Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TTTinh thần đối thoại trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế...

Tinh thần đối thoại trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang

QĐND – Không ngẫu nhiên khi gần đây trên văn đàn xuất hiện khá nhiều tiểu thuyết lịch sử. Đấy là thái độ “ôn cố tri tân”. Con người thời đại đang cố gắng tìm những lời biện giải cho hiện tại từ trong quá khứ.

Nguyễn Thế Quang viết tiểu thuyết lịch sử chắc chắn cũng không nằm ngoài những thôi thúc trên. Ra mắt liền trong vòng gần 10 năm với những tác phẩm: “Nguyễn Du” (2010, tái bản 2012), “Khúc hát những dòng sông” (2013), “Thông reo Ngàn Hống” (2015, tái bản 2018; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2016; Giải thưởng Văn học ASEAN, 2019) và “Đường về Thăng Long” (2019) của Nguyễn Thế Quang chiếm trọn niềm tin của độc giả.

Thông thường nhà văn sẽ chọn một trong ba cách viết về lịch sử sau: Minh họa lịch sử bằng ngôn từ văn chương (khi đó lịch sử lớn hơn, quan trọng hơn); lịch sử là cái cớ, “cái đinh” để treo mắc tư tưởng của tác giả (khi đó lịch sử chỉ là phương tiện); lịch sử và văn chương bình đẳng, đều hướng vào một mục đích chung. Bốn tiểu thuyết lịch sử đã xuất bản của Nguyễn Thế Quang thuộc về kiểu dạng nào? Ông quan niệm: “Viết tiểu thuyết lịch sử không chỉ nhằm khám phá bản chất lịch sử mà cần hơn là đối thoại với hiện tại” (Tạp chí Hồn Việt, số 69, tháng 5-2013). Rõ ràng, Nguyễn Thế Quang có dụng ý tạo ra “sân chơi” bình đẳng giữa lịch sử và văn chương (trên cơ sở bình đẳng giữa “khám phá bản chất lịch sử” và “đối thoại với hiện tại”).

Tinh thần đối thoại trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang
     Nhà văn Nguyễn Thế Quang (bên phải) tặng sách đại diện Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Ảnh: HỒNG LÂM.

Tinh thần đối thoại trong đời sống và trong văn chương là tiêu chí, thước đo tinh thần dân chủ xã hội. Nhưng chọn vấn đề đối thoại là cả một thách thức với nhà văn. Dễ dàng nhận thấy qua tiểu thuyết “Nguyễn Du”, tác giả muốn đối thoại về vấn đề nghệ sĩ và thời cuộc. Với “Khúc hát những dòng sông”, vấn đề đối thoại trở nên quan thiết hơn-vai trò của gia đình và sự hình thành nhân cách con người.

“Thông reo Ngàn Hống”-về nhân vật lịch sử Nguyễn Công Trứ-đã khắc họa tài năng và danh phận của một kẻ sĩ tiêu biểu thời trung đại. “Đường về Thăng Long” tái hiện lịch sử gần-những năm tháng trước và sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tập trung vào nhân vật chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một biểu trưng của văn hóa Đảng. Thiết nghĩ, đây là những vấn đề hết sức quan trọng của đời sống tinh thần xã hội hiện nay.

Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang có ưu điểm gắn lịch sử và hư cấu. Lịch sử chỉ có một nhưng mỗi nhà văn lại có quyền hư cấu riêng. Ở tiểu thuyết đầu tay “Nguyễn Du”, tác giả đã khá “mạnh tay” khi giải quyết vấn đề quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu. Những sự kiện liên quan đến mối quan hệ tình cảm của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, cuộc đối thoại giữa Gia Long và Nguyễn Du… là những chuyện “bịa như thật” hay “thật như bịa” (?), đôi khi khó phân biệt rạch ròi. Tiểu thuyết “Nguyễn Du” có cái không khí bảng lảng “hư hư thực thực” tạo nên sức hấp dẫn là vì thế.

Ở cuốn “Khúc hát những dòng sông”, người đọc nhận ra sức hư cấu của tác giả còn rõ hơn, mạnh hơn. Ngay chương mở đầu, khi bà Hoàng Thị Loan xuất hiện, đã thấy đậm chất tiểu thuyết trong khắc họa nhân vật, trong tả cảnh, tả tình. Trong “Thông reo Ngàn Hống”, tác giả khắc họa nhân vật Nguyễn Công Trứ từ góc độ nghệ sĩ ngôn từ với khí chất “ngông” đáng trọng và đáng yêu. Trong “Đường về Thăng Long”, tác giả tái hiện nhân vật lịch sử văn võ song toàn Võ Nguyên Giáp-một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh-đủ đầy cung bậc riêng, chung.

Giọng điệu nghệ thuật mới mẻ đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thế Quang. Một nhà văn mới xuất hiện bao giờ cũng gây chú ý đối với độc giả chính nhờ giọng điệu, như con chim thường cậy nhờ đến tiếng hót. Nói ngắn gọn thì giọng điệu Nguyễn Thế Quang trong tiểu thuyết lịch sử là một giọng thống thiết, tha thiết. Vì sao như thế? Thiết nghĩ, vì ông say sưa sống với tất cả tấm lòng của mình với quê hương xứ sở, với con người xứ Nghệ. Lại nữa, vì ông say sưa với văn chương từ sớm nhưng lại đến với văn chương muộn màng hơn nhiều người khác.

Ông có cái tâm thế mắc nợ đời khi đã luống tuổi mới cầm bút viết văn, nên có chút gì đó cuống quýt, vội vã “mau với chứ, vội vàng lên với chứ”. Đọc ông thấy hối hả, khẩn trương nhưng không vì thế mà rơi vào tắc trách với câu chữ. Cái sự say đời-say người-say văn chương đã nhào luyện ngòi bút của ông thành một giọng thống thiết, tha thiết. Ông xa lạ với kiểu giọng khinh bạc, tàn nhẫn theo cách hạ bệ thần tượng. Tác giả đôi khi hay “ướm mình” vào nhân vật mà kể chuyện (tiêu biểu nhất trong “Thông reo Ngàn Hống” về nhân vật kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ) nên dễ tạo nên những đồng cảm sáng tạo.

Nhà lý luận phê bình BÙI VIỆT THẮNG

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments