Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeSƯU TẦM SÁCH HAYCái nhìn nhân văn thời hậu chiến

Cái nhìn nhân văn thời hậu chiến

QĐND – “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, đó là tư tưởng nhân văn đã thấm đẫm trong văn hóa người Việt tự xa xưa. Nhà văn Hà Đình Cẩn từng chia sẻ: “Tiểu thuyết “Mây vẫn bay về trời” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2021) đề cập đến vấn đề hòa hợp dân tộc, trở về với gia đình, trở về với Tổ quốc, trở về với nhân dân là xu hướng tất yếu không thể thay đổi được… Đó cũng chính là nội dung, là thông điệp để tôi viết tiểu thuyết này”.

Cũng là một câu chuyện của chiến tranh, nhưng khi đọc “Mây vẫn bay về trời”, chúng ta hình dung ra một bối cảnh hết sức đặc biệt thông qua những chi tiết, hình ảnh và cả không gian, thời gian mà tác giả chọn để xây dựng. Nó hoàn toàn khác với những “câu chuyện chiến tranh” mà ta vẫn thường gặp. Vì ở đây không phải là những cuộc hành quân rầm rộ, không phải những trận đánh khốc liệt.

Chính vì vậy mà toàn bộ câu chuyện không có một gương mặt nào được miêu tả rõ nét, không có những nhân vật anh hùng cách mạng, cũng không có những chiến công oanh liệt của một thời… Ở đây, tác giả tập trung vào giá trị của tình người, vào những câu chuyện phía sau tiếng súng, vào bản tình ca “Sonata ánh trăng”… để nói lên giá trị của tâm hồn, của lòng vị tha và của sự nhân văn. Đây chính là cơ sở để tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật theo hướng mở để kết thúc câu chuyện, khi lòng người hướng về cõi Phật vô biên.

Cái nhìn nhân văn thời hậu chiến
 Bìa cuốn tiểu thuyết “Mây vẫn bay về trời”.

Trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết, trận địa lớn nhất, oanh liệt nhất của cuộc chiến tranh chỉ là cây cầu Bông-“một cây cầu nhỏ” của một lực lượng nhỏ ngụy quân chốt chặn bảo vệ vòng ngoài cửa ngõ Sài Gòn. Lực lượng của Quân Giải phóng cũng chỉ có một đại đội tăng cường với chiến thuật đặc công độc đáo, trong chớp nhoáng đã giải quyết xong trận địa. Thế nhưng cây cầu nhỏ ấy, lực lượng nhỏ ấy, trận đánh nhỏ ấy lại là xương cốt, là hình hài cho toàn bộ cuộc chiến tranh. Bởi đó là sự hội tụ những gì tinh túy nhất trong nghệ thuật quân sự của giờ phút thiêng liêng giải phóng Sài Gòn-thống nhất non sông, là toàn bộ những câu chuyện của lòng người, của các mối quan hệ đặc biệt và cả sự tất yếu mà chiến tranh sẽ để lại.

Đó là cách mà nhà văn bây giờ viết về chiến tranh? Cũng không hẳn, bởi câu chuyện chiến tranh ở đây không có tư liệu, không có nhiều khói lửa đạn bom, cũng không có người còn kẻ mất; mà chủ yếu tác giả sử dụng nghệ thuật độc đáo của ngôn từ để khiến người đọc phải hình dung, phải tưởng tượng thay cho hình tượng nghệ thuật được miêu tả chi tiết. Chạy dọc theo tác phẩm là một thứ ngôn ngữ tiểu thuyết vừa nhẹ nhàng, vừa giàu hình ảnh, vừa đa nghĩa, vừa sâu sắc… được tác giả chắt lọc một cách kỹ lưỡng để biến nó thành những lời thoại-những cuộc đối thoại tạo nên hình tượng những nhân vật điển hình.

Ví như trong cuộc gặp gỡ trước lúc vào trận đánh giữa người chính trị viên đại đội của Quân Giải phóng và hai sĩ quan chỉ huy của ngụy quân: “Tôi biết cách kết thúc cuộc chiến không phải chỉ đối với các ông mà trước đó, đối với cả quân đội Pháp và bây giờ là quân đội Mỹ. Chúng tôi biết thắng họ để kết thúc cuộc chiến vì chúng tôi hiểu họ…”.

Hay lời trần tình của một đại tá ngụy quân: “Thưa ông, các ông thắng chúng tôi, thắng cả Pháp và Mỹ là phải. Bởi các ông có điều mà chúng tôi không có… Đó là điều, không chỉ binh sĩ các ông mà nhân dân của các ông, nghĩa là vợ con của binh sĩ, đều coi sự hy sinh là cao cả”. Chỉ một đoạn đối thoại rất ngắn, người đọc đã có thể hình dung và nhận ra được những con người cũng như giá trị của cuộc chiến tranh.

Như cách mà nhà phê bình Phạm Ngọc Chiểu đã nhận xét khi đọc “Mây vẫn bay về trời”: “Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi đọc một cuốn tiểu thuyết, một câu chuyện mà hoàn toàn không theo cái phép tắc thông thường. Đặc biệt là trong xây dựng nhân vật, từ nhân vật chính đến nhân vật phụ, tác giả đều sử dụng một thứ ngôn ngữ đối thoại, hoặc ngôn ngữ của thời cuộc để người đọc tự hình dung, bởi hầu hết nhân vật đều không có gương mặt nào cụ thể…

Đó chính là sự độc đáo mà Hà Đình Cẩn đã đem đến cho bạn đọc thông qua một cuốn tiểu thuyết viết về cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc nhưng thấm đẫm chất nhân văn. Câu chuyện này đặc biệt rất phù hợp với cách nhìn, tư duy của cuộc sống hôm nay”.

XUÂN HÙNG

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments