QĐND – Hai bức tranh “Điện Biên Phủ” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của họa sĩ Mai Duy Minh sẽ được trưng bày tại triển lãm “Điện Biên Phủ” diễn ra vào ngày 7-5, tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Bức tranh “Điện Biên Phủ” bằng sơn dầu có kích thước lớn 190x490cm, vẽ trên toan liền khổ, về chủ đề chiến đấu và chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một trong hai bức tranh chính của sự kiện triển lãm. Tác phẩm này là kết quả của 10 năm làm việc không mệt mỏi của họa sĩ Mai Duy Minh, kể từ khi có ý tưởng và xây dựng kế hoạch hoàn thành bức tranh này cho đến khi anh chính thức hoàn thành vào cuối năm 2021. Bức thứ hai là “Đại tướng Võ Nguyên Giáp (sơn dầu, kích thước 89x89cm, hoàn thành trong vòng 4 năm: 2017 – 2021).
Bức tranh “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh. |
Tại triển lãm, họa sĩ còn trưng bày 86 trong tổng số hàng trăm ký họa chì, bút bi, bút sắt và phác thảo chì, sơn dầu ở nhiều kích thước khác nhau, cho thấy phần nào hành trình dài của họa sĩ khi một mình thực hiện dự án sáng tác lớn này.
Cuối năm 2011, sau khi trưng bày bức tranh sơn dầu “Miền đất hứa” bằng sơn dầu, kích thước 200 x540cm, được cho là lớn nhất của cá nhân một họa sĩ tại thời điểm đó, họa sĩ Mai Duy Minh tiếp tục khởi động việc sáng tác bức sơn dầu lớn tiếp theo với chủ đề cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Để thực hiện tác phẩm “Điện Biên Phủ”, họa sĩ Mai Duy Minh đã thực hiện các chuyến đi đến Điện Biên bằng xe máy, tiếp xúc với một số cựu chiến binh, tìm đọc tài liệu liên quan đến cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm…để có những thông tin cho việc thực hiện tác phẩm.
Tranh sơn dầu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. |
Là một họa sĩ được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã thống nhất, Mai Duy Minh đã cố gắng hết sức có thể trong việc tìm kiếm một câu trả lời cho riêng cá nhân anh về cách mà các thế hệ người Việt Nam bền bỉ đi qua mọi gian khổ để bảo vệ độc lập dân tộc. Tất cả những nỗ lực tìm kiếm và lắng nghe mọi vang vọng từ quá khứ chiến đấu anh dũng ấy của cha anh đi trước đã được hội tụ trong bức tranh “Điện Biên Phủ”.
KHÁNH HUYỀN