Zing – “Vạn diệp tập” với hơn 4.000 bài thơ được xem là quốc bảo, chứa đựng văn hóa, tinh thần con người Nhật Bản.
“Để hiểu sâu sắc văn hóa một nước, ta thường phải đọc những tác phẩm kinh điển của họ. Ví dụ, thông qua kịch Shakespeare là tiếp cận được người Anh, đọc Faust của Goethe có thể hiểu người Đức. Nếu đã yêu chuộng trà đạo, cắm hoa, haiku… thì cũng nên có kiến thức về văn học cổ điển như Man.yôshuu để đào sâu về văn hóa Nhật Bản vốn đa dạng và không phải hình thành chỉ trong một sớm một chiều”, dịch giả Nguyễn Nam Trân viết.
Từ giá trị lớn lao của thi tập, dịch giả là tiến sĩ khoa học truyền thông sống và làm việc tại Nhật, đã tuyển dịch và chú tập thơ.
Tác phẩm tiếng Việt do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Tao Đàn phát hành đầu năm 2022. Ảnh: Y.N. |
Sách hay truyền cho muôn đời sau
Man.yôshuu, thi tập ra đời cách nay hơn 12,5 thế kỷ, được coi là một trong hai “đại thụ trấn sơn môn văn học Nhật”. Bài thơ cổ nhất trong cuốn sách này tương truyền của hoàng hậu Iwanohime (vợ của thiên hoàng Nintoku, vua đời thứ 16, nửa đầu thế kỷ thứ 5). Bài thơ cuối trong thi tập là tác phẩm của Otomo no Yakamochi (làm trong năm 759).
Khoảng 4.496 bài thơ được sáng tác trong 400 năm được chia làm 20 quyển. Trên đầu mỗi quyển đều ghi mục lục, phần thơ kèm lời chú thích về chủ đề và hoàn cảnh sáng tác. Về hình thức, thơ trong tác phẩm này thuộc 3 loại: Đoản ca (5/7/7/7/7), triều đầu ca (5/7/7/5/7/7) và trường ca (5/7/5/7… 5/7/7).
Có nhiều giả thuyết về tên tập thơ. Đó có thể là chục nghìn lời nói, vì trong tiếng Nhật, lời nói viết bằng hai chữ “ngôn diệp”. Nó cũng có thể là “sách hay truyền được đến muôn đời sau”, vì diệp cũng có nghĩa là đời. Có thuyết cho rằng “diệp” là lá cây, ý nói số bài trong thi tập nhiều như số lá cây; quan điểm khác cho rằng “vạn diệp” là số trang giấy.
Tác giả của cuốn sách thuộc mọi thành phần trên toàn nước Nhật trong suốt 4 thế kỷ, từ thiên hoàng, hoàng hậu, công chúa, tướng lĩnh đến binh sĩ, người đốn củi, kẻ ăn mày… Trong đó, có 400 nhà thơ là các thi nhân tên tuổi, còn lại khuyết danh.
Đây là kết quả một sự tuyển chọn công bằng của mọi hạng người. Do đó, tập thơ phản ánh tâm tình người Nhật thuộc mọi tầng lớp.
Nó được coi là một bộ bách khoa thư về văn hóa, con người đất nước Nhật Bản xưa bằng thơ. Thi tập bao quát nhiều đề tài, được phân chia thanh ba mảng chính. Tạp ca là những chuyến ngao du, bữa tiệc, truyền thuyết, các vấn đề xã hội. Những bài thơ thuộc mảng đề tài này thường ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên. Tương văn ca nói về tình yêu nam nữ, bộc lộ lòng chung thủy, ca tụng tình vợ chồng đẹp đẽ. Vãn ca là những bi ca về cái chết.
Qua các bài trong cuốn sách, độc giả hôm nay khám phá tình cảm chất phác, thuần khiết, chân thực, đôi khi nhạy cảm, tinh tế của người Nhật xưa. Ngoài giá trị văn học, nó còn mang giá trị học thuật lớn. Qua những bài thơ, giới nghiên cứu hôm nay có thể dựng lại hình ảnh về con người, phong tục tập quán, kiến trúc, văn hóa Nhật xưa.
Bìa cứng của cuốn sách. Ảnh: Y.N. |
Công trình nghiên cứu về tuyệt tác thơ Nhật
Vạn diệp tập là công trình đồ sộ, chia làm 20 quyển với 4.496 bài. Trong phần “Dẫn nhập” đầu sách, dịch giả bày tỏ ông không có tham vọng “làm một việc quá sức mình” là dịch cho được toàn bộ thi tập. Tuy vậy, người dịch đã lựa chọn một số bài tiêu biểu của tập thơ để chuyển ngữ.
Ngoài phần dịch thơ, dịch giả dụng công trong việc thực hiện phần chú. Sẽ không quá khi nói bản tiếng Việt của cuốn sách là công trình nghiên cứu bên cạnh phần dịch thơ.
Thơ ca có nhiều ẩn ý đằng sau văn bản. Với mỗi bài thơ chọn dịch, dịch giả đã chú thích về bối cảnh lịch sử, phong tục tập quán, tiểu sử tác giả, hoàn cảnh và tâm tình khi sáng tác, những quy ước về thể loại… Điều đó bổ sung cho việc thưởng thức thơ của bạn đọc Việt.
Ngoài các bài thơ dịch cùng chú thích về tác phẩm, ông cũng đưa ra thông tin cặn kẽ khái quát về tác phẩm, ảnh hưởng của nó, những hướng nghiên cứu về thi tập. Ba phụ lục với niên biểu cho tập thơ, bối cảnh lịch sử, xã hội, tư liệu tham khảo giúp người đọc dễ dàng theo dõi và nắm thông tin liên quan tập thơ.
Theo dịch giả, đây chính là áng thơ của cuộc đời. Tập thơ là tấm gương phản chiếu sự sống, cái chết, những chuyện vui khi yêu, buồn lúc bị hờ hững, thương chồng nhớ vợ, thương con, nhớ về quê cũ; là cảnh đẹp, sự yêu mến và kính sợ trước thiên nhiên… Tất cả đều phản ánh tâm trạng, tâm hồn con người Nhật cổ nói riêng, suy rộng ra của nhân loại nói chung.
Tác phẩm do Nguyễn Nam Trân dịch và chú chỉ chứa đựng khoảng một phần mười tác phẩm. Dịch giả hy vọng thông qua cuốn sách, độc giả có thể cảm thấy phần nào vì sao dân tộc Nhật Bản coi đây là quốc bảo.
Nguyễn Nam Trân (tên thật là Đào Hữu Dũng) sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Ông đến Nhật Bản năm 1965 và Pháp năm 1970. Ông tốt nghiệp Đại học Đông Kinh (University of Tokyo), Đại học Paris, hiện là tiến sĩ khoa học truyền thông, sống và làm việc ở Nhật Bản.
Một số tác phẩm dịch của ông là: Chết giữa mùa hè, Tuyển tập Mori Ogai, Truyện tối trăng mưa, Tuyển tập Akuta Gawa (dịch cùng Cung Điền), Bách nhân nhất thủ…
Đỗ Thu