Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCKINH TẾTP Hồ Chí Minh tập trung cải thiện môi trường đầu tư

TP Hồ Chí Minh tập trung cải thiện môi trường đầu tư

Một góc khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh.

NDĐT – Cùng với xây dựng chính quyền đô thị, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư đã được TP Hồ Chí Minh chọn làm chủ đề của năm 2021. Mặc dù đây là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng năm nay, TP Hồ Chí Minh đã tập trung cao độ trong việc cải thiện môi trường đầu tư bằng 10 nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực, quyết liệt hơn…

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng quá tải về hạ tầng kinh tế – xã hội đang ngày càng gia tăng. Hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp; mật độ đường giao thông của thành phố chỉ đạt khoảng 20% so với quy chuẩn mật độ đường đô thị nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tương xứng với một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế của TP Hồ Chí Minh là trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thực tế nhiều năm nay cho thấy, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để bảo đảm các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách thành phố. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước) nhưng việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội (số vốn đầu tư bình quân của mỗi dự án chưa đạt một triệu USD); quy mô doanh nghiệp (DN) chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ (chiếm gần 98% tổng số DN với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của DN trên địa bàn).

Nhiều năm trước đây, TP Hồ Chí Minh luôn là điểm đến ưa thích và sự lựa chọn hàng đầu của nhiều DN trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia nhờ những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính thông thoáng… Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, môi trường đầu tư của thành phố đã bắt đầu giảm sút so một số địa phương khác.

Công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những thành tố quan trọng góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ ở TP Hồ Chí Minh còn khá yếu, DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu rất khiêm tốn. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP Hồ Chí Minh (HAMEE) cho biết: “HAMEE rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của thành phố để tạo động lực cho DN phát triển. Ngành này có suất đầu tư lớn, xét về hiệu quả đầu tư không cao bằng các ngành khác nên cũng không có nhiều nhà đầu tư mặn mà với nó. Mong muốn lớn nhất của HAMEE là có một khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành để tạo tính tương tác cho các DN, tạo hiệu quả trong đầu tư. KCN này cần có sự hỗ trợ về chi phí đầu tư từ Nhà nước”.

Cũng theo ông Đỗ Phước Tống, vốn luôn là bài toán nan giải cho các DN HAMEE. Các DN trong ngành đang thực hiện chương trình “Made by Vietnam”, nghĩa là không phải các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam mà các sản phẩm phải được các DN Việt Nam sản xuất. Với tinh thần đó, rất cần Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn triển khai hiệu quả…

Hiện, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hồ Chí Minh đã “rớt” khá mạnh, từ vị trí 31 vào năm 2019 xuống 46 vào năm 2020, giảm 15 bậc chỉ sau một năm, rơi vào nhóm 15 địa phương có chỉ số PAPI trung bình thấp. Tương tự, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Hồ Chí Minh cũng sa sút, từ đứng hạng 8 năm 2016 xuống hạng 14 năm 2020.

Một trong những hệ quả từ sự “tụt hạng” về môi trường đầu tư của thành phố là dòng vốn đầu tư FDI đã giảm mạnh. Năm 2020 vừa qua, dù vẫn dẫn đầu cả nước về lượng vốn FDI nhưng nguồn vốn FDI mà TP Hồ Chí Minh thu hút được chỉ đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm hơn 47% so với năm 2019. Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nếu TP Hồ Chí Minh không đạt được những bước cải thiện lớn về môi trường đầu tư thì mục tiêu thu hút hơn 5,4 tỷ USD vốn FDI trong năm 2021 sẽ là một thách thức lớn…

Cần mạnh mẽ, quyết liệt, thiết thực hơn

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khánh chia sẻ: “Ngành da giày chúng tôi trong hai năm nay yếu dần vì dịch Covid-19 nhưng vẫn còn một số DN cầm cự được vì có vốn lớn, còn DN nhỏ thì đuối sức. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho các DN trong hội để vực dậy, phát triển. Đồng thời, thành phố cần có phương án dành cho ngành da giày một KCN để sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện, các DN da giày Việt Nam chủ yếu làm gia công, nguyên phụ liệu phải nhập từ 70% – 75% từ nước ngoài, cho nên giá trị thành phẩm không còn bao nhiêu…”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố đã đề ra 10 nhóm giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều và chất lượng hơn nữa, thích ứng nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện thắng lợi 20 chỉ tiêu chủ yếu mà thành phố đã đề ra trong năm 2021, chủ động ứng phó và giảm nhẹ các tác động của đại dịch Covid-19 đến môi trường đầu tư kinh doanh và đời sống kinh tế – xã hội thành phố. Theo đó, tập trung vào những vấn đề: cải cách thủ tục hành chính; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tiếp cận nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học – công nghệ; đầu tư công; quy hoạch và xây dựng; đào tạo nguồn lao động; hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn lực tài chính; hành lang pháp lý và an ninh trật tự; khắc phục các tác động tiêu cực do dịch Covid-19.

Ở nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng và công khai quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị để người dân, DN có thể kiểm soát tiến độ thực hiện các thủ tục, vướng mắc và trách nhiệm của người thụ lý. Công khai trên trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức các tài liệu liên quan công tác quy hoạch, kế hoạch của TP Hồ Chí Minh; hướng dẫn chi tiết việc tham chiếu các văn bản luật và quy định của các cấp từ Trung ương cho tới địa phương… Trong năm nay, các sở, ban, ngành của thành phố phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý phản ánh, kiến nghị của DN so với quy trình đang thực hiện hiện nay; số lượng thủ tục hành chính đủ điều kiện được đưa vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 tăng 5% so với năm 2020…

Ngoài ra, thành phố sẽ sớm ban hành nhiều quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan đầu tư, kinh doanh, đấu thầu…; quy chế phối hợp quản lý nhà nước giữa Ban Quản lý các khu chế xuất và KCN thành phố với các sở, ban, ngành của thành phố… Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên trang thông tin điện tử của UBND thành phố và các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Cùng với đó, tập trung triển khai đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”; ban hành khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường; rà soát, công khai quy hoạch các khu chế xuất, KCN, quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại các khu chế xuất, KCN.

Tập trung triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh, ban hành kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Tổ chức triển khai việc tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu số hồ sơ đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử đạt tỷ lệ từ 93% trở lên, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư qua mạng đạt hơn 40%…

Hiện TP Hồ Chí Minh đang chú trọng thực hiện các giải pháp khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo đó, tập trung hỗ trợ DN duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp giảm thủ tục hành chính để hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn, duy trì các hoạt động xuất, nhập khẩu. Ban hành kế hoạch hỗ trợ DN trong và sau dịch Covid-19 năm 2021 với nội dung công việc và trách nhiệm cụ thể.

Bên cạnh đó, đánh giá tình hình và đề ra các giải pháp thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; ban hành kế hoạch hỗ trợ và phát triển DN nhỏ và vừa năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025… Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. Đổi mới, mở rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy định về hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – DN nhằm tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, cùng với việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ các DN nhỏ và vừa phát triển, thành phố sẽ phải hình thành các DN “đầu đàn” theo mô hình “đàn sếu bay”. Tìm giải pháp để tiếp tục xây dựng những DN lớn, tập đoàn kinh tế mạnh của thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình tổ công tác đầu tư, mô hình đầu tiên ở các địa phương trên cả nước, để đẩy nhanh tiến độ triển khai và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố…

Bài, ảnh: HOÀNG LIÊM và CAO TÂN

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments