QĐND – Điện ảnh là một trong những loại hình nghệ thuật có nhiều tác phẩm về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, đặc biệt có nhiều tác phẩm tái hiện lại thời điểm Người ra đi tìm đường cứu nước và quãng thời gian 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng khắp năm châu.
Nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng mạnh với công chúng, song xét tổng thể vẫn chưa xứng tầm với công lao trời biển của Bác.
Nếu tính cả phim tài liệu và phim điện ảnh, đã có hơn 20 tác phẩm về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, như: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (năm 1960), “Bác Hồ sống mãi” (năm 1969), “Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh” (năm 1974), “Hồ Chí Minh-Chân dung một con người” (năm 1990), “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (năm 1990), “Hà Nội mùa đông năm 46” (năm 1997), “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (năm 2003), “Vượt qua bến Thượng Hải” (năm 2010), “Nhìn ra biển cả” (năm 2010), “Thầu Chín ở Xiêm” (năm 2015), “Nhà tiên tri” (năm 2015)… Riêng phim truyền hình lại chưa có tác phẩm nào.
Cảnh trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp. |
Phim tài liệu có lợi thế là các thước phim tư liệu về Bác Hồ có nhiều. Song giai đoạn Người ra đi tìm đường cứu nước và 30 năm bôn ba hải ngoại thì chỉ có thước phim vài chục giây ghi lại cảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát biểu ở Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân tại Moscow ngày 10-10-1923. Các nhà làm phim tài liệu khi đề cập đến giai đoạn này chỉ có thể sử dụng ảnh, tranh, các thước phim ngoại cảnh… Bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc-Ẩn số từ nước Pháp” (năm 2017) do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất mở ra hướng đi mới là sử dụng đóng thế để minh họa.
Đây là phương pháp mà các nhà sản xuất phim tài liệu trên thế giới hiện nay áp dụng khi không có thước phim “sống” về nhân vật và sự kiện. Cách thức này sẽ hiệu quả nếu nguồn tư liệu, nhân chứng, vật chứng đầy đủ. Tuy nhiên, chính giai đoạn Người xuất dương và hoạt động cách mạng ở hải ngoại cơ bản phải giữ bí mật, việc dựng lại đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các nhà nghiên cứu và cần được cơ quan chức năng thẩm định.
“Sở đoản” của phim tài liệu (một thể loại báo chí) được khỏa lấp với phim điện ảnh được quyền hư cấu nghệ thuật. Tất nhiên, sự hư cấu phải dựa trên những hạt nhân hợp lý theo “khung” tiểu sử của Bác Hồ được công bố. Về cơ bản, các bộ phim: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Thầu Chín ở Xiêm”… đã dựng được hình tượng Bác Hồ rất sinh động. Tuy nhiên, nếu so sánh với một số bộ phim tiểu sử danh nhân mà các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới đã làm thì khoảng cách vẫn còn xa. Thấy rõ nhất là kịch bản vẫn nặng kể lể, chưa có bước đột phá về nghệ thuật tự sự.
Riêng mảng phim truyền hình gặp khó bởi năng lực làm phim truyền hình nước ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngay cả phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc-Ẩn số từ nước Pháp” dài 50 phút, ê-kíp làm phim đã mất tới một năm tiếp cận, nghiên cứu, ghi hình tại Pháp và thêm 5 tháng làm hậu kỳ. Hình dung làm phim truyền hình vài chục tập về thời gian Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài với bối cảnh, con người cách đây một thế kỷ còn khó khăn, vất vả biết nhường nào.
Theo các nhà nghiên cứu, trước mắt, có thể làm phim từ thơ ấu cho đến khi Người rời bến cảng Nhà Rồng. Tất cả các bối cảnh phim này đều ở Việt Nam, việc phục dựng không quá khó. Sau này, khi chúng ta đủ tiềm lực có thể tiến hành làm các phim truyền hình giai đoạn Người ở Paris (Pháp) và ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là hai giai đoạn tư liệu lịch sử tương đối đầy đủ, rõ ràng và đã có trường quay ở nước bạn, dễ tái hiện bối cảnh lịch sử hơn.
Muốn thực hiện phim truyền hình về đề tài Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và quãng thời gian 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng trên điện ảnh phải là một dự án mang tầm quốc gia. Chỉ có như vậy mới quy tụ các hãng phim trong và ngoài nước hợp tác sản xuất, huy động nguồn nhân lực, tài lực bảo đảm đủ các điều kiện để dự án đạt được hiệu quả về nội dung và hình thức.
HÀM ĐAN