(Chinhphu.vn) – Việt Nam được cho có thể là điểm đến của hàng loạt công ty lớn trên thế giới, trong bối cảnh sự gián đoạn hoạt động sản xuất do tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã buộc các công ty phải tìm cách chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này.
Chuyên gia tư vấn Henrik Bork tại Asia Waypoint mới đây cho biết các tập đoàn điện tử của Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.
Trong khi đó, tạp chí Nikkei Asia (Nhật Bản) đầu tháng 6 cho biết Apple đang dịch chuyển hoạt động sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, hướng đến Việt Nam. Đài DW của Đức đưa tin các công ty, nhất là các công ty trong ngành công nghiệp điện tử, đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam. Tháng 2/2022, Tập đoàn điện tử Samsung hàng đầu của Hàn Quốc thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam.
Theo nhiều đánh giá, các công ty toàn cầu như Apple đang chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam chủ yếu do lương nhân công ở Trung Quốc cao và cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam được đánh giá sẽ có vai trò quan trọng trong mục tiêu chính sách này.
Ngoài ra, Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ trên bình quân đầu người cao hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới và ngành sản xuất ở Việt Nam có tính cạnh tranh.
Việt Nam cũng có hệ thống đường biển dễ dàng cho xuất khẩu hàng hóa, yếu tố khiến nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Theo chuyên gia Raphael Mok (Công ty tư vấn Fitch Solutions), Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Trong khi đó, trong bài viết xuất bản vào cuối tháng 5 vừa qua, đài DW của Đức nhận xét có một xu hướng chuyển dịch sản xuất công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo DW, ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương của Đức cho biết, Việt Nam luôn là điểm đến hứa hẹn đối với các công ty Đức.
theo TTXVN