Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TTLấy âm nhạc làm vũ khí chống dịch

Lấy âm nhạc làm vũ khí chống dịch

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. (Ảnh: Hội Nhạc sĩ Việt Nam cung cấp)

Trong hai năm qua, trên mặt trận chống dịch Covid-19, các văn nghệ sĩ đã trở thành những chiến sĩ, mỗi bộ môn nghệ thuật đều có những cách thức riêng để trở thành vũ khí cùng chung cuộc chiến chống đại dịch với các lực lượng khác. Âm nhạc cũng nằm chung trong dòng chảy đó.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, thời nào cũng vậy, âm nhạc với sức mạnh lan tỏa nhanh nhạy và sâu rộng trong công chúng, luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc trên mỗi chặng đường cách mạng. Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, giới văn nghệ sĩ cả nước đã có nhiều đóng góp tích cực, đã có nhiều sáng tác mới để chia sẻ động viên kịp thời quân và dân ta trên mặt trận chống dịch.

Từ tháng 4/2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng chống Covid-19 và đã thu được trên 200 tác phẩm. 100 ca khúc chất lượng trong số này đã được tuyển chọn và xuất bản thành một tập ca khúc với tiêu đề “Niềm tin”, sau đó được xây dựng một chương trình nghệ thuật online với tên gọi “Niềm tin – chúng ta là người chiến thắng”. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của công chúng, đặc biệt là có tiếng vang trong xã hội.

Từ tháng 4/2021, khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021, và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp cấp bách về phòng chống Covid-19, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Chỉ hơn một tuần cuối tháng 7/2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đánh giá, đây là con số rất lớn trong một thời gian rất ngắn. Điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của các nhạc sĩ đối với công cuộc chống dịch, với quyết tâm chia sẻ những giá trị tinh thần với nhân dân, với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bác sĩ, những người dân trong vùng dịch. Trong điều kiện giãn cách xã hội, có rất nhiều khó khăn, các nhạc sĩ, nhạc công, các kỹ thuật viên phòng thu… đã vượt qua những khó khăn, lao động ngày đêm vượt thời gian để có được những sản phẩm về âm nhạc kịp thời giới thiệu với công chúng.

Từ hơn 400 tác phẩm đó, Hội đồng Nghệ thuật – Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn 20 ca khúc để dàn dựng thu âm, ghi hình, dựng thành clip, với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, cùng các nghệ sĩ: NSND Quốc Hưng, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương… kịp thời gửi tới đồng bào, chiến sĩ và đặc biệt các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch vào cuối tháng 8.

“Thực sự xúc động và cảm ơn các nhạc sĩ, các nhà thơ, các ca sĩ biểu diễn đã phối hợp với Hội để cùng đoàn kết chung sức chung lòng cùng với nhân dân cả nước quyết tâm dập dịch và chiến thắng đại dịch. Đây cũng là tình cảm chia sẻ của giới văn học nghệ thuật cả nước gửi tới đồng bào, chiến sĩ cũng như là quyết tâm của Hội cùng sát cánh với đất nước trong trận đánh quyết định nhằm chặn đứng và chiến thắng đại dịch Covid-19” – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

Lấy âm nhạc làm vũ khí chống dịch -0
 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên. (Ảnh cắt từ clip)

Là một trong những nhạc sĩ có nhiều sáng tác trong đại dịch, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên chia sẻ: “Trong hai năm nay, tôi đã viết một số ca khúc nói lên tình cảm của mình đối với những người trong cuộc chiến chống đại dịch, nhất là ca ngợi tấm lòng của các y bác sĩ, những chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch”.

Nhạc sĩ cho biết, mới đây ông đã tình cờ đọc được bài thơ của một người bạn mình, là nhà báo Lê Văn Nuôi viết về thành phố Hồ Chí Minh trong trận chiến chống dịch. Những cảm xúc âm nhạc đã đến với nhạc sĩ, và bài hát phổ thơ “Sài Gòn ơi, trái tim ta đó” ra đời. “Bài hát là tấm lòng của chúng tôi gửi tới hàng nghìn y bác sĩ, sinh viên y tế từ nhiều vùng miền trong cả nước đến với TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh” – nhạc sĩ chia sẻ.

Lấy âm nhạc làm vũ khí chống dịch -0
 Nhạc sĩ Võ Cường. (Ảnh cắt từ clip)

Bày tỏ sự xúc động với cuộc chiến chống dịch của cả nước, nhạc sĩ Võ Cường nói: “Tôi xúc động với hình ảnh những chiến sĩ áo trắng giành giật từng hơi thở mong manh để cứu bệnh nhân, những cháu bé chập chững lên xe cứu thương đến khu cách ly hoặc vào bệnh viện. Tôi xúc động với sự chung tay, những tấm lòng thiện nguyện, sự đồng lòng vào cuộc của toàn xã hội trên khắp mọi miền đất nước chung tay chống dịch, từ những hộp cơm, gói quà những bó rau chi viện cho miền nam thân yêu”.

Những cảm xúc ấy đã làm nên ca khúc “Sài Gòn ơi, corona rồi sẽ qua”. Nhạc sĩ Võ Cường cho biết, ca khúc là lời cảm ơn, là tình cảm của ông gửi đến các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.

Lấy âm nhạc làm vũ khí chống dịch -0
Nhạc sĩ Phạm Việt Tuân. (Ảnh cắt từ clip)

Cũng đóng góp ca khúc vào cuộc chiến chống dịch, nhạc sĩ Phạm Việt Tuân cho ra đời bài hát “Cảm ơn những trái tim yêu người”. Nhạc sĩ chia sẻ, đây là lời cảm ơn chân thành nhất mà anh muốn gửi tới các y bác sĩ, tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch. Ca khúc cũng là ước nguyện của anh cũng như nhiều người, mong sao dịch chóng qua để con người không phải xa cách nhau nữa, để cuộc sống được bình yên trở lại.

Ngày 3/9 hằng năm cũng là Ngày Âm nhạc Việt Nam, cũng là ngày ghi dấu ấn Âm nhạc Việt Nam tiếp tục hòa chung trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, ngoài việc đem lại những giá trị về tinh thần, còn khẳng định vai trò là một trong những vũ khí sắc bén, góp phần trong cuộc chiến mới chống đại dịch.

Tuyết Loan

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments