(Thương gia và Thị trường) – Sau một năm dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội lao đao, nhiều gia đình mãi mãi mãi không còn đủ thành viên, điều mà cặp vợ chồng doanh nhân vàng trong làng nhôm Việt Nam – TS Đoàn Văn Cường – Trần Thị Huấn – Giám đốc Công ty TNHH Nhôm Nam Sung cầu mong nhất trong Tết này là nhà nhà, người người có thật nhiều sức khỏe để làm việc, cống hiến cho xã hội.
Tết năm nay có lẽ về sớm hơn mọi năm với gia đình ông Đoàn Văn Cường và bà Trần Thị Huấn, khi ước mong xây dựng một nhà máy tại quê hương của người sáng lập ra Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam đã thành hiện thực. Cách Tết Nguyên đán nửa tháng, lễ khởi công nhà máy sản xuất thanh nhôm định hình tại mảnh đất quê hương Vụ Bản -Nam Định của TS Đoàn Văn Cường đã diễn ra suôn sẻ và chỉn chu. Bên cạnh ông, người vợ hiền – một phụ nữ đôn hậu, duyên dáng, cũng là một doanh nhân thành đạt, bà Trần Thị Huấn đã không quản khó khăn, vượt qua nhiều cản trở của đại dịch Covid-19 để đồng hành và san sẻ vui buồn với chồng.
Xuân về với tổ ấm kẻ Bắc người Nam
Gần 40 năm làm dâu Nam Định, bà Trần Thị Huấn không nhớ nổi đã đi đi về về bao chuyến máy bay giữa hai miền Nam – Bắc. Hai vợ chồng gặp nhau ở phương Nam, cùng nhau gây dựng cơ đồ như ngày hôm nay, biết bao vui buồn đã cùng trải qua.
Những ngày giáp Tết Nhâm Dần, hai vợ chồng bà trở về Nam Định để thực hiện các khâu cuối cùng cho lễ khởi công nhà máy sản xuất thanh nhôm định hình – một chi nhánh của Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam tại Long An. Trong không khí Xuân đang cận kề, bà thấy Tết đã gõ cửa trong niềm hạnh phúc của chồng bà – một người con xa quê được trở về cống hiến cho quê hương lan tỏa đến anh em, bạn bè, họ hàng…
Nữ doanh nhân Trần Thị Huấn là một người con của đất võ Bình Định. Người Bình Định vốn mộc mạc, cần cù, giản dị, nhân ái nhưng vô cùng kiên cường, dũng cảm và đặc biệt rất khảng khái, hào hiệp. Phẩm chất tuyệt vời đó đã hun đúc nên tinh thần thượng võ cũng như tinh thần “thép” vô cùng bền bỉ cho những người con Bình Định muốn vươn lên làm giàu. Còn TS Đoàn Văn Cường – vốn sinh ra ở làng rèn Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), lớn lên trong tiếng đe, tiếng búa, rồi cái liềm, cái cuốc…, lúc nào cũng cần cù, chịu khó, ham học hỏi để vươn lên.
Ước mong về một cuộc sống sung túc, ông Cường quyết tâm rời quê vào Nam lập nghiệp năm 1979. Rồi duyên số đưa đẩy, ông gặp vợ mình – một cô gái năng động, nhiệt thành từng bán lẻ phụ tùng xe máy ở chợ “lạp son” Tân Thành – ngôi chợ nổi tiếng bán phụ tùng xe máy ở TP.HCM.
Nên nghĩa vợ chồng, hai người chung sức tạo lập doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Tiến Cường – nhà phân phối độc quyền sản phẩm ngành nhôm tại miền Nam. Rồi ông bà tiến tới thành lập Công ty TNHH Đoàn Tiến Cường tại Đà Nẵng, trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm ngành nhôm tại Miền Trung. Mỗi bước đi tự tin của cặp vợ chồng “vàng” trong làng nhôm Việt Nam đều khiến giới doanh nhân trong nước phải trầm trồ thán phục.
Năm 2014, Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam chính thức ra đời là kết tinh bao năm lăn lộn trong nghề của cặp trai tài gái sắc – kẻ Bắc người Nam. Nhà máy Nhôm Nam Sung rộng hơn 20 ha được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 25 triệu USD tại Lô N1-3, Đường số 2, KCN Hải Sơn, ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Công ty Nam Sung đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy công suất hơn 15000 tấn sản phẩm/năm, với hệ thống máy móc dây chuyền hiện đại, tự động hoá cao của các nước cung cấp công nghệ sản xuất nhôm tiên tiến trên thế giới như CHLB Đức,… sản xuất ra những sản phẩm tiên tiến phục vụ các công trình xây dựng, công trình dân dụng như: cửa sổ, cửa đi, cửa cuốn, tủ, vách mặt dựng, sản phẩm nhôm công nghiệp…
Tháng 9/2020, doanh nhân Trần Thị Huấn và ông Đoàn Văn Cường được phong tặng danh hiệu Tiến Sĩ danh dự từ Đại học Apollos – Mỹ vì đã có những cống hiến nghiên cứu tạo dựng và vận hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung, với mục tiêu Nâng tầm chất lượng Nhôm Việt. Vợ chồng ông bà cũng được UNESCO trao tặng Bảng Vàng Gia tộc Doanh nhân Đạo đức toàn cầu vì có những đóng góp lớn cho ngành nhôm Việt Nam.
Sau tất cả, hai vợ chồng ông Cường bà Huấn trở về quê nhà, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp để xây nhà máy thứ hai cho công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam. Nhà máy thứ hai với tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất rộng gần 10 hecta ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã làm lễ khởi công ngày 14/1/2022.
Nhà máy thứ hai của Công ty Nhôm Nam Sung ra đời không chỉ với mang theo khát vọng sung túc, thoát nghèo của riêng cặp vợ chồng bà Trần Thị Huấn- ông Đoàn Văn Cường mà còn thực hiện mong muốn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm công nhân, người lao động nghèo ở Vụ Bản, Nam Định, hồi sinh nền kinh tế quê nhà cũng như nền kinh tế đất nước sau 2 năm bị dịch Covid-19 hoành hành.
“Bản song ca” của hai trái tim nhân ái
Vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, song hành cùng nền kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, nhà máy Nhôm Nam Sung đã và đang trở thành niềm tự hào của sản phẩm Việt, chất lượng Việt. Thương hiệu Nam Sung không chỉ đi đầu trong chất lượng và uy tín mà còn nổi tiếng bởi hai trái tim nhân ái, tràn đầy yêu thương của TS Đoàn Văn Cường và TS Trần Thị Huấn.
Công ty Nam Sung luôn sẵn sàng thực hiện trách nhiệm xã hội, chi hàng tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện ý nghĩa. Đợt dịch Covid-19 hoành hành ở miền Nam, hai vợ chồng bà Trần Thị Huấn đã đồng hành cùng Viện Nghiên cứu nhân tài nhân lực, Tạp chí Thương gia và thị trường… thực hiện nhiều chuyến từ thiện ý nghĩa như ủng hộ miền Trung lũ lụt, hỗ trợ miền Nam thân thương chống dịch… Với trọng trách là Trưởng ban Kinh tế Viện Khoa học nghiên cứu Nhân lực Nhân tài, có nhiều đóng góp cho các hoạt động từ thiện ý nghĩa, tháng 9/2020, cặp vợ chồng vàng trong làng nhôm được trao tặng “Bảng Vàng Ghi Danh” trong việc thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương trên cả nước.
Hàng chục năm qua, biết bao ngôi chùa đã in dấu bước chân hai vợ chồng bà Huấn, bao ngôi trường nhỏ, bao ngôi nhà tình thương được dựng xây dành tặng những gia đình nghèo khó khăn… Hai vợ chồng ông Cường bà Huấn luôn tâm niệm sống trên tinh thần đoàn kết “Tương thân tương ái”, luôn quan tâm, giúp đỡ người lao động, chung tay giúp đỡ những hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, học sinh nghèo vượt khó ở nhiều địa phương trên cả nước.
Với bà Trần Thị Huấn, muốn lớn mạnh, doanh nghiệp phải có bản sắc riêng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững thì cần phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp có bản sắc riêng.
Còn với nhiều đối tác, khách hàng trong và ngoài nước, bản sắc riêng của Nam Sung là uy tín bền vững, lòng nhân ái, sự bao dung của những người lãnh đạo, luôn sẻ chia khó khăn với người lao động và những phận đời nghèo khổ khắp cả nước.