GD&TĐ – Một câu hỏi khó, mà sau bao thế kỉ các đáp án gần như chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu khám phá của công chúng.
Giám tuyển Trần Lương (thứ hai từ trái sang) và các nghệ sĩ trẻ. (Ảnh Nguyễn Xuân Hoàng).
Chỉ ra nguồn gốc và đưa ra các luận điểm chứng minh sự ra đời của nghệ thuật, sẽ được nghệ sĩ – curator nổi tiếng Trần Lương thông qua một Talk nghệ thuật vào ngày 4/7 tới tại Hà Nội.
Dấu hỏi lớn về nguồn gốc nghệ thuật
Sau rất nhiều hội thảo, đánh giá tác động của nghệ thuật đối với xã hội, các chuyên gia đồng ý với nhau về giải thích thời gian nghệ thuật xuất hiện. Theo đó thời điểm nghệ thuật xuất hiện có từ thời xã hội nguyên thuỷ.
Thời đại đồ đá với nghệ thuật hang động cùng những bức vẽ, trạm khắc, tượng đá… biểu hiện cho đời sống săn bắt, hái lượm cũng như tư duy con người.
Giả thuyết này do Aristotte khởi xướng. Ông nói rằng, sự bắt chước của nghệ thuật lấy thế giới tự nhiên bắt chước, tái tạo lại các hiện tượng tự nhiên xã hội. Thuyết này, các chuyên gia cho rằng chỉ đúng về cảm nhận khách quan các hiện tượng tự nhiên mà nghệ thuật phản ánh, tác động ảnh hưởng biểu hiện qua cảm xúc.
Thuyết thứ hai, nghệ thuật ra đời từ trò chơi du hý, do sự hứng khởi của con người nghĩ ra những trò chơi bởi thời gian giải trí dư thừa. Thuyết này, phát xuất ở phương Tây từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên trước đó tại Việt Nam, đại thi hào Nguyễn Du có hai câu thơ trong Truyện Kiều gần như một sự trùng lặp: “Lời quê chấp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Nguyễn Du quan niệm thơ ca là nghệ thuật mua vui du hý, làm phong phú tâm hồn con người, tâm sự cùng công chúng. Thuyết này, nhìn vào giá trị nghệ thuật xảy ra các hiện tượng mê hoặc người đọc, người xem hào hứng quên những vất vả bức xúc đời thường, thậm chí âm nhạc giúp mọi người giải trí trực tiếp tại chỗ.
Tại Việt Nam, thuyết tổng sinh lực và sinh lực thừa do một nhóm biên soạn sách giáo khoa cho là học thuyết riêng của bộ môn Nghệ thuật học – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất.
Theo nhóm biên soạn, thuyết tổng sinh lực và sinh lực thừa, lý giải nguồn gốc nghệ thuật một cách khoa học và đầy đủ. Thuyết này, tiếp thu tất cả thuyết trước đây, họ đưa các thuyết đó vào hệ thống của mình để làm nổi bật nguồn gốc cơ bản nhất của nghệ thuật.
Thuyết tổng sinh lực và sinh lực thừa, dựa trên luận cứ cho rằng, nguồn gốc nghệ thuật là con người khi đạt tới trình độ sáng tạo trong lao động bền bỉ đến lúc làm ra sinh lực thừa. Một nguồn sinh lực trên mức đáp ứng nhu cầu sống sinh học, nảy sinh nhu cầu sống thẩm mỹ. Khi đó nghệ thuật từ cái thực dụng bước ra, tạo nên một hiện tượng độc đáo chỉ riêng loài người mới có.
Ngoài ra, còn một số giả thuyết khác cho rằng, nguồn gốc nghệ thuật sinh ra từ lao động, hay do những người có năng khiếu đặc biệt. Tuy nhiên, gần như các thuyết không đáp ứng tròn vẹn tư duy khám phá của công chúng, nên sự dở dang của các giải thích vẫn bị bỏ ngỏ và trở thành dấu hỏi lớn.
Talk nghệ thuật tìm về nguồn gốcBuổi trò chuyện về “Nguồn gốc nghệ thuật” nằm trong chuỗi Art talk có tên “Flowing/Chảy”, bắt nguồn từ thái độ thuận tự nhiên mang hơi thở thuyết vô vi của Lão Tử. Talk nghệ thuật giúp công chúng tiếp cận với những kiến thức nền tảng về nguồn gốc nghệ thuật cũng như điều cốt yếu để tạo nên “nghệ sĩ” và “tác phẩm nghệ thuật”.
Liên quan đến câu hỏi về nguồn gốc của nghệ thuật, nghệ sĩ nổi tiếng Trần Lương sẽ có buổi trò chuyện đưa công chúng nhập hòa vào dòng chảy của nghệ thuật.
Trần Lương được biết đến với vai trò là một nghệ sĩ thị giác, curator độc lập, tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian cho nghệ thuật đương đại mang tính phản biện ở Việt Nam.
Các tác phẩm của Trần Lương luôn gắn liền với các kinh nghiệm địa phương, mang tính xã hội phức tạp. Ông còn là một cố vấn luôn sẵn sàng giúp đỡ lớp trẻ, vượt lên khỏi những ý niệm định khuôn về thực hành, khuyến khích nghệ sĩ nới rộng đường biên sáng tác…
Nghệ thuật của Trần Lương tập trung vào sự bền bỉ của con người như một cách thức tiếp sức. Ông cống hiến rất nhiều công sức vào việc phát triển các không gian nghệ thuật, đề xuất dự án, tạo dựng mạng lưới và các cộng đồng tập trung vào nghệ thuật trình diễn và video art ở Việt Nam.
“Tôi trở thành curator vì bao năm nay, họa sĩ chúng tôi đã phải làm việc trong một môi trường thiếu chuyên nghiệp, chứ nếu để mưu cầu danh lợi thì ở Việt Nam, đây là nghề… không ăn lương”, nghệ sĩ Trần Lương cho biết.
Nhiều họa sĩ kể, họ đã từng chứng kiến có những triển lãm đến sát ngày khai mạc phía tổ chức mới cuống lên vì số tranh không đủ hoặc tranh kém chất lượng. Đó là do toàn bộ khâu tổ chức chỉ đơn giản là gửi thông báo và thu lượm tranh.
Trần Lương bắt đầu “hành nghề” từ những năm 1997 – 1998, trở thành một curator đặc biệt – một giám tuyển uy tín. Trong một cuộc triển lãm, nếu ví các họa sĩ như những thành viên của một dàn nhạc giao hưởng thì curator chính là nhạc trưởng, người phải luôn bảo đảm sự cộng hưởng hoàn hảo giữa các nhạc công.
Bản thân thực hành nghệ thuật phong phú và sâu sắc, thế nên góc nhìn của Trần Lương về nghệ thuật và nguồn gốc ra đời của nghệ thuật cũng thật khác lạ. Ông nói rằng, trước đây họa sĩ vẽ tranh với một trái tim trong sáng, ngày thì đi làm, đêm sáng tác. Nhưng khi nền kinh tế thị trường ào tới, thì cuộc sống của nghệ sĩ thay đổi hẳn… và tự nhiên nghệ thuật lại đi theo một hướng khác.