(Chinhphu.vn) – Ngày 25/6, tại TP. Huế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Chủ trì hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tham gia hội thảo còn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các ban ngành của tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ban ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, văn hóa Huế là văn hóa đặc sắc trong tổng thể thống nhất văn hóa Việt Nam. Sự đan xen, hòa quyện giữa văn hóa cung đình với văn hóa làng quê, văn hóa đô thị với văn hóa làng, văn hóa dân gian với văn hóa bác học, giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú… đã làm nên những đặc trưng, phong vị riêng của văn hóa Huế, góp phần củng cố tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Trong lịch sử hơn 700 năm, với 300 năm là kinh đô của nước Việt, các thế hệ người dân Huế đã phát huy trí tuệ, công sức để biến vùng đất “Ô Châu ác địa” thành một xứ Huế giàu bản sắc, đẹp và thơ; hình thành, hun đúc, gìn giữ những phẩm chất quý báu của con người xứ Huế như yêu nước, kiên trung, đoàn kết, hòa thuận, hiếu học, tinh tế, khiêm nhường, mẫu mực, gần gũi với thiên nhiên…
Huế là quê hương của nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng, văn nghệ sĩ tài hoa như Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trịnh Công Sơn…; là nơi ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của nhiều nhân sĩ, trí thức vốn xuất thân từ những vùng quê khác như Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu… Đặc biệt, Huế cũng là mảnh đất lưu nhiều dấu ấn ân tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của văn hóa Huế, những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế chính là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực và sức mạnh mềm để tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển nhanh và bền vững. Coi trọng và đánh giá cao việc phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hóa, con người của Thừa Thiên Huế, Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định, những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, khơi dậy ý chí, sức mạnh của con người. Các nghị quyết của Tỉnh ủy; các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của tỉnh được xây dựng trên cơ sở xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực nội sinh quan trọng để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với với tiến bộ, công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế phải gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Tinh thần ấy, mục tiêu ấy đã được quán triệt trong các nhiệm vụ phát triển của Thừa Thiên Huế thời gian qua.
Sau gần 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 54, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả quan trọng. Hình hài của một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” đang dần hiện hữu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và bộc lộ nhiều hạn chế, đó là chưa khai thác hết giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế xứng với tiềm năng về văn hóa, con người mà Thừa Thiên Huế đang có. Văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế.
Tại hội thảo, các tham luận cùng với nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu…đã khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cũng như các quyết sách của Trung ương về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế. Thừa Thiên Huế đã rất kịp thời, chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, các chính sách để triển khai Nghị quyết.
Các tham luận và các ý kiến trao đổi cũng đã nêu lên những đề xuất, khuyến nghị về giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, nhằm khơi dậy đúng mức giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế, góp phần phát triển Thừa Thiên Huế theo các lộ trình đã được ghi rõ trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và các tầng lớp nhân dân; tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển của tỉnh, trong đó có chính sách về văn hóa, con người; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực.
Bên cạnh hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, các ý kiến còn đề ra nhiều giải pháp gắn với những lĩnh vực cụ thể trong phát triển văn hóa, con người, góp phần giữ gìn và phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa Huế, con người Huế.
Nhật Anh