NDĐT – Những tác động nặng nề từ dịch Covid-19 không chỉ khiến toàn ngành du lịch Việt Nam rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu mà còn mang tới thách thức vô cùng lớn. Đó là khoảng trống khó khỏa lấp về đội ngũ nhân lực bảo đảm cho sự vận hành du lịch sau đại dịch.
Ngành du lịch đang phải chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân lực lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Hơn 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, gần 20% doanh nghiệp du lịch trên cả nước phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50% – 80% nhân viên nghỉ việc.
Trong số họ, có những người vẫn sẵn sàng trở lại với du lịch khi tình hình tốt lên, nhưng không ít trường hợp sau khi ổn định công việc mới thì không có ý định quay về việc cũ.
Rõ ràng, “lỗ hổng” lớn về nhân lực du lịch sau đại dịch là nguy cơ không thể phủ nhận. Theo phân tích của các chuyên gia, nguồn nhân lực du lịch lâu nay vốn đã thiếu và yếu, nay lại gặp “bão Covid” nên ngoài sự sụt giảm mạnh về số lượng còn có sự hao mòn lớn về chất lượng khi kỹ năng nghề nghiệp, tác phong phục vụ không có điều kiện được mài giũa thường xuyên.
Đối mặt thách thức trên, giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là tinh giản bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm, cố gắng giữ lại những nhân sự cốt cán để không mất nhiều thời gian tìm kiếm, đào tạo lại. Một số doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi phương thức kinh doanh nhằm tạo việc làm giúp giữ chân nhân sự du lịch và để duy trì sự tồn tại của đơn vị mình vượt qua đại dịch.
Về mặt tổng thể, cần có thêm những giải pháp hỗ trợ người lao động ở lĩnh vực du lịch. Thời gian qua, một số doanh nghiệp và đơn vị đào tạo du lịch cũng đã bắt tay thành lập trung tâm đào tạo du lịch thực tế như Prato (Practical Tourism) tại Hà Nội. Học viên được thực tập tại ngay các công ty. Các công ty cũng có thể tuyển dụng từ nguồn học viên do mình đào tạo.
Đây là hướng giải pháp cần thiết và là cách để doanh nghiệp có được nguồn nhân lực du lịch theo đúng yêu cầu của đơn vị mình, cho thời kỳ hậu Covid-19.
Nhưng, hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng học viên đăng ký vào các cơ sở đào tạo du lịch đã sụt giảm mạnh. Điều này có nghĩa trong vài năm tới, số lượng lao động bổ sung mới cho ngành du lịch cũng thiếu hụt. Trên thực tế, du lịch muốn phục hồi thì phải có doanh nghiệp du lịch. Doanh nghiệp trụ được thì mới duy trì được người lao động. Do vậy, sự hỗ trợ kịp thời giúp giảm bớt gánh nặng khó khăn cho doanh nghiệp du lịch là điều cần thiết lúc này.
VIỆT ANH