dân – thuộc địa, không da trắng – da màu, không chủng tộc thượng đẳng – hạ đẳng, không khinh khi, đố kị, không hận thù, chém giết… quan hệ giữa con người với con người là quan hệ bình đẳng, bao dung, nhân tính. Châu Phi nghìn trùng nhất quán một cái nhìn nhân văn, chan chứa tình người. Nghệ thuật đặc sắc nhất của tác phẩm là tả cảnh: Thiên nhiên hoang dã đẹp đẽ nhưng cũng khắc nghiệt và tàn nhẫn; con người có vẻ đẹp hình thể, nguyên sơ và đáng yêu.
Bản dịch Châu Phi nghìn trùng đoạt giải hạng mục văn học dịch. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.
Dịch giả Hà Thế Giang đã chuyển ngữ thành công tác phẩm này bằng việc chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ văn chương chau chuốt, tinh tế. Độ chính xác của diễn đạt và ngôn ngữ cũng như nhịp điệu của tác phẩm khiến người đọc bị chinh phục bởi sự lôi cuốn đến mê hồn về văn phong. Đây là một trong số những tác phẩm dịch mà không thấy sự vấp váp của ngôn từ và người đọc có thể cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ tương xứng với vẻ đẹp mà nó diễn tả.
Ở hạng mục Lý luận phê bình, cuốn “Văn bản văn học và sự bất ổn của chữ” của tác giả Trương Đăng Dung đã giành giải và được đánh giá là công trình tập hợp những suy tư của một nhà lý luận văn học có thiên hướng lý thuyết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến văn bản, tiếp nhận và cơ chế tạo nghĩa của văn bản trong đời sống.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, công trình đạt chất lượng khoa học cao, có tính chuẩn mực về học thuật khi người viết tiến hành phân tích, luận giải các vấn đề khoa học văn học xuất phát từ nền tảng triết học và mỹ học. Sức tác động của công trình này không nằm ở tính tức thì mà là tác động mang tính thay đổi nhận thức, trên cơ sở nhận ra giới hạn của mô hình văn học phản ánh hiện thực đơn giản để hướng đến mô hình kiến tạo trên tinh thần của mỹ học và lý luận văn học hiện đại.
Công trình mang tính khoa học chuyên sâu, hiếm quý trong đời sống lý luận phê bình văn học hiện nay. Nó chứng minh giá trị của mình trong việc soi sáng, ở khía cạnh nào đấy, những quy luật của sáng tạo và từ đó tạo ra những đánh giá hết sức chuẩn xác, bổ ích nhất định trong giới sáng tác Việt.
Vinh dự và xúc động khi nhận được giải thưởng, nhà lý luận, phê bình văn học Trương Đăng Dung chia sẻ, giải thưởng là sự ghi nhận và động viên quý giá của giới nghiên cứu và sáng tác cho những nỗ lực của ông trên hành trình học tập, nghiên cứu, nỗ lực sáng tác văn học nhiều năm qua.
Tạo sức sống lâu bền trong công chúng
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà thơ Việt Nam cho biết, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm nay nhận được sự đồng thuận rất cao của các Hội đồng, Ban Chấp hành và cả dư luận xã hội. Năm 2021 là năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng rất đặc biệt với Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định, năm 2021, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song các hoạt động văn học vẫn diễn ra khá sôi động. Đội ngũ văn nghệ sĩ trong nước vẫn tập trung cống hiến, sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học nhân văn, mới mẻ, thấm đẫm tinh thần dân tộc. Điều đó thể hiện sự không ngừng sáng tạo của các hội viên, lòng yêu nước, tâm huyết với nghề; từ đó tạo nên những tác phẩm phản ánh chân thực, góp phần xây dựng nên những giá trị, nền tảng tinh thần cho nhân dân, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước. Đó là sự ủng hộ rõ ràng nhất với Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng và xã hội nói chung.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ hy vọng, thông điệp từ những tác phẩm đoạt giải không chỉ có tác động trong giới văn học mà còn tác động tích cực đến xã hội, có sức sống lâu bền trong công chúng.
Để phát triển văn học Việt Nam đúng định hướng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các nhà văn, nhà thơ cần dùng ngòi bút tâm huyết để giữ gìn, phát huy hơn nữa truyền thống sâu sắc, độc đáo của văn học, nghệ thuật nước nhà đó là lòng yêu nước, nhân văn vì sự phát triển trường tồn của dân tộc gắn với nhân dân. Các nhà văn cũng cần lên tiếng phê phán những mặt trái, cái xấu cái ác, tiêu cực; bảo vệ, lan tỏa điều tốt đẹp; phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam; đặc biệt là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
M.H (TTXVN)