Zingnews – Thị trường truyện tranh trong nước ngày một đa dạng, nhưng tác phẩm Việt vẫn có phần lép vế so với truyện ngoại nhập. Đại diện các đơn vị xuất bản bàn hướng phát triển thị phần.
Không được bùng nổ bằng truyện tranh Nhật Bản, nhưng truyện tranh Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có chỗ đứng nhất định tại thị trường nước nhà.
Chiêu Hoàng Kỷ là truyện tranh cổ trang được lấy cảm hứng từ cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng. Ảnh: Comicola. |
Thị trường tiềm năng
Một số tác phẩm trở thành những tượng đài truyện tranh như Thần đồng đất Việt, Tý Quậy, Dũng sĩ Hesman… Những năm gần đây, truyện tranh Việt Nam ngày càng đa dạng đề tài: từ cổ trang (như Chiêu Hoàng Kỷ), giả tưởng kỳ bí (như Truyện ma sau 6 giờ), tới tình cảm nam-nam (như Yêu quái nhỏ vận áo tấc xanh) truyện hài hước (như Bad Luck). Một số tác phẩm được lan tỏa rộng trên mạng xã hội, như Mèo Mốc của Đặng Quang Dũng, Bad Luck của Nguyễn Huỳnh Bảo Châu và Ếch Ộp của Nguyễn Hưng.
Không nhiều truyện tranh của tác giả Việt đạt số lượng phát hành lớn. Nhìn vào thị trường, truyện tranh Việt thường phải nhường sân cho truyện ngoại. Dù vậy, hiện nay đã có những đơn vị nhận biết tiềm năng của thị trường và bắt đầu chú ý, đầu tư cho các tác giả, họa sĩ Việt nhiều hơn. Nỗ lực tạo điều kiện cho các sản phẩm mang đậm tinh thần dân tộc cho thấy một tương lai rộng mở cho các họa sĩ vẽ truyện tranh tại Việt Nam.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Comicola (đơn vị chuyên phát hành truyện tranh) cho biết thị trường truyện tranh Việt Nam có tiềm năng lớn. Theo ông Dương, độc giả Việt rất muốn ủng hộ, thưởng thức các tác phẩm của các tác giả Việt Nam.
“Với dân số lớn, tuổi đời trẻ, và độ tiếp cận truyện tranh ở mức độ cao, thị trường truyện tranh Việt Nam chắc chắn là mảnh đất màu mỡ để các đơn vị sản xuất truyện tranh khai thác”, ông Dương nhận định.
Ông Đặng Cao Cường, biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng, cho rằng truyện tranh Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển và còn cần học hỏi nhiều từ các quốc gia khác, nhưng không hề lép vế.
“Việt Nam vốn không thiếu các họa sĩ tài năng và có cá tính riêng. Nhưng họ chưa có được sự hỗ trợ của một ekip tốt, dày dặn kinh nghiệm nên chưa phát huy được hết khả năng của mình”, trưởng ban truyện tranh Nhà xuất bản Kim Đồng nói.
Chung quan điểm này, ông Dương cho rằng hiện tại Việt Nam cần có nhiều hơn đơn vị khai thác và sản xuất truyện tranh nước nhà.
Truyện tranh hợp tác Việt – Nhật: Sơn, Goal!. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Học tập, hợp tác với nước ngoài để phát triển thị trường nội địa
Để phát triển thị trường trong nước, ông Đặng Cao Cường cho rằng ngành công nghiệp truyện tranh Việt Nam cần học tập nước ngoài, nhất là mô hình làm việc, cách thiết lập một ekip sản xuất bài bản và chuyên nghiệp.
Một guồng máy bài bản từ khâu lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, cho đến khi tạo hình, dàn phối cảnh, và các khâu kỹ thuật khác là rất quan trọng để quá trình sản xuất truyện tranh được trơn tru, tạo điều kiện tốt cho các tác giả hoạt động sáng tạo.
“Khó khăn ở đây là các nhân tố trong một guồng máy này chưa có nhiều cơ hội gặp gỡ hay tìm được tiếng nói chung để cùng cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh”, ông Cường chia sẻ.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng việc các họa sĩ phải tự thân vận động, chưa có nhiều công ty hay nhà xuất bản đỡ đầu (do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan) cũng là một khó khăn. Điều này khiến đứa con tinh thần của các tác giả khó đi được đường dài.
Mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Kadokawa đã có dịp hợp tác với nhau, cho ra mắt tác phẩm truyện tranh hợp tác Việt – Nhật mang tên Sơn, Goal!. Tại buổi ra mắt tập 1 của bộ truyện, biên tập viên Đặng Cao Cường cho biết đây là một cơ hội tốt để đội ngũ của Nhà xuất bản Kim Đồng học hỏi quy trình làm việc của Nhật Bản – một quốc gia có nền văn hóa truyện tranh lâu đời và phát triển mạnh mẽ.
Với bộ truyện này, đội ngũ Nhà xuất bản Kim Đồng đã tham gia làm việc với đối tác Nhật từ khâu lên ý tưởng, cố vấn họa sĩ trong quá trình sáng tác tới khâu in ấn, phát hành.
Sự kiện này cũng mở ra một cách cửa giao lưu giữa 2 nền văn hóa, tạo điều kiện để các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam có thể được giới thiệu tới độc giả Nhật Bản và thế giới sau này.
Truyện tranh Việt Nam chắc chắn lép vế hơn rất nhiều truyện tranh trong khu vực. Điều hành công ty truyện tranh, ông Dương nhận thấy việc cạnh tranh với các nền truyện tranh có tuổi đời 40, 50 năm của Nhật Bản, Hàn Quốc là điều khó khăn.
Truyện tranh Việt Nam xuất phát sau manga của Nhật hay comic của Mỹ nhiều năm, thị phần truyện tranh trong nước cũng được bao phủ bởi các tác phẩm truyện tranh ngoại nhập. Ông Dương nghĩ rằng để truyện tranh nội địa phát triển và giành lại thị phần, cần nhiều nỗ lực và thời gian.
Bản thân Comicola luôn cố gắng làm tốt các tác phẩm họ phát hành. Tuy nhiên, việc phát triển truyện tranh Việt cần sự chung tay của nhiều đơn vị và cần cả sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước.
“Một đơn vị tư nhân độc lập như Comicola chắc chắn không thể một mình phát triển truyện tranh Việt. Chúng tôi rất hy vọng, trong tương lai sẽ có sự tham gia phát triển nền truyện tranh Việt Nam từ nhiều các đơn vị xuất bản trong nước, có sự ủng hộ và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Dương chia sẻ.
Biên tập viên Đặng Cao Cường cho biết Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn luôn tìm kiếm nguồn bản thảo và tạo cơ hội cho những họa sĩ trẻ có thể phát hành những tác phẩm tâm huyết.
Ông Cường nói: “Chúng tôi cũng quan tâm, xây dựng những ekip truyện tranh tốt để tạo ra nhiều tác phẩm mới (biên tập viên và họa sĩ sẽ cùng nhau đồng hành) có những cơ chế và đãi ngộ tốt, khuyến khích các họa sĩ trẻ theo đuổi đam mê, và chia sẻ những kinh nghiệm có được từ quá trình làm việc với đội ngũ, ekip từ Nhật Bản”.
Minh Hùng