Zing – “Chuyện trà”, “Tranh dân gian Huế”, “Mỹ thuật Việt – Soi từ phía khác” là ba công trình nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Việt được đón đợi.
Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Thị Thu Hòa, Trần Quang Đức là ba tác giả của những công trình nghiên cứu nghiêm cẩn từng được tôn vinh ở những giải thưởng như Sách Quốc gia hoặc truyền cảm hứng tới cộng đồng.
Bởi vậy, sách mới của họ luôn hứa hẹn góp phần soi tỏ những khía cạnh khác nhau trong văn hóa, nghệ thuật Việt; truyền tình yêu văn hóa, nghệ thuật dân tộc tới bạn đọc trẻ.
Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là nghệ sĩ thị giác, nhà nghiên cứu mỹ thuật. Ông là tác giả, đồng tác giả của những công trình được giới nghiên cứu đánh giá cao như: Song xưa phố cũ (nghiên cứu sắt mỹ nghệ trong kiến trúc Hà Nội xưa); Phác họa Nghê – Gã linh vật bên rìa, Nghê Việt tinh tuyển (nghiên cứu biểu tượng nghê), Nét Việt trên bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (nghiên cứu hoa văn, biểu tượng trên bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cuốn sách đoạt Giải thưởng Sách quốc gia)…Mỹ thuật Việt – Soi từ phía khác là cuốn sách ra mắt tháng 12 của Trần Hậu Yên Thế. Sách tập hợp 25 bài chuyên khảo về lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đi sâu tìm hiểu lịch sử mỹ thuật Việt từ thời sơ sử cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Cuốn sách đem đến cho người đọc những góc nhìn mới về mỹ thuật Việt, trong đó có so sánh với những tư liệu nước ngoài.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa là chủ nhân Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, người dành tình yêu với tranh dân gian. Bà có mong muốn thực hiện sách về các dòng tranh dân gian nổi bật của Việt Nam.
Trong những năm qua, bà cùng các cộng sự cho ra đời những ấn phẩm như: Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Một ấn phẩm nữa trong loạt sách về tranh dân gian của tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa mới ra mắt bạn đọc: Tranh dân gian Huế. Để thực hiện ấn phẩm, tác giả tìm hiểu tư liệu, khảo sát thực địa ở Thừa Thiên Huế. Cuốn sách cho thấy vẻ đẹp, kỹ thuật làm và giá trị của tranh dân gian làng Sình, tranh dân gian vẽ tay, tranh gương kính, tranh thêu, tranh dân gian làng Chuồn, bích họa…
Cuốn sách cũng cho thấy những đóng góp của các nghệ nhân thầm lặng, bền bỉ nối nghề. Họ có công lao gìn giữ, làm phong phú các dòng tranh dân gian Huế.
Ngày nay, nhiều dòng tranh dân gian đang mất dần thị trường, không có người nối nghiệp, giới trẻ không mặn mà với tranh. Những cuốn sách như Tranh dân gian Huế là ấn phẩm góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian Việt.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức được biết đến với Ngàn năm áo mũ – công trình nghiên cứu về trang phục Việt. Ấn phẩm ra mắt năm 2013, bổ sung những nét phác họa chi tiết hơn vào khoảng trống mờ nhạt của lịch sử trang phục Việt Nam.
Sự xuất hiện của Ngàn năm áo mũ đã thổi luồng gió mới, góp phần thúc đẩy phong trào cổ phục. Trần Quang Đức cũng là dịch giả của Trà kinh, Chuyện tình giai nhân, Trường An Loạn.
Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt là công trình khảo cứu sắp phát hành của Trần Quang Đức. Vẫn sử dụng lối nghiên cứu nghiêm cẩn, sắc sảo, công phu như Ngàn năm áo mũ, ở công trình này, tác giả thêm vào vẻ phóng khoáng, tươi mới từ những chuyến đi và những trải nghiệm riêng.
Sách viết về trà, có khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Không chỉ mang tính khảo cứu, cuốn sách là sự hài hòa giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng thế thái nhân tình qua lá trà.
Mở đầu sách, tác giả tìm về nguồn cội của trà, từ giống cây, tên gọi, thú vui uống trà. Từ lối uống cổ truyền dân giã đến hình thái tinh xảo của trà được thể hiện trong “Trà mộc mạc”, “Trà hương sắc”.
Tác phẩm dẫn lối người đọc tới “Trà tinh thần” – những kết nối quanh chén trà. Phần phụ lục “Thưởng trà giai phẩm” tuyển và dịch những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt.
Kết hợp tinh thần khách quan, cái nhìn phóng khoáng và giọng kể thâm trầm, Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt đưa độc giả vào với thế giới trà một cách tự nhiên và khiến ta quyến luyến mãi trong thế giới dung dị đó.
Sách giúp độc giả biết thêm về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua sử liệu. Những câu chuyện về kỹ thuật pha chế cùng cách thưởng trà của cha ông ta cũng được tác giả kể lại. Tác giả cũng dày công tuyển chọn câu chuyện của người xưa thưởng trà, trong đó có câu chuyện của những nhân vật như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát…
Đỗ Thu