GDVN- Phó giáo sư Bùi Đức Thọ kiến nghị Nhà nước cần giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp, hãy để các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong công tác quản trị nhân sự.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lớn lao”. Chính vì thế, việc thu hút và sử dụng nhân tài về phục vụ đất nước luôn là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước đặt ra.
Thực tiễn cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng thì việc thu hút sinh viên, giảng viên, nhà khoa học xuất sắc đã khó, nhưng giữ chân họ còn khó hơn. Vậy làm sao tránh tình trạng “chảy máu” nhân tài?
Đánh giá về xu hướng cạnh tranh, thu hút sinh viên, giảng viên, nhà khoa học giỏi giữa các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Đức Thọ – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng:
“Giảng viên, nhà khoa học giỏi là yếu tố đặc biệt quan trọng trong đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học đồng thời trực tiếp đóng góp vào nhiều tiêu chí để thăng hạng trên các bảng xếp hạng”.
Phó giáo sư Bùi Đức Thọ – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: NVCC) |
Theo Phó giáo sư Bùi Đức Thọ, thực tiễn cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều biện pháp để xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học giỏi, như nâng chuẩn trong tuyển dụng; tuyển dụng đặc cách người giỏi; đào tạo bồi dưỡng. Trong khi giảng viên, nhà khoa học giỏi không nhiều so với nhu cầu của các trường, sự cạnh tranh để thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi là xu hướng tất yếu, xu hướng này đã và đang diễn ra ở Việt Nam.
“Còn sinh viên giỏi được xem là tài sản của cơ sở giáo dục đại học ở hiện tại và cả trong tương lai. Sinh viên giỏi sẽ đóng góp tích cực cho một môi trường học tập chủ động và toàn diện qua đó làm cho chất lượng đào tạo được nâng cao. Sinh viên giỏi cũng thường dễ kiếm được việc làm tốt, sau này sẽ là những cựu sinh viên và có thể quay trở lại đóng góp cho sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học dưới nhiều hình thức khác nhau”, thầy Thọ nêu quan điểm.
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, thực tế hiện nay đã cho thấy sự rõ cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học để thu hút được sinh viên giỏi vào trường. Các chính sách quảng bá, truyền thông đã được các trường quan tâm đầu tư; các chính sách học bổng khuyến khích học tập đã được các trường quan tâm.
Làm sao để thu hút người giỏi về làm việc?
Thời gian qua đóng góp của người giỏi vào sự phát triển của đất nước còn hạn chế bởi những rào cản về cơ chế, chính sách, bố trí việc làm chưa phù hợp; cơ hội thăng tiến bị hạn chế; thu nhập, đãi ngộ thiếu thỏa đáng…Trước thực trạng này đặt ra bài toán cơ sở giáo dục đại học muốn thu hút một giảng viên, nhà khoa học giỏi tới làm việc thì cần đáp ứng nhiều điều kiện.
Theo quan điểm của Phó giáo sư Bùi Đức Thọ, người giỏi thì bất cứ tổ chức nào cũng cần. Như vậy, để thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi tới làm việc, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải cạnh tranh với các nhà tuyển dụng khác trên thị trường. Cũng giống như bất cứ một tổ chức nào, muốn thu hút được người giỏi về làm việc, cơ sở giáo dục đại học cần có môi trường làm việc thoải mái, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, lộ trình phát triển rõ ràng, sự ghi nhận và vinh danh họ.
“Điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học thu hút người giỏi tới làm việc chính là cơ chế tự chủ để chủ động sử dụng các chính sách thu hút nhân tài.
Hiện nay các quy định có tính chất quy phạm pháp luật trong công tác quản trị nhân sự vẫn còn can thiệp sâu mà các cơ sở giáo dục đại học phải tuân thủ, làm giảm tính chủ động của các trường. Chẳng hạn như, công tác đánh giá cán bộ vẫn bị ràng buộc bởi từ quy trình cho đến các tiêu chí đánh giá viên chức; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm phải đi theo trình tự nhiều bước. Cơ sở giáo dục đại học muốn tuyển theo dạng “săn đầu người” sẽ khó thực hiện được”, thầy Thọ nêu thực tế.
Vị này nêu ví dụ tại trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong phạm vi khuôn khổ pháp lý cho phép và quyền tự chủ của trường đã có nhiều chính sách để thu hút và giữ chân giảng viên, nhà khoa học giỏi. Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, đã có giảng viên, nhà khoa học giỏi của trường chuyển đi tới nơi công tác khác.
Để các cơ sở giáo dục đại học để phát huy hiệu quả những chính sách thu hút nhân tài trong bối cảnh tự chủ đại học, Phó giáo sư Bùi Đức Thọ kiến nghị Nhà nước cần giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp mà hãy để các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong công tác quản trị nhân sự.
Bởi thực tế đã cho thấy, Nhà nước không cần phải hướng dẫn các doanh nghiệp tuyển dụng như thế nào, thực hiện các bước gì, các doanh nghiệp vẫn tự biết cách để tìm và tuyển được người giỏi; Nhà nước không cần chỉ bảo doanh nghiệp các bước quy trình đánh giá nhân viên, các bước bổ nhiệm cán bộ, các doanh nghiệp vẫn tìm được cách phù hợp nhất để đánh giá nhân viên và bổ nhiệm được người phù hợp.
Vì vậy, Nhà nước cần giảm thiểu các Nghị định, Thông tư mang tính hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để buộc các cơ sở giáo dục đại học phải theo thay vào đó là cơ chế giám sát, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuyển dụng thế nào? Đãi ngộ ra sao? Đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật … phải được quy định trong chính sách nhân sự, hay quy chế của cơ sở giáo dục đại học. Hội đồng trường, cơ quan quản lý trực tiếp, xã hội sẽ cùng giám sát việc thực hiện những quy chế đó.
Năm 2019, báo chí đưa câu chuyện về Tiến sĩ Lý Kim Hà, giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, là người trẻ nhất trong số 349 ứng viên phó giáo sư vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố đủ tiêu chuẩn năm 2019. Tiến sĩ Hà có 17 bài báo quốc tế, nổi tiếng với các công trình nghiên cứu độc lập về “Giải tích phức nhiều biến”. Tuy nhiên, sau 5 năm giảng dạy, lương cứng mà Tiến sĩ Hà nhận được là 5,5 triệu đồng/tháng.Năm 2020, báo chí tiếp tục đưa tin về mức lương 3 triệu đồng của nhà khoa học trẻ Hồ Thị Thương, tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín. Chị từng tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của một khoa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, là đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2020. Với một nhà khoa học nữ mới 29 tuổi, đó là những thành công rất đáng ngưỡng mộ, điều bất ngờ là mức lương “cứng” nhà khoa học này nhận được chỉ là… 3 triệu đồng/tháng.Những câu chuyện như thế cho thấy việc phát hiện, phát huy và trọng dụng nhân tài ở nước ta đến nay vẫn đang là vấn đề thời sự và ngày càng trở nên cấp bách. |
Thùy Linh